Phu Xướng Phụ Tuỳ: Hậu Quả Tai Hại
Date: Tuesday, June 24 @ 14:27:26 EDT
Topic: Bạo Hành Gia Đình


Bạo Hành Gia Đình Trong Xã Hội Việt Nam Từ Xưa Tới Nay

Nguyễn Mai Tâm

Thông thường khi nói tới Bạo Hành Trong Gia Ðình, ta liên tưởng ngay đến hình ảnh một người chồng hung dữ, mặt mũi đỏ gay, đang nắm tóc một người đàn bà, hoặc đang đánh, đấm, đá, la hét người vợ của mình. Ðó chính là vì ngay từ thời phong kiến, trong xã hội Việt Nam, phụ nữ được coi là những người chân yếu, tay mềm, có nhiệm vụ phải chăm sóc nhà cửa, nuôi con, và chu toàn bổn phận của một người con, người vợ và người mẹ. Khi còn sống chung với cha mẹ, họ phải phục tùng và vâng lời cha mẹ, phải có nhiệm vụ chăm sóc gia đình mình. Khi đã trưởng thành và lập gia đình, trở thành những nàng dâu trong gia đình, họ không những phải phục tùng và hầu hạ gia đình chồng mà còn phải phải phục tùng chồng, không được cãi lời chồng và không được ngang hàng với chồng. Trái lại, người chồng có trách nhiệm phải "giáo dục" người vợ của mình bao gồm cả đánh vợ.



Dường như Bạo Hành Trong Gia Ðình đã có mặt trong gia đình Việt Nam từ thời rất xa xưa. Nó xuất hiện mỗi ngày trong xã hội Việt Nam đến nỗi người ta coi đây là những chuyện quá bình thường, không có gì sai trái cả. Những hình ảnh mẹ chồng hành hạ con ghẻ như cô Tấm trong truyện Tấm Cám… tất cả những người phụ nữ này đều là nạn nhân bạo hành trong gia đình thời bấy giờ. Tuy không có một thống kê nào cho thấy bạo hành trong gia đình đã xuất hiện từ thời xa xôi, nhưng qua văn học, ca dao, tục ngữ và cả phong tục tập quán, giáo dục, ta đã thấy được người đàn bà con gái Việt Nam trong chế độ phong kiến bị áp bức, tước bỏ rất nhiều tự do cá nhân, hạnh phúc và ngay cả nhân vị của mình cũng bị xóa bỏ. Ngay từ khi mới sinh ra, các trẻ nữ đã bị khinh khi, ruồng bỏ: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" và không được đặt tên chữ như con trai. Nếu ốm o, gầy gò sẽ được gọi là "còm"; nếu chẳng may bị đẻ rơi ở đâu đó thì được gọi là "rơi", là "rớt". Khi đến tuổi đi học cũng không đưọc học chữ như con trai vì cha mẹ lo sợ rằng nếu biết chữ thì sẽ viết thư cho trai.

Khi tuổi xuân vừa chớm, người con gái lại bị cha mẹ bắt phải lấy chồng vì "Nữ thập tam, nam thập lục" vì mười tám đôi mươi chưa chồng đã bị coi là ế. Thế nhưng, lấy chồng cũng chẳng được tự do lựa chọn vì: "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", và đành phải phó thác cuộc sống mình cho những người xa lạ, để rồi: "chưa chồng nón thúng quai thao, chồng rồi nón rách quai nào thôi quai". Ðâu những chỉ có thế mà thôi, khi đã trở thành người vợ, nàng dâu, người phụ nữ Việt thời đó bị tước mất hết cả tự do: "gái có chồng như gông đeo cổ", và phải làm những việc nặng nhọc để kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng ăn học: "quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng". Ðấy không phải riêng của bà vợ Tú Xương mà còn rất nhiều người phụ nữ Việt Nam khác đã phải chịu đựng:

Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm, xóc dĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hổ chàng
Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà.

Không những chỉ phải chịu cực, chịu khổ nuôi chồng, nuôi con, người con dâu Việt Nam gần như phải chịu đựng tất cả những người trong gia đình chồng: "Giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng", với bố mẹ chồng thì "Bố chồng như lông chim phượng, mẹ chồng như tượng mới tô, nàng dâu là bò nghé chuôi". Nếu người con dâu không nghe lời bố mẹ chồng, chị em chồng và ngay cả người chồng của mình thì có thể bị: "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân". Và nếu phạm lỗi nặng thì người đàn bà sẽ bị lăng nhục: "gọt đầu, bôi vôi" hoặc sẽ bị từ bỏ, và nặng hơn nữa thì có thể bị thả bè trôi sông.

Trong thời kỳ văn học Việt Nam được coi là nổi bật với Tự Lực Văn Ðoàn, ta lại bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mẫu mực của thời đó không mấy khác với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến xa xưa. Những cô Liên trong Gánh Hàng Hoa của Nhất Linh, tần tảo buôn bán nuôi chồng nuôi con, kiên trì nhẫn nại với người chồng lăng nhăng với mục đích kéo chồng ra khỏi vòng tội lỗi để trở về với gia đình. Những cô Tâm trong Cô Hàng Xén của Thạch Lam sớm ngày tần tảo gánh hàng đi bán để nuôi mẹ già và đàn em thơ mà không hề oán trách lấy một lời. Trái lại, Tâm còn tự nhủ lòng mình phải cố gắng và kiên trì với hoàn cảnh của mình: "chịu khó, chịu khó từng tí từng tí một, hết bước này sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi. Tâm thấy ngày này cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa, tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức như tấm vải thô dệt đều nhau. Có phải đâu những chỉ một mình cô, trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em. Tâm không chán nản, cũng không tự kiêu, chỉ thấy yên tâm chắc chắn, như nhiều người khác cũng làm việc, cũng sống như nàng". Tất cả những điều trên cho thấy rằng trong những gia đình câu nệ hủ tục người ta đã coi thường người phụ nữ, coi họ như là những tôi tớ trong nhà, nếu thích thì đánh đập họ, xử phạt họ. Ðàn ông là người có quyền quyết định tất cả trong gia đình, người phụ nữ chỉ chấp hành những "mệnh lệnh" từ người chồng đưa ra, phải nghe lời và phục tùng chồng. Người phụ nữ phải " tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"... Chính vì vậy mà người phụ nữ không được nói lên tiếng nói riêng của mình, không được bình đẳng với người đàn ông và đây là những lý do dẫn đến bạo hành trong gia đình.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, nạn bạo hành trong gia đình ngày càng gia tăng. Theo thống kê cho biết, trong năm 1993, bạo hành trong gia đình dẫn tới giết người chiếm từ 14-15% trên tổng số các vụ giết người. Từ năm 1994 đến năm 1997, con số này tăng lên tới 17- 20% tổng số các vụ giết người. Cũng theo một thống kê khác cho biết hầu hết bạo hành trong gia đình ở Việt Nam chủ yếu là bạo hành về thể xác hay tâm lý. Nó chiếm tới 65-70% trong tất cả các trường hợp bạo hành trong gia đình. Trong năm 1998, Hội Ðồng Dân Cư đã báo cáo rằng bạo hành trong gia đình ở Việt Nam xảy ra trong nhiều gia đình có trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau và bao gồm rất nhiều yếu tố khác nhau như: nghèo đói, rượu chè, cờ bạc, tâm thần, căng thẳng thần kinh, hoặc là thất vọng, và những mong muốn có con trai

là những yếu tố gây nên bạo hành trong gia đình. Ðó chỉ là những thống kê trong xã hội Việt Nam hiện nay. Thế còn cộng đồng Việt Nam hiện đang sinh sống trên đất nước Hoa Kỳ thì sao? Liệu Bạo Hành Trong Gia Ðình có tồn tại trong cộng đồng hay không? Và nếu có thì chuyện này xảy ra có thường xuyên hay không?

Dựa vào thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2000, tổng số dân Việt sống trên đất nước Hoa Kỳ bao gồm cả người Việt thuần chủng và không thuần chủng là 1.223.736 người, trong đó, thuần chủng Việt Nam là 1.122.528 người. Trong một cuộc nghiên cứu của Tran CG về vấn đề "Bạo Hành Trong Gia Ðình Trong Số những người Phụ Nữ Việt Nam Tị Nạn" cho biết trong 30 người phụ nữ Việt Nam tại Boston thì hết 47% cho biết họ đã bị người phối ngẫu đánh đập vài lần trong suốt cuộc đời của họ; 30% cho biết đã bị đánh đập trong năm trước. Một nghiên cứu khác của Lực Lượng Ðặc Nhiệm Á Châu đã tìm thấy rằng: điểm số trung bình của những người đã trả lời cho cuộc nghiên cứu về những quyền lợi đặc biệt cho đàn ông (male privilege) là 8,5 trên 24; trong số đó điểm số của những người Việt Nam trả lời cho cuộc nghiên cứu này là 12 trên 24. (Ðây là số điểm cao nhất trong tất cả những cộng đồng Á châu đã tham gia cuộc nghiên cứu này). Ðiểm số càng cao thì nghĩa là người ta tin rằng người chồng có quyền trừng phạt người vợ của mình, anh ta nghĩ rằng họ có thể làm tình với người vợ của mình bất cứ khi nào anh ta muốn, đó là luật lệ trong gia đình của anh ta, hoặc là những người vợ đáng bị đánh đập (www.apiahf.org/apidvinstitute/genderviolence/vietnamese.htm). Cũng theo nghiên cứu này cho biết 69% trong số những người tham gia cuộc nghiên cứu đã từng bị đánh đập khi còn nhỏ. Trong số này, cộng đồng Triều Tiên chiếm tổng số cao nhất: 80%, Việt Nam đứng thứ nhì: 72%, và sau đó là Campuchia: 70%, Trung Quốc: 61%. Trong tổng số người Việt Nam tham gia, 27% cho biết họ đã từng chứng kiến những người mẹ thường xuyên bị người cha hành hạ, so với tổng số 15% người thấy mẹ của mình thường xuyên đánh cha. Cũng theo kinh nghiệm của chính chúng tôi, trong nhiều năm qua chương trình Bạo Hành Trong Gia Ðình của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển đã giúp đỡ được hơn 200 người Việt Nam là nạn nhân của bạo hành trong gia đình, trong số đó, phụ nữ chiếm tới 90%, tuổi từ 22 đến 55. Ða số họ là những người được bảo lãnh sang Hoa Kỳ theo diện vợ chồng hoặc hôn phu/hôn thê. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi nhận được rất nhiều lời kêu cứu từ những phụ nữ lớn tuổi, đã kết hôn trên hai mươi năm. Tất cả những người này đều là nạn nhân của người chồng hoặc gia đình chồng từ khi còn ở Việt Nam. Khi sang đến đây, tất cả họ đều đã cố gắng chịu đựng, thế nhưng "tức nước vỡ bờ" nên cuối cùng buộc lòng phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền.

Tất cả những điều ở trên cho thấy bạo hành trong gia đình đã có mặt trong gia đình Việt Nam chúng ta từ rất lâu. Vì vậy, nhiều người không nghĩ rằng đó là điều sai trái với pháp luật và cũng không nhận biết được thế nào là bạo hành trong gia đình. Chúng tôi xin đưa ra vài dấu hiệu để nhận biết:

- Cảm thấy không thể sống thiếu người đó.

- Không cho tiếp xúc với bạn bè hoặc gia đình, người thân, hay tham gia các hoạt đông khác bởi vì anh ta không thích những điều đó.

- Sợ phải nói cho anh ta biết những điều mà mình đang lo lắng hay là cảm nhận thấy trong mối quan hệ của hai người.

- Sợ làm tổn thương anh ta hay cảm thấy có trách nhiệm phải giúp anh ta tránh khỏi mọi phiền phức.

- Tin rằng ghen tuông là dấu hiệu của tình yêu.

- Không dám đóng góp ý kiến vì sợ rằng anh ấy không đồng ý với những quan điểm của mình.

- Không dám bỏ đi vì sợ anh ấy sẽ tự tử.

- Bạn đã từng bị đánh, đá, đấm hay ném đồ vào người mỗi khi anh ấy nổi nóng hay ghen tuông.

- Tin vào những lời chỉ trích hay phê bình của anh ta.

- Tin rằng đàn ông là người có quyền quyết định tất cả mọi chuyện, và đàn bà có nhiệm vụ phải làm vừa lòng chồng.

Những điều trên chỉ là một số dấu hiệu để có thể nhận biết về bạo hành trong gia đình. Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác để nhận biết mình có bị bạo hành hay không. Ðó là: không được phép chi tiêu; bị kềm chế về vấn đề tài chính; không đưọc giúp đỡ làm giấy tờ di trú; không được phép đi học, lái xe; hãm hiếp, đe dọa; hay dùng con cái để kìm chế người kia.

Ðể tránh bị bạo hành trong gia đình, xin hãy cẩn thận với những người đàn ông:

- Không lắng nghe bạn, coi như bạn không có ở đó hay nói lấn át bạn.

- Ngồi hay đứng quá gần bạn khiến bạn cảm thấy khó chịu nhưng làm cho họ thấy thích thú.

- Chỉ làm những gì mà họ thích hoặc ép buộc bạn để lấy được những gì mà họ muốn.

- Tỏ thái độ giận dữ và bạo lực đối với phụ nữ bằng hành động hay lời nói.

- Có thái độ xấu đối với phụ nữ.

Chương trình Phòng Chống Bạo Hành Trong Gia Ðình được sự tài trợ của Department of Justice, Office of Violence Against Women, 2006-WL-AX-0236, US Department of Justice, Office of Justice Programs, Office for Victims of Crime- 2007-VF-GX-K005, Texas Office of the Attorney General-0802199, Texas Access to Justice Foundation, Crime Victim Civil Legal Services, và Fairfax County VA, Consolidated Community Funding Pool, RQ06-822890-31M. Muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc với chúng tôi ở: Virginia: (703) 538-2190, Maryland: (301) 439-0505; hoặc đường dây miễn phí: 1-866-883-9556.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1336