Hiểu Biết Về Chính Trị Hoa Kỳ
Date: Saturday, January 23 @ 19:08:11 EST
Topic: Quan Điểm


Thực, Hư

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ tranh thủ được sự yểm trợ của một số chính khách Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không phải hình thức yểm trợ nào cũng có ý nghĩa ngang nhau. Chúng ta cần phân biệt giữa thực chất và biểu lộ bề ngoài.

 

Đối với người Việt chúng ta, hành động của một vị dân biểu Liên Bang có thể thẩm định qua lợi ích thực tế cho cử tri trong đời sống ở Hoa Kỳ cũng như đối với Việt Nam. Dưới đây là ba thước đo mà có thể dùng để thẩm định thực tâm và sự hữu hiệu của các hành động này.

 

Để làm ví dụ, tôi so sánh một số vị dân biểu mà tên tuổi quen thuộc với cộng đồng nguời Việt chúng ta thuộc cả hai đảng Cộng Hoà (CH) và Dân Chủ (DC): Joseph Cao (CH), Zoe Lofgren (DC), Ed Royce (CH), Loretta Sanchez (DC) và Christopher Smith (CH).



Thước đo thứ nhất là mức ngân khoản mà vị dân biểu đem về được cho cử tri gốc Việt. Dưới đây là những con số cho năm 2009, lấy từ trang mạng: <http://www.opensecrets.org/politicians/candlist.php?congno=111> (chọn tên vị dân biểu, “Other Data”, rồi “earmark”). Các con số liệt kê gồm có tổng số ngân sách, phần dành cho cử tri Việt, và tỉ lệ giữa hai con số này.

 

Joseph Cao: chưa có thông tin trên trang mạng

Zoe Lofgren: $25,404,000 tổng cộng; cử tri Việt (và Á Châu): $309,000 (1.2%)

Ed Royce: $9,471,500 tổng cộng; cử tri Việt: $238,000 (2.5%)

Loretta Sanchez: $20,853,000 tổng cộng; cử tri Việt: $0 (0%)

 

Có ba yếu tố cần lưu tâm khi so sánh. Thứ nhất, các vị dân biểu thuộc đảng đa số tại Quốc Hội (Dân Chủ trong năm 2009-2010) có lợi thế để lấy ngân sách về cho cử tri của mình. Thứ hai, lợi thế này gia tăng với mức thâm niên. Thứ ba, tỉ số ngân sách cần so sánh với tỉ số cử tri người Mỹ gốc Việt trong đơn vị. Chính bởi vậy, tôi không liệt kê DB Smith trong bảng trên vì hầu như không có cử tri gốc Việt trong vùng của ông ta.

 

Thước đo thứ hai là số đạo luật được đưa ra (mà vi dân biểu là tác giả) nhằm đáp ứng nhu cầu hay nguyện vọng của cử tri người Việt--xin lưu ý rằng đưa ra không nhất thiết là được thông qua. Dưới đây là bảng so sánh cho năm 2009, cũng lấy từ nguồn kể trên.

 

Joseph Cao: 5 (tái thiết New Orleans)

Zoe Lofgren: 0

Ed Royce: 1 (tài trợ RFA)

Loretta Sanchez: 0

Christopher Smith: 1 (Đạo Luật Nhân Quyền cho Việt Nam)

 

Có một số yếu tố cần lưu tâm. Thứ nhất, các vị dân biểu thuộc đảng đang chiếm đa số có nhiều cơ hội để đưa ra đạo luật hơn các vị dân biểu thuộc đảng thiểu số. Riêng về DB Cao, con số đạo luật đưa ra là để tái thiết New Orleans nói chung nhưng được tính kể là phục vụ cho cử tri người Việt vì có đông người Việt ở vùng này là nạn nhân bão Katrina và họ đã phải hứng chịu nhiều thiệt thòi do trở ngại ngôn ngữ và văn hoá.

 

Thước đo thứ ba là hành động can thiệp cho những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, DB Smith đã can thiệp trực tiếp cho hàng chục ngàn cựu thuyền nhân Việt Nam và nhiều trường hợp bị đàn áp ở Việt Nam được định cư tị nạn ở Hoa Kỳ. Hoặc nữ DB Lofgren đã trực tiếp can thiệp cho một cựu sĩ quan Không Quân VNCH được ở lại Hoa Kỳ. Gần đây hơn, nữ DB Lofgren và DB Cao đã hưởng ứng cuộc vận động của BPSOS để đòi Việt Nam tuân hành quyết định của toà án American Samoa và trả 3.2 triệu Mỹ kim tiền bồi thường cho các nạn nhân trong vụ buôn người sang đảo American Samoa năm 1999.

 

Trên đây chỉ là những con số cho năm 2009. Muốn công bằng, chúng ta cần nhìn lại nhiều năm về trước. Chẳng hạn, năm 2007 nữ DB Lofgren đưa ra đạo luật quốc tịch cho người lai Mỹ-Việt và năm 2005 nữ DB Sanchez đưa ra Tu Chính Án cho đạo luật ngân sách đối ngoại để không tài trợ cho Việt Nam từ ngân sách này.

 

Tôi không liệt kê các nghị quyết (resolution) là thước đo vì nghị quyết chỉ nói lên quan điểm chứ không có tính cách ràng buộc của luật pháp. Hiểu theo quan điểm "vốn chính trị" thì vị dân biểu không phải tốn kém vốn bao nhiêu để đưa ra một nghị quyết. Còn lên tiếng trên báo chí, gửi văn thư, v.v. lại càng ít tốn "vốn chính trị". Sẵn sàng chi "vốn chính trị" nói lên thực tâm của vị dân biểu dành cho một vấn đề nào đó, khác với chỉ có nói nhưng không dám chi. Trong một bài trước đây tôi đã giải thích khái niệm "vốn chính trị".

 

Năm nay là năm tranh cử. Chúng ta có cơ hội để vận động sự yểm trợ có thực chất của các vị dân biểu thay vì những lời tuyên bố suông. Sự yểm trợ cụ thể phải được đo lường bằng: (1) ngân khoản, (2) đạo luật, (3) can thiệp trực tiếp. Còn các nghị quyết, văn thư, lời tuyên bố thì chúng ta hoan hỉ đón nhận nhưng không dựa vào đó để đo thực, hư.  







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1787