Việt Nam chưa thực tâm chống buôn người
Date: Wednesday, April 14 @ 08:20:45 EDT
Topic: Chống Buôn Người


BPSOS: Việt Nam Vi Phạm Điều Kiện GSP

 

Trong văn thư gửi cơ quan đặc trách vấn đề mậu dịch quốc tế của Hoa Kỳ, một tổ chức người Việt cảnh báo rằng chương trình xuất khẩu lao động của Việt Nam hiện nay ngăn cấm công nhân không được tham gia công đoàn và nghiệp đoàn ở quốc gia tiếp nhận, một vi phạm trầm trọng về điều kiện để được hưởng quy chế mậu dịch đặc biệt với Hoa Kỳ.

 

Quốc gia hưởng Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập, gọi tắt là GSP trong tiếng Anh (Generalized System of Preferences), được miễn thuế trên hàng ngàn mặt hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ. Quy chế này được thiết lập bởi Đạo Luật Mậu Dịch ban hành năm 1974 nhằm giúp đỡ các quốc gia chậm phát triển.

 

Quốc gia muốn hưởng quy chế này phải hội đủ một số điều kiện căn bản, trong đó có quyền của công nhân tham gia nghiệp đoàn, quyền tự tổ chức và quyền điều đình tập thể nhằm tự bảo vệ quyền lợi.   



“Hợp đồng mà mọi công nhân phải ký để được đi lao động ngoài nước đều có điều khoản cấm không được tham gia nghiệp đoàn ở quốc gia tiếp nhận”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, viết trong văn thư đề ngày 13 tháng 4, 2010 gửi Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, trực thuộc Văn Phòng của Tổng Thống.

 

Trong 2 năm qua Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA, đã thu thập được nhiều bản hợp đồng của công nhân cho thấy đây là tình trạng phổ biến chứ không phải do một hai công ty xuất khẩu lao động làm sai. BPSOS là đồng sáng lập viên và là thành viên của Liên Minh này.

 

Theo Ts.Thắng, điều khoản cấm đoán này thường cũng vi phạm luật của quốc gia tiếp nhận. Chẳng hạn như luật Mã Lai cho phép công nhân ngoại quốc tham gia các nghiệp đoàn bản xứ.

 

“Chúng tôi yêu cầu Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ điều tra vấn đề này trong bối cảnh cứu xét đơn của Việt Nam xin hưởng quy chế GSP”, Ts. Thắng viết.

 

Ông đề nghị Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ Việt Nam ra lệnh vô hiệu hoá điều cấm này trong tất cả các hợp đồng cũ và loại trừ điều này trong các bản hợp đồng mới.

 

Ngoài ra, Ts. Thắng cũng chỉ ra những điểm vi phạm nhân quyền trong các bản hợp đồng, như là cấm công nhân không được có quan hệ tình cảm với người bản xứ, không được lấy người bản xứ, thậm chí không được có thai.

 

Một trọng tâm của Liên Minh CAMSA trong năm 2010 là vận động quốc tế để thúc đẩy Việt Nam tôn trọng các tiêu chuẩn tối thiểu về chống buôn người, gồm có ban hành luật chống buôn người và ký Nghị Định Thư của Liên Hiệp Quốc về chống buôn người.

 

Theo Ts. Thắng, các điều khoản trong hợp đồng nhằm hạn chế quyền của người lao động ngoài nước tăng rủi ro bóc lột và buôn lao động.   







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1861