Cảnh Giác Về Cưỡng Bức Lao Động
Date: Thursday, September 10 @ 23:30:29 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Hoa Kỳ Công Bố Các Sản Phẩm Do Cưỡng Bức Lao Động

Bản Tin CAMSA – Ngày 10/09/09

 

Hôm nay Bộ Lao Động Hoa Kỳ phát hành “Danh Sách Các Mặt Hàng Sản Xuất Bởi Lao Động Trẻ Em và Lao Động Cưỡng Bức”; danh sách này liệt kê 122 mặt hàng từ 58 quốc gia. BPSOS (Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển) đã góp phần cho bản phúc trình này.

 

Bản phúc trình dày 194 trang, do Bà Bộ Trưởng Lao Động Hilda L. Solis gửi Phó Tổng Thống Joe Biden và lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, là kết quả điều tra và nghiên cứu của Văn Phòng Lao Động Quốc Tế Vụ chiếu theo đòi hỏi của Quốc Hội Hoa Kỳ.

 

“Như là một dân tộc và là thành viên của cộng đồng quốc tế, chúng ta phủ nhận lập luận rằng theo đuổi những lợi lộc kinh tế qua việc cưỡng bức lao động người khác hoặc qua hành động bóc lột trẻ em nơi làm việc là điều chấp nhận được”, Bà Solis viết.

 

Đọc nguyên văn bản phúc trình: http://www.dol.gov/ilab/programs/ocft/PDF/2009TVPRA.pdf

 



Năm 2005, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật Tái Chuẩn Chi Ngân Sách Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người, trong đó có điều khoản chỉ định Bộ Trưởng Bộ Lao Động phải thu thập danh sách các mặt hàng mà Cục Lao Động Quốc Tế Vụ của Bộ Lao Động cho là sản phẩm của lao động cưỡng bức hay lao động trẻ em.

 

Đối với Mã Lai, bản phúc trình liệt kê các hàng may mặc trong danh sách này và ghi chú rằng BPSOS là một trong những nguồn tin được Bộ Lao Động sử dụng. Bộ Lao Động đã dựa vào bản báo cáo của BPSOS về vụ công ty Esquel Malaysia đã bóc lột 2,600 công nhân, trong đó phân nửa là Việt Nam. Tháng 3 năm 2008 Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA), do BPSOS đồng sáng lập, đã can thiệp và  bảo vệ quyền lợi thành công cho toàn bộ số công nhân này.

 

“Qua danh sách vừa được công bố, Quốc Hội có ý muốn cảnh giác các công ty và người tiêu thụ về các mặt hàng có thể là sản phẩm của sự bóc lột sức lao động”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, giải thích.

 

Theo Ông, đây là một bước đầu quan trọng để áp lực các quốc gia có tình trạng bóc lột hoặc buôn bán lao động phải nghĩ đến nguy cơ có thể bị tẩy chay bới giới tiêu thụ và các công ty quốc tế. 

 

Bản phúc trình cho biết là một số chính quyền chủ trương che đậy và trấn áp thông tin về tình trạng lao động cưỡng bức nơi quốc gia họ, trong đó có Mã Lai. Bản phúc trình còn cho biết là trong 77 quốc gia được nghiên cứu và theo dõi, Cục Lao Động Quốc Tế Vụ không có đủ thông tin về một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, nên chưa liệt kê mặt hàng sản xuất ở các quốc gia này trong bản phúc trình.

 

Bản phúc trình của Bộ Lao Động bổ túc cho bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình trạng buôn người trên thế giới. Năm nay, bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao xếp Mã Lai vào hạng 3, nghĩa là nơi có tình trạng buôn người trầm trọng và chính phủ không thực tâm bài trừ nạn buôn người. Cuối tháng 8 vừa qua, Đại Sứ Luis CdeBaca, Giám Đốc Văn Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người của Bộ Ngoại Giao, thăm viếng Mã Lai để bày tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ.

 

Kể từ năm 2005, BPSOS thường xuyên báo cáo cho này về tình trạng của các người lao động Việt Nam. Đầu năm 2008 BPSOS cùng với một số tổ chức bạn thành lập Liên Minh CAMSA. Chỉ hai tháng sau đó, Liên Minh CAMSA mở văn phòng hoạt động thường trực ở Mã Lai.

 

“Qua văn phòng này, chúng tôi can thiệp cho các nạn nhân buôn người và lập hồ sơ để cung cấp cho Bộ Ngoại Giao và Bộ Lao Động Hoa Kỳ”, Ts. Thắng nói.

 

Ông còn cho biết là trong thời gian tới đây Liên Minh CAMSA sẽ cung cấp các thông tin về tình trạng buôn bán lao động ở Việt Nam cho chính phủ Hoa Kỳ để theo dõi.

 

“Nạn buôn người lao động Việt Nam bắt nguồn ở Việt Nam, qua các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động bất lương”, Ông nhận xét.

 

Bản phúc trình của Bộ Lao Động cũng nói đến tình trạng ngày càng phổ biến này tại nhiều nơi trên thế giới: “Càng ngày, những người di cư từ quốc gia này sang quốc gia khác -- hoặc ngay cả trong phạm vi một quốc gia -- bị gài bẫy bởi các mánh khoé gian trá trong việc tuyển và phân bổ công nhân mà kết quả là tình trạng lao nô do mắc nợ, tình trạng nông nô, hoặc các hình thức cưỡng bức lao động khác.”

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, được thành lập đầu năm 2008. Liên Minh CAMSA hiện gồm năm tổ chức thành viên: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

 

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041
- USA







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1695