Phải Có Chính Sách Mạnh
Date: Wednesday, October 22 @ 10:58:26 EDT
Topic: Tài Chánh


Để Trấn An Thị Trường

Nguyễn Vinh

Kinh tế thế giới ngày nay liên hệ và ảnh hưởng mật thiết với kinh tế Mỹ rất nhiều. Hiện tại chúng ta ai ai cũng biết kinh tế Mỹ đang bị đình trệ. Nạn lạm phát, nạn thất nghiệp đều gia tăng trong lúc thị trường địa ốc vẫn còn trắc trở. Nhà cửa xuống giá trong lúc số lượng bị tịch thu ngày càng gia tăng. Lòng tự tin của giới tiêu thụ giảm mạnh, mọi người cắt giảm tiêu xài và bớt đi du lịch. Chúng ta vô tình lại đưa đẩy kinh tế đến chỗ bế tắc thêm.

Từ năm 2001, báo chí Mỹ đã bắt đầu tung tin tiên đoán thị trường nhà cửa sẽ xuống giá. Những tờ báo lớn như Wall Street Journal, New York Times, Washington Post, v.v. liên tục đăng những bài báo, những tin rất bi quan, không phản ảnh thật thị trường đang bùng lên. Rồi những năm 2003, 2004 và 2005 đánh dấu thời kỳ cực thịnh của thị trường địa ốc. Nó trở nên thật nóng bỏng một phần vì thị trường chứng khoán không đáp ứng được sự mong muốn của giới đầu tư. Họ chuyển qua đầu tư vào nhà cửa. Vào những năm đó, báo chí tăng cường đe dọa quần chúng. Trong tâm lý học, có một hiện tượng gọi là "Self Fulfilling Prophecy" có nghĩa là khi mình nghĩ mình bị một tật gì và quan tâm về nó một cách thái quá, cái tật đó có thể sẽ trở thành sự thật mặc dầu trước đây mình không có tật đó. Cha mẹ nhiều lúc vô tình chê bai con cái mình thái quá tạo ra sự thiếu tự tin, mặc cảm, và rồi đưa đến hậu quả không tốt cho con mình. Trở lại vấn đề địa ốc: Báo chí đe dọa quá làm giới đầu tư lo sợ. Người mua lúc nào cũng có nhưng vì báo chí tiên đoán nhà xuống giá thành nên họ trông đợi và không mua ngay. Nhà bán không có người mua nhiều lúc cần bán gấp phải đành xuống giá. Lúc đầu nhà đang tăng giá, rồi người mua không mua, giá bắt đầu phải xuống. Người mua lại đợi tiếp vì báo chí tiên đoán giá sẽ xuống nữa. Cứ thế mà "prophecy" trở thành sự thật.



Vùng Washington, DC có một nền kinh tế rất vững mạnh, đa dạng và không tùy thuộc vào một kỹ nghệ nào. Dân trí, lương bổng và mức thu nhập trong vùng này rất cao so với những tiểu bang khác trên toàn nước Mỹ. Khoảng cách giàu nghèo không nhiều. Thị trường địa ốc ở đây là một trong những thị trường lý tưởng và tốt nhất. Trước năm 2007, giá nhà ở vùng này không xuống! Giá nhà ở thành phố Arlington, Alexandria City, Washington, DC lại vẫn còn tăng. Nhà ở Quận Fairfax không xuống giá trong năm 2006 mặc dầu ai ai cũng nghĩ là xuống 20%. Không biết họ lấy con số 20% này ở đâu ra!

Địa ốc phải theo địa phương. Thống kê toàn quốc không thể áp dụng vào vùng này được. Khi báo đưa tin nhà xuống giá 15%, mình phải hỏi là ở đâu xuống 15%?

Vào cuối năm 2006, vùng Washington, DC chưa có nhiều nhà bị tịch thu, mặc dầu báo đăng là tỉ lệ nhà tịch thu tăng đến 50%. Thật ra thống kê toàn nước Mỹ bị ảnh hưởng bởi một vài tiểu bang mà thị trường địa ốc ở đó đang bị thê thảm. Các tiểu bang này bao gồm California, Nevada, Arizona, Florida, Michigan, Ohio và Indiana. Nếu lấy các tiểu bang này ra khỏi thống kê, tình hình chung sẽ khác đi nhiều. Rất tiếc là chúng ta không cản được hiện tượng "Self Fulfilling Prophecy". Con số nhà tịch thu ở Washington, DC gần đây đã tăng lên nhiều.

Tuy nhiên, ngay cả vùng Washington, DC, đâu phải ở đâu cũng giống nhau. Nhà tịch thu chỉ tụ lại một vài điểm. Thí dụ ở quận Fairfax, những điểm nóng là Herndon, Springfield và một phần của Falls Church. Ở quận Loudoun thì có Sterling. Còn quân Prince William thì có Manassas, Manassas Park, Woodbridge và Lake Ridge. Ngược lại những vùng như McLean, Great Falls, muốn tìm nhà "good deal" thì không dễ chút nào.

Đi đôi với thị trường địa ốc là ngành tài trợ địa ốc. Hiện tượng "Self Fulfilling Prophecy" cũng không tha ngành này. Tin tức báo chí làm các nhà đầu tư cụt hứng chuyển hướng đầu tư qua thị trường khác. Thị trường mortgage trở nên khan hiếm tiền vay (liquidity problem) và các ngân hàng trở nên quá cẩn thận trong lúc cho vay tiền tạo thêm nhiều khó khăn cho người mua nhà. Một lần nữa, ảnh hưởng tâm lý tạo ra tình trạng khan hiếm tiền tệ đóng góp không ít vào vấn nạn hôm nay.

Vậy chính phủ Mỹ đã làm gì để trấn an thị trường? Chính Tổng Thống Bush đã đứng bên lề để mặc thị trường điều chỉnh. Theo quan điểm của họ thì hãy để thị trường tự giải quyết; có như thế thị trường mới đạt mức quân bình nhanh chóng hơn. Nếu thị trường không tự giải quyết được thì tình trạng bất ổn sẽ kéo dài hơn. Và khi thị trường tự hoàn chỉnh, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến một vài khu vực (sector). Ngân hàng cho vay quá dễ dãi trong quá khứ, nay phải ráng chịu hậu quả. Người đầu tư mua nhà hy vọng giá tăng, nay giá sụt thì phải cắn răng chịu đựng. Tại sao những người này lại muốn chính phủ nhảy vào cứu giúp dùng tiền của những người dân khác? Tại sao lại giúp những hành động đầu tư cẩu thả của giới đầu tư? Giải pháp duy nhất của chính phủ Bush để kích thích kinh tế là "Stimulus Package"—hoàn thuế lại cho mỗi người dân $600 để họ tiêu xài kích thích kinh tế và tăng tạm thời số tiền cơ quan FHA (Federal Housing Administration) có thể cho vay lên đến $729,750 (cho những vùng giá cao như Washington, DC hoặc California) đến cuối năm nay. Giải pháp FHA là để giúp một số nạn nhân vay tiền lời cao trong quá khứ có thể tái tài trợ (refinance) với tiền lời thị trường hoặc tiền lời không thả nổi. Rất tiếc chính sách kích thích kinh tế "Stimulus Package" được ban ra từ tháng giêng, sau khi kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới đã bị ảnh hưởng trầm trọng của thị trường địa ốc Mỹ. Cảm tưởng chung của thị trường là Tổng Thống Bush đã quá chậm trễ trong việc phản ứng đối phó với tình hình này. Và Tổng Thống đã quá hời hợt xem thường ảnh hưởng thị trường địa ốc vào nền kinh tế chung. Nếu có giải pháp ngăn chặn hoặc ngăn ngừa thì phải là giải pháp mạnh. Ảnh hưởng của "Stimulus Package" vẫn chưa đo lường được hoặc chưa có hiệu quả hoặc chẳng có hiệu quả gì!

Trong lúc đó, bắt đầu từ tháng 10 năm 2007, Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ đã nghiên cứu tìm phương hướng chặn đứng ảnh hưởng của thị trường địa ốc và mortgage. Trung tuần tháng 3 năm nay, Hạ Viện thông qua Dự Luật Tiếp Hơi Thị Trường Địa Ốc (Housing Rescue Bill) do Dân Biểu Barney Frank (Dân Chủ-Massachusetts) đề ra. Phía Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Christopher Dodd (Dân Chủ-Connecticut) cũng đề ra một dự luật tương tự mặc dầu có những dị biệt. Tổng Thống Bush luôn đe dọa sẽ "veto" (phủ quyết) những dự luật này khi đến tay ông. Mãi đến trung tuần tháng 7, khi tình trạng kinh tế xuống dốc thêm và một số ngân hàng lớn của Mỹ sửa soạn bị đóng cửa và Bộ Tài Chính tuyên bố sẽ nhảy vào cứu vớt 2 cơ quan Fannie Mae và Freddie Mac nếu cần, lúc đó Tổng Thống mới đồng ý bãi bỏ lời đe dọa "veto". Mãi đến ngày 30 tháng 7, Tổng Thống Bush mới đồng ý ký ban hành Đạo Luật Tiếp Hơi Thị Trường Địa Ốc cho hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2008 tới đây.

Chính phủ tiên đoán Đạo Luật Tiếp Hơi sẽ cứu được khoảng 400,000 căn nhà khỏi bị tịch thu, một phần nhỏ so với con số 3.5 triệu nhà tiên đoán sẽ bị mất trước năm 2011 nếu chính phủ thụ động. Nhiều phân tích gia chỉ trích chính phủ đã quá chậm trễ khi mất gần một năm mới có thể đưa ra một biện pháp cứu vãn tình thế nguy cơ này. Họ ước mong đạo luật này được ban hành sớm hơn khi hiệu quả của nó có thể trấn an dư luận và không đưa tình trạng kinh tế đến như ngày nay.

Chương trình Tự Lập Qua Tiết Kiệm và Giáo Dục (RISE) của BPSOS được tài trợ bởi Administration for Children and Families để giúp những người cha có được một nền kinh tế vững vàng, nuôi dạy con cái nên người và có được mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Chương trình này hiện chỉ được thực hiện tại tiểu bang Virginia. Số chương trình: 90FR0038.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1417