Tính Ưu Việt Của Xã Hội Chủ Nghĩa
Date: Thursday, April 16 @ 10:46:38 EDT
Topic: Lịch Sử Qua Lời Ke


Hưng Yên

Sống dưới chế độ XHCN ưu việt, chỉ sợ lười thôi, chứ xiêng năng một chút thì không bao giờ thất nghiệp được. Chỉ nội cuốc hai bên lề đường lên mà trồng khoai mì, khoai lang thôi thì một người làm tướt cỏ bợ cũng không biết bao nhiêu ngày mới hết đất. Mà làm như thế thì gọi là “làm nông”. Còn nếu không muốn làm nông chân lấm tay bùn thì đi nhặt ve chai. Chỉ cần một cái bao ni lông còn tốt và lớn một chút với một cái cào nho nhỏ, đi bới các đống rác mà nhặt bao ni lông rách, giấy vụn, mảnh chai thuỷ tinh bể… đem về cân cho mấy vựa ve chai là cũng có thể có cái ăn, con nít nó còn làm được huống gì người lớn. Còn nếu có sức khoẻ một chút thì đi đào rác Mỹ. Trước 1975, dưới thời Tư Bản “Mỹ nguỵ” họ phí phạm lắm. Lính Mỹ chết trận, họ chỉ đem xác về nước, còn đồ dùng cá nhân của người ấy họ đào lỗ chon đi tất cả. Sau ngày “giải phóng” có những người chuyên đi đào rác Mỹ mà làm giầu. Chứ sao? Ngoài quần áo, giày dép, vật dụng cá nhân còn mới, còn tốt, trong túi quần, túi áo đào được có khi còn có cả Đô La, nhẫn vàng, đồng hồ đeo tay 2 cửa sổ không người lái. Có người còn đào được 1 cái đài tức là cái Radio transtor còn tốt. Thậm chí có người đào được cả hộp thịt, đem về khui ra còn thơm phức, ăn hết xẩy. Chính vì thế mà khi thấy ông Ba Cất được tha ra khỏi trại, về với gia đình đã mấy tuần lễ vẫn chưa kiếm được việc làm, thằng Thuỷ công an khu vực mới bảo ông là ngồi không ăn bám chứ việc làm thì thiếu gì!



Ông Ba Cất đã đi đạp xích lô, rồi làm bắp nổ. đến khi bắp nổ ế quá ông lại quay về với ngề đạp xích lô. Nhưng độ này xích lô ra nhiều quá, kiếm được một cuốc xe cũng “trần ai khoai củ”! Thế rồi không nhớ nhờ ai giới thiệu mà ông đảy xích lô vào một góc nhà rồi đi làm nghề “đóng than” cho cửa hàng chất đốt ở Vũng Tầu.

Ngày ông Ba Cất đến nhận việc, ông được một người đàn bà nói đặc xệt dọng Bắc Kỳ mà sau này ông mới biết đó là bà cửa hàng trưởng cửa hàng chất đốt. Bà cửa hàng trưởng dẫn ông Ba Cất sang khu đóng than gặp một người đàn ông khoảng 6 chục tuổi cởi trần trùng trục, chỉ mặc một cái quần xà lỏn đang hùng hục xúc than hắt vào mặt lưới. Thấy ông Ba Cất với người đàn bà bước vào, ông già đang sàng than chống xẻng đứng nhìn, người đàn bà bảo:

- Ông Sáu, đồng nghiệp mới của ông đây, hướng dẫn cho anh ta làm với, sau này có thêm người ông sẽ là tổ trưởng tổ đóng than!

Người đàn ông lúng búng ở trong miệng:

- Chả biết có làm được lâu không mà tổ trưởng với tổ phó!

Rồi ông ta nói với ông Ba Cất:

- Kêu tôi là chú Sáu, bây giờ chú mày sàng than đi, nhìn tôi mà làm. Hôm nay tôi cho chú mày mượn đất để trộn than, mai trả lại!

Ông Ba Cất không nói gì, chỉ lững thững bước đến tấm lưới sắt dựng đứng ở gần đấy dùng cái xẻng xúc than hất vào mặt lưới giống như chú Sáu. Bà cửa hàng trưởng đứng nhìn một lát rồi bỏ ra về, chú Sáu vừa sàng than vừa hỏi ông Ba Cất:

- Chú mày cũng mới từ ngoài Bắc vô à?

Thấy chú Sáu nói dọng người Nam, ông Ba Cất cười:

- Không, cháu người trong này, Bắc Kỳ 54, dân 9 núc (nút)!

Chú Sáu có vẻ cởi mở hơn:

- Mấy bữa trước có thằng Bắc Kỳ 75, làm khoẻ lắm, nhưng chỉ được mấy ngày thì bỏ, chú mày nhắm có làm được lâu không?

- Cháu cũng không biết nữa, nhờ chú Sáu chỉ cho cháu với chứ cháu chưa biết gì cả!

- Không có gì khó, nhưng cũng không dễ ăn đâu! Thế trước kia, trước 75 ấy chú mày làm gì?

- Dạ, cháu cũng lính tráng lằng nhằng!

- Có phải đi cải tạo không?

- Cháu được 6 năm 4 tháng!

Chú sáu nhìn ông Ba Cất ngần ngừ:

- Chắc cũng là ông gì “lớn” đây chứ người ta hầu hết cũng chỉ học tập có 3 ngày!

- Cũng xập xệ thôi chứ có lớn gì đâu chú Sáu, “cách mạng” cho mình học bao lâu thì mình học bấy lâu thôi!

- Thế có biết các ông Hiền và ông Bùi Tẩy không?

- Các ông ấy ở cùng trại với cháu, ngày cháu được về thì các ông ấy còn ở trỏng, nhưng nghe đâu cũng được về rồi.

Chú Sáu nhìn ông Ba Cất cười:

- Thôi giờ không gọi ông là chú mày nữa, gọi thế nghe “xấc” quá!

Ông Ba Cất cũng nhìn chú Sáu cười:

- Có sao đâu chú Sáu, gọi thế nghe lại thân tình hơn!

Chú Sáu hỏi lại ông Ba Cất:

- Thế ông thứ mấy?

- Cháu thứ Ba!

- Vậy tôi kêu ông là anh Ba, thế trước khi vào đây anh Ba làm gì?

- Cháu đạp xích lô!

- Ðạp xích lô không sướng hơn đóng than sao? đã không nặng nề lắm lại kiếm được nhiều tiền!

- Không kiếm được nhiều tiền đâu chú Sau ơi, bây giờ xe ra nhiều, kiếm được cuốc xe cũng trần ai khoai củ, suốt ngày lêu bêu ở ngoài đường, ngồi chỗ này, đứng chỡ kia chỉ những chầu với trực rồi còn nắng mưa, mưa nắng, hết ướt lại khô, hết khô lại ướt, “có ở trong chăn mới biết chăn có dận” chán lắm chú Sáu ơi!

Nhắm chừng đã đủ than để đóng ngày hôm ấy, chú Sáu bảo thôi không sàng nữa, rồi bảo ông Ba Cất xúc đống than mà ông vừa sàng được đổ chung vào với đống than của chú, chú bảo:

- Tân nây là đủ cho hai người mình đóng ngày hôm nay rồi. Hôm nay mình làm chung, mai thì của ai người ấy làm!

Rồi ông nhấc tấm tôn cũ đang phủ lên một đống gì đó ở cạnh đấy, nói tiếp:

- Ðây là “đất” để trộn than, đất này phải đến tận chân Núi Lớn mới lấy được, mai tôi sẽ dẫn anh Ba đi lấy đất, phải có đất trộn với than như ta trộn hồ xây nhà ấy!

Chú Sáu hướng dẫn ông Ba Cất trộn đất vào than, đại khái là trộn theo một tỷ lệ như thế nào. Sau đó hai người dùng một chiếc xe cải tiến cũ kỹ chở than vào một túp lều tranh ở gần đó để đóng thành than tổ ong. Túp lều tranh rộng chừng 4 x 8 mét chỉ một nửa có liếp che còn nửa kia để trống. Phía có liếp che là chỗ để chứa than đã đóng thành than tổ ong rồi nhưng chưa kịp chở về cửa hàng, còn phía để trống là chỗ để đóng than. Phía để đóng than có hai cái khuôn bằng gỗ đóng khá chắc chắn. Chú Sáu lại chỉ cho ông Ba Cất phải trộn nước vào than như thế nào, đừng nhão quá mà cũng đừng khô quá. Rồi xúc than đổ vào khuôn như thế nào, đổ bao nhiêu thì vừa cho một viên than rồi để khúc gỗ “nén” lên trên, cầm cái vồ dang thẳng cánh nện vào khúc gỗ nén ba nhát, than được nén cứng lại. Ngay chỗ chân đứng có một cái cần, dùng chân nhấn cái cần một cái, viên than ở trong khuôn được đẩy lên, thế là người đóng than chỉ cần nhẹ nhàng nhấc viên than bỏ vào cái két gỗ trông gần giống như cái két đựng bia, mỗi két chứa 24 viên. Ðầy két rồi thì bê ra nắng phơi rồi lại vào đóng két khác. Hai người vừa làm vừa nói chuyện, chú Sáu bảo:

- Mẹ nó, không có cách mạng thì mình làm đếch gì mà biết đóng than như thế này!

Ông Ba Cất cười:

- Không có chú Sáu thì cháu cũng ngất ngư luôn, đúng là “không thày đố mày làm nên” thật!

Chú Sáu cũng cười:

- Cứ bình thường ra thì anh Ba cần đách gì cái thứ thày này! Nhưng mà thôi “gặp thời thế, thế thời phải thế! Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!”

- Làm gì mà “hùm thiêng” chú Sáu, nhưng mà ai thì cũng muốn sống và cũng cần phải sống!

Hôm đó là ngày đầu tiên ông Ba Cất vào ngề, chân tay còn lóng ngóng nên chỉ đóng được 8 két than. Buổi chiều trước khi ra về chú Sáu bảo:

- Bây giờ mình bê than vào, của anh Ba để phía này, của tôi để phía này, để lui vô trong một tí kẻo đêm mưa nước ngấm vào than bở ra thì công là công cốc!

Ðêm hôm đó ông Ba Cất trở mình không được, đau nhức từng khớp xương, nhưng sáng hôm sau ông vẫn đi làm. Hôm nay chú Sáu dẫn ông Ba Cất đi lấy đất, chú đạp cái xe ba gác đi trước, ông Ba Cất kéo cái xe cải tiến theo sau, chú Sáu nhìn ông Ba Cất cười, bảo:

- Tôi mượn cái xe ba gác này của thằng con rể, chở đất xong rồi lại phải rửa sạch trả lại cho nó để sáng mai nó chở rau ra chợ cho người ta. Hôm nay nhường xe cải tiến cho anh Ba, ưu tiên cho anh Ba nhiều lắm đấy, được dùng xe của nhà nước mà lại là xe “cải tiến” nữa thì tất phải ngon lành rồi!
Ông Ba Cất cũng cười:

- Cám ơn chú Sáu nhiều lắm, không có cái xe cải tiến này thì cháu đến phải “gánh đất về, gánh đất về, gánh về, gánh về” thôi (ông nhái lại câu hát “gánh lúa về, gánh lúa về, gánh về, gánh về” của Phạm Duy)!

Ðến đường Lê Lợi, chú Sáu bảo dừng xe ở cổng đất Thánh Tây. Ở khoảng này, từ đường Lê Lợi muốn vào chân Núi Lớn phải đi qua một khu nghĩa địa nhỏ mà người dân Vũng Tầu thường gọi là đất Thánh Tây hay là mả Tây vì hồi còn mồ ma mấy ông Tây bà Ðầm cai trị Việt Nam chết chôn ở đấy. Hì hục mãi mới kéo được hai cái xe vào sát chân núi vì nếu không kéo xe vào sát chân núi thì làm sao mà chuyển đất từ chân núi ra ngoài đường được! Vũng Tầu là thành phố biển nên chỉ toàn là cát thế nên muốn có đất để trộn than thì phải vào sát chân núi mới có. Với lại có muốn để xe ở ngoài lề đường cũng không dám để, thời buổi gì mà trộm cắp như rươi, thậm chí đến cái quần xà lỏn cũ phơi ở trước cửa nhà nếu sơ ý thì cũng có kẻ lấy mất mà người lấy cắp lại là dân “Ba mươi năm Dân Chủ Cộng Hoà” mới từ ngoài Bắc vào nữa cơ đấy!

Cuốc, xúc, đến gần trưa hai người mới lấy được mỗi người một xe đất. Ðóng than thì ông Ba Cất không đóng nhanh và đóng khoẻ bằng chú Sáu, nhưng cuốc đất thì ông làm “nhậy” hơn chú Sáu. Hơn sáu năm ở trong trường cải tạo, hầu hết thời gian ông Ba Cất chỉ học có một nghề là cuốc đất. Ở trại nào ông cũng được biên chế vào đội trọng điểm mà bọn Việt Cộng, cái lũ trời đánh ấy nó đao to búa lớn gọi là đội xây dựng. Hết đào ao nuôi cá lại xúc đất đắp đường hay là bạt đất chỗ cao xuống chỗ thấp cho bằng phẳng. Thế thì cuốc đất với đào đất, ơng Ba Cất khơng làm giỏi hơn chú Sáu sao được?
Ðất lấy về đổ thành 2 đống nhỏ gần chân đống than, đất của ai người ấy xử dụng. Ông Ba Cất đề nghị trả lại chú Sáu số đất mà ông đã sử dụng ngày hôm qua, nhưng chú Sáu cười bảo:

- Không cần phải trả lại đâu, ngày hôm qua anh Ba có làm được bao nhiêu đâu mà, nhưng hôm nay thì khác rồi, có khi chỉ vài ngày là tôi theo anh Ba không kịp cho mà xem!

Ông Ba Cất cũng cười:

- Cháu nghĩ là dù có làm bao lâu thì cháu cũng thông thể theo kịp chú Sáu được, Chú Sáu năm nay bao nhiêu tuổi rồi mà còn khoẻ quá?

- Tôi năm nay sáu chục, còn anh Ba tới 50 chưa?

- Cháu 45, vì khổ quá nên trông già trước tuổi!

Chú Sáu đùa:

- Hồi tôi bằng tuổi anh Ba bây giờ tôi mạnh lắm, chả cần là mới cưới vợ, cưới lâu rồi mà “đêm bẩy ngày ba vô ra không kể” vẫn cứ được!

Thấy chú Sáu cởi mở, ông Ba Cất cũng đùa hỏi:

- Thế bây giờ sao hở chú Sáu?

- Mỗi đêm vẫn cứ phải làm “nghĩa vụ” một lần!

- Bộ thím ở nhà còn trẻ lắm hay sao chú Sáu?

- Bả 59, thua tôi một tuổi, thế còn anh Ba thì sao?

- Cháu ì ạch lắm rồi, theo chú Sáu không nổi đâu!

Thực tình là như vậy, ngày trình diện đi ở tù ông Ba Cất mới tròn 36 tuổi, cái tuổi đang xung sức của một người đàn ông – Nói ra thì xấu hổ – nhưng cứ phải thú thực là có nhiều đêm ông đã nhớ vợ, “thèm” vợ đến ngẩn ngơ! Mà chẳng riêng gì ông, có nhiều anh cũng đã nói ra miệng: Ngày xưa thì cứ phải là Thanh Minh, Thanh Nga mới hấp dẫn, còn bây giơ, nĩi xin lỗi... bà Năm Xa Ðéc cũng được! Ấy vậy mà chỉ cần được ăn cơm XHCN mấy năm, nhiều lúc ông Ba Cất tưởng như nó “liệt” luôn rồi! May mà đến khi được “cơm nhà quà vợ” thì thằng nhỏ lại ngóc đầu ngo ngoe. Tuy không hung hăng con bọ xít như xưa, nhưng khi “vào trận” nó vẫn còn khả năng chiến đấu, thế nhưng tuần một, hai lần thôi chứ đêm nào cũng “nghĩa vụ” như chú Sáu thì ông Ba Cất chịu không nổi, với lại cho dù ông có muốn thì bà cũng chẳng cho. Hơn 6 năm cực khổ, vất vả, đã mấy phen ốm tưởng chết còn hơi sức đâu nữa! Ông Ba Cất tâm sự:

- Cháu theo chú Sáu không nổi mà bà xã cháu cũng bết lắm, không khoẻ được như thím Sáu ở nhà đâu! Hôm qua ngày đầu tiên làm học trị chú Sáu mà đêm về, mình mẩy nó đau như dần, tưởng là hôm nay không nhấc tay lên nổi nữa!

- Có lẽ là độ này anh Ba ít làm việc nặng, đạp xích lô coi vậy màcó khi còn nhẹ nhàng hơn đóng than. Ðể tôi chỉ cho anh Ba bí quyết này là khi sàng than anh Ba cứ tưởng tượng như anh đang hắt than vào mặt người nào anh ghét nhất. Còn khi cầm vồ nện vào cái khuôn anh lại tưởng tượng như đang nện vào đầu một thằng nào đó, thế là anh sẽ thấy sức khoẻ tăng lên nhiều!

(xem tiếp kỳ sau)

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1550