Công Bằng và Công Lý Thắng Ở Ngoài VN
Date: Wednesday, October 01 @ 20:25:39 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Bảo vệ thành công cho công nhân Việt ở Mã Lai

Công bằng và công lý thắng ở ngoài Việt Nam

(Đăng lại từ báo Ngày Nay, số 15 tháng 9, 2008)

 

Vào ngày 31 tháng 8 này, 25 nữ công nhân Việt Nam làm việc tại hãng điện tử Polar Twin Advance (PTA, Penang, Mã lai) đã về nước để chấm dứt chuỗi ngày phải sống trong lo âu, sợ hãi và tủi nhục trên đất khách quê người. Thực ra họ đã không còn muốn lưu lại thêm một ngày nào nữa ở Mã lai nhưng vì hy vọng có thể vớt vát số tài sản đã được đem ra thế chấp cho môi giới nên họ còn nán lại để chờ Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA*) điều đình cho họ có được một khoản tiền bồi thường. Thoả thuận thư về việc bồi thường cho họ cũng như cho 11 công nhân khác đã về nước trước đó đã được CAMSA và công ty mẹ Polar Electro của Phần Lan ký vào ngày 26-8. Vụ PTA là thành công mới nhất của CAMSA. Được chính thức thành lập vào tháng Tư 2008, đến nay CAMSA đã can thiệp thành công cho hơn 10 vụ lớn nhỏ liên quan đến gần 3.000 công nhân Việt Nam và các nước khác, trong đó có những vụ nổi tiếng như vụ tranh đấu thành công cho 1.300 công nhân ở công ty may mặc Esquel Malaysia SDN Berhard (Mã Lai) và gần 200 công nhân ở hãng may mặc W&D Apparel Jordan Corp (Jordani).

 

 

Các công nhân ký giấy để nhận tiền. (ảnh CAMSA) 



Bóc lột và quịt lương

Từ năm 2005 đến cuối năm 2007 công ty PTA đã tuyển khoảng 80 công nhân Việt qua các công ty môi giới  Việt Nam là Intranco (miền Bắc) và Sao Thái Dương (miền Nam). Khi đến Mã Lai họ đã phải ký một hợp đồng mới (khác với các „hợp đồng nội“ đã ký với các công ty môi giới trong nước) và bị tước hộ chiếu. Trong số công nhân thuộc nhiều quốc tịch khác nhau làm việc tại PTA, công nhân Việt Nam có ít quyền lợi nhất. Họ bị bắt làm thêm giờ, cả vào ngày lễ lẫn ngày cuối tuần, mà không được hưởng lương phụ trội. Trong khi đó các đồng nghiệp người Nam Dương cũng làm như họ mà có mức lương cao hơn, được tiền bồi dưỡng làm thêm giờ, được thưởng tiền chuyên cần, …  Nếu sắp hạng thì  nhóm người bản xứ Mã Lai được hưởng nhiều quyền lợi nhất, rồi mới đến các nhóm công nhân Phi Luật Tân, Nam Dương, Nepal, Bangladesh, … Công nhân Việt Nam đứng đội sổ.

Sau ba tháng học nghề, PTA bắt đầu trả không đủ lương cho các công nhân Việt như đã được thoả thuận trong „hợp đồng nội“. Trong một thời gian dài PTA đã khôn khéo cắt lương xoay vòng các công nhân để tránh sự phẫn nộ của tập thể công nhân. Đến tháng 5-2008, vì hãng bỗng nhiên một lúc cắt giảm lương của 30 công nhân một cách vô lý (lấy lý do là họ đã để móng tay dài, không cột tóc, đi vệ sinh trong giờ làm việc, bị ghi vắng một cách sai sự thực) nên khoảng 70 công nhân đã tập trung trước cửa căng tin để chờ chất vấn ông tổng giám đốc. Nhưng ông này đã lánh mặt và gọi cảnh sát đến giải tán. Vì sợ hãi, hơn một nửa công nhân đã quay trở lại làm việc. Số còn lại hôm đó vẫn được ra về như bình thường. Vào ngày hôm sau, nhân viên bảo vệ ký túc xá cản không cho số công nhân đình công vào hôm trước lên xe bus để đi làm và thông báo rằng họ bị cấm làm việc. Sau đó công ty PTA trục xuất về Việt Nam 7 người bị họ nghi cầm đầu nhóm công nhân biểu tình. Các công nhân còn lại đã tìm đến đại sứ quán Việt Nam ở Kualar Lumpur và liên lạc với công ty môi giới để xin giúp đỡ nhưng không nhận được sự hồi âm và cố vấn nào. Phải sau khi bị gia đình của họ ở Việt Nam gây áp lực mạnh công ty môi giới Intranco mới chịu cử người sang Mã lai. Nhưng nhân viên này nói rằng công ty môi giới không thể giúp được vì các công nhân đã thuộc về công ty PTA và khuyên họ nên đi làm trở lại … để có tiền mà sống hầu sau này còn có thể tranh đấu tiếp! Cùng lúc đó PTA liên tục gây áp lực để bắt công nhân phải ký vào giấy nhận lỗi và xin lỗi chủ để được đi làm lại. Nhưng công nhân chỉ chấp nhận ký với điều kiện chủ nhân cũng phải hứa sẽ trả đủ lương theo hợp đồng. Vì chủ nhân không chịu hứa nên công nhân đã không chịu ký.

Bất lực và đồng loã

Vì không có lương nên các công nhân bị đói và phải đi xin rau của dân địa phương về để ăn qua ngày. Chính trong thời gian này các công nhân đã tìm đến CAMSA để xin giúp đỡ. Một mặt CAMSA đã gửi thực phẩm cứu đói và mặt khác cho mở cuộc điều tra để tiến hành thủ tục khiếu nại và kiện công ty PTA với các cơ quan thẩm quyền Mã Lai. CAMSA cũng tiến hành cuộc vận động gây áp lực với công ty Polar Electro và FinnFund của Phần Lan, là hai công ty quốc tế có phần hùn trong PTA. Bộ ngoại giao Phần Lan và toà đại sứ Phần Lan tại Mã Lai đã sốt sắng can thiệp. Polar Electro đã cử ngay luật sư trưởng sang Mã Lai để điều tra. Hãng này thường xuyên liên lạc để cập nhật thông tin với CAMSA và cho CAMSA biết rằng họ sẽ cố gắng tìm cách giải quyết êm đẹp mặc dù họ không có trách nhiệm gì trong vụ việc này. Từ năm 2005 họ đã không còn hợp tác với PTA nữa và đang muốn rút chân khỏi PTA. CAMSA quan niệm rằng Polar Electro phải chịu trách nhiệm liên đới vì đã cho PTA mượn tên và còn phần hùn trong PTA. Còn nếu PTA không chịu bồi thường thì Polar Electro phải bồi thường cho công nhân.

Trong khi CAMSA đang nhận được những tín hiệu hợp tác tốt từ phía chính phủ và các công ty Phần Lan thì tổng giám đốc PTA dẫn một phái đoàn gồm đại diện của đại sứ quán Việt Nam và công ty môi giới đến ký túc xá công nhân vào lúc 8 giờ đêm ngày 16-7. Những người này thúc ép công nhân phải ký ngay trong đêm ấy tờ giấy chấp nhận làm việc trở lại và không thưa kiện để đòi số tiền lương mà chủ nhân PTA còn thiếu họ từ trước đến nay. Nhưng tuyệt đại đa số công nhân đã không ký và đòi phải cho họ có thời giờ tham khảo luật sư của họ.

Giải toả áp lực

Vì phải chịu rất nhiều áp lực nên nhiều công nhân Việt Nam đã bỏ nửa chừng trong cuộc tranh đấu đòi quyền lợi. Đói khát và thiếu thốn là một áp lực thường xuyên. Có người mang mặc cảm cho rằng chủ PTA là một người có quyền thế và thân phận con sâu cái kiến của mình sẽ không thể địch lại với thế lực của chủ nhân. Có người chấp nhận đi làm trở lại với một đồng lương ít ỏi để vớt vát sự thua lỗ. Có người bị ngân hàng réo đòi nợ hàng tháng mà nếu không trả thì họ có nguy cơ bị xiết nhà đất. Có người bị gia đình gọi về nước vì gia đình họ quá lo lắng cho mạng sống của họ. Một số công nhân đã chọn con đường bỏ của chạy lấy người và chấp nhận trả cho đại sứ quán Việt Nam một số tiền khá lớn để được cho về nước. Nói chung tinh thần của công nhân xuống rất thấp và chỉ còn muốn về nước.

Nhưng cũng có nhiều anh thư quyết định tìm cho bằng được công lý, trong số đó có cả những người tuy không bị cắt lương hồi tháng Năm nhưng vẫn tranh đấu trong tình đoàn kết với các chị em khác. Và nhờ có họ mà công lý đã dần dần sáng tỏ. Ngay trong buổi họp hoà giải đầu tiên với sự có mặt của hai công nhân bị trục xuất được CAMSA đưa sang Mã Lai trở lại, Sở Quan hệ Công nghiệp Mã Lai đã phán rằng PTA có sai lầm khi không cho công nhân Việt đi làm. Trong buổi hoà giải thứ hai, PTA dù vẫn không chịu bồi thường nhưng chấp nhận trả lại hộ chiếu cho công nhân và hứa hợp tác giúp cho họ hồi hương. Luật sư đại diện cho PTA lý luận rằng PTA không cần phải trả tiền bồi thường vì trước đó Ban Quản lý Lao động thuộc đại sứ quán Việt Nam ở Mã Lai đã thay mặt công nhân để thoả thuận với công ty PTA rằng công nhân sẽ không đòi PTA trả lại tiền lương trả thiếu.

Trong khi đó, cuộc điều đình giữa CAMSA và Polar Electro chuyển sang hồi kết thúc với kết quả là Polar Electro chấp nhận bồi thường cho công nhân theo công thức mà CAMSA đề nghị. Công nhân sẽ nhận được vé máy bay hồi hương, tiền bồi thường cho những tháng không được cho đi làm và bồi thường phần hợp đồng bị vi phạm. Những người bị trục xuất sẽ được nhận thêm tiền bồi thường cho tổn hại tâm lý và tinh thần gây ra bởi việc trục xuất trái pháp luật. Họ có thể dùng một phần số tiền này để trang trải tiền nợ ngân hàng, số còn dư lại thì họ dùng để xây dựng một cuộc sống mới. Tổng cộng đã có 36 người nhận được bồi thường trong số 69 người tham gia cuộc đình công ngày 8-5-2008. Số công nhân khác vì đã đi làm trở lại nên không nằm trong thành phần được CAMSA đòi cho tiền bồi thường. Số công nhân này hiện cũng muốn nhận bồi thường và về nước.

Kế hoạch hành động toàn diện

CAMSA hiện tranh đấu cho các nạn nhân theo một kế hoạch hành động toàn diện gồm 3 mũi nhọn. Mũi thứ nhất nhằm giải cứu và bảo vệ các nạn nhân. Đây là công tác trọng yếu nhất vì  CAMSA quan niệm rằng các nạn nhân là thành phần đã bị chịu nhiều thiệt thòi nhiều nhất nên cần nhìn thấy được kết quả thiết thực cho chính bản thân của họ. Công bằng và công lý phải trở thành những giá trị sống gần gũi với những con người có quá nhiều đau khổ này. CAMSA tâm niệm phải tôn trọng ý nguyện của họ nên (thí dụ) đã không tìm cách giữ chân một số công nhân PTA muốn hồi hương sớm hơn mặc dù việc họ ở lại để sát cánh cùng những chị em khác có thể có lợi hơn cho cuộc đấu tranh chung. CAMSA cũng không cản trở những công nhân có ý nguyện chấp nhận đi làm trở lại trong những điều kiện thiệt thòi. CAMSA luôn tìm cách giải toả các áp lực để nạn nhân có thể rộng đường quyết định nhưng không quyết định hộ cho nạn nhân.

Mũi nhọn thứ hai nhắm vào việc trừng phạt và truy tố các thủ phạm buôn người. Những biện pháp chế tài bằng kinh tế và pháp lý sẽ khiến cho các thủ phạm hiện tại hoặc các thủ phạm tương lai phải chùn tay trong hành động tội ác. Biện pháp này không chỉ khiến các nạn nhân hài lòng mà đã thực sự có tác dụng giảm bớt sự lộng hành của thủ phạm. Trong nhiều trường hợp được CAMSA can thiệp các chủ nhân đã nhượng bộ trước khi sự việc được đưa cho chính quyền giải quyết. Với khả năng hạn hẹp, CAMSA chỉ có thể dồn nỗ lực vào một số vụ mẫu với hy vọng biến chúng thành ra những tiền lệ cho những vụ tương tự.

Mũi nhọn thứ ba nhắm vào các quốc gia liên hệ để áp lực họ phải thi hành và hoàn thiện luật pháp chống buôn người. Vì quyền lợi kinh tế, nhiều quốc gia đã thả lỏng việc bảo vệ nhân quyền của người công nhân. Nhiều quốc gia tuy có luật chống buôn người khá tiến bộ nhưng đã không áp dụng nó một cách triệt để hoặc không nhất quán thủ tiêu những qui định pháp lý khác có thể dung túng cho vấn đề buôn người, thí dụ như việc thu giữ hộ chiếu ở Mã Lai. Với việc thực hiện cùng lúc 3 mũi nhọn, CAMSA tuyên chiến với vấn đề buôn người ở cả mặt ngọn lẫn mặt gốc.

Buôn người - một dạng buôn bán nô lệ mới – được xem là một vi phạm nhân quyền đang có chiều hướng gia tăng trong thời đại toàn cầu hoá, khi các thế lực kinh tế tìm cách cấu kết với các thế lực chính trị. CAMSA hoạt động dựa trên một khung luật quốc tế về buôn người vững chắc. Trong các cuộc vận động bảo vệ nạn nhân, CAMSA tận dụng thiện chí chống buôn người của các chính phủ trên thế giới. Các chính phủ này có thể chứng thực quyết tâm trong việc phòng chống nạn buôn người tại các quốc gia khác. Do đó nhiều chính phủ đã tích cực hỗ trợ cho việc làm của CAMSA.

Toà Đại sứ Tình thương

CAMSA hiện có dự định mở thêm một số văn phòng thường trực ở những quốc gia có người „lao động xuất khẩu“ Việt Nam. „Lao động xuất khẩu“ tự nó đã là một danh từ coi thường con người, xem con người như món hàng trao đổi. Thái độ thiếu tôn trọng nhân phẩm này là xuất phát điểm của những hành vi vi phạm nhân quyền. Những văn phòng thường trực CAMSA được xây dựng theo mô thức của văn phòng đã có ở Mã lai sẽ có nhiệm vụ cứu nguy, bảo vệ, giúp đỡ nhân đạo, tư vấn, giáo dục nhân quyền, huấn luyện cho các công nhân để họ có thể tự cứu mình và cứu giúp bạn bè. Những „Toà Đại sứ Tình thương“ này sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các công nhân Việt Nam. CAMSA kêu gọi Cộng đồng Việt Nam Hải ngoại hỗ trợ cho công việc có ý nghĩa thiết thực này **.

Vũ Quốc Dụng

------------------

* Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA là tên viết tắt cho Coalition to Abolish the Modern-day Slavery in Asia) hiện gồm 4 tổ chức: Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS, Hoa kỳ), Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (Hoa kỳ), Liên Hội Người Việt Canada (Canada) và Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (IGFM-ISHR, Đức).

 

** Mỗi văn phòng thường trực cần chi phí 50.000 USD mỗi năm. CAMSA hiện đề nghị 3 hình thức bảo trợ cho văn phòng này: thành viên bảo trợ (100 USD/năm), thành viên vận động (100 USD/năm và vận động tìm thêm được 4 thành viên bảo trợ), thành viên quán quân (100 USD /năm và vận động tìm thêm được 9 thành viên bảo trợ). Hàng tháng những thành viên này sẽ nhận được bản tin c ũ ng như  các đoạn phim về hoạt động và thành quả của CAMSA. Mọi liên lạc xin gửi về asia@ishr.org hoặc camsa@bpsos.org

 

Mọi đóng góp cho Liên Minh CAMSA xin gủi về:

 

BPSOS/CAMSA

PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - USA

 

===============

 

Đọc thêm

 

Buôn Lao Động Ở Jordan: Công Ty Hoa Kỳ Tẩy Chay W&D Apparel

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1747

 

Công Bằng và Công Lý Thắng Ở Ngoài VN

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1398

 

Kêu Gọi Giúp Đỡ Hơn 200 Công Nhân Ở Jordan

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1242

 

Một Nữ Công Nhân Ở Jordan Phải Nhập Viện Trở Lại

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1241

 

Cơ Quan Quốc Tế Giải Cứu Công Nhân Việt Ở Jordan

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1240

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1398