Người Việt Lại Ra Đi Tị Nạn
Date: Monday, February 23 @ 20:09:58 EST
Topic: Tin Tức Thời Sự


Leo Thang Đàn Áp Ở Việt Nam: Thân Phận Của Người Việt Tị Nạn Ở Cambốt Và Thái Lan

 

Từ đầu năm 2007, người Việt lại ra đi tị nạn vì sự gia tăng đàn áp ở trong nước. Phần lớn họ chạy sang Cambốt nhưng gần đây do bị công an lùng bắt, một số phải vượt thoát sang Thái Lan. Trong hai năm qua Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển theo dõi dòng tị nạn mới này và âm thầm can thiệp cho quyền tị nạn của một số đồng bào. Nay trước số lượng người tị nạn gia tăng, chúng tôi kêu gọi sự quan tâm và tiếp tay của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

 

Sau khi được hưởng quy chế Quan Hệ Mậu Dịch Bình Thường của Hoa Kỳ, được chấp nhận vào WTO, và tổ chức xong Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC ở Hà Nội, đầu năm 2007 chính phủ Việt Nam thẳng tay đàn áp các thành phần mà họ cho là thách thức sự độc tôn của chế độ. Quốc tế lên án cuộc đàn áp thô bạo này nhưng lại không có kế hoạch để bảo vệ số nạn nhân đã bỏ nước đi tị nạn. 

 



Số ngưòi lánh nạn sang Cambốt từ đầu năm 2007 gồm ba thành phần: những người trong phong trào tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, các tín hữu Tin Lành, và các đồng bào Khmer Krom theo Phật Giáo tiểu thừa ở các tỉnh Miền Tây.

 

Khởi từ tháng 3 năm 2007, chính phủ Việt Nam đã đàn áp, bắt bớ và bỏ tù gần 100 người bất đồng chính kiến. Một số nhỏ trốn thoát được sang Cambốt. Một số được cấp quy chế tị nạn nhưng Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, do áp lực của chính quyền Cambốt, không giới thiệu họ đi định cư với lập luận là họ có thể sống an toàn tại Cambốt.

 

Thành phần thứ hai là các đồng bào dân tộc (Thượng) theo đạo Tin Lành tiếp tục bị đàn áp, một phần do hậu quả của hai cuộc biểu tình lớn ở Tây Nguyên năm 2001 và năm 2004. Năm 2008 Việt Nam thắt siết trở lại đối với đạo Tin Lành ở nhiều nơi. Điều đáng tiếc là vào đúng thời điểm này Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố, một cách sai lầm, rằng Việt Nam không còn đàn áp những người dân tộc. Trước tín hiệu ấy, Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trở nên rất khắt khe và từ chối tư cách tị nạn của phần lớn những người dân tộc. Nhiều người bị trục xuất, còn một số thì lẩn trốn ở lại.

 

Số lượng đi lánh nạn đông nhất trong hai năm qua là đồng bào Khmer Krom. Họ bị đàn áp nặng nề sau các cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo và khiếu nại việc bị tịch thu đất đai. Họ bị công an đánh đập và giải tán. Sau đó hàng loạt các người lãnh đạo biểu tình, trong đó có khoảng 50 sư Khmer Krom, bị truy nã và trừng phạt. Hàng trăm người chạy thoát sang Cambốt, kể cả khoảng 50 sư. Cuối năm 2008, công an Việt Nam lại tung ra đợt truy quét những người chuẩn bị biểu tình, và do đó lại có thêm một đợt người chạy sang Cambốt lánh nạn.

 

Đồng thời ở Cambốt công an Cambốt và Việt Nam truy bắt những người lánh nạn bị xem là đối tượng chính trị, nghĩa là vẫn tiếp tục hoạt động đấu tranh. Một số người bị bắt đưa về Việt Nam, và trên 200 đã chạy thoát sang Thái Lan: 170 đồng bào Khmer Krom kể cả 24 vị sư, trên 40 đồng bào dân tộc và một chục người thuộc các nhóm hoạt động dân chủ hay tôn giáo.

 

Trong thời gian ở Thái Lan vào tháng 12 vừa rồi, tôi tiếp xúc với trên 30 chục đồng bào Khmer Krom vừa mới chạy thoát sang từ Cambốt. Vì tình trạng căng thẳng biên giới, họ đã phải lẩn trốn trong rừng nhiều hôm, không thực phẩm, để rình lúc thuận tiện băng qua biên giới vào lãnh thổ Thái Lan. Khi đến nơi, quần áo của họ rách rưới, thân xác tả tơi, và có người không còn cả dép để mang. Họ cho biết có 5 người đã không chạy kịp và bị công an Cambốt bắt giải về Việt Nam. Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã phối hợp với một số tổ chức gấp rút trợ cấp tài chánh cho nhóm đồng bào Khmer Krom vừa chạy đến Thái Lan về quần áo, thực phẩm, thuốc men, và nhà ở.

 

Để giúp cho tổng số hơn 300 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan nói chung, UBCNVB có hai mục tiêu. Thứ nhất là vận động thay đổi về chính sách của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đối với người Việt Nam sang tị nạn ở Cambốt và rồi Thái Lan. Chẳng hạn, CUTN/LHQ ở Băngkok đã ngưng không cho người lánh nạn Khmer Krom ghi danh, với lý do chờ hội ý với các văn phòng CUTN/LHQ toàn vùng. Trong thời gian chờ ghi danh, các đồng bào Khmer Krom này không nhận được sự giúp đỡ nào và hoàn toàn bất hợp pháp--họ có thể bị cảnh sát Thái bắt và trục xuất về Cambốt bất kỳ lúc nào.

 

Mục tiêu thứ hai là cung cấp sự trợ giúp về pháp lý cho toàn bộ trên 300 đồng bào đang lánh nạn. Không có sự trợ giúp này, triển vọng để họ được xét là tị nạn rất mong manh. Đa phần các đồng bào dân tộc và đồng bào Khmer Krom có trình độ học vấn thấp nên lời khai của họ không gẫy gọn và thiếu trọng tâm.

 

Để thực hiện mục tiêu thứ nhất, UBCNVB vừa cử cựu đại sứ Hoa Kỳ Grover Joseph Rees, hiện là Cố Vấn Cấp Cao của UBCNVB về các dự án quốc tế, đến Thái Lan để tiếp xúc với CUTN/LHQ, các cơ quan lo cho người tị nạn, và bản thân một số người tị nạn. Kết quả sơ khởi là ngày 20 tháng 2, CUTN/LHQ đã liên lạc số đồng bào Khmer Krom mới đến Thái Lan và hẹn ngày ghi danh cho họ.

 

Trong mục tiêu thứ hai, UBCNVB đã phối hợp với Asylum Access, một tổ chức trợ giúp pháp lý đặt bản doanh ở San Francisco, trong nỗ lực chung về can thiệp hồ sơ pháp lý. Hai luật sư thiện nguyện của UBCNVB đã bắt đầu phỏng vấn sơ bộ một số trường hợp qua điện thoại viễn liên, với thông dịch viên do một tổ chức Khmer Krom cung cấp. Tháng 3 tới đây UBCNVB sẽ cử một luật sư đến Bangkok, tổ chức Asylum Access cũng sẽ đóng góp một luật sư, và tổ chức Khmer Krom cung cấp thông dịch viên.


Chúng tôi kêu gọi sự tiếp tay của cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới giúp tài trợ cho cuộc giải cứu cho đồng bào, không khác gì trong thập niên 1990 khi đồng bào thuyền nhân lâm nạn dưới gọng kềm của Chương Trình Hành Động Toàn Diện. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi sự tiếp tay của những đồng bào thuyền nhân đã đến Hoa Kỳ qua chương trình ROVR sau khi bị hồi hương. Quý vị là nhân chứng của sự can thiệp hữu hiệu qua con đường song hành: chính sách và pháp lý.

 

Mọi đóng góp xin gửi về:

BPSOS/Refugees

PO Box 8065
Falls Church, VA 22041

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Giám Đốc Điều Hành

Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1513