Trễ Nhưng Chưa Quá Trễ
Date: Monday, June 13 @ 17:57:39 EDT
Topic: Quan Điểm


Tóm Lược Buổi Nói Chuyện Tại Hội Nghị Quốc Tế Trưởng Niên Hướng Đạo Việt Nam, tại Orlando, Florida, Ngày 2 Tháng 7, 2004

Nguyễn Đình Thắng

Tôi đến đây không phải để thuyết trình mà để khẩn cầu những
người đã có tâm thức, kinh nghiệm và môt quá trình dài lãnh đạo.
Chúng ta đứng trước một thử thách lớn và một trách nhiệm lớn.
Hãy cùng lùi lại 30 năm và dựng lại một phim cảnh như sau.


Ngày 30 tháng 4, 130 ngàn người Việt di tản đến Hoa Kỳ, để lại
đằng sau một dân tộc chìm đắm trong thảm hoạ. Trong tất cả sự hoang
mang và hỗn độn lúc ấy, có 100 người ngồi lại với nhau để lập kế
hoạch cho tương lai: Cứ mỗi một ngàn người Việt thì phải có một tổ
chức quần chúng với ít nhất hai nhân viên làm việc toàn thời để
phục vụ và bảo vệ quyến lợi.

Một trăm con người ấy, như những người con của cha Lạc Long
và mẹ Âu Cơ, chia nhau đi mỗi người một hướng. Họ thành lập nhiều
tổ chức quần chúng và giúp nhiều tổ chức khác nữa tiến dần đến
hoạt động quy củ và phát triển về quy mô. Sau một thời gian, các tố
chức này liên kết lại với nhau thành một hệ thống toàn quốc để đáp
ứng nhu cầu của những làn sóng vượt biên, tị nạn, di dân, con lai... sau
đó: cứ một ngàn người mới đến thì lai thêm môt tổ chức ra đời dưới
sự đỡ đầu của những tổ chức có sẵn.

Sau 30 năm, với một triệu rưỡi người Việt có mặt ở Hoa Kỳ thì
theo kế hoạch đã phải có 1,500 tổ chức quẩn chúng của người Việt
tràn lan khắp nơi. Và cứ cho rằng chỉ đạt được 1/3 chỉ tiêu thì nay
cũng phải có 500 tổ chức với ít ra một ngàn chuyên viên xã hội với
đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm.

Trong phim cảnh ấy, cộng đồng chúng ta đã có tiếng nói, có ảnh
hưởng, có đủ thực lực để tự bảo vệ quyền lợi và tranh đấu cho quyền
lợi của đồng bào ở trong nước. Trong phim cảnh ấy đã không xảy ra
việc đẩy thuyền nhân ra biển, đóng cửa trại tị nạn và cưỡng bách hồi
hương trong nửa đầu thập niên 1990; đã không xảy ra việc Hoa Kỳ
bang giao và rồi mậu dịch với Việt Nam cộng sản mà không hề hội ý
cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Nhưng phim cảnh ấy đã không xảy ra. Đã không có 100 người
tiên phong vào năm 1975 hay những năm sau đó. Đã không có 1,500
hay 500 tổ chức người Việt hoạt động có quy củ và quy mô. Đã
không có hàng ngàn chuyên viên đi xây dựng cộng đồng, phục vụ
và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Một thế hệ đã qua đi. Chúng ta đã trễ 30 năm. Thêm 10 năm nữa,
khi thế hệ của chúng ta lùi vào bóng tối, thì sẽ thành quá trễ.

Muốn cộng đồng vững mạnh và ngày mỗi thăng tiến, chúng ta
phải tạo đươc cả ba yếu tố: một hệ thống thưởng phạt công minh để
khuyến khích các tổ chức hoạt động tốt tiến lên, một số lượng lớn
các tổ chức quần chúng hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với nhau
trong hệ thống kể trên, và một đội ngũ các chuyên viên cộng đồng
để vừa duy trì hệ thống vừa điều hành các tổ chức. Việc tạo dựng ba
yếu tố này, từ chỗ không có gì, đòi hỏi sự am hiểu, tâm thức sâu sắc,
và tầm nhìn tổng quát về cộng đồng mà người trẻ, lớn lên và được
đào tạo ở Hoa Kỳ, khó có được.

Bởi vậy chúng ta không thể trông chờ vào hay đùn đẩy cho lớp
người đi sau. Đây là viêc và trách nhiệm của thế hệ chúng ta.
Chúng ta không thể dàn dựng lại phim cảnh của 30 năm cũ nhưng
có thể tạo nên phim cảnh của 10 năm sắp tới. Và lần này nếu chúng
ta hành động có bài bản, tôi tin rằng chỉ trong 5 hoặc 10 năm chúng ta
sẽ bắt kịp cộng đồng người Hoa hay người Đại Hàn.

Tôi xin kết thúc bằng lời kêu gọi khẩn thiết: xin hãy tự mình
đứng vào hàng ngũ tiên phong, mở con đường mới cho cộng đồng
của chúng ta, khi còn một cơ hội cuối cùng.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=182