Mã Lai: Tâm sự của một giáo viên tình nguyện
Date: Tuesday, May 20 @ 20:53:47 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Lớp học ấm tình người

Rebecca

Lời giới thiệu: Văn phòng trợ giúp công nhân Việt ở Penang, Mã Lai, được tài trợ bởi Liên Minh CAMSA, hiện có 3 lớp học tiếng Anh, mỗi lớp có từ 6 đến 10 học viên. Các lớp được tổ chức ngay tại ký túc xá công nhân cho tiện việc đi lại của học viên. Lớp căn bản giúp cho công nhân có một số vốn từ đơn giản để giao tiếp hàng ngày trong hãng.Sau giờ học các học viên thường nhờ dịch những câu nói trong hãng mà họ không hiểu hoặc nhờ chỉ dẫn cách thức trả lời bằng tiếng Anh. Các khoá học sau sẽ giúp cho học viên có thể tham gia các khoá học nghề trong hãng hoặc góp ý với ban quản trị xí nghiệp. Sau đây là tâm sự của một cô giáo viên tình nguyện.

“Chị rất bức xúc khi không trao đổi được với ‘má mì’ (người đốc công) mà chỉ biết nhìn má mì ra hiệu rồi làm theo. Nhiều khi chị không biết má mì muốn gì nhưng không biết hỏi lại như thế nào”. Đó là lời tâm sự của một “học sinh” đang theo học lớp tiếng Anh do tôi phụ trách.

Lớp tiếng Anh được mở ra theo nguyện vọng của những công nhân Việt Nam đang làm việc tại Penang, Malaysia. Ban đầu lớp của tôi rất đông người học. Sau một tháng hoạt động lớp bây giờ còn lại 10 học viên nhưng đó là những người thực sự muốn học tiếng Anh. Hầu hết những học viên của tôi đều đã đứng tuổi và có gia đình, con cái ở Việt Nam. Về trình độ ngoại ngữ, lớp có một người duy nhất đã học xong cấp III còn đa số còn lại đã không có điều kiện để học ngoại ngữ ở Việt Nam.

Các “học sinh” đang làm bài tập (ảnh BPSOS).



Đến lớp học, dĩ nhiên ai cũng muốn học tiếng Anh, nhưng mỗi người lại có động lực khác nhau. Có người cho biết ”Học cũng chẳng biết có giúp được gì cho mình bây giờ không, nhưng sau này về Việt Nam thì còn biết chút ít mà dạy cho con cái. Mình đã thiệt thòi không được đi học mới phải khổ như thế này nên không muốn con mình cũng giống thế”. Cũng có những lí do rất cá nhân, nhạy cảm: “Mình chỉ muốn học để có việc gì đó để làm, quên đi những thời gian rảnh, không muốn cứ rảnh lại đi bồ bịch như những người khác.” Đôi khi họ đã khóc khi tâm sự với tôi về hoàn cảnh của mình. Điều đó làm tôi thực sự xúc động. Dù bây giờ chẳng thể giúp họ được gì ngoài việc dạy tiếng Anh cho họ, nhưng tôi nghĩ sự lắng nghe cũng là một hình thức chia xẻ. Mỗi khi nghe tâm sự hoặc lời yêu cầu giúp đỡ, tôi tự hứa sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm.

Thời gian đầu dạy học thực sự là khó khăn đối với tôi vì họ cần phải học từ đầu, học từng mẫu tự ABC, học đánh vần từng từ từng chữ. Chúng tôi thương yêu gọi lớp học của mình là “Lớp mẫu giáo của các bà mẹ”. Nhưng sự nhiệt tình, ham học và chân thành  của các chị thật cảm động. Các chị đã tự đi mua bảng viết, bút cho cô giáo, sắp xếp chỗ ngồi học trước khi cô giáo đến, theo tiễn cô giáo về, nấu cơm mời cô giáo ăn; họ tranh thủ đi làm về tắm giặt, ăn cơm sớm để đến lớp đúng giờ…

Qua những lần như vậy, tôi cảm thấy mình gần gũi và hiểu về họ nhiều hơn; họ rất đáng thương nhưng cũng đáng được trân trọng và cần giúp đỡ. Giờ đây mỗi khi lên lớp tôi không có bất cứ băn khoăn gì; thậm chí tôi mong chờ đến ngày được xuống dạy cho họ 2 lần mỗi tuần. Tôi cảm thấy ấm áp, vui vẻ khi dạy họ, lại được nghe những tâm sự, những câu chuyện ở công ty của họ…

Lớp học mà tôi đang phụ trách chỉ là một trong 3 lớp học do Văn phòng ở Penang tổ chức cho công nhân. Hiện còn rất nhiều người muốn tham gia lớp học nhưng vì phải đi làm ca đêm nên đành chịu. Ngoài ra công nhân còn muốn học thêm về vi tính hoặc pháp luật. Trong tương lai chúng tôi sẽ cố gắng mở thêm lớp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công nhân. Vì thế, hỡi các anh chị công nhân Việt Nam, hãy luôn tin rằng đằng sau anh chị không chỉ có chúng tôi, còn rất nhiều người đã, đang và sẽ giúp đỡ anh chị.

Hãy vững tin và mọi điều sẽ thực sự tốt đẹp.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1315