Vì Cộng Đồng Và Đất Nước
Date: Thursday, April 08 @ 00:24:33 EDT
Topic: Quan Điểm


Tính Đại Diện Của Tổ Chức Tư Nhân

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Để hành xử hữu hiệu trong xã hội dân sự, chúng ta cần hiểu rõ về sự khác biệt giữa tổ chức tư nhân và tổ chức chính quyền. Sự lẫn lộn về tính đại diện của hai loại tổ chức này dễ dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết, và có thể là vi luật, trong cộng đồng chúng ta.

 

Các cơ chế chính quyền, từ địa phương đến tiểu bang đến liên bang đều có thẩm quyền đại diện cho người dân trong vùng để làm chính sách hay thực hiện chính sách. Hễ ai sống trong vùng hay quốc gia thì phải chấp nhận tính đại diện này. Nếu không đồng ý thì dọn ra khỏi vùng, hay khỏi quốc gia. Theo nguyên tắc đó, chúng ta dù không bỏ phiếu cho một tổng thống, một thống đốc hay một thị trưởng nhưng giới chức dân cử này vẫn có chức năng và thẩm quyền đại diện cho chúng ta.

 

Tổ chức tư nhân, kể cả công ty doanh nghiệp hay hội đoàn bất vụ lợi, không có tính đại diện ấy. Các tổ chức này chỉ có thể đại diện cho những ai tình nguyện ghi danh làm hội viên, và cũng chỉ đại diện cho người đó thôi chứ không được nới rộng quyền đại diện đến bất kỳ ai khác trong gia đình của người đó. Không những vậy, tổ chức tư nhân chỉ được đại diện cho hội viên trong phạm vi hiến chương của hội. Chẳng hạn, một tổ chức bảo vệ thú vật thì không thể nhân danh hội viên để lên tiếng về những vấn đề không liên quan, như kinh tế, giáo dục, kỹ thuật, bảo hiểm sức khoẻ, di dân...

 



Hiểu được điều này sẽ giúp giải toả được nhiều mâu thuẫn và chia rẽ không cần thiết, vốn còn phổ biến trong cộng đồng của chúng ta.

 

Thứ nhất, sẽ tránh được sự đối đầu giữa hai (hay nhiều) tổ chức cùng nhận là đại diện cho cộng đồng, như đang xảy ra ở nhiều nơi, vì trước pháp luật chẳng tổ chức tư nhân nào có quyền nhận là đại diện cho cộng đồng nói chung, dù mệnh danh là Ềtổ chức cộng đồngỂ. Do đó không một tổ chức tư nhân nào có quyền án ngữ cả cộng đồng và loại trừ một tổ chức, không có quyền xem mình như bao trùm những tổ chức khác, không có quyền ngăn cản tổ chức khác thực hiện những sinh hoạt của họ, không có quyền phỉ báng gây thiệt hại cho các tổ chức khác. Làm vậy thì chẳng khác nào nhà hàng McDonald kêu gọi người tiêu thụ tẩy chay không tiêu thụ thực phẩm của nhà hàng Burger King. Làm như vậy là trái luật và chắc chắn sẽ bị Burger King kiện ngay.

 

Thứ hai, sẽ tránh được tình trạng “làm dâu trăm họ”. Vì lỡ nhận mình đại diện cho mọi người nên tự dưng người nào cắc cớ, vô tình hay cố ý hiểu sai về tính đại diện của một tổ chức tư nhân, có quyền xen vào nội bộ của tổ chức ấy. Đây chính là lý do mà nhiều tổ chức mệnh danh "cộng đồng" bị sa lầy, làm gì cũng không được: làm A thì bị vặn hỏi là sao không làm B; làm B thì bị bắt phải làm C. Và rồi có người vẫn không hài lòng lại nghĩ đến việc tổ chức bầu cử, cốt kiếm số phiếu nhiều hơn để khẳng định tư cách đại diện cộng đồng. Thực ra phiếu ít hay nhiều thì cũng chẳng có quyền áp đặt hiến chương của tổ chức lên bất kỳ ai, nếu như họ không tự nguyện tham gia hộI, và cũng chẳng có quyền phủ định tổ chức kia. Điều này dễ hiệu thôi: chúng ta không thể nào kéo nhau, dù có là cả triệu người, cùng bỏ phiếu để truất phế Ông chủ tịch hãng Microsoft và lên nắm quyền thay thế. Chỉ có cổ động viên của công ty ấy mới có quyền làm chuyện đó.

 

Ở đây có người sẽ thắc mắc, chúng tôi có tổ chức tranh cử hẳn hòi, có thông tin rộng rãi về ngày giờ cho mọi người đi bỏ phiếu. Nếu họ không thực thi quyền Ềcông dânỂ thì tự đánh mất quyền chọn người đại diện. Nghĩ như vậy là lẫn lộn với cơ chế chính quyền. Tổ chức tư nhân không có vai trò hay tư thế ấy.

 

Thế thì không có vấn đề chính danh của các tổ chức tư nhân ư?

 

Tổ chức tư nhân có thể tạo được chính danh qua thành quả. Một công ty tư nhân có thể tranh thủ được khách tiêu thụ qua phẩm chất của sản phẩm hay dịch vụ. Một tổ chức bất vụ lợi có thể tranh thủ được niềm tin và sự ủng hộ của những ai quan tâm để rồi uỷ thác cho vai trò đại diện quyền và lợi ích của họ. Đây là điểm cần lưu ý: Một tổ chức bất vụ lợi có thể, khi đã được tin tưởng, để làm tiếng nói đại diện cho một số quyền và lợi ích nào đó của một người, chứ không có quyền đại diện cho con người toàn diện, trong mọi lãnh vực.

 

Chính sự ngộ nhận về tính đại diện của một tổ chức tư nhân đã tạo nên những mâu thuẫn, xung đột, tranh cãi trong cộng đồng người Việt ở một số nơi, giữa các tổ chức cùng nghĩ rằng mình có chính danh đại diện cho mọi người Việt cư ngụ trong vùng. Thực ra, về luật, thì các phía đều bình đẳng như nhau về việc không có quyền đại diện toàn diện ấy. Nguồn cơn xung đột là do bất đồng quan điểm, và nên được giải quyết trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hợp tình, hợp lý, và hợp luật.  

 

Khi hiểu biết và tôn trọng những nguyên tắc căn bản của xã hội dân sự, lúc ấy chúng ta mới thực sự hội nhập vào được dòng chính của nền dân chủ sở tại; mới có thể trở thành một cộng đồng đoàn kết, hiếu hoà, có khả năng cùng chung tay làm việc lớn; và mới có những kinh nghiệm thực tiễn về xã hội dân sự để san sẻ với đồng bào trong nước cho một ngày mai dân chủ ở Việt Nam.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1855