Hoa Kỳ Quan Tâm Nạn Buôn Người Ở Mã Lai
Date: Friday, August 28 @ 06:18:22 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Đại Sứ Hoa Kỳ Đặc Trách Chống Buôn Người Đến Mã Lai

 

Kuala Lumpur, 27/08/09 - Giới chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách bài trừ nạn buôn người trên thế giới vừa thực hiện chuyến viếng thăm Mã Lai để bày tỏ mối quan tâm về tình trạng buôn người đang phổ biến ở quốc gia này.

 

Đại Sứ Luis CdeBaca, Giám Đốc Văn Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người, đã cùng với vị phụ tá Mark Taylor, đặc trách biên soạn bản phúc trình hàng năm về tình trạng buôn người trên thế giới, đã tiếp xúc với các giới chức cao cấp của chính phủ Mã Lai để đề nghị một số biện pháp đối phó.

 

Trong bản phúc trình mới nhất, được công bố vào tháng Sáu vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Mã Lai vào hạng 3, nghĩa là hạng tồi tệ nhất về tình trạng buôn người. Các quốc gia ở hạng 3 có thể bị Hoa Kỳ chế tài.

 

Đại Sứ Luis CdeBaca và Ông Mark Taylor họp với các tổ chức ngoài chính phủ, Kuala Lumpur, 27/08/09 (ảnh CAMSA)



Ngoài tiếp xúc với các cơ quan chính quyền, Đại Sứ CdeBaca còn họp với một số tổ chức ngoài chính phủ để lắng nghe ý kiến từ những người làm việc trực tiếp với nạn nhân của tệ nạn buôn người. Tại buổi họp, Tiến Sĩ Irene Fernandez, Giám Đốc Điều Hành tổ chức Tenaganita, nói lên những khó khăn trong vấn đề thực thi đạo luật chống buôn người mà chính phủ Mã Lai ban hành cuối năm 2007.

 

Ts. Fernandez nhấn mạnh đến hoạt động hữu hiệu của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA), mà tổ chức Tenaganiga cũng là một thành viên. Ts. Fernandez dẫn chứng bằng cuộc can thiệp thành công cho hai ngàn sáu trăm công nhân của hãng Esquel Malaysia, trong đó phân nửa là người Việt. Chỉ trong 3 tuần từ khi CAMSA lên tiếng, công ty may mặc này đã nhượng bộ trước áp lực của dư luận quốc tế. Bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong năm 2008 đã nêu trường hợp này như một ví dụ của tình trạng buôn người ở Mã Lai.

 

Tại buổi họp, cô Tracey Lê đại diện cho Liên Minh CAMSA trình bày về đường dây đưa các cô gái quê từ Việt Nam sang Mã Lai để gả cho người bản xứ. Ngay ngày jôm trước, một cô gái vừa qua đời trong hoàn cảnh khả nghi. Trong nhóm được đưa sang Mã Lai còn có bốn cô gái khác. Cô Tracey cho biết Liên Minh CAMSA đang cùng với Tenaganita tìm cách giải cứu cho bốn thiếu nữ này.

 

Là thực tập sinh của CAMSA, Cô Tracey vừa đến Mã Lai được một tuần, sau 3 tháng huấn luyện tại văn phòng trung ương của BPSOS (Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển) ở Bắc Virginia.

 

Trước khi công du Mã Lai, Đại Sứ CdeBaca họp với Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, để hội ý về tình trạng buôn người ở Mã Lai cũng như bàn về các biện pháp đối phó. Đầu tháng 7 vừa qua Ts. Thắng cùng với cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, Cố Vấn Cao Cấp về các Dự Án Quốc Tế của BPSOS, đã đến Mã Lai thăm dò hiện tình, tiếp xúc với các tổ chức ngoài chính phủ, và làm việc với toán CAMSA hoạt động thường trực ở Mã Lai. 

 

Dựa trên những dữ kiện thu thập được từ chuyến đi này, Ts. Thắng đề nghị ba trọng tâm cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong chính sách đối với Mã Lai về tình trạng buôn người.

 

Thứ nhất là yêu cầu chính phủ Mã Lai thiết lập một thể thức rõ ràng và trong suốt để thu thập và giải quyết các trường hợp buôn người, đặc biệt là buôn bán lao động. Cho đến nay, chính phủ Mã Lai chưa hề điều tra hoặc truy tố một trưòng hợp buôn lao động nào.

 

Song song, Ts. Thắng đề nghị chính phủ Hoa Kỳ lôi cuốn các tổ chức ngoài chính phủ tham dự các hoạt động do Hoa Kỳ chủ xướng hay tài trợ, như huấn luyện cho giới chức công lực của Mã Lai, gởi phái đoàn đến Hoa Kỳ nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm, v.v. Làm như vậy, Hoa Kỳ giúp nâng vị thế của các tổ chức ngoài chính phủ lên ngang tầm với các cơ quan chính quyền Mã Lai. Ts. Thắng cũng đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cùng với chính phủ Mã Lai đồng tổ chức một hội nghị toàn quốc về chống buôn người ở Mã Lai trong năm tới đây.

 

Cuối cùng Ts. Thắng kêu gọi Hoa Kỳ vận động chính phủ Mã Lai để cho các tổ chức địa phương và quốc tế tiếp cận các nạn nhân ngõ hầu trợ giúp và bảo vệ cho họ trong suốt thời gian từ khi được giải cứu cho đến khi hồi hương, và sau đó tiếp tục giúp đỡ cho họ tái hội nhập xã hội sau khi hồi hương.

 

Đại Sứ CdeBaca đã thực hiện một số điểm đề nghị này trong chuyến công du Mã Lai.

 

Sau Mã Lai, Đại Sứ CdeBaca và phái đoàn lên đường đi Thái Lan.

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, được thành lập đầu năm 2008. Liên Minh CAMSA hiện gồm năm tổ chức thành viên: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

 

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041
- USA







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1686