Ôi Những Nụ Cười
Date: Saturday, January 02 @ 22:38:43 EST
Topic: Chống Buôn Người


Ts. Nguyễn Đình Thắng

Khi nói về công nhân đi lao động, người ta thường chỉ nghe những lời than, những tiếng cầu cứu; người ta chỉ nói về những người chủ nhẫn tâm bóc lột, ức chế, và ngược đãi người làm công. Hôm nay tôi muốn nói về một ngưòi chủ tử tế, người quản lý nhân từ và những nụ cười hạnh phúc của công nhân.

 

Trong chuyến đi Mã Lai lần này, ngoài những buổi họp và làm việc để củng cố hoạt động ở Tỉnh Penang và vừa để mở rộng vòng đai can thiệp ra toàn quốc, đoàn của chúng tôi dành thời gian đến thăm một số nhóm công nhân đã hoặc đang được Liên Minh CAMSA giúp đỡ. Trong đó có một nhóm công nhân đã để lại cho tôi một niềm vui nhẹ nhàng nhưng chắc chắn sẽ tạo ấn tượng lâu dài đối với nhiều người trong đoàn.

 

 

Chị em công nhân tiễn biệt đoàn công tác CAMSA, 27/12/09 (ảnh CAMSA)



Ngoài tôi ra, đoàn còn có hai luật sư và một thiện nguyện viên của BPSOS đến từ Hoa Kỳ và dẫn đạo là nhân viên quản trị của văn phòng CAMSA ở Penang. CAMSA là liên minh chống buôn bán lao động mà BPSOS cùng với một số tổ chức quốc tế đồng sáng lập từ đầu năm ngoái.

 

Nhóm công nhân mà chúng tôi đi thăm chiều thừ Bảy cuối năm gồm 5 chị em làm cho một hãng dệt và may áo thun ở Penang. Chỗ họ ở cách khá xa văn phòng CAMSA lại không nằm trên tuyến xe công cộng nên chúng tôi phải thuê một chiếc xe “van” tư nhân.

 

Khi gần đến nơi, vì không quen thuộc đường ở khu này, người tài xế gốc Ấn Độ chạy ngược chạy xuôi mà vẫn không ra tìm con đường nhỏ dẫn vào nhà theo địa chỉ được cho. Gọi điện thoại hỏi đường nhưng vẫn bị lạc. Cuối cùng một chị công nhâhn lấy xe đạp ra tận ngoài lộ chính để hướng dẫn chúng tôi vào, rẽ phải rẽ trái qua những con đường trong xóm nhỏ. Đó là một khu xóm êm ả, sạch sẽ, nhiều cây cỏ xanh tươi, thật mát mắt. Lại có cả những giàn hoa giấy rực mầu hồng ngả tím gợi nhớ về khu xóm nhỏ của một thời thơ ấu. 

 

Chúng tôi được các chị em trong nhóm ra tận cửa đón và dắt lên lầu. Chủ cho họ ở tầng trên còn tầng dưới là xưởng làm gồm có khu dệt vải và khu cắt may. Công việc của họ là may áo thun.

 

Người trong đoàn của chúng tôi ở Penang, vốn đã làm việc với nhóm công nhân này trong nhiều tháng qua, giới thiệu hai bên với nhau. Sau ít phút trò chuyện làm quen, các chị công nhân mời chúng tôi dùng bữa trưa.

 

Trong “phòng ăn” đã bầy la liệt thức ăn trên nền gạch. Phòng này thực ra là phòng ngủ được tạm thời dọn dẹp để “khoản đãi” chúng tôi. Tấm nệm ngủ, bình thường được trải trên nền gạch, được dựng vào vách tường. Hàng chục dĩa thức ăn đủ màu sắc khêu gợi khẩu vị, nào thịt: nào cá, nào thịt, nào rau cải, trái cây và một nồi cơm trắng chín tới thơm phức. Ngồi phệt xuống đất, quây tròn trên nền gạch, chúng tôi chuyện trò vui nhộn như là người thân quen lâu ngày gặp lại. Anh tài xế người Ấn Độ cũng nhập bọn, thưởng thức tận tình các món ăn thuần tuý Việt Nam.

 

Đến từ các vùng quê khác nhau ở miền Bắc Việt Nam, nhóm chị em công nhân sống đùm bọc như một gia đình sum vầy. Cung cách cư sử của họ với nhau toát ra tấm lòng quý mến, đùm bọc, thân thương.

 

Hôm nay chỉ có 4 chị ở nhà. Hồng, người bé nhất cả về tuổi lẫn tác người, là cô em út trong nhà. Lan và Hương là chị dâu em chồng; cả hai đều đã có gia đình và đều có 2 con. Thiều cũng vậy, cũng có gia đình với 2 con. Vắng mặt là Lý, hôm nay đi Kuala Lumpur tiễn một người bạn thân về nước.

 

Hồng, e thẹn nhưng rất dễ cười, là người chịu khó “thuyết minh” cho chúng tôi về việc làm và đời sống của cả nhóm. Cô cho biết ông chủ hãng người Hoa chẳng mấy khi xuất hiện mà giao toàn quyền cho bà quản lý. Bà này rất đôn hậu, tử tế. Ngày các công nhân mới đến nhận việc, chưa đến kỳ đầu lãnh lương, bà quản lý đã đem lên cho mấy chị em rất nhiều thức ăn.

 

“Có khi chúng em bận việc chưa kịp ăn trưa thì bà ấy giục nghỉ tay đi ăn”, Hồng vừa nói vừa cười khúc khích.

 

Lan, nom như người chị cả vì lớn tuổi nhất, vừa cười vừa nói: “Làm việc tám rưỡi sáng, mà nhiều hôm bọn em đến gần 9 giờ mới vào làm. Bà quản lý cũng không nói gì.”

 

Tôi hỏi tại sao chỉ từ trên lầu bước xuống nhà, không đầy hai chục bậc thang, mã lại đi trễ. Thiều, người Nghệ An, giải thích là mấy chị em khi xong việc may ở xưởng, chiều về  đều đi rửa bát thêm cho mãi đến khuya; bởi vậy hôm sau dậy không nổi, cứ muốn nằm nướng thêm. Thiều cười, và mấy chị em kia đều cười theo.

 

Hỏi ra thì biết làng của Thiều không cách xa quê nội của tôi ở Nghệ An là bao. Có thể xem là đồng hương.

 

Khác hẳn với những nhóm công nhân khác mà tôi đã gặp, vốn sống chen chúc như cá mắm, thường là 10 người lèn vào một căn chung cư ba phòng nhỏ bằng lỗ mũi, nhóm 5 chị em này có chỗ ăn ở, sinh hoạt thật thoải mái.

 

Bà quản lý, cũng người Hoa, sắp xếp cho 5 chị em công nhân Việt ở ngay trên khu làm việc, nguyên một gian nhà rộng thênh thang với hai phòng ngủ có lát gạch và có cửa sổ nhìn xuống mặt tiền đường. Ở giữa là một khoản nhà trống nền xi măng thật rộng có kê một chiếc bàn nhò mà tôi đoán chừng là bàn ăn, có kệ gỗ và một “tủ” bằng vải nhựa để cất quần áo, cái bếp điện và nồi cơm điện để nấu nướng hàng ngày. Ở phía sau là nhà vệ sinh, nhà tắm và chỗ giặt giũ cũng như sân phơi quần áo.

 

Hồng cho biết là bà quản lý đối đãi tốt với mọi công nhân, lên đến cả trăm người, chứ không phải riêng với nhóm 5 chị em công nhân Việt Nam. Bà không bao giờ la mắng ai. Kể cả những lúc ít công việc, công nhân vẫn nhận được tiền lương đầy đủ theo hợp đồng.

 

Khi một người trong đoàn chúng tôi, một nữ luật sư đến từ Houston, hỏi họ làm gì khi không có việc, Hồng nhanh nhẩu trả lời, “bà quản lý cho công nhân đánh cờ, đánh bài giải trí, đọc sách, nghe nhạc tuỳ ý.” Cô lại cười khúc khích.

 

Về công việc hàng ngày thì Lan cho biết là bà quản lý cho mấy chị em tự sắp xếp với nhau miễn sao đạt được tiêu chuẩn quy định.

 

“Vậy là các em tự giác. Cứ giữ như vậy nhé. Ông chủ và bà quản lý tốt thì mình cố gắng làm tốt mọi công việc giao phó”, tôi dặn dò.

 

Chúng tôi ai cũng khen các thức ăn ngon hơn ở tiệm, mà đây là lời khen thực chứ không phải xã giao, thì cả bốn chị em tỏ ra khiêm tốn, “mấy anh chị cứ nói thế; bọn em chỉ biết sao nấu vậy, mong các anh chị ăn được”.

 

Hương, nãy giờ giữ im lặng, cho biết là họ tự đi chợ và tự nấu ăn để đãi chúng tôi. Khi hỏi ra thì vỡ nhẽ là họ đã xin nghỉ cả ngày hôm nay--Thứ Bảy lẽ ra họ đi làm thêm--và dậy sớm để chuẩn bị bếp núc chu đáo. Chiều nay họ sẽ đi làm.

 

“Vậy là mấy chị em đã hy sinh cả buổi rửa chén, có thể kiếm được hàng chục Ringgits”, tôi thốt lên.

 

“Có gì đâu, có các anh chị đến thăm, chúng em mừng lắm. Mấy anh chị đã giúp chúng em thật nhiều, không biết đến khi nào mới trả được công ơn ấy”, Lan tươi cười đáp lời.

 

Chả là trong mấy tháng qua, Văn Phòng CAMSA ở Penang đã giúp cho 5 chị em nhóm này viết thư cho chủ về khoản khấu trừ thuế “levy” 100 Ringgits một tháng. Theo thể lệ mới được Bộ Lao Động Mã Lai ban hành, kể từ ngày 1 tháng 4, 2009 chủ nhân không được khấu trừ khoản này từ tiền lương của công nhân. Tuy nhiên, ít ai biết về thể lệ mới này, kể cả công nhân lẫn chủ nhân.

 

Trước tình hình đó, Văn Phòng CAMSA ở Penang đã phát động chiến dịch thông tin đến công nhân Việt ở khắp Mã Lai, kèm với mẫu đơn để họ tự liên lạc với chủ nhân. Trong một số trường hợp, công nhân đã nhờ sự trợ giúp đặc biệt của văn phòng. Nhóm 5 chị em này nằm trong số đó.

 

“Bọn em đưa lá thư mà mấy anh chị thảo giúp đến cho nhân viên lo sổ lương. Người ấy bảo là sẽ canh đúng khi nào ông chủ đang vui vẻ thì sẽ nộp kiến nghị cho bọn em”, Hồng tường thuật.

 

Và cuối cùng ông chủ đã chấp thuận trả lại tiền Levy cho hai tháng trước và từ nay trở đi sẽ không khấu trừ nữa.

 

Tôi tính nhẩm, như vậy cho đến khi hết thời hạn hợp đồng mỗi chị em được thêm gần 500 đô la Mỹ, cả một số tiền lớn tương đương với 500 giờ làm việc, để đem về phụ đỡ cho gia đình. Thiều dự định sẽ dồn vốn lại để giúp chồng mở lò gạch cung cấp cho các công trình xây dựng. Hương và Lan thì muốn dành tiền để giúp con cái ăn học. Còn Hồng thì lấy tiền giúp cha mẹ và sẽ xin cha mẹ cho đi học trường trung học cao đẳng, ngành kế toán.

 

Mọi người đều mong sớm về nhà vì xa quê đã lâu. Những chị đã lập gia đình, 3 năm xa nhà khi về con cái đã lớn vóng, không biết còn nhận ra không; lại cũng thương chồng phòng trống, gối lạnh côi cút cảnh gà trống trông con. Còn Hồng thì ngày ra đi chỉ vừa đôi chín, nay về đã là một thanh nữ trưởng thành.

 

“Đi chuyến này về, chúng em chẳng bao giờ muốn đi đâu xa nhà nữa đâu”, một chị tâm tình và mọi người đều phụ hoạ theo.

 

Sau hai giờ thăm viếng, chúng tôi từ biệt ra về. Mọi người đều vui lây niềm vui của các chị em công nhân. Họ tiễn chúng tôi xuống tận đường và bịn rịn mãi.


“Không biết khi nào mới gặp lại các anh chị”, một cô nói, ám chỉ nhóm chúng tôi từ Mỹ đến.

 

Trong thâm tâm tôi nghĩ rằng chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại, nhưng chắc chắn mọi người đã trao cho nhau những tâm tình sẽ mãi mãi là kỷ vật cho quãng đường đời tương lai: đó là sự tử tế, lòng trân quý của con người với nhau. Những người bạn chỉ gặp một lần chắc chắn sẽ ấm lòng hơn trong những ngày còn lại ở Mã Lai; khi về nước họ sẽ kể lại cho thân nhân, con cái về những gì đã xảy ra. Cứ thế sự tử tế sẽ lan toả và được trao truyền.

 

Một người trong đoàn, tuy làm việc với BPSOS đã lâu nhưng đây là lần đầu mục kích công việc của CAMSA ở Mã Lai, nhận định: “Mình làm được nhiều việc ý nghĩa, vậy mà đâu mấy ai biết.”

 

“Thế thì về lại Hoa Kỳ chúng ta hãy kể cho mọi người biết, kể cả những người trong BPSOS và bạn bè bên ngoài; hãy kể về những hoàn cảnh thê thảm và cả về những câu chuyện nhân hậu”, tôi nhắc nhở và khuyến khích.


Quả vậy, ngay cả trong BPSOS chẳng mấy người có cơ hội chứng kiến tận mắt các công việc của CAMSA chứ đừng nói là những người trong cộng đồng nói chung.

 

Không những thế, các thông tin về người Việt đi lao động hay các “cô dâu” lấy chồng ngoại quốc thường chỉ tập trung vào những điểm tiêu cự mà quên mất những trường hợp nhân hậu, tử tế. Có lẽ vì bức xúc trước cảnh ngộ của đồng bào, hoặc vì muốn nhấn mạnh về công tác có ý nghĩa của mình, hoặc vì mục đích quyên góp tài chánh, người ta có khuynh hướng tường trình một chiều.

 

Điều này đã xảy ra đối với Đài Loan. Vì nghe nhiều đến tệ trạng buôn bán công nhân và “cô dâu” Việt ở Đài Loan, cuối năm 2005, tôi đến quốc gia này cùng với một tu sĩ Phật Giáo Việt Nam. Sau nhiều tiếp xúc với chính quyền, với các tổ chức bênh vực người Việt, và ngay cả với một số “cô dâu” Việt, tôi khám phá ra rằng chính phủ Đài Loan bị hàm oan. Tuyệt đại đa số các trường hợp gọi là buôn người được nêu lên trong giới truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại thực ra thuộc diện bạo hành gia đình, vi phạm hợp đồng, hay thương tích nơi làm việc; những điều này chúng ta không chấp nhận nhưng gọi đó là buôn người thì hoàn toàn sai. Còn đối với các “cô dâu” thì bên cạnh một số trường hợp bị ngược đãi còn có rất nhiều người sống hạnh phúc và được chồng lẫn cả nhà chồng cưng chiều; các trường hợp này thì không thấy nói đến. Thậm chí một số “cô dâu” sống hạnh phúc và rất năng nổ giúp đỡ những người kém may mắn đã tâm sự với tôi: “Truyền thông ở hải ngoại thật bất công. Họ làm như chúng em chỉ toàn là những người không hiểu biết, cố đấm ăn xôi. Chúng em cảm thấy bị hạ nhục.”


Từ đó tôi đã đi vận động “giải độc” để giúp Đài Loan thoát khỏi bị Hoa Kỳ xếp hạng 3, nghĩa là hạng chót, về tệ nạn buôn người. Quốc gia ở hạng 3 có nguy cơ bị chế tài. Đang mấp mé ở hạng 3, Đài Loan đã được nâng lên hạng 2 cho đến nay. Chính sự công tâm này đã giúp Liên Minh CAMSA đạt được sự tin tưởng của chính phủ Đài Loan. Như một minh chứng, Quốc Hội Đài Loan đã chấp nhận cả 4 điểm đề nghị của Liên Minh CAMSA trong đạo luật buôn người mà họ thông qua đầu năm 2009.

 

Tuần tới đây đoàn chúng tôi sẽ đến Đài Loan, chặng cuối của chuyến công tác kéo dài một tháng này. Hy vọng những người trong đoàn sẽ có nhiều dịp để tiếp xúc với các cảnh ngộ thương tâm cũng như những tấm gương tử tế, để rồi có một cái nhìn cân bằng về tình trạng công nhân và “cô dâu” Việt ở quốc gia này.    

 

Trước khi leo lên xe, tôi ngoái lại để cầu chúc và nhắc nhở: “Chúc mấy em sang năm mới có nhiều sức khoẻ, luôn vui tươi và sẽ đoàn tụ với gia đình. À, trước khi về nhớ ngỏ lời cám ơn ông chủ và bà quản lý có lòng tốt.”

 

Xe “van” chuyển bánh; bốn chị em công nhân chạy theo vẫy tay chào tiễn biệt. Tôi thầm cầu mong cho họ và gia đình họ sẽ có một tương lai tốt đẹp.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1770