Mùa Xuân Trên Mường
Date: Wednesday, March 26 @ 12:12:19 EDT
Topic: Truyện Ngắn


 Hoàng Ngọc Liên

Chẳng hẹn mà chúng tôi cùng ở thành phố Raleigh, thủ phủ của tiểu bang North Carolina, chỉ cách nhau khoảng 15 phút lái xe. Do vậy mà khi Biểu "ới", tôi hỏi ngay:

- Sức khỏe bà nhà khá chưa mà ông bày đặt mời ăn cơm?

- Khá, khá mà!

Nghe lại giọng nói của Biểu trong điện thoại, tôi hình dung ngay được khuôn mặt vuông chữ điền và mái tóc bạch kim của ông bạn cố tri, người tù mà sau khi được thả về xuôi, còn nhiều vấn vương để lại trên... Mường.



- Tôi nhớ mãi khuôn mặt ngẩn ngơ của Biểu với cặp mắt thẫn thờ nhìn lên sườn núi phía Ðông, khi ánh chiều vàng còn nhuộm sáng long lanh những gùi Bông Lau do các Sơn Nữ đeo sau lưng, trải dài một hàng linh động, đong đưa.

Thực khách và gia chủ nâng ly chúc nhau sức khỏe, tôi vui vẻ nói với chị Biểu:

- Bữa nay thấy chị hồng hào, tươi tỉnh, chúng tôi rất mừng. Anh bạn tôi quả là một tá viên điều dưỡng tận tình.

Biểu tươi cười:

- Vợ chồng già săn sóc nhau là chuyện đương nhiên. Huống chi, trong mười năm tôi nằm ấp, bà Xã tôi đã từng trải qua nhiều đắng cay, chua xót.

Chị Nhung đỡ lời:

- Tuy ông Nhung nhà tôi không đi xa nhưng trong thời gian các ông nằm ấp, tôi đã chứng kiến cảnh quý bà xuôi ngược lo cho các cháu và đi thăm nuôi chồng ra sao. Trên thế giới này, có lẽ đàn bà Việt Nam là người vợ thủy chung, tuyệt vời nhất!

Tôi góp chuyện:

- Do vậy mà, sau khi được tha, chúng tôi đã tỏ lòng biết ơn các bà Xã bằng cách hết còn... léng phéng như... thuở đương thời!

Má bầy trẻ nguýt dài:

- Các ông còn gì hấp dẫn mà... léng phéng?

Biểu lắc đầu:

- Sao chị lại cho rằng chúng tôi không còn... hấp dẫn.

Ðừng nói khi đã về nhà, được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, sức khỏe chúng tôi dần dần hồi phục, nên coi... nhan sắc rất "có đường", mà ngay khi còn ở ấp, chúng tôi cũng được phụ nữ địa phương... dòm ngó!

Chị Biểu đăm đăm nhìn chồng:

- Nhất là mấy cô trên Mường!

Biểu vẫn lắc đầu:

- Bà đừng nói vậy, oan cho các Cô Nàng lắm!

- Bao giờ mà ông chẳng bênh các Cô Nàng. Nói đến đây, chị Biểu quay lại phía chúng tôi:

- Thực tình mà nói, khi ông Xã về, miễn sao ổng vui, dù có phải... đón một Cô Nàng về... dinh, tôi cũng không ngần ngại.

Bà Xã tôi vui vẻ:

- Có thiệt không đó, chị Biểu?

- Thiệt mà! Nếu không tin, các anh chị cứ hỏi ổng coi.

Biểu tiếp lời bà Xã với giọng bùi ngùi:

- Bây giờ trước mặt nhà tôi mà kể lại, như vợ hát chồng khen haỵ Nhưng các anh chị có thể không tin những lời bà Xã tôi đã nói, khi tôi thú thiệt là từng mê mệt cảnh đẹp Sơn La, nhất là vào những buổi hoàng hôn nắng quái.

Tôi thừa cơ hội chen vô:

- Với hình ảnh các Cô Nàng xếp hàng một, di chuyển trên sườn non, khiến anh chàng nhìn lên mà cặp mắt thẫn thờ như kẻ mất hồn!

Biểu vui vẻ:

- Ðúng vậy! Hồi nãy tôi có nói oan cho các Cô Nàng. Bởi chỉ có chúng tôi vấn vương hình ảnh các cô, còn các cô đâu có tình ý gì với đàn ông người Kinh! Các cô ấy hồn nhiên, thiệt thà, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ.

Có lần tôi gặp Cô Nàng Bản Cái từ trên Mường xuống cắt bông lau:

- Cô Nàng ơi! Có biết là cô đẹp lắm không?

- Không biết!

- Tôi nói thiệt đó. Cô đẹp não nùng!

Nàng Cái - tên tôi đặt cho cô - mở to hai mắt "huyền":

- Não nùng là gì vậy ông... Kinh!

Tôi cười:

- Tên tôi không phải là Kinh! Cô muốn biết tên tôi không?

Người đẹp lắc đầu:

- Không! Muốn biết não nùng là gì.

Tôi đăm đăm nhìn vào khuôn mặt tuyệt vời của cô:

- Là đẹp lắm. Tôi nhìn cô mà muốn... chết đi ngay lúc này. Như thế gọi là cô đẹp não nùng đấy!

Cô Nàng phẩy tay:

- Phấy, cái ông Kinh này, ai lại nói thế bao giờ!

- Ðã nói tôi không phải tên Kinh!

- Ông người... Kinh mà!

Tôi vui vẻ:

- À ra thế!

- Còn cô, tên cô là gì?

- Nàng Cái! Ai cũng gọi vậy thôi!

- Cô ở Bản Cái trên Mường nhưng tôi muốn biết tên thiệt của cô!

- Không cho biết đâu!

Cô xốc lại gùi lau, chỉ tay lên đồi:

- Phải về thôi các "cô Nàng" đợi đó!

Tôi vớt vát:

- Bữa nào cô lại xuống?

Cô Nàng thoăn thoắt bước đi:

- Không biết đâu!

Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo cho đến khi Nàng Cái đứng vào đội hình hàng chữ nhất, rồi cùng di chuyển về bản Mường. Ánh chiều nhuộm vàng các gùi lau long lanh, đong đưa theo nhịp bước của các cô Nàng. Toàn cảnh núi non xanh, trên nền trời biếc khiến tôi nảy ra ý muốn lên Mường, ở luôn không về Xuôi nữa!

Chị Biểu vẫn cười:

- Tệ thế thì thôi! Ông đâu còn nhớ vợ, nhớ con gì nữa!

Biểu phân bua:

- Chỉ lúc đó thôi, về... "buồng" thì lại nhớ... bà và mấy nhỏ!

- Ai mà tin được ông!

Chị Biểu lại giơ tay:

- Mời các ông bà thiệt tình cho. Món chả giò là món mà ông nhà tôi đắc ý nhất!

Tôi phụ họa:

- Món nào mà chẳng... hết ý! Chúng tôi tự nhiên mà! Nhưng món chúng tôi... thèm nhất lại chưa thấy.

- Cơm rượu phải không?

Tôi cười:

- Ðúng vậy!

Bà Xã tôi cười theo:

- Ông này thiệt tình... Để ông

Biểu kể thêm chuyện Mùa Xuân Trên Mường cho nghe!

Bà nhà tôi là dân "Nam Kỳ Quắc", miệt lục tỉnh, nên hai tiếng... thiệt tình không có nghĩa như... thiệt tình mà bà Biểu nói. Bà Biểu dùng chữ thiệt tình là có ý mời chúng tôi chiếu cố... hết các món ăn do ông Xã bà nấu nướng. Còn bà Xã tôi nói... Ông này... thiệt tình, ngụ ý sao ông... tự nhiên đòi ăn quá vậy! Tôi diễn tả chắc chưa... hết ý, bởi tiếng Việt "mình" vô cùng phong phú!

Biểu lắc đầu:

- Có được lên Mường đâu mà kể được Mùa Xuân trên đó. Nhưng rồi tôi cũng biết đại khái, phần nào...

o 0 o

Hôm ấy - Biểu kể - Tôi lên núi lấỵ... giang! Ông Liên cùng đi với tôi và có cả bạn Tạ Ðinh Lương nữa. Nhưng lên đến nơi thì mạnh ai nấy kiếm cho đủ số rồi còn... hạ sơn chứ! Tôi men theo một dòng suối nhỏ, nhác thấy bờ bên kia có khóm giang. Vừa rẽ sậy bước xuống, tôi bị mấy con ong vàng đen uýnh cho tối tăm mặt mũi. Ðau quá, tôi sụp cái nón đi rừng xuống ngồi... thở dưới gốc một cổ thụ.

- Ong đánh à!

Tôi ngẩng nhìn lên. Một thanh niên Mường tay cầm dao quắm bước tới ngồi cạnh tôi. Anh lấy trong túi đeo lưng ra một ống tre nhỏ:

- Cái này bôi vào hết đau.

Chất thuốc mỡ mà anh vừa phết lên những vết ong chích trên trán, má, mũi tôi thật hiệu nghiệm, không còn đau nhức nữa! Tôi vội lấy bao thuốc lá đựng muối bột trao cho anh:

- Này, cầm lấy!

Anh mở nắp gói, biết ngay là muối:

- Ồ, muối ngọt!

Mà ngọt thiệt. Muối hồi đó ngọt lịm chớ không mặn đâu. Tôi vui vẻ:

- Tết rồi trên Mường vui không anh?

- Vui mà! Sao không lên Mường ăn Tết!

Tôi gượng cười:

- Tù, tù mà!

Anh gật đầu:

- Ừ! Phải.

Tôi hỏi tiếp:

- Vui là sao? Có cơm Lam, rượu Cần, thịt Rừng.

- Có, có nhiều. Có nhảy múa, có con trai, con gái nữa!

- Kể thêm đi anh!

- Kể gì?

- Thì kể trên Mường ăn Tết ra sao?

- Nói rồi mà, vui lắm. Cái gì cũng vui!

Tôi dò thêm:

- Ăn tết trong nhà sàn hay trong rừng?

- Trong nhà chứ! Nhà to lắm, nhiều người lắm. Bếp lửa to lắm. Nướng thịt rừng.

- Ăn uống chung à?

- Ừ, ăn cơm Lam, thịt Nai, uống rượu nữa!

- Có các cô Nàng không?

- Nhiều lắm, vui lắm...

Chỉ vậy thôi, anh bạn trẻ của tôi không biết diễn tả Mùa Xuân Trên Mường như tôi muốn biết. Nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ của anh, tôi như nhìn thấy khung cảnh nhà sàn dài rộng, có những bếp lửa mà Ông Bà Già, thanh thiếu niên nam nữ, quây quần bên nhau, xả thịt rừng thui trên máng lửa, hút rượu cần, ăn cơm lam. Có những cặp thanh thản tình tự, nói cười hồn nhiên. Có tiếng khèn, đàn trưng, sáo dọc, kèn loa; tiếng trống bưng gõ nhịp bằng tay, tiếng chân sầm sập trên sàn của những đôi múa lượn... Mùa Xuân Trên Mường! Tiếc rằng tôi không có hoàn cảnh được tham dự.

Tôi vui vẻ:

- Nghe ông nói, cũng tạm đủ. Nay xin trở lại câu chuyện Nàng Cái. Trước khi chúng mình di chuyển qua Nghĩa Lộ, ông còn gặp "nàng" để từ giã không?

- Ði bất ngờ như bị ma đuổi, làm sao gặp!

Chị Biểu lại xen vào:

- Nhưng "chàng" không bao giờ quên "nàng".

Bà Xã tôi nói tiếp:

- Cuộc "tình" của anh như vậy mới đẹp, mới thơ mộng chứ!

Biểu mỉm cười:

- Ðúng vậy, người ta đi tù thì... than. Còn tôi với ông Liên đi tù thì... lời! Tôi có "Nàng Cái" trên Mường, ông Liên viết được nhiều về Ðồi Ban!

- Nếu cho sống lại thời gian 75, ông thích... trốn tù hay đi... tù!

Biểu thẳng thắn:

- Ði tù! Vì không đi tù, làm sao có "Nàng Cái"! Chỉ tiếc chưa được chứng kiến tận mắt cảnh Mùa Xuân với những phong tục đặc biệt trên Mường!

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1272