Mua Sắm Quà Giáng Sinh
Date: Monday, December 01 @ 10:42:47 EST
Topic: Truyện Ngắn


Lê Mộng Hoàng

Hôm nay là ngày thứ Sáu 23 tháng 11 mà người Mỹ gọi là "Black Friday" (Thứ Sáu đen) có lẽ vì vào ngày này sau bữa tiệc linh đình của lễ Tạ Ơn mọi người đổ xô đi mua sắm quà cáp cho lễ Giáng Sinh rồi mệt nhừ, choáng váng xây xẩm mặt mày; thấy trời "tối đen" chăng? Hay là ngày các tiệm buôn kiếm lời nhiều nhất?

Riêng đối với Mẹ, ngày Thứ Sáu sau lễ Tạ Ơn năm nay lại có một niềm vui âm thầm: hôm nay ngày 23 tháng 11 năm 2007 là sinh nhật thứ 67 của Mẹ. Mẹ đã hưu trí nên có thể đi shopping suốt ngày, vẫn còn khỏe mạnh nên có thể tham gia các công tác từ thiện xã hội cùng làm việc với các bạn trẻ. Trước khi lái xe đến shopping mall mẹ đã ghi xuống một danh sách tên các người cần mua quà không có quà cho mẹ. Năm nay là năm thứ 32 ba và mẹ đón mừng Noel tại quê hương thứ hai này; gia đình chúng ta từ vòng tròn nhỏ số 3 nay đã mở rộng thành vòng tròn lớn số 7 vui hơn, đông hơn và còn trên đà phát triển.



Tuy nhiên với việc mua sắm quà Giáng Sinh thì từ năm 1998, lúc Sam rời nhà đi xa học đại học University of VA, mẹ không còn ai để cùng đi shopping với danh sách dài thườn thượt gồm quà cho bà con bên Nội, các cháu gọi ba bằng chú - khoảng độ 20 người; rồi quà cho bà con bên ngoại, các cậu mợ, dì chú; em của Mẹ - khoảng độ 18 người nữa - cộng thêm các bạn thân từ lâu của ba mẹ, các bác sĩ, nha sĩ chăm sóc cho chúng ta suốt năm, thầy cô giáo của các con, khiến số quà cần mua lên đến 60 – 70 gói. Một mình Mẹ phải thức đến 2-3 giờ sáng hai tuần trước lễ Giáng Sinh thật là khó nhọc! Đến năm 2000, hai năm sau ngày Sam đi học xa, Mẹ đưa ra đề nghị "Chỉ mua quà cho các trẻ em trong gia đình - tức là tuổi sinh viên trở xuống thôi. Các người lớn viết tên bỏ vào một hộp và mỗi người sẽ bốc thăm một tên; nếu người chồng bốc được tên vợ mình thì bỏ xuống lấy tên khác; lý do dễ hiểu là vợ chồng, cha mẹ, con cái của tiểu gia đình thì đã có quà cho nhau rồi. Cuộc "Trao Đổi Quà Giáng Sinh" này dành cho người lớn trong đại gia đình. Sau khi bốc được tên ai đó, mình sẽ giữ kín không thổ lộ và trở thành "secret admirer" của người này cho đến đêm 24 tháng 12 mình sẽ đem quà để dưới gốc cây Giáng Sinh, rồi người tặng quà và cho quà sẽ nhận diện cám ơn hoặc ôm hôn nhau vào tối 24 sau bữa tiệc gia đình. Năm đầu tiên vẫn còn vài người tặng quà Giáng Sinh cho Mẹ, bị Mẹ từ chối vì muốn áp dụng trò chơi "Trao Đổi Quà" trên kia, họ cũng không được hài lòng mấy, nhưng dần dần quen đi. Việc "Trao Đổi Quà Giáng Sinh" cho người lớn này giúp cho nhiều gia đình bớt đi một số quà phải mua sắm, đỡ phải xách nặng, mất thì giờ gói ghém. Số tiền mua quà tặng từng người ấy chúng ta có thể làm việc thiện; giúp đỡ các người kém may mắn hơn mình. Mùa Đông năm nay bão lụt đã "đến rồi đi" 5 lần tại các tỉnh miền Trung Việt Nam như Quảng Trị, Huế, Đà Nẳng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Miền Trung Việt Nam nơi "xứ dân gầy có đất cày lên sỏi đá" này hằng năm hầu như đều phải hứng chịu thiên tai tàn phá; đặc biệt là Quảng Nam và Huế, quê ngoại và quê nội của các con. Danh sách mua sắm quà Giáng Sinh của Mẹ năm này giới hạn và ngắn hơn, số tiền dư ra vì không phải mua quà Mẹ sẽ đóng góp vào "Quỹ Cứu Trợ Nạn Nhân Lũ Lụt Miền Trung 2008" của hội Quảng Đà Miền Đông Bắc Hoa Kỳ.

Đố Ba và các con biết có món quà Giáng Sinh nào mà mẹ yêu thích nhất khi nhận được không?

Đó là "Tặng Vật Tình Thương" hoặc "Gói Bánh Thủy Chung" từ miền đất xa xôi lạnh lẽo, vượt bao nhiêu dặm đường, bao nhiêu tháng ngày để làm quà tráng miệng ngon ngọt cho tiệc réveillon đêm Noel của gia đình mình từ mấy chục năm qua. Món bánh "Fruit Cake" (Bánh Trái Cây Bó Mứt) của dì Hà từ Ottawa – Canada rất đặc biệt ngon chưa từng thấy! Dì Hà phải sửa soạn làm bánh này từ tháng 9 rồi ướp rượu rhum hoặc Brandy để tủ lạnh đến đầu tháng 11 thì gởi mail qua cho gia đình mình. Dì Hà là bạn của Mẹ từ ngày xưa ở Lưu Xá Thanh Quan Sàigòn (1960) Trải qua hơn 47 năm tình thân của hai gia đình mặc dù "vật đổi sao dời, biển dâu dời đổi" vẫn gắn bó, gần gũi. Gói bánh Tình Thương nếu năm nào vì lý do kỹ thuật, bưu điện không đưa đến kịp thì các con và ba, mẹ cảm thấy như thiếu thiếu hương vị đậm đà quen thuộc của tiệc Giáng Sinh các năm trước. Sáng hôm sau, ngày 25 tháng 12, Mẹ gọi điện thoại cho dì Hà hỏi thăm thì dì ấy cho biết đã gởi hơn 2 tuần rồi mà sao vẫn chưa nhận được. "Thật xui quá!" Vừa nghe giọng nói nhẹ nhàng đầm ấm của bạn, mẹ vừa cảm động vì tình thương chân thật bền lâu, chung thủy của bạn gần nửa thế kỷ qua.

Mùa Giáng Sinh năm ngoái Mẹ cũng nhận được hai món quà tuyệt vời, quí giá khác mà mẹ luôn trân quí vì đó là những tặng vật Tình Thương của hai người bạn ở xa khác. Một khăn quàng bằng len màu xám do dì Trà ở tận Vĩnh Long, Việt Nam đan cho mẹ. Dì Trà đã hưu trí từ lâu vì ở Việt Nam 60 tuổi phải về hưu – dì đi dạy trường Trung Học trước 1975. Dì Trà bảo: "Khi ngồi đan khăn này cho bạn mình đã niệm Phật trong từng mũi kim nên lúc choàng khăn này tâm bạn sẽ được an lạc." Thật là dễ thương và chứa chan tình cảm phải không các con?

Món quà thứ hai là những tấm thiệp làm bằng tay có ép hoa Mimosa và hoa Pansy viết chữ nắn nót thật đẹp của dì Tuyết ở Los Angeles. Dì Tuyết cũng là bạn ở Lưu Xá Thanh Quan Sàigòn ngày xưa của mẹ hơn 47 năm rồi. Điều đặc biệt là dì ấy đang đi làm cho bộ Xã Hội ở California thì bị bệnh ung thư nên phải nghỉ việc, cả chồng của dì cũng từ chức để ở nhà chăm sóc vợ. Đã qua 5 năm rồi dì vẫn còn khỏe, minh mẫn, vui vẻ và còn dành thì giờ làm mấy tấm thiệp "Thank You – Happy Holiday" để gởi tặng mẹ. Nhận được quà, cầm trên tay mà mẹ xúc động đến ứa nước mắt!

Ba và các con yêu dấu, mỗi năm đi mua sắm quà Noel thì nhớ là món quà đắt tiền chưa chắc sẽ là món quà đáng quí, mà món quà nào gởi gắm được tình thương của mình đến người nhận quà mới là món quà tuyệt vời! Đừng quên tấm thiệp bộc lộ lòng Biết ơn hoặc tình thân thương đi kèm với món quà và đặc biệt là: " Cách cho hơn của cho" nữa nha!

Mẹ ôm hôn cả nhà, gia tài hạnh phúc của Mẹ.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1458