Vì Cộng Đồng và Đất Nước
Date: Friday, April 09 @ 18:59:57 EDT
Topic: Quan Điểm


Khía Cạnh Nhân Quyền Trong Chính Sách Mậu Dịch Của Hoa Kỳ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Ngày 18 tháng 4, 2008 chính quyền Việt Nam nộp đơn xin quy chế Generalized System of Preferences (GSP) (Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập) để được miễn thuế trên hàng ngàn mặt hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ, chiếu theo Đạo Luật Mậu Dịch (Trade Act) ban hành năm 1974. Bắt đầu thi hành ngày 1 tháng Giêng, 1976, đạo luật này thể hiện chính sách của Hoa Kỳ nhằm đặc biệt giúp đỡ các quốc gia đang phát triển có được những thuận lợi trong lãnh vực tăng trưởng kinh tế quốc gia.

 

Sau khi nộp đơn xin hưởng quy chế GSP, chính quyền Việt Nam đã gia tăng nỗ lực đạt quy chế Quan Hệ Mậu Dịch Bình Thường Vĩnh Viễn với Hoa Kỳ và gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (WTO) vì đây là hai trong số điều kiện tiên quyết cho quy chế GSP đối với một quốc gia cộng sản.

 

Sau khi thoát qua cửa ải này Việt Nam còn phải đáp ứng thoả đáng những điều kiện áp dụng đồng đều cho mọi quốc gia, trong đó có một số điều kiên liên quan, dù là gián tiếp, đến nhân quyền và xã hội dân sự, và một số điều kiện đòi hỏi sự công bằng trong mậu dịch. Dưới đây là một số điều kiện cần lưu tâm.

 

Đọc hồ sơ xin GSP của Việt Nam.

 



Tôn Trọng Quyền Của Người Lao Động: Việt Nam phải tôn trọng các quyền của người lao động được quốc tế công nhận, bao gồm quyền tự do lập hội, quyền tổ chức và điều đình tập thể, không bị lao động bắt buộc, mức tuổi ấn định tối thiểu cho lao động vị thành niên, và điều kiện lao động khả chấp về mức lương tối thiểu, giờ làm việc, và điều kiện an toàn và sức khoẻ nơi làm việc.

 

Công Bằng Trong Mậu Dịch: Việt Nam phải bảo đảm với Hoa Kỳ về mức tiếp cận thị trường công bằng. Điều này áp dụng cả cho văn hoá phẩm.

 

Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Trí Tuệ: Việt Nam phải bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có tác quyền.

 

Dĩ nhiên trong đơn nộp cho Hoa Kỳ, Việt Nam xác nhận rằng đã thực thi đầy đủ các đòi hỏi trên. Chẳng hạn về quyền của người lao động thì Việt Nam khẳng định rằng chính quyền đã “tạo ra nhiều cơ hội cho các tổ chức tư nhân tham gia vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” và “tất cả các tổ chức này đã góp phần đáng kể giúp cho việc quyền lao động được bảo vệ tốt hơn, cả trong luật và trong thực tế”. Thực ra điều kiện của Hoa Kỳ đòi hỏi người lao động phải có quyền tự do thành lập các nghiệp đoàn độc lập với chính quyền chứ không phải là thành lập “tổ chức tư nhân” để rồi sinh hoạt dưới Tổng Liên đoàn, một cơ chế của nhà nước. Không những vậy, trong các bản ký hợp đồng đi lao động ngoài nước, người lao động bị cấm không được tham gia nghiệp đoàn-một vi phạm nghiêm trọng đối với điều kiện của Hoa Kỳ. Chính vì điều vi phạm này mà cho đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa cứu xét cấp quy chế GSP cho Việt Nam. 

 

Cũng vậy, Việt Nam tuyên bố là đã mở cửa thị trường và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Trên thực tế thì chính quyền Việt Nam dùng kiểm duyệt để ngăn cản một số văn hoá phẩm (như dĩa DVD của Paris By Night) và đồng thời dung túng cho dịch vụ bán dĩa lậu tràn lan khắp nước.

 

Trong thời gian qua những điều trên được nhiều vị dân biểu Hoa Kỳ, đặc biệt là DB Cao Quang Ánh, chú ý và lên tiếng. BPSOS cũng đã phối hợp với một số tổ chức để thu thập dữ kiện nhằm thông tin chính xác cho các giới chức thẩm quyền của Hoa Kỳ về tình hình thực tế ở Việt Nam có nhiều khác biệt so với những điều nêu ra trong đơn xin hưởng quy chế GSP.

 

Tuy nhiên, làm như vậy chưa đủ. Điều quan trọng là chính những người bị ảnh hưởng phải đóng vai trò chủ yếu trong tiến trình cứu xét đơn. Chẳng hạn, những người lao động trong nước cần hiểu về các điều kiện của Hoa Kỳ, và chính họ cần có cơ hội lên tiếng trực tiếp với giới chức thẩm quyền của Hoa Kỳ để trình bày thực tế mà họ đang trải nghiệm. Cũng vậy, trong vấn đề mậu dịch, các công dân và công ty Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách kiểm duyệt và nạn bán lậu văn hoá phẩm cần có tiếng nói trực tiếp với các giới chức Hoa Kỳ.

 

Nếu biết vận dụng đúng mức các điều kiện của Hoa Kỳ cho quy chế GSP, chúng ta có thể mở ra một số cơ hội cho sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam.

  







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1859