Bóc Lột Lao Động Tiếp Diễn Ở Jordan
Date: Tuesday, November 11 @ 00:39:00 EST
Topic: Chống Buôn Người


Công Nhân Việt Ở Jordan Đòi Hồi Hương

Việt Nam Cử Phái Đoàn Đến Amman Lần 2

 

Ngày 10 tháng 11, 2008 - Trong nhiều tháng qua trên 30 nữ công nhân Việt còn kẹt ở Jordan tiếp tục tranh đấu đòi hồi hương, nhưng tiếng nói của họ bị bưng bít bởi chủ sử dụng lao động và chính quyền Việt Nam.

 

Cuối tháng 2 đầu năm nay, Liên Minh CAMSA đã can thiệp để giải cứu thành công cho 176 nữ trong tổng số 261 công nhân tại hãng may W&D Apparel do Ông James Shen, người Đài Loan làm chủ. Tuy nhiên cuối cùng chỉ có 156 người hồi hương. Số 20 công nhân còn lại đã đồng ý ở lại làm việc. Trước đó đã có 85 công nhân đồng ý ngưng đình công để quay lại làm việc.

 

 

Ông Phương, nhân viên Công Ty Cổ Phần Than Ong Việt, một trong 3 công ty môi giới đưa công nhân đi Jordan (ảnh CAMSA)



Sở dĩ các công nhân này trở lại làm việc vì một mặt họ bị đe doạ phạt tiền lên đến 1.5 ngàn Mỹ kim, mặt khác họ được hứa hẹn sẽ được trả lương theo đúng hợp đồng.

 

Điển hình, đầu tháng 3 Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, đến Bắc Giang và bắt thân nhân của các công nhân ra họp. Ông Quỳnh bảo là những ai về thì phải bồi thường vi phạm hợp đồng. Đồng thời, phái đoàn liên ngành do chính phủ Việt Nam gởi sang Jordan hứa hẹn rằng công nhân nào quay lại làm việc thì sẽ được hưởng mức lương theo hợp đồng: 225 Mỹ kim một tháng cho 8 tiếng làm việc một ngày.

 

Trước sự vừa đe doạ vừa hứa hẹn ấy, một số công nhân chấp nhận quay lại làm việc. Họ sớm vỡ lẽ rằng họ bị lừa. Họ phải làm việc 14 tiếng mỗi ngày và chỉ nhận được 70 Mỹ kim một tháng. Họ đã nhiều lần đình công nhưng vô hiệu vì lần này Ông Shen đã phong toả không cho công nhân liên lạc với bất kỳ ai, kể cả thân nhân ở Việt Nam. Các công nhân không được ra ngoài và bị tịch thu tất cả điện thoại di động.

 

Con tôi ở lại với số công nhân nữa, thì lao động quá vất vả, lương thì quá thấp, Ông Nguyễn Văn Lâm ở Bắc Giang viết cho công ty W&D Apparel ở Jordan để đòi con gái về.

 

Từ tháng 6 cho đến giờ chị Nguyễn Thị Thảo, con gái của Ông Lâm, đã nhiều lần khẩn khoản xin về vì chồng của chị bệnh ung thư sắp chết. Chị đã phải vay công mượn nợ để đóng cho Ông Shen 500 Mỹ kim tiền vé máy bay, nhưng rồi cũng không được thả cho về.

 

Hiện nay chồng của Thảo vẫn đang nằm viện, kinh tế thì không có, quá khó khăn về mọi mặt. Còn tiền vay ngân hàng thì cứ tăng lãi suất, dẫn đến gia đình tôi và con tôi lâm vào cảnh quá khổ mà không làm sao được, Ông Lâm than thở.

 

Trong khi đó chính phủ Việt Nam đã cử Ông Trần Việt Tú, Phó Tổng Lãnh Sự ở Cairo, Ai Cập, sang trở lại Jordan. Cuối tháng 2 vừa qua, Ông Tú cũng đã đến Jordan để cùng với phái đoàn liên ngành đến từ Việt Nam giải quyết vụ đình công của 176 công nhân. Kế hoạch của họ là cô lập và trục xuất những người bị tình nghi là lãnh đạo lao động, để rồi lùa tất cả số công nhân còn lại trở lại làm việc cho thủ phạm đã bóc lột và hành hung họ. Tuy nhiên kế hoạch này không thành do sự phản đối của chính phủ Jordan.

 

Cùng đến Jordan với Ông Tú là một nhân viên của công ty xuất khẩu lao động tên Phương. Trước đây Ông Phương này cũng ở trong phái đoàn liên ngành do chính phủ cử đi và chính ông ta là người đã hành hung hai công nhân vào ngày 11 tháng 3, khi họ không đồng ý ký giấy nhận lỗi.

 

Chúng tôi kêu gọi tinh thần trách nhiệm từ phía chính phủ Việt Nam. Lần này họ phải thực tâm bảo vệ quyền, lợi ích và nhân phẩm của công dân, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, phát biểu.

 

Hãy đưa các công nhân còn ở Jordan về nước theo ý nguyện của họ và truy tố tất cả những thủ phạm buôn người, kể cả công ty môi giới và những giới chức chính quyền can dự, Ts. Thắng nói tiếp.   

 

Tháng 10 vừa qua Liên Minh CAMSA phát động chiến dịch tạo áp lực với 2 đại công ty Hoa Kỳ để ngưng đặt hàng với W&D Apparel. Đồng thời, Liên Minh CAMSA đang vận động sự can thiệp của chính phủ Jordan.

 

Số công nhân ở hãng may W&D Apparel không phải là nhóm nạn nhân độc nhất của đường dây buôn lao động này. Cũng trong cùng thời điểm, 153 công nhân Việt bị đưa đến làm việc ở hãng Maintrend, ngay sát W&D Apparel. Đầu năm nay số 153 công nhân này cũng đình công và 93 người đã được hồi hương. Số 60 công nhân còn ở lại hiện cũng đang đòi hồi hương vì không chịu nổi điều kiện lao động. 

 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, được thành lập đầu năm 2008 bởi bốn tổ chức: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada và Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức).

 

Mọi đóng góp yểm trợ, xin gửi về:

 

BPSOS/CAMSA

PO Box 8065

Falls Church, VA 22041 - USA





This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1443