Sinh Viên HK Hưởng Ứng Chống Buôn Người
Date: Friday, October 09 @ 22:42:25 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Vụ Buôn Người Ở Jordan: Tiếp Tục Tạo Áp Lực Quốc Tế

 

Giới sinh viên ở nhiều trường đại học đang đẩy mạnh nỗ lực tạo áp lực đối với một công ty Hoa Kỳ dính líu đến vụ buôn lao động Việt NamJordan. Nỗ lực này nằm trong kế hoạch của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) nhằm tạo áp lực lên các thành phần chịu trách nhiệm trong vụ 261 công nhân Việt Nam bị lường gạt, bóc lột, và đánh đập ở Jordan. Kế hoạch này gồm ba mũi nhọn.

 

Trong mũi nhọn thứ nhất, Liên Minh CAMSA nhắm vào giới tiêu thụ mà trong đó là lực lượng sinh viên đại học. Công ty Aramark, có bản doanh ở Philadelphia, chuyên cung cấp thực phẩm và đồng phục cho khoảng 600 trường đại học ở toàn quốc. Công ty này đặt hàng với W&D Apparel, một hãng may của người Đài Loan hoạt động ở Jordan. Chính hãng may mặc này đã bóc lột 261 công nhân Việt, tuyệt đại đa số là phụ nữ. Khi các công nhân này biểu tình phản đối, chủ hãng đã cho cảnh sát và nhân viên bảo vệ đánh đập họ, gây thương tích trầm trọng cho nhiều người.

 

Công nhân Việt bị cảnh sát Jordan đánh trọng thương (ảnh CAMSA)



Khi được tin về cuộc đàn áp thô bạo này, xảy ra ngày 19 tháng 2, 2008, Liên Minh CAMSA nhanh chóng can thiệp. Một thời gian ngắn sau đó, trên 150 người được hồi hương theo nguyện vọng của họ. Tuy nhiên, họ không hề nhận được tiền lương trả thiếu cũng như tiền bồi thường từ hãng W&D Apparel. Các công ty môi giới Việt Nam trước đây đã lấy các khoản tiền phí rất lớn để đưa họ sang Jordan lao động quay ra hăm doạ và bôi nhọ họ, với sự hỗ trợ của một số giới chức chính quyền Việt Nam.

 

Cuối tháng 9 vừa qua, ban đại diện chính thức của sinh viên trường University of Florida thông qua nghị quyết yêu cầu nhà trường phải áp lực công ty Aramark giải quyết tình trạng bất công đối với số nạn nhân Việt, kể cả những người đã hồi hương cũng như những người còn kẹt ở Jordan. Đại Học Florida dẫn đầu về mức tiền hợp đồng với Aramark: 24 triệu Mỹ kim một năm. 

 

=>> Bấm vào đây để xem bản nghị quyết này.

 

Nghị quyết này được gợi ý bởi cuộc vận động của Hội Sinh Viên Việt Nam tại Đại Học Georgetown vào cuối năm ngoái. Đáp ứng cuộc vận động này, Ban Quản Trị trường Đại Học Georgetown đòi hỏi Aramark phải điều tra và giải quyết vấn đề. Tháng 3 năm nay Aramark cử một phái đoàn điều tra sang Jordan tiếp xúc với số công nhân còn đang kẹt bên ấy, nhưng cho đến nay vẫn chưa công bố kết quả điều tra.

 

Sắp tới đây sinh viên ở nhiều trường đại học cũng sẽ noi gương hai trường Đại Học Georgetown và Đại Học Florida. Ngày 9 tháng 10, một số sinh viên Việt Nam trình bày về Aramark và vụ buôn người ở Jordan tại hội nghị của các sinh viên gốc Á Châu ở Florida.

 

"Chúng tôi tin rằng sự hưởng ứng của giới sinh viên sẽ lan rộng một cách nhanh chóng", Ts. Thắng nhận định.

 

Sinh viên ở nhiều trường đại học tại các thành phố khác nhau đã bắt liên lạc với sinh viên ở Đại Học Georgetown và Đại Học Florida để lấy tin tức.

 

Mũi nhọn thứ hai, theo Ts. Thắng, là áp lực chính phủ Jordan điều tra và truy tố hãng W&D Apparel vì tội buôn người xẩy ra trên đất Jordan. Ngày 6 tháng 10 vừa qua Ts. Thắng và anh Đức Trương, Phối Hợp Viên Vận Động của BPSOS, tiếp xúc với Văn Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để yêu cầu họ nêu vấn đề này với chính phủ Jordan. Một nhân viên của văn phòng này sẽ đến Jordan trong tuần sau đó.

 

Mũi nhọn thứ ba là yêu cầu chính phủ Đài Loan điều tra và truy tố hãng W&D Apparel vì chủ hãng là công dân Đài Loan. Ngày 7 tháng 10, Ts. Thắng và cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, hiện là Cố Vấn Cao Cấp Về Các Đề Án Quốc Tế của BPSOS, họp với phái đoàn của chính phủ Đài Loan để chuẩn bị cho chuyến đi Đài Loan của Đại Sứ Rees vào tuần tới đây. Đầu năm nay, BPSOS đã vận động thành công để Quốc Hội Đài Loan thông qua đạo luật chống buôn người trong đó có điều khoản truy tố công dân Đài Loan phạm tội buôn người ở ngoài lãnh thổ Đài Loan. Đại Sứ Rees sẽ tìm hiểu về việc áp dụng điều khoản này vào trường hợp W&D Apparel.

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

 

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA

PO Box 8065

Falls Church, VA 22041 - USA

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1715