Sứ Mạng Tình Thương - Hội Thảo
Date: Wednesday, August 06 @ 20:57:04 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Cảm Nghĩ Của Một Người Tham Dự

 

Mai An,

4 tháng 8, 2008

  

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…

 

Nguyễn Du đã từng khóc thương nàng Kiều, một nhân vật của một câu chuyện cũ từ đời Gia Tĩnh Triều Minh trong sách Phong Tình Cổ Lục, trước Nguyễn Du cả hằng trăm năm. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã làm xúc động bao nhiêu người và để lại cho đời sau một áng văn chương tuyệt tác.

 

Chúng ta ngày nay phải đối diện với một sự thật hết sức phũ phàng: những nàng Kiều đó là những người đã từng sống cùng với chúng ta, là người cùng địa phương, là hàng xóm làng giềng, là bà con cô bác, là chị là em của chúng ta; họ bị lừa đem đi rao bán và sống kiếp nô lệ tình dục, nô lệ lao động khắp nơi trên thế giới… từ Cam pu chia, Đài Loan, Đại Hàn, Malaysia tới tận Jordan.

 

 

 

Bà Ngô Thị Hiền thuyết trình trước cử toạ, Orange County 2/8/08 (ảnh CAMSA)



Nghĩ về đồng bào bị buôn bán làm nô lệ lao động, nô lệ tình dục, không ai trong chúng ta không khỏi chạnh long thương cảm và đau xót cho từng thân phận con người bị vùi dập đọa đầy, và rồi cảm thấy bị nhục nhã xấu hổ vì thể diện cả một Quốc Gia Dân Tộc bị xúc phạm nặng nề.

 

Trước vấn đề đó Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển và Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam đã và đang làm gì?

 

Đó là những điều được TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành UB Cứu Người Vượt Biển, và Bà Ngô thị Hiền, Chủ tịch UB Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, trình bày trong buổi hội thảo ngày thứ bảy 2 tháng 8, từ 1:30 đến 4:00 pm tại Viện Việt Học ở Westminster, CA.

 

Nhiều người cho rằng đây là cuộc hội thảo dù được tổ chức gấp rút, với ban tổ chức rất thiếu kinh nghiệm nhưng rất thành công với trên 100 quan khách và đồng hương tham dự; nhiều quan khách không tìm được chỗ đứng trong hội trường đã vui vẻ đứng ngoài hành lang. Cuộc hội thảo cũng được giới truyền thong báo chí quan tâm theo dõi và tường thuật dầy đủ.

 

Lý do chính của sự thành cộng là danh tiếng và sự lôi cuốn hấp dẫn của hai diễn giả: Phần trình bày của TS Thắng rất mạch lạc rõ rang, phần trả lời các câu hỏi rất thỏa đáng, tế nhị và sâu sắc của hai diễn giả khiến tất cả các quan khách và đồng hương tham dự tán thưởng nhiệt liệt.

 

Trong số quan khách tham dự, có sự hiện diện của Nghị viên Luật su Dina Nguyễn. Ai cũng đồng ý với Bà Ngô Thị Hiền, chúng ta rất cần có những vị Dân Cử Mỹ với trái tim Việt Nam như Nghị viên Dina.

 

Một vị đặt câu hỏi: “Tại sao không gọi là nhà cầm quyền Việt Nam mà lại gọi lả Chính quyền Việt Nam?” Đây là một câu hỏi hay và câu trả lời còn hay hơn nữa: TS Thắng cho rằng chữ “chính” đây chỉ là hành chính, nhà cầm quyền về hành chánh, Bà Ngô thị Hiền giải thích thêm: TS Thắng ngọt ngào như một lưỡi dao và nhũng câu trả lời khôn khéo đó được rất nhiều người tán thưởng bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt.

 

Sứ mạng tình thương giải quyết tận gốc rễ vấn đề bằng ba mũi nhọn:

 

Lập những tòa đại sứ Tình Thương để giúp đỡ các nạn nhân một cách thiết thực nhất trong cuộc sống nơi đất khách quê người.

 

Truy cứu trách nhiệm dân sự và có thể cả trách nhiệm hình sự của những kẻ vi phạm. Gây áp lực để Chính quyền Việt Nam thay đổi chính sách, và đặt vấn đề theo dõi thực hiện chính sách với các vị dân cử trong Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

 

Nhưng với cách đặt vấn đề là:

Làm sao chấm dứt được tận gốc rễ tệ nạn này?

Làm sao xoa dịu được nỗi đau này?

Làm sao rửa được nỗi nhục này của Đất Nước, của Dân Tộc?

diễn giả đã khéo léo để thính giả ngầm hiểu phải có một chính quyền biết thương dân và là đại diên thưc sự cho dân, và vấn đề cốt lõi vẫn là Tự Do và Dân Chủ.

 

Cuối cùng, xin được viết lại những lời của Hoc Giả Đỗ Thông Minh (vừa viết vừa run):

 

Thấy mà không cảm là bất tri!

Biết mà không lo là bất nghĩa!

Lo mà không làm là bất dũng!

Đau mà không thương là bất nhân!

 

Xin góp một phần rất nhỏ bé (100 usd) trong thu nhập it ỏi của tội vào công cuộc thật to lớn, cao đẹp và rất có ý nghĩa này.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1362