Tham Chính
Date: Monday, June 01 @ 12:34:51 EDT
Topic: Quan Điểm


Ts. Nguyễn Đình Thắng

Cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ, tuy còn non trẻ, đã đạt được nhiều thành quả trong rất nhiều lãnh vực từ học vấn đến kinh tế, từ kỹ thuật đến nghệ thuật, tạo sự nể vì của các cộng đồng bạn. Tuy nhiên, chúng ta còn thua kém về một lãnh vực: tham chính.

Người Việt chúng ta vẫn quan niệm rằng chính trị là nguy hiểm và gian hiểm, do quá khứ lịch sử. Xuất thân từ một xã hội miền Nam bất ổn chính trị hay từ chế độ cộng sản mà chính trị đồng nghĩa với tù đày, ít bậc phụ huynh Việt nào khuyến khích con em đi vào con đường tham chính.



Hơn nữa, khi đặt chân đến Hoa Kỳ, vì nhu cầu sinh tồn và tái lập đời sống, cha mẹ thường khuyên con cái chọn học những ngành nghề ăn chắc như kỹ sư, bác sĩ, điện toán. Còn các ngành học như xã hội, chính trị, nhân văn, luật… thì ít người Việt theo học. Khi ra đời đi làm, các thanh niên Việt lại thường chọn làm công chức, tư chức; người có đầu óc buôn bán thì mở tiểu thương. Ít ai tham gia hoat động xã hội hay chính trị như một công việc toàn thời.

Tựu chung, hiện vẫn còn rất ít người Việt tham gia vào chính trường Hoa Kỳ. Mãi đến gần đây trên toàn quốc chỉ mới có hai vị dân cử người Việt ở cấp tiểu bang: Dân Biểu Tiểu Bang Trần Thái Văn ở California và Dân Biêu Tiểu Bang Hubert Võ ở Texas. Năm nay, người Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc Hội Liên Bang là Dân Biểu Cao Quang Ánh.

Ngoài niềm hãnh diện chung, sự thành công này của một người Việt trẻ đã khiến thêm nhiều người Việt bắt đầu quan tâm đến các vấn đề chính truờng Hoa Kỳ và tạo phấn khởi và cảm hứng nơi nhiều người trẻ Việt trẻ khác lớn lên ở Hoa Kỳ, trong đó có một ít người có ý định sẽ ra tranh cử trong năm 2010 tới đây. Đó là một dấu hiệu tốt cho cộng đồng chúng ta.

Hiện nay là thời điểm thuận lợi để dấy lên ý thức trong cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ để biến những cảm hứng và phấn khởi cá nhân thành một nỗ lực tập thể nhằm tạo tiếng nói ảnh hưởng cho cộng đồng Việt nói chung. Chúng ta cần chứng minh cho mọi người thấy rằng cộng đồng Việt biết cách và đủ khả năng tổ chức và phối hợp với nhau để đưa người mình vào hệ thống chính quyền Hoa Kỳ từ cấp địa phương đến tiểu bang và liên bang.

Chúng ta cứ tưởng tượng, nếu năm 2010 có thêm hàng chục người Việt ứng cử và trong số đó vài ba người đắc cử thì chắc chắn các cộng đồng sắc dân bạn sẽ nể trọng chúng ta hơn, các đảng phái chính trị sẽ o bê cử tri Mỹ gốc Việt hơn, và chính quyền Hoa Kỳ sẽ quan tâm đến tiếng nói và nguyện vọng của chúng ta hơn.

Trong thời gian gần đây, mỗi khi gợi ý này với những người Việt ở nhiều nơi khác nhau, tôi đều nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt và những ý kiến tán đồng và khích lệ. Quả là một thay đổi lớn lao về ý thức và thái độ so với trước đây không bao lâu.

Để chuyển niềm hứng khởi thành hành động và rồi kết quả cụ thể, cộng đồng chúng ta cần lập ra một cấu trúc nhằm hỗ trợ cho những ai quyết định tranh cử, bất luận thuộc đảng phái nào miễn là hội đủ một số tiêu chuẩn về tài và đức. Sự hỗ trợ này bao gồm hướng dẫn và huấn luyện bởi những người đi trước, vận động đầu phiếu bởi những toán tình nguyện viên, và đóng góp cho quỹ tranh cử. Chúng ta cũng cần hướng dẫn đồng hương ghi danh cử tri và, trong ngày bầu cử, cổ động họ đi bỏ phiếu.

Muốn vậy, chúng ta cần tổ chức những nhóm công tác ở từng địa phương để thực hiện các công việc này, và các nhóm này sẽ nối kết với nhau đê chia sẻ kinh nghiệm, điều động nhân tài vật lực từ mọi nơi vào những trọng điểm cần thiết.  

Trong bước đầu tiên để hình thành cấu trúc ấy, BPSOS đã tuyển một nhân viên toàn thời từ tháng 2 năm nay, với trách nhiệm nghiên cứu chính sách, liên lạc với Quốc Hội, hướng dẫn cộng đồng về hệ thống lập pháp từ địa phương đến tiểu bang đến Liên Bang.
 
Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ đến nhiều nơi trên nước Mỹ để kêu gọi và hợp tác với cộng đồng Việt ở địa phương để cùng nhau thúc đẩy thêm nhiều người trẻ dấn thân vào con đường tham chính.

Có vậy, cộng đồng chúng ta mới có tiếng nói và có ảnh hưởng trên chính trường Hoa Kỳ.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1611