Vì Cộng Đồng và Đất Nước
Date: Saturday, April 10 @ 13:50:31 EDT
Topic: Quan Điểm


Vấn Đề Và Giải Pháp

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Thói thường, thấy vấn đề dễ hơn tìm giải pháp. Vấn đề dễ thấy vì nó đã xẩy ra hoặc đang thể hiện sờ sờ quanh ta. Trong khi đó giải pháp đòi hỏi phóng tầm nhìn đến một tương lai vô định. Dùng một ví dụ dễ hiểu, chúng ta có thể kiểm toán lùi sâu về quá khứ một cách chính xác miễn là có ghi lại từng khoản chi và thu; còn dự phóng ngân sách tương lai thì khó chính xác, nhất là khi tương lai ấy lại ở xa mịt mù.

 

Điều này dẫn đến tình trạng khá phổ biến trong chúng ta là đặt vấn đề nhưng không đưa ra giải pháp. Để phối kiểm, chỉ cần lướt qua các diễn đàn internet tiếng Việt bất cứ ngày nào. Phanh phui, phân tích, chỉ trích thì rất nhiều. Còn như đưa ra giải pháp thì chẳng bao nhiêu.

 

Dĩ nhiên, đặt vấn đề là cần thiết, để mọi người biết. Phân tích vấn đề cũng cần thiết, để mọi người hiểu. Tuy nhiên ngưng ở đó thì sự biết và hiểu trở thành vô ích. Chẳng khác nào đổ công nghiên cứu về một chứng bệnh chỉ để tăng sự hiểu biết chứ không có ý tìm cách chữa trị. Đó lại chính là tình trạng rất phổ cập trong chúng ta từ 35 năm qua.



Qua internet tôi thấy rất nhiều bài viết về các vấn để ở Việt Nam, từ mỏ bauxite đến nạn tham ô, từ dân oan đến đàn áp tôn giáo, nhưng lại không mấy khi thấy đề nghị giải pháp khả thi nào để giải quyết hay thay đổi tình thế xấu xa và nguy hiểm ấy cho dân tộc Việt Nam. Có vẻ như nhiều người ngụ ý rằng giải pháp độc nhất hay tốt nhất là thay đổi chính quyền. Nhưng đó chỉ là ý muốn chứ không phải là giải pháp, giống như hô lên "hãy lành bệnh" và mong rằng bệnh tự nó sẽ lành.

 

Trong nội bộ cộng đồng cũng vậy. Ngày nào cũng có biết bao sự chỉ trích, công kích lẫn nhau vì bất đồng quan điểm. Và rồi người ủng hộ phe này, người nhập cuộc phe kia. Tình trạng ngày càng thêm hỗn độn. Rồi tâm lý cá nhân dựng lên những bức tường chắn làm cho mọi bên chỉ thấy hơn thua, chứ không còn dùng lý trí để tìm giải pháp cho những mâu thuẫn hay xung đột--điều căn bản và cần thiết cho một xã hội dân sự lành mạnh.

 

Một giải pháp đích thực thì phải có mục tiêu cụ thể trung và ngắn hạn để hướng dẫn hành động, những mốc điểm để phối kiểm thành quả, và một lộ trình dẫn đến từng mốc điểm. Có vậy chúng ta mới thực thi được giải pháp và đo lường được mức tiến triển của công việc, và mới đánh giá được mức hiệu quả thực tế của giải pháp để rồi thay đổi sách lược hay phương cách thực hiện nếu cần. Tiến trình này có thể ví như một đoàn người đang lạc giữa cánh rừng hoang vu. Bị lạc là vấn đề. Thoát ra khỏi cánh rừng là ý muốn. Vạch ra kế hoạch để định hướng, ấn định phần ăn và nước uống, tìm nơi trú ẩn khi về đêm, truyền thông để cầu cứu và phân nhiệm cho mỗi người trong đoàn, thì đó là giải pháp. Ngược lại, người trong đoàn chỉ lo cãi cọ về lỗi tại ai làm cho cả đoàn đi lạc, thì chắc chắn không thể thoát ra khỏi cánh rừng.  

 

Tập cho mình và cho nhau tinh thần và tập quán hướng về giải pháp (solution oriented) sẽ giúp cho cá nhân thăng tiến về khả năng lãnh đạo và tập thể tạo được sự hài hoà để cùng nhau giải quyết hay giải toả một vấn đề. Dĩ nhiên không phải ai ai cũng đồng ý về một giải pháp. Chính đó lại là điều hay, vì khi thử nghiệm nhiều giải pháp khác nhau thì sẽ tăng triển vọng thành công, cách này hỏng thì còn cách khác.

 

Nhờ tập quán và tinh thần hướng về giải pháp mà dân tộc Hoa Kỳ đã phát triển nhanh và mạnh. Từ những mâu thuẫn đầy rẫy giữa các khuynh hướng khác nhau trong thời buổi lập quốc đã nẩy sinh ra thể chế dân chủ liên bang có một không hai. Ttườc nguy cơ Đức Quốc Xã thống trị toàn cõi Âu Châu, chỉ trong vòng vài năm một đội quân tình nguyện vốn thiếu kinh nghiệm chiến trường đã chuyển mình thành một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Trong đời sống hàng ngày, trước những vấn đề lớn hay nhỏ, người Mỹ đi tìm giải pháp thay vì ngồi yên để nguyền rủa bóng tối. Cũng chính vì vậy mà Hoa Kỳ, một nước rất non trẻ vêàtuổi đời, luôn dẫn đầu về các phát minh và chiếm nhiều giải Nobel nhất.

 

Đó là điều mà chúng ta, nhất là những người đang sinh sống ở Hoa Kỳ, có cơ hội và cần học hỏi nếu thực tâm muốn đóng góp cho sự phát triển cộng đồng và thay đổi Việt Nam.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1860