CAMSA: Một Can Thiệp Thành Công
Date: Wednesday, November 26 @ 21:28:32 EST
Topic: Chống Buôn Người


Công Lý Cho Công Nhân Việt:

Chủ Mã Lai Quấy Nhiễu Tình Dục Phải Bồi Thường

 

LTS. Từ 2001 đến nay trên nửa triệu người Việt đi tha hương cầu thực. Không được bảo vệ bởi chính phủ và môi giới đã gởi họ đi, nhiều công nhân đã trở thành nạn nhân của sự bóc lột, sách nhiễu bởi chủ sử dụng lao động. Dưới đây là hoàn cảnh của em S. Em may mắn nhận được sự can thiệp kịp thời của Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam, do tổ chức Tenaganita phối hợp với Liên Minh CAMSA thành lập tháng 4 năm 2008.

 

Grace Vu

 

Tháng 4 năm 2008 khi em S đang lau chùi trong văn phòng của công ty IRM thì ông chủ bước vào. Ông làm công việc bàn giấy được một lúc thì đứng dậy trò chuyện với em. Em trả lời theo lệ một công nhân bình thường và tiếp tục làm công việc của mình. Khi em hoàn thành công việc, ông chủ này bắt đầu tiến lại gần, yêu cầu em tắt đèn; khi em tắt đèn, ông ta đã ôm người em từ phía sau. Em phản ứng ngay bằng tiếng Malay: “Ông không được làm như thế với tôi”. Hành động quấy nhiễu như thế này giữa ông chủ và nhân viên đã được lặp lại 3 lần mà em phải chịu đựng âm thầm.

 

 

Sở Quan Hệ Công Nghiệp, nơi chủ nhân đã phải ra hoà giải với công nhân Việt do sự can thiệp của Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam, Penang, Mã Lai (ảnh CAMSA)



Công việc hàng ngày của S là lau quét văn phòng, pha trà cho ông chủ và các nhân viên văn phòng bên đảo Penang. Thỉnh thoảng em lại phải lau cả nhà riêng của ông chủ. Em rất chăm chỉ và nghiêm túc trong công việc cũng như các mối quan hệ bạn bè. Tại văn phòng này chỉ có duy nhất mình em là công nhân Việt nam. Em tâm sự rằng “Cả tuần em làm việc mệt nhọc, cũng cảm thấy cô đơn vì không có các bạn Việt Nam khác. Các cô trong văn phòng rất quý em nhưng em cũng không nói được nhiều chuyện với họ vì tiếng Anh của em rất hạn chế. Em không thể bán mình cho ông chủ. Ở Hội Thánh em tìm thấy những người bạn tốt”. Tối thứ Bảy hàng tuần em đi nhà thờ.

 

Sau khi S từ chối nhu cầu của ông chủ, ông không vui mỗi khi nhìn thấy S. Ông chuyển em sang làm việc ở một văn phòng chi nhánh của công ty bên đất liền, khu Butterworth. Ở đó, em gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi ông chủ sang là em phải trốn vào nhà vệ sinh để ông ấy không nhìn thấy mặt em. S đã tránh mật ông chủ 2 lần; lần thứ 3 em không trốn nữa. Em cho biết “Em không có tội gì thì vì sao em lại phải trốn vào trong nhà vệ sinh?”.

 

Từ sau lần ấy trở đi, em bị chuyển ra làm việc ở khu cơ khí dành cho những nam công nhân. Công việc là tháo các máy móc cũ. Công việc nặng nhọc và rất khó với em; em không thực hiện được. Quá ức chế, em đã tố cáo hết về những hành động quấy nhiễu của ông chủ tại văn phòng lớn bên đảo Penang.

 

Tháng 9 năm 2008 thì công ty bắt buộc S phải ăn tại quầy ăn của công ty. S nhất định không đồng ý vì điều lệ này không có trong hợp đồng. Vì lý do trên, công ty đã trừ một khoản tiền ăn vào lương của em. S nghỉ 3 ngày phản đối việc này và tìm đến sự giúp đỡ của văn phòng hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam. Luật sư tình nguyện can thiệp ngay bằng cách viết thư đến công ty IRM. IRM đã trả lại tiền trừ vô lý cho S.

 

Nhưng ông chủ không vừa. Ông dàn xếp để trục xuất em với lý do là nghỉ 3 ngày không có phép. S trốn khỏi công ty đến Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam xin được giúp đỡ.

 

Theo thủ tục can thiệp nhanh cho công nhân bị trục xuất bất hợp pháp, văn phòng phối hợp với luật sư nộp đơn tại Sở Quan Hệ Công Nghiệp (IRD) Penang. Giám đốc Sở trực tiếp viết công văn lên Phòng Xuất Nhập Cảnh yêu cầu gia hạn cho nữ công nhân này đến cuối tháng 12 để đủ thời gian can thiệp.

 

Sáng ngày 21 tháng 11, S, luật sư của công đoàn Malaysia Cek Razak, người chuyên dành thời gian và tấm lòng tuyệt đối cho công nhân Việt Nam, và một nhân viên văn phòng Hỗ Trợ Công nhân Việt Nam với tư cách phiên dịch ra IRD để tiến hành giải quyết việc công ty IRM trục xuất bất hợp pháp S. Bên công ty IRM thì có hai nhân viên hành chính, và đại diện công ty môi giới Mã Lai cũng có mặt.

 

Hai nhân viên hành chính của công ty IRM trước sở IRD xin được giải quyết êm đẹp vấn đề trục xuất bất hợp pháp nhân viên của họ. Các bên có mặt đều không phản đối gì. Bản thân S cũng đồng ý việc dàn xếp này. Kết quả của buổi hòa giải diễn ra rất tốt đẹp.

 

IRM sẽ trả toàn bộ vé máy bay, tiền thuế Levy còn lại, đền bù một khoản tiền tương đương 6 tháng lương là RM3100 (tương đương với 886 đô la Mỹ). Tiền mặt và vé máy bay sẽ được trao tại IRD đúng 1 tuần sau ngày ký văn bản thoả thuận chung (MOU) do sở IRD thảo.

 

Hiện tại S đang tạm trú tại trung tâm Mục Vụ của một hội thánh người Việt cho đến khi em lên đường về nước. S tâm sự, “Em cảm ơn các luật sư, các anh các chị nhiều lắm. Em về nước một cách công minh. Em cũng có thời gian để chuẩn bị tinh thần khi về nhà”. Em cũng sẽ có một số vốn nhỏ để giúp đỡ gia đình.

  

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) được thành lập tháng 2, 2008 bởi bốn tổ chức: Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada và Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức).

 

Mọi yểm trợ tài chánh cho Liên Minh CAMSA, xin gởi về:

BPSOS/CAMSA

PO Box 8065

Falls Church, VA 22041 - USA







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1455