Giải Đáp Thắc Mắc Chương Trình RISE
Date: Thursday, September 04 @ 11:11:40 EDT
Topic: Tài Chánh


Chương Trình Phát Triển Tiểu Thương (RISE)

Trần Trang Khanh

Trong mấy tháng vừa qua, UBCNVB đã liên tục gởi gắm đến quý vị thông tin về Chương Trình Phát Triển Tiểu Thương (CTPTTT) của ban Phát Triển Cộng Đồng. Mục đích chính của chúng tôi là muốn thông báo với quý vị một chương trình mang lại lợi ích cho cộng đồng người Việt của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn khuyến khích những đồng hương nào hội đủ những tiêu chuẩn đề ra, hãy nhanh chóng tham gia vào chương trình.



Gần đây chúng tôi nhận được rất nhiều điện thoại của quý vị muốn tìm hiểu chi tiết thêm về CTPTTT. Qua những lần nói chuyện với quý vị, chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều vấn đề mà chúng ta hơi lúng túng, hoặc không hiểu rõ ràng cho lắm. Trong phần giải đáp thắc mắc này, chúng tôi sẽ giải thích cặn kẽ để đồng hương hiểu thấu đáo hơn về chương trình này.

Sau đây là một vài câu hỏi chúng tôi đã nhận được từ quý vị:

Hỏi: Những ai có thể tham gia vào chương trình Phát Triển Tiểu Thương?

Đáp: Những người qua Mỹ theo 3 diện sau đây đều có thể tham gia vào chương trình:

a) Diện tị nạn và chưa có quốc tịch (HO, HR, ROVR...)

b) Diện con lai và chưa có quốc tịch (Amerasian).

c) Diện nạn nhân của nạn buôn người (Human Trafficking)

*Xin lưu ý: Những người qua Mỹ theo diện bảo lãnh, du lịch, hoặc du học sẽ không hội đủ tiêu chuẩn để tham gia vào chương trình này.

Hỏi: Nghe nói chương trình PTTT chỉ phục vụ đồng hương tại vùng Hoa Thịnh Đốn, vậy những đồng hương ở tiểu bang khác có thể tham gia vào chương trình hay không?

Đáp: Chương trình này chỉ đang được thực hiện tại vùng Hoa Thịnh Đốn (Maryland, Virginia, District of Columbia) mà thôi. Những đồng hương ở các tiểu bang khác không thể tham gia vào chương trình này.

Hỏi: Tiểu thương là gì, và mục đích của chương trình PTTT?

Đáp: Tiểu thương là kinh doanh nhỏ. CTPTTT được thành lập để giúp vốn cho những người hội đủ tiêu chuẩn đã nêu trên mở tiểu thương để tạo nguồn thu nhập và tự làm chủ cho chính mình.

Hỏi: Lúc trước nghe nói chương trình này chỉ giúp cho những ai thích "Giữ Trẻ Tại Gia", vậy nếu muốn làm ăn vào những lãnh vực khác có được hay không?

Đáp: Trong mấy tháng đầu tiên, chúng tôi chỉ chú trọng vào lãnh vực "Giữ Trẻ Tại Gia" vì thấy được nhu cầu cần thiết trong cộng đồng. Tuy nhiên, sau nhiều tháng thực hiện chương trình, chúng tôi nhận thấy rằng lãnh vực giữ trẻ không dễ dàng cho đồng hương của mình như chúng tôi tưởng, đặc biệt là cho những quý vị đang sinh sống tại Maryland.

Luật giữ trẻ đòi hỏi rất nhiều cách thức mà phần lớn chúng ta không thể đáp ứng được. Một ví dụ cụ thể là nếu có được bằng cấp giữ trẻ hợp pháp thì trước tiên phải có nhà riêng, mà nhà phải rộng rãi, sạch sẽ, và bảo đảm sự an toàn cho trẻ. Phần lớn quý vị đồng hương đều không có nhà riêng nên không đạt điều kiện để xin giấp phép. Một ví dụ khác nữa là nếu quý vị hiện sinh sống tại Quận Montgomery, Maryland, quý vị bắt buộc phải (1) tham gia vào những lớp học giữ trẻ tổng cộng 24 tiếng đồng hồ và phí tổn cho các lớp học thì rất cao; (2) những người sống cùng trong gia đình quý vị nếu trên 18 tuổi phải qua sự kiểm tra tiền án, tiền sự; (3) quý vị phải chỉ định một người nào đó mà quý vị tin tưởng để giữ trẻ nếu quý vị có một chuyện khẩn cấp nào đó cần phải đi xa, v.v. Nói tóm lại, những tiêu chuẩn mà do quận hoặc tiểu bang đề ra để cấp bằng giữ trẻ thì khó khăn hơn là chúng ta tưởng rất nhiều.

Để giải quyết những trở ngại mà đồng hương mình đang gặp phải, chúng tôi đã trình bày những khó khăn này với viên chức chính phủ trực thuộc chương trình. Và họ đã chấp thuận cho phép đồng hương được vay vốn kinh doanh qua nhiều lãnh vực khác nhau như mở tiệm sửa xe, tiệm nail, tiệm bánh, tiệm giặt ủi, v.v.

Hỏi: Nếu bây giờ chưa có nhà mà vẫn muốn đi học để lấy bằng giữ trẻ, sau này có nhà rồi thì giữ trẻ có được hay không?

Đáp: Có rất nhiều quý vị nghĩ rằng bây giờ nộp đơn xin lấy bằng giữ trẻ trước, rồi để đó sau này dùng đến sau. Câu trả lời là không được. Lý do vì trước khi quận hoặc tiểu bang mà quý vị đang ở đồng ý cấp cho quí vị bằng giữ trẻ, họ phải xuống nhà của quý vị kiểm tra về mọi mặt để bảo đảm an toàn, vệ sinh, cũng như hệ thống phòng cháy và chữa cháy. Một điểm quan trọng nữa là khi họ cấp cho quý vị giấy phép giữ trẻ, trong giấy phép đó có ghi địa chỉ mà quý vị đang cư ngụ. Nếu sau này mua nhà, hoặc dọn nhà đi nơi khác, quý vị bắt buộc phải tiến hành thủ tục xin giấy phép giữ trẻ lại từ đầu.

Hỏi: Số tiền có thể mượn ít nhất và nhiều nhất là bao nhiêu?

Đáp: Số tiền cho mượn ít nhất là $2,000 và nhiều nhất là $10,000. Tiền lời (interest rate) sẽ dựa trên điểm tín dụng, tiền đặt cọc, kế hoạch làm ăn, và số tiền vay mượn của quý vị. Qua chương trình PTTT, chúng tôi chỉ có thể cho vay $2,000. Tuy nhiên, hiểu được nhu cầu cần vốn làm ăn, chúng tôi hợp tác với một hội đoàn khác để tạo thêm vốn để quý vị có thể mượn. Ví dụ, nếu quý vị muốn vay tối đa là $10,000 để kinh doanh, chúng tôi sẽ giúp quý vị vay vốn $2,000, và hội đoàn bạn sẽ cho vay $8,000.

Hỏi: Số tiền mượn để làm ăn có cần phải trả lại không? Nếu có, thời gian phải trả là bao lâu?

Đáp: Số tiền mượn bắt buộc phải trả lại khi quý vị đã chính thức mở tiệm làm ăn và bắt đầu có thu nhập. Đây là chương trình giúp vốn cho người tị nạn mở tiểu thương để tự làm chủ cho chính mình. Thời hạn trả thì tùy thuộc vào thu nhập và khả năng của từng cá nhân. Tuy nhiên, số tiền vay mượn phải trả lại trong vòng 3 năm và phải trả đều mỗi tháng. Cũng như quý vị phải trả tiền xe, tiền điện, tiền nợ thẻ tín dụng, tiền nhà, số tiền vay vốn làm ăn cũng phải trả đều như đã thỏa thuận trong giấy tờ vay mượn.

Chúng tôi hy vọng sẽ giải đáp được phần nào những thắc mắc của quý vị. Kính mong quý vị tiếp tay phổ biến rộng rãi chương trình này đến với những người thân quen, bạn bè và hàng xóm của quý vị. Mọi chi tiết xin liên lạc cô Nguyễn Annie tại Maryland (301) 439-0505, hoặc cô Nguyễn Thành tại Virginia (703) 538-2190.

Chương trình Phát Triển Tiểu Thương được tài trợ bởi Văn Phòng Tái Định Cư Cho Người Tị Nạn (Office of Refugee Resettlement), ngân khoản số 90RG0076.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1378