BPSOS Hướng Dẫn Viết Đề Án Xin Tài Trợ
Date: Tuesday, July 28 @ 10:29:37 EDT
Topic: Phát Triển CĐ


Saturday, July 25, 2009
Cần đoàn kết để có tiếng nói mạnh, mục đích rõ ràng
Trần Danh Thăng/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - “Các hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam cần kết hợp lại với nhau thành một khối lớn, mạnh, chuẩn bị kỹ lưỡng và đúng cách những đề án của đoàn thể mình thì mới có nhiều khả năng xin chính phủ liên bang tài trợ và mới có thể đồng tiến cùng với các cộng đồng bạn ở Hoa Kỳ.”

Trên đây là ý kiến của Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, chủ tịch Hội Cứu Người Vượt Biển - SOS Boat People nói với trước hơn một trăm đại diện các đoàn thể, hiệp hội hoạt động vô vị lợi do nhật báo Người Việt tổ chức tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt vào tối ngày Thứ Sáu, 24 Tháng Bảy, 2009.

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng được mời để hướng dẫn các đoàn thể phương pháp và kỹ thuật viết đề án xin chính phủ tài trợ. Ðặc biệt hôm nay chỉ chú ý đến những tổ chức vô vị lợi hoạt động tại Hoa Kỳ mà thôi. Còn những tổ chức hoạt động ngoài Hoa Kỳ lại thuộc về một lãnh vực khác. Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái điều hợp chương trình.

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, bên phải, trong buổi hội thảo về cách thức viết đề án xin tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ tại nhật báo Người Việt chiều Thứ Sáu, 24 Tháng Bảy, 2009. (Hình: Trần Danh Thăng/Người Việt)



Ông Thắng cho biết chính phủ Hoa Kỳ năm 2000 đã dành một ngân sách lên đến $221 tỷ đô la để tài trợ cho các chương trình xã hội tôn giáo hoạt động ở Hoa Kỳ hằng năm. Riêng năm 2009 con số này còn cao hơn vì trong đó có cả “gói” kích thích kinh tế của chính phủ Obama lên đến $787 tỷ đô la. Ngân khoản năm 2000 do 77% cá nhân hay dân chúng hiến tặng, 10% do các sáng hội (foundations) đóng góp, chính phủ đóng góp 8% và tín quỹ (trust) 5%.

Chính phủ Hoa Kỳ không làm các công tác xã hội và giao lại cho các tổ chức xã hội dân sự thực hiện còn gọi là xây dựng dân sự.

Tiến Sĩ Thắng cho biết ở Hoa Kỳ hiện có 1.6 triệu tổ chức bất vụ lợi đang hoạt động. Hằng năm có thêm 80 ngàn tổ chức được công nhận tức là được chính phủ tài trợ.

Các đoàn thể vô vị lợi có thể nhận được tài trợ từng hai năm và có thể được tái tài trợ và có thể bị loại sau 5 năm được tài trợ.

Những hội vô vị lợi có thể nhận được tài trợ năm 2000 phần lớn là các tổ chức tôn giáo với 44%, giáo dục 14%, sức khỏe 10%, dịch vụ nhân đạo 9%, nghệ thuật 6%, phúc lợi công cộng 6%, môi trường 3%.

Tiến Sĩ Thắng cho biết có rất nhiều hội vô vị lợi rất lớn rất mạnh và hằng năm xin được tài trợ rất nhiều triệu đô la để hoạt động. Các cộng đồng bạn có nhiều cộng đồng rất mạnh và biết cách xin tài trợ và được tài trợ rất nhiều.

Riêng về các hội vô vị lợi của cộng đồng người Việt xin được tài trợ rất ít và nếu có được tài trợ thì cũng rất ít. Có thể có nhiều đoàn thể đã nộp đơn xin tài trợ nhưng đã bị bác có thể vì nhiều lý do. Nhưng theo Tiến Sĩ Thắng nói cho gọn hơn là các hội vô vị lợi của chúng ta chưa biết cách xin tài trợ.

Muốn xin được tài trợ của chính phủ các hội vô vị lợi chúng ta cần phải có tiếng nói mạnh. Muốn có tiếng nói mạnh cần phải có sự kết hợp với nhau (partnership). Một hội vô vị lợi chỉ có một ít hội viên với một dự án nghèo nàn thì chắc chắn sẽ không được ban cứu xét để mắt đến.

Khi tiếng nói đủ mạnh, chúng ta cần phải có mục đích thật rõ ràng là phục vụ cho những đối tượng xã hội nào, giới nào.

Thứ ba là hợp tác với cộng đồng bạn, sánh vai với các cộng đồng bạn.

Ước muốn của ông là về đây hôm nay để mong mỏi chúng ta phải có cái nhìn khác hơn, cởi mở hơn những quan niệm trước đây chỉ biết có hội của mình mà không quan tâm đến chung quanh các hội khác. Nếu chúng ta mạnh, có đối tượng phục vụ, có kế hoạch thực hiện và có kỹ thuật xin tài trợ thì chúng ta có nhiều cơ hội thành công.

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng cho biết một tổ chức vô vị lợi có thể xin tài trợ từ các nguồn:

1. Xin thẳng từ liên bang.

2. Block grants (tiểu bang, địa phương).

Với ngân khoản của liên bang, tổ chức vô vị lợi cần phải mạnh, cộng đồng cần phải mạnh.

Với những block grants dựa vào kiểm tra dân số hàng 10 năm để dựa trên mức độ nghèo khó (low-income) của dân chúng trong vùng.

Ngoài liên bang và tiểu bang cũng có thể hỏi tại các địa phương. Làm thế nào để có thể biết ngân khoản tài trợ kể trên, chúng ta có thể kêu gọi các vị dân cử, yêu cầu những đại diện phụ trách tài trợ tường trình cho chúng ta biết hằng năm.

Về kỹ thuật viết đề án, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng cho biết vào năm 1996, các trại tỵ nạn Cộng Sản ở Ðông Nam Á đang từ từ đóng cửa, Hội SOS Boat People cũng có nguy cơ đóng cửa theo, ông phải đề ra những chương trình khác để xin tài trợ hoạt động. Năm 1997, ông đã viết tất cả 28 dự án và chỉ có 1 dự án được chấp thuận với $3,000 (ba ngàn đô la). Ông không ngã lòng, tiếp tục nghiên cứu và dần dần đưa Hội SOS Boat People với những dự án thiết thực và hiện được tài trợ từ 7-8 triệu đô la hằng năm.

Ông cũng nói chúng ta phải thay đổi cách nhìn về hội vô vị lợi. Quan niệm thông thường trước đây là tổ chức gồm những người làm việc không có lương hay chỉ có lương tượng trưng. Nhân viên hay hội trưởng có thể phục sức... nghèo nghèo để cho dễ thương.

Như vậy việc làm không hữu hiệu và không thể xin được tài trợ đàng hoàng cho dù có mục đích rõ ràng. Bây giờ hội vô vị lợi cần phải có tổ chức, điều hành, nhiệm vụ rõ rệt, phải có kiến thức, chuyên viên. Có những chuyên viên chuyên nghiên cứu viết dự án được trả lương đàng hoàng, xứng đáng, có chuyên viên chỉ đi họp mà thôi. Cơ sở phải đúng tầm cỡ với hội.

Tiến Sĩ Thắng cho biết các hội vô vị lợi ở Hoa Kỳ cũng cạnh tranh và phải nỗ lực rất nhiều trong các đề án ngắn hạn, dài hạn để hội có thể phục vụ cho cộng đồng được lâu dài.

Về việc thực hiện một đề án, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng cho biết cũng rất cần đến kỹ thuật và cả nghệ thuật nữa.

Trong dịp này, ông cho phổ biến tập tài liệu Mở Ðầu Cách Viết Ðề Án Xin Tài Trợ (Introduction to Grant Writing) và giải thích chi tiết.

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng đã dẫn giải thật rõ ràng và chi tiết với nhiều tin tức liên quan đến tài trợ mà nhiều vị trong các tổ chức vô vị lợi ít có dịp tiếp xúc. Ông cho biết sự hiện diện cả trăm người hôm nay chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng đến các hoạt động về xã hội dân sự.

Vì tính cách xin tài trợ có nhiều lãnh vực và nhiều kỹ thuật khác nhau nên cần có thêm những buổi hướng dẫn khác dành cho từng lãnh vực. Ông cho biết sẽ liên lạc với nhật báo Người Việt qua ký giả Ðinh Quang Anh Thái về thời gian và địa điểm trong lần họp tới.

Cũng trong dịp này, Tiến Sĩ Thắng đã dành nhiều thời gian để trả lời những câu hỏi của các khách tham dự.

Các hội vô vị lợi muốn có tập tài liệu “Introduction to Grant Writing” có thể liên lạc với tòa soạn báo Người Việt để được tặng miễn phí cho đến khi phát hết.

Mở đầu cuộc hội thảo, ông Dave Everett, District Manager của Dân Biểu Trần Thái Văn đã lên nói chính phủ Hoa Kỳ hàng năm có nhiều trăm tỷ đô la hằng năm để tài trợ cho các tổ chức vô vị lợi trong cac hoạt động xã hội dân sự mà nhiều tổ chức trong cộng đồng người Việt chưa hiểu rõ cách thức và thể thức để xin được tài trợ. Hôm nay Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng giới thiệu cách thức để xin tài trợ.

Tiếp theo, Nghị Viên Diệp Miên Trường của thành phố Westminster cho biết hiện thành phố có bốn chương trình phúc lợi cho mọi công dân của thành phố:

1. Trợ cấp tiền nhà cho những người bị thất nghiệp có nỗ lực đi tìm việc mà chưa được. Trợ cấp này dành cho những gia đình có lợi tức dưới 60,000 đô la/năm. Trợ cấp này có thể kéo dài đến 6 tháng.

2. Thành phố trợ cấp second mortgage đến 40,000 đô la với phân lời thấp cho những gia đình có lợi tức dưới 70,000 đô la/năm hiện đang gặp khó khăn về nhà cửa với điều kiện là người đứng đơn phải ở trong căn nhà đó.

3. Thành phố tu bổ hạ tầng cơ sở lên đến 334 ngàn đô la.

4. Trợ cấp về năng lượng.

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc qua số điện thoại (714) 600-7836 để được hướng dẫn.
 
Nguồn từ http://www.nguoi-viet.com/

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1659