Những Quyền Lợi Khi Trở Thành Công Dân Hoa Kỳ
Date: Friday, September 05 @ 11:07:27 EDT
Topic: Di Dân & Nhập Tịch


Luật Sư Võ Hoàng An Phong

Ngày 24 tháng 6 vừa qua, văn phòng BPSOS tại Houston tổ chức một ngày Điền Đơn Nhập Tịch Miễn Phí cho đồng hương người Việt. Số người tham dự trong ngày này lên đến 19 người.

Trong những năm vừa qua, văn phòng BPSOS tại Houston có tổ chức rất nhiều chương trình phục vụ cộng đồng và mỗi chương trình đều mang lại cho những thiện nguyện viên của chúng tôi nhiều điều đáng nhớ. Cô Annie Trịnh, một thiện nguyện viên AmeriCorps làm việc tại BPSOS-Houston, đã giúp điền hồ sơ nhập tịch cho một bác cao niên đã sống trên Hoa Kỳ hơn 20 năm. Khi cô Annie hỏi: "Vì sao từ trước tới giờ bác không điền đơn nhập tịch," thì bác trả lời rằng: "Hồi nào tới giờ tôi cũng không bao giờ để ý đến vấn đề này cho đến khi nghe văn phòng BPSOS lên đài radio nói về những quyền lợi khi trở thành công dân Hoa Kỳ." Sau khi giúp bác điền đơn, chúng tôi cho bác biết rằng vì bác đã là thường trú nhân trên 20 năm và bác trên 50 tuổi cho nên bác sẽ được thi phỏng vấn và nhập tịch bằng tiếng Việt.

Luật Sư Võ Hoàng An Phong, nhân viên UBCNVB, và thiện nguyện viên đang giúp đồng hương điền đơn xin nhập tịch. (ảnh BPSOS)



Theo thể lệ của Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ thì bất cứ ai hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ và là thường trú nhân 5 năm trở lên đều có quyền nộp đơn xin nhập tịch. Công dân Hoa Kỳ có rất nhiều quyền lợi mà thường trú nhân hay người tị nạn không có. Sau đây là một số các quyền lợi dành riêng cho công dân Hoa Kỳ:

- Quyền bầu cử
- Quyền được làm bồi thẩm
- Quyền được xin sổ thông hành Hoa Kỳ khi đi du lịch ra khỏi nước
- Quyền được bảo lãnh thân nhân

* Xin lưu ý: Thường trú nhân chỉ được phép bảo lãnh vợ/chồng hoặc con cái còn độc thân.

- Quyền được nhập tịch Hoa Kỳ cho con cái của mình nếu sinh ở nước ngoài
- Quyền được tranh cử các chức vụ dân cử
- Quyền được phép thường trú vĩnh viễn tại Hoa Kỳ (không bị trục xuất)

Một trong những đồng hương đến để chúng tôi giúp điền đơn là một người con lai. Lúc còn sống tại Việt Nam, cô không được đi học nên cô không biết đọc hay biết viết tiếng Việt. Cô phải suy đi nghĩ lại trước khi quyết định để chúng tôi điền đơn nhập tịch. Trong đơn chúng tôi có kèm theo tập hồ sơ nhập tịch của cô với một lá thư trình bày hoàn cảnh của những người con lai khi ở Việt Nam. Những người con lai này đã bị xã hội chà đạp, bị lãng quên vì mang trên người hai giòng máu Mỹ Việt, và đã không có cơ hội cắp sách đến trường. Vì thế, một đoạn văn trong lá thư trình bày là sự yêu cầu phỏng vấn viên khi phỏng vấn thì đọc câu hỏi chậm rãi, lập lại câu hỏi, và cho họ nhiều thì giờ để trả lời câu hỏi.

Trong vài tháng qua, văn phòng BPSOS tại Louisville, Kentucky (Trung Tâm Dịch Vụ BPSOS tại Louisville, KY do cô Thúy Loan phụ trách) đã giúp điền hồ sơ cho 4 anh chị lai Mỹ Việt. Một trong những anh chị em này vừa báo cho chúng tôi biết rằng anh vừa mới thi đậu nhập tịch. Tâm trạng của anh mừng vui khôn xiết khi biết rằng ước mơ của mình được trở thành công dân Hoa Kỳ nay đã thành hiện thực. Anh không ngừng cám ơn chúng tôi đã giúp anh điền đơn và bỏ thì giờ mở lớp luyện thi nhập tịch để anh trở thành công dân Hoa Kỳ. Khi kể lại kinh nghiệm phỏng vấn, anh cho biết rằng phỏng vấn viên rất vui vẻ và kiên nhẫn lặp lại các câu hỏi và cho anh nhiều thời gian trả lời những câu hỏi đó, đặc biệt là những câu hỏi khó. Chúng tôi mong rằng tất cả các anh chị đã và đang nộp đơn xin nhập tịch cũng sẽ có sự may mắn như thế để sớm trở thành công dân Hoa Kỳ và được hưởng những quyền lợi khác mà hiện nay mình không có.

Chúng tôi xin kêu gọi đến tất cả quý vị đã nộp đơn hay dự định nộp đơn nhập tịch ghi danh vào lớp luyện thi nhập tịch và lớp học tiếng Anh (ESL). Lý do cần phải ghi danh cho cả hai lớp học là vì những lý do sau đây:

- Trước khi phỏng vấn, phỏng vấn viên sẽ hỏi quý vị những câu hỏi thông thường, chẳng hạn như là "How are you?", hoặc "Do you know why you are here?"

- Kế tiếp phỏng vấn viên sẽ hỏi sơ qua những câu hỏi trên đơn nhập tịch để chứng minh rằng từ khi nộp đơn cho đến ngày phỏng vấn thì địa chỉ và những thông tin riêng tư của quý vị không có sự thay đổi.

- Sau đó thì phỏng vấn viên sẽ hỏi quý vị những câu hỏi liên quan đến vấn đề tội phạm xem quí vị có phạm pháp gì hay không.

- Phần kế tiếp mà phỏng vấn viên sẽ hỏi là 6 câu hỏi về điều kiện tuyên thệ, chẳng hạn như là "Ông/Bà có ủng hộ Hiếp Pháp và chính phủ Hoa Kỳ không?" (Do you support the Constitution and form of government of the United States?) hay "Nếu luật pháp yêu cầu, ông/bà có sẵn lòng cầm súng để bảo vệ đất nước Hoa Kỳ không?" (If the law requires it, are you willing to bear arm on behalf of the United States?)

- Tiếp theo là phỏng vấn viên sẽ đưa cho quý vị 10 câu hỏi (10 câu trong 100 câu hỏi mà quí vị học). Quý vị chỉ cần trả lời đúng 6 câu mà thôi.

- Sau đó là phần thi đọc. Phỏng vấn viên sẽ yêu cầu quý vị đọc một câu hỏi.

- Phần cuối cùng là phần thi viết. Phỏng vấn viên sẽ đọc to lên một câu nói và yêu cầu quý vị viết câu nói đó xuống.

Vì quá trình phỏng vấn không chỉ dựa vào phần trả lời 10 câu hỏi, đọc một câu, và viết một câu, chúng tôi mong rằng quý vị nào kém Anh ngữ nên ghi danh học ESL để chuẩn bị phỏng vấn một cách hiệu quả hơn. Có rất nhiều thân chủ của chúng tôi, tuy vốn tiếng Anh ít ỏi, nhưng qua sự cần mẫn và chăm học đã đậu khi đi thi nhập tịch. Cô Trọng, một thành viên của văn phòng BPSOS tại Houston vừa trở thành công dân Hoa Kỳ trong mấy tháng qua do sự quyết tâm, cần mẫn và chăm học của cô. Sau khi trở thành công dân Hoa Kỳ, cô đã nộp bản sao bằng quốc tịch cho Sở Di Trú và Nhập Tịch để nâng cấp hồ sơ bảo lãnh cho con của cô từ hạng ưu tiên 2B qua hạng ưu tiên 1. Nhờ có quốc tịch mà cô đã rút ngắn thời gian bảo lãnh cho con của cô từ 9 năm thành 6 năm. Chúng tôi chúc cô sớm được đoàn tụ với con cái của mình.

Văn phòng BPSOS tại Houston xin cám ơn tất cả thiện nguyện viên đã đến giúp trong ngày Điền Đơn Nhập Tịch: Luật Sư An Phong Võ; Annie Trịnh; Luật Sư Frances Valdez; Hoa Tăng; Giao Dương; John Vong; Luật Sư Michael Cao; Minh Nguyệt Lê; Nancy Tú: Stephanie Trương, và Trish Thảo Nguyễn.

Chúng tôi cũng xin cám ơn hỗ trợ viên Anne Young, Chet Machen, Francis Bui, Luật Sư Steven Dieu và Nhã Việt, và Luật Sư Tom Hùng Hoàng.

Văn phòng BPSOS tại Houston xin đa tạ sự tài trợ của Cộng Đồng Người Việt tại Houston và vùng phụ cận; Bác sĩ Thục La và La Dental; OCA tại Houston, và báo Việt Nam Mới.

Mọi chi tiết về việc giúp điền đơn xin nhập tịch, hoặc có câu hỏi liên quan, xin quý vị liên lạc văn phòng chi nhánh BPSOS-Houston qua số điện thoại 281-530-6888.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1379