Ước Vọng Trong Hôn Nhân Cho Năm Mới
Date: Friday, December 18 @ 10:51:44 EST
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Thương Nguyên

Ở các nước tây phương, vào dịp đầu năm người ta thường có thói quen lấy những quyết định trong năm mới! Chúng ta thường gọi là “New Year's Resolution". Qua những sự thay đổi này họ ước vọng những thách đố của năm mới sẽ được khắc phục, và cầu mong những ước vọng sẽ trở thành hiện thực. Đặc biệt trong đời sống hôn nhân, mỗi người đều có những hoài bão, những ước mơ để giúp thăng tiến đời sống gia đình. Trong tâm tình đón mừng năm mới, chúng tôi đã có dịp thăm dò và lắng nghe những ước vọng trong đời sống gia đình của một vài vị cao niên cũng như những đôi vợ chồng trẻ. Sau đây là tường trình của cuộc phỏng vấn các vị này về những ước vọng cho hôn nhân trong năm mới.

1. Ước vọng sống lại thuở ban đầu của đời hôn nhân - Tương Kính Như Tân

Trong những ngày cuối năm, tôi có dịp đến thăm và dùng cơm chiều với gia đình Bác Châu, một trong những nhà mô phạm đã về hưu. Bác Châu có 11 người con, 18 cháu nội ngoại và 2 chắt. Tất cả những người con của bác đều đã thành đạt. Cuộc sống về hưu của hai bác thât là hạnh phúc bên đàn con cháu. Tôi đã xin bác Châu chia sẻ và chỉ giáo về những bí quyết thành công của bác trong đời sống hôn nhân. 



Tôi gợi chuyện:

- Sắp sang năm mới rồi, con xin kính chúc Bác và gia quyến một năm mới tràn đầy phúc lộc. Thưa Bác, gia đình Bác thật là hạnh phúc, con cháu đầy đàn, đông và vui nữa. Không biết năm mới Bác có ước vọng gì cho đời sống gia đình không thưa Bác?.”

Bác Châu:

- Tôi đã ở tuổi thất tuần rồi nên đâu cần ước vọng gì thêm cho năm mới nữa. Tuy vậy, điều mà tôi vẫn hằng mong ước là các con các cháu của chúng tôi sẽ biết quý trọng giá trị của đời sống gia đình. Gia đình là nền móng của cuộc sống. Trong đời sống hôn nhân ai cũng ước mong có được một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Nhưng, thực tế vẫn còn những trắc trở và khó khăn. Vì thế mà con người không ngừng đi tìm hạnh phúc mà hạnh phúc vẫn xa tầm tay của họ.

Ngừng một chút, Bác Châu lại nói tiếp, như để nhắn nhủ cùng các con cháu của Bác:

- Cô cũng biết là ở trên đời này mình muốn thành đạt bất cứ việc gì trong cuộc sống thì mình cũng phải dành thời giờ cho việc ấy cả. Việc xây dựng một mái gia đình cũng không thoát khỏi lẽ này. Mà ngược lại các đôi vợ chồng còn phải dành nhiều giờ với nhau hơn nữa để cùng tâm đầu trong việc xây dựng gia đình. Ai cũng muốn gia đình mình hạnh phúc nhưng nếu không dành giờ để vun bồi thì làm sao mà có hạnh phúc được.

Qua những người con của hai bác, tôi được biết hai bác đã sống đời hôn phối gần 57 năm. Việc bác xây dựng gia đình quả là một tiến trình lâu dài và liên tục để có được những hoa trái trong đời sống hôn nhân như ngày hôm nay.

Bác Châu kể lại câu chuyện tình thời xuân xanh của bác:

- Ngày xưa lúc còn trẻ, hai vợ chồng tôi cũng có một thời kỳ gây cấn lắm. Tôi đi làm liên miên và không hề để tâm săn sóc hay ngó ngàng gì đến gia đình cả. Cho tới một hôm tôi về nhà thì thấy một bức thư của vợ tôi viết, để trên bàn. Bà nhà tôi viết một lá thư dài năm trang kể lể những uẩn ức trong lòng vì sự thiếu tế nhị, thiếu thông cảm, nói chung những khiếm khuyết của tôi, và bỏ đi về quê ngoại các cháu. Đọc lá thư xong tôi thức tỉnh tức thời, và giật mình vì sự thiếu tế nhị và những thiếu sót của mình đã suýt làm tan nát gia đình tôi. Ngày hôm ấy và cả tuần lễ ấy tôi đã không đi làm. Tôi đi về quê tìm bà nhà tôi. Chúng tôi dành trọn một ngày để bày tỏ những gút mắc trong lòng.

Chúng tôi ngồi bên bờ sông và nói hết những khuyết điểm của nhau, những mong ước nơi nhau. Vì chủ yếu là muốn có một mái ấm gia đình nên chúng tôi đã phải dành thời giờ chăm sóc cho nhau, yêu thương và tôn trọng nhau như thuở ban đầu. Nói thật với cô chứ cả tuần lễ ấy tôi học biết về nhà tôi nhiều hơn là suốt 3 năm trời chung sống với nhau. Cả tuần lễ ấy tôi sống bên nàng như những ngày chúng tôi mới cưới nhau. Chúng tôi thật sự tiếp đãi nhau như những người khách quý.

Tôi thiết nghĩ đây quả là bí quyết của sự thành công trong đời sống hôn nhân. Tôi đón nhận những lời mộc mạc của bác với tất cả tâm hồn. Bác Châu lại tiếp:

- Cô thử nghĩ xem tâm tình của cô sẽ như thế nào khi cô phải tiếp khách? Có phải là cô sẽ tỏ ra lịch sự, nhã nhặn, niềm nở tươi vui không? Theo cái kinh nghiệm về một gia đình suýt tan rã, tôi đã học được một bài học về giá trị của đời sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Bây giờ ngẫm nghĩ lại thì tôi thấy hạnh phúc gia đình được biểu lộ qua việc cư xử với nhau hằng ngày. 

Những người con của bác thỉnh thoảng lại chêm một vài câu vui đùa làm cho bác thêm hứng khởi để chia sẻ. Cô con gái út của bác vừa cười vừa nói:

- Chị ơi, sau cái bài học hú vía đó, Ba Mẹ em đã có thêm được 11 đứa con, 18 đứa cháu nội ngoại và hai chắt trai nữa.

Mọi người trong bàn cười lớn. Không khí gia đình thật đầm ấm. Bác Châu nói tiếp với giọng nói lớn hơn và cương quyết hơn như một nhắc nhở cho các con cháu của bác:

- Sở dĩ tôi có được cái mái ấm gia đình ngày hôm nay là nhờ bài học hú vía đó. Tôi đã học được tinh thần tương kính như tân và chúng tôi đã áp dụng trong đời sống gia đình. Tôi sợ bà nhà tôi viết một thư nữa và lặng lẽ ra đi lần nữa, nên tôi đã hết sức lịch sự nhã nhặn với vợ tôi. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của nhau và từ đó tình yêu đã phát triển và mối tương giao của vợ chồng dần dần trở thành ân sâu nghĩa nặng.  

Lối nói chuyện dí dõm của bác Châu làm mọi người cười vui vẻ.

Tôi thiết nghĩ những kỹ năng trong đời sống hôn phối từ ngàn xưa vẫn không thay đổi. Tương kính như tân là một trong những kỹ năng rất quan trọng trong đời hôn nhân.

Chúng tôi nói chuyện vui vẻ mà thoáng chốc đã ăn sạch hết những món ăn thuần túy ngon miệng do những người con của hai bác nấu.

Trời mùa đông đêm xuống mau. Tôi kiếu từ gia đình bác Châu và ra về. Ngoài kia cơn mưa vẫn vần vũ trong cái lạnh buốt cùng. Bác Châu tiễn tôi ra xe và còn nói với theo “Cung Chúc Tân Xuân, chúc cô mọi ước vọng thành đạt nhé”.  Cung Chúc Tân Xuân, chỉ có mấy tiếng ngắn ngủi mà sao âm vang như một cung đàn gợi lên bao niềm vui rộn rã. Tôi ra về trong cái buốt của những ngày cuối năm mà tâm hồn thật vui, thật rộn ràng. Chúa xuân như đang đến từng bước gần hơn.

2. Ước vọng có được những bữa cơm thân mật trong gia đình - cha mẹ con cái quây quần bên bàn ăn.

Những ngày cuối năm thiên hạ đi mua sắm tưng bừng. Mặc dầu kinh tế tại Hoa Kỳ cũng chưa được sáng sủa nhưng đi đến phố nào người cũng đông nghẹt. Thiên hạ đi ngắm hàng nhiều hơn là mua hàng. Các cửa tiệm treo đầy những bảng quảng cáo đại hạ giá. Chiều nay, ngày 31 tháng 12, buổi chiều cuối cùng của năm, tôi ghé qua nhà hàng của anh An để mang thức ăn đã được đặt trước cho đêm giao thừa. Tuy Noel đã qua hơn tuần rôì nhưng tiệm vẫn còn đầy ắp không khí của mùa Giáng Sinh. Cây thông đặt trong cái góc của nhà hàng được trang hoàng với những dây đèn xanh đỏ nhấp nháy. Nhà hàng vắng khách. Thấy tôi vào, anh An vội lau tay, niềm nở bước đến chào tôi.

- Chào chị. Ở ngoài lạnh dữ à! Vào trong này cho ấm một chút. Mời chị ngồi.

Tôi đáp lời:

- Chào anh An. Hôm nay lạnh quá, gió buốt cả người luôn. Anh chị và các cháu vẫn khỏe chứ?

- Cũng vậy thôi chị. Chị đợi tôi xuống bếp hỏi xem mấy món ăn của chị đã xong chưa nhé. Anh An vừa nói vừa đi nhanh xuống bếp.

Tôi nhìn quanh. Trong nhà hàng số thực khách chỉ được chừng năm, sáu bàn. Nhà hàng của anh thường hay mở nhạc Pháp nên nghe cũng gợi nhớ lắm. Tôi cũng là khách quen, thường đến để thưởng thức café và nghe nhạc Pháp. Những bản nhạc yêu chuộng quen thuộc này tôi đã thường được nghe thời thơ ấu, thuở còn đi học ở trường Couvent Des Oiseaux.

Anh An đã trở lại và mời tôi một ly café trong lúc chờ đợi các món ăn mà tôi đã gọi đặt trước.

- Ngày mai là năm mới, anh An có ước vọng gì cho năm mới không? Thần tài đã gõ cửa rồi, anh còn mong muốn điều gì nữa? Tôi hỏi nửa đùa nửa thật.

Anh cười tư lự và đáp:

- Có một điều mà tôi ước ao từ lâu lắm rồi nhưng vẫn chưa thực hiện được. Đó là có được một bữa cơm chiều cùng với vợ con trong gia đình. Nhiều khi tôi nghĩ lại thuở còn hàn vi, lúc mới bước chân đến xứ này, gia đình tôi còn ngồi ăn cơm tối chung với nhau.

Anh chép miệng, nói tiếp:

- Thuở đó tuy nghèo nhưng gia đình xum vầy hạnh phúc. Sau khi chúng tôi mở cái nhà hàng này vợ chồng chúng tôi đã dành tất cả thời giờ vô cái nhà hàng này. Vào những dịp lễ lớn trong năm như Thanksgiving hay Noel thì họa hiếm lắm chúng tôi mới có được một bữa cơm ăn chung với cả nhà. Vì không cùng ăn với nhau riết rồi chúng tôi cũng nguội lạnh luôn trong các sinh hoạt khác của gia đình. Lúc chưa mở nhà hàng thì ngày ngày cha con tôi còn có dịp để nói chuyện với nhau, để đưa đón con cái đến trường, để chở vợ tôi đi chợ, v.v. Rồi chiều tối về cả nhà cùng xum vầy bên bàn cơm. Thuở ấy tuy nghèo nhưng sao mà hạnh phúc quá đi.

Tôi tiếp lời anh:

- Bây giờ anh cũng có thể thực hiện được điều này mà. Anh có nhà hàng nấu nướng mấy hồi.

Anh An đáp:

- Bây giờ thì lại quá bất cập. Chị cũng biết rồi, làm nhà hàng thì có rất ít thời giờ cho cá nhân mình hay cho gia đình. Làm ăn buôn bán thì có chút đồng ra vô đó nhưng gia đình thì thật tình không có giờ cho nhau. Tôi đâu có muốn điều gì cao sang đâu, chỉ mong muốn ngày ngày vợ chồng con cái ngồi ăn chung bàn là hạnh phúc lắm rồi. Ước mơ này của tôi rất là đơn giản, không cầu kỳ gì cả.

Nghe anh An kể với một giọng thiết tha làm tôi cũng xúc động. Tôi an ủi:

- Cũng dễ thôi anh An. Các con anh bây giờ đã biết lái xe rồi. Anh chỉ cần nói với chúng ra tiệm ăn cơm chung với ba mẹ để gia đình có thời giờ với nhau. Vài năm nữa chúng vào đại học, nếu xa nhà, thì việc ngồi ăn chung bàn sẽ càng khó khăn hơn.

Anh An gật đầu

- Thiệt là lẩn thẩn. Cám ơn chị đã cho ý kiến. Mong rằng với ý kiến này, ước vọng năm mới trong đời sống gia đình của tôi được thực hiện.

Anh nói tiếp:

- Các món ăn “to go” của chị cũng vừa xong. Cám ơn chị đã ủng hộ nhà hàng chúng tôi nhé. Năm mới chúc chị và gia đình được tràn đầy hạnh phúc, vạn điều như ý.

 Anh An giúp tôi mang hai thùng thức ăn ra xe. Anh nở một nụ cười ấm áp. Tôi đọc được những niềm vui trong ánh mắt của anh. Mong rằng những điều ước vọng của anh trong đời sống được trở thành hiện thực.

Những suy tư của anh An cũng làm cho tôi cảm nghiệm được mối thân tình trong bữa cơm tối của gia đình tôi. Mỗi tối khi chúng tôi xum họp quanh bàn ăn thì dừng như tất cả mọi buồn phiền trong ngày đều như tan biến hết. Chúng tôi được nghe con cái kể một cách vô tư về những chuyện không đâu ở trường ở lớp. Con cái tôi đang lớn lên từng ngày. Khi có dịp, chồng tôi cũng dùng thời điểm này để dạy dỗ con cái về cách sống, đạo làm người, đạo đức. Ngoài ra bữa ăn tối cũng là dịp để cả nhà chúng tôi cùng bàn đến những sinh hoạt chung của gia đình, phác họa những chương trình để cả nhà cùng đi chơi xa. Tôi cảm thông được những ước vọng của anh An. Cái hình ảnh của một bữa cơm gia đình thật là đầm ấm.

Trời đã tắt nắng phía sau hàng cây. Mùi thơm của thức ăn làm cho lòng tôi thêm háo hức. Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho bữa cơm gia đình vào ngày cuối năm. Theo thông lệ của nhiều năm qua, ngày cuối của năm tôi thường làm rất nhiều thức ăn và gia đình thường ăn trễ vào ngày này. Bữa ăn sẽ kéo dài từ 8 giờ tối đến 12g khuya. Chiều cuối năm cha mẹ con cái cùng ngồi lại chơi game với nhau và thưởng thức các món khai vị. Rồi khi đến gần nửa khuya, chúng tôi sẽ cùng dán mắt vào chiếc máy truyền hình, và sẽ cùng count đown, xem quả banh thời gian buông xuống và cụng champagne chúc mừng Năm Mới.
 
Cái thiêng liêng của Năm Mới đang đến với mọi nhà. 

Tôi nghĩ đến gia đình của mình và của những người thân, cũng như của nhiều cặp mà chúng tôi đã quen, đã gặp trong đời. Tôi ước mong sao cho mọi gia đình được ấm êm và hạnh phúc hơn trong Năm Mới.

(1) Tất cả các tên trong bài viết đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của những người được phỏng vấn.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1763