Bayou La Batre – Có Bao Giờ Nghe Đến?
Date: Friday, February 20 @ 16:51:48 EST
Topic: Phát Triển CĐ


Trần Trang Khanh

Sau chuyến đi công tác dưới vùng Gulf Coast, tôi quyết định kêu gọi bạn bè mỗi người đóng góp một ít để đem đến niềm vui nho nhỏ cho các thanh thiếu niên đang sống tại một thành phố nhỏ bé, nghèo nàn, ít ai biết đến, Bayou La Batre, Alabama.

Nhìn các em quanh quần đọc sách và trao đổi ý kiến trong phòng làm việc của văn phòng Boat People SOS ở Bayou La Batre (BPSOS-BLB), tôi hào hứng tham gia vào cuộc trò chuyện của các em mà không chờ lời mời gọi.
“Các em đang bàn luận gì đó?” Tôi cất tiếng hỏi lớn và bước thẳng vào bên trong phòng.

Cả đám trẻ ngước nhìn tôi một cách ngỡ ngàng vì tôi không phải là cô nhân viên quen thuộc ở BLB mà các em thường gặp hàng tuần.

“Tụi con đang coi cá.” Một em trai khoảng 7 tuổi trả lời với đôi mắt đa nghi như đang muốn tìm hiểu tôi là ai.



“Coi cá? Cá gì và coi như thế nào?” Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp, “bất chấp” những khuôn mặt ngây thơ đang nhìn tôi một cách tò mò và lo lắng.

“Dạ, cá ở trong sách. Nhiều lắm, nhưng tụi con không biết nó tên gì.” Em gái ngồi bên cạnh một chồng sách cởi mở giải thích cho tôi.

Thì ra các em đang “tranh cãi” về tên các loại cá. Nhìn sơ qua những cuốn sách vẽ mà các em đang coi, tôi còn không biết hết tên tất cả các loại cá. Các em bàn cãi nhau cũng là điều dễ hiểu thôi.

Cô Kiều Liên, nhân viên của văn phòng BPSOS-BLB tâm sự rằng mặc dù văn phòng không có ngân khoản để thực hiện chương trình đào tạo và hướng dẫn thanh thiếu niên tại BLB, cô không thể làm ngơ với những nhu cầu cần đáp ứng. Các em sau giờ tan học, đều chạy đến văn phòng BPSOS-BLB để làm bài tập, chơi giỡn với nhau cho đến chiều tối. Khi ba mẹ của các em đi làm về, thì các em mới đi về nhà. Tôi được biết thêm phần lớn ba mẹ của các em đều rất bận rộn. Họ làm việc quần quật quanh năm suốt tháng trong hãng gỡ sò (oyster), luôn cả cuối tuần hay những ngày lễ lớn. Các em rất hiếm khi có cơ hội được đi đây, đi đó, hoặc tiếp xúc, gần gũi nhiều với gia đình.

Tôi động lòng cảm thông và nhớ lại ngày xưa khi còn bé, ba mẹ tôi cũng vì lo lắng kiếm tiền nuôi con cái ăn học nên người, đã túi bụi làm hai, ba jobs, không thấy mặt trăng cũng như mặt trời. Mấy chị em tôi cứ đứa lớn lo cho đứa bé, chả biết cái gì khác ngoài có cơm ăn, áo mặc, và có chỗ ngủ đàng hoàng mỗi đêm.

Để tạo thêm sự thân mật, tôi đã giới thiệu về mình và đề nghị các em cũng họp lại chơi trò “bàn chuyện tương lai”. Nhờ sự khuyến khích và “bảo trợ” của nhân viên địa phương, trong phút chốc, các em đã tỏ ra rất thân thiện và thoải mái nói chuyện với tôi hơn.

“Bây giờ cô muốn hỏi các em, khi lớn lên các em sẽ thích làm gì?” Tôi bắt đầu đặt câu hỏi cho trò chơi “bàn chuyện tương lai” mà các em đã vui vẻ hưởng ứng.

Vài ba em nhìn tôi ngơ ngác như không hiểu rõ câu hỏi của tôi. Một số lớn hơn thì có vẻ đăm chiêu, cần suy nghĩ cho câu trả lời. Có hai em giơ tay cao liền lập tức, nôn nao muốn được tôi gọi tên để trả lời.

“OK, em có thể chia sẻ với các bạn và cô về ý thích của em,” tôi mời ngay em trai khoảng 9 tuổi giơ tay đầu tiên, trông rất nhanh nhẹn và thông minh, trả lời.

“Khi con lớn rồi, con muốn đi gỡ sò như ba mẹ của con.”

Trái tim tôi thoạt nhói đau bởi câu trả lời ngắn gọn nhưng “đi thẳng vào vấn đề” của em trai này. Tôi hoàn toàn không trông đợi câu trả lời đó và cố gắng không lộ vẻ xúc động trước các em. Một cách bất ngờ, em trai ngồi bên cạnh nói thêm: “Đúng rồi, con cũng muốn đi gỡ sò để giúp ba mẹ con. Làm cái này vui lắm!”

Qua tìm hiểu, tôi biết thêm các em này đều được sinh ra và lớn lên tại thành phố BLB, một thành phố xa xôi, hẻo lánh, không có gì khác ngoài những công ty gỡ sò. Trong tiềm thức của các em, có gì khác để làm nếu như không làm công việc gỡ sò? Tôi cảm thấy nhu cầu cần tạo điều kiện cho các em đi đây, đi đó, để các em có thể nới rộng tầm nhìn, và hiểu được có rất nhiều công việc khác mà các em có thể làm là vấn đề cần thiết.

Trở về lại Virginia, tôi tranh thủ gởi ra một email cho tất cả những người bạn gái mà tôi quen biết, chia sẻ cảm nghĩ đồng kêu gọi sự đóng góp của họ để tổ chức một chuyến đi thăm Hồ Triển Lãm Cá ở New Orleans, Louisiana cho các em. Kết quả như ý muốn, chỉ trong vòng ba ngày, chúng tôi đã xin đủ số tiền chi phí cho toàn bộ chuyến đi.

Thay mặt cho toàn thể các em và nhân viên của BPSOS ở BLB, tôi chân thành cảm ơn những ân nhân đã có lòng bác ái, ủng hộ, giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất để các em có được một cơ hội nới rộng tầm nhìn, tăng thêm sự hiểu biết, và quan trọng nhất là thấy được “cá thật, tên thật” ở ngoài đời, chứ không phải trong tranh.

Tôi xin trích dẫn một vài lá thư mà các em đã gởi đến các ân nhân.

Harry: New Orleans was the best trip ever. Although it was a long trip but it was worth it. Thank you very much for your support and donation.
Thạch: Từ khi đến nước Mỹ cho đến bây giờ, đây là lần đầu tiên con được đi chơi xa một ngày vui vẻ và lý thú như vậy... Con cám ơn BPSOS và các cô chú đã cho chúng con một cơ hội để học hỏi thêm rất nhiều…

Liên: A field trip in New Orleans was a best and fun trip I ever had. I saw a lot of new things and learned a lot too. Many kinds of fish I did not see before, and they are so beautiful. I want to thank BPSOS and sponsors who give us a very good trip. We all hope that we will go again in the future.
Phuong-Vi: My trip to the aquarium was a great time. The entire day was filled with new and interesting subjects. I experienced and learned about so much water life. It was more educational than a normal school field trip. I always wanted to go there, but my parents work too much, so there was never any chance to really take me...
Thank you, thank you!

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1511