Nô Lệ Mới
Date: Wednesday, March 26 @ 12:08:34 EDT
Topic: Quan Điểm


TS Nguyễn Đình Thắng
Chủ nhiệm báo Mạch Sống

Thân phận của 176 nữ công nhân Việt làm việc tại công ty may mặc W&D Apparel ở Jordan hé mở cho thấy vấn nạn ngày càng trầm trọng mà đồng bào lao động phải đơn độc đối phó nơi đất khách quê người. Họ là nạn nhân của tình huống nghiệt ngã và thái độ tắc trách vượt quá sức tưởng tượng của con người bình thường.



Hiện nay trên nửa triệu công nhân Việt đang lao động ở ngoại quốc. Họ là nguồn nguyên liệu cho chính sách "xoá đói giảm nghèo" của nhà nước. Mỗi năm họ chuyển về hai tỉ Mỹ kim, góp phần đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Lẽ ra nhà nước phải trân trọng và có chính sách bảo vệ vốn quý ấy.

Chính phủ Việt Nam thiếu hẳn luật lệ để bảo vệ họ, thiếu hẳn cơ chế cho họ nương tựa khi tha hương cầu thực. Họ, phần lớn là những nông dân chất phác, ít học, và nghèo khó, đã trở thành miếng mồi béo bở cho các công ty xuất khẩu lao động thiếu lương tâm, các viên chức chính quyền tham nhũng, các môi giới trí trá, và các chủ nhân bóc lột. Hệ thống ngân hàng của nhà nước cũng can dự vào: công nhân nghèo muốn đi lao động nước ngoài phải thế chấp tài sản để vay nợ đóng lệ phí "xuất khẩu lao động".

Các nữ công nhân Việt ở Jordan sau khi được giải cứu khỏi sự hà hiếp, đánh đập bởi chủ nhân thì nay đứng trước một đe doạ còn to lớn hơn: chính các giới chức chính quyền và nhân viên công ty môi giới Việt Nam đang thúc ép họ phải quay trở lại với kẻ bóc lột và chặn lối về của họ: đe doạ họ nếu hồi hương thì sẽ bị bắt, truy tố, và tịch thu tài sản.

Hoá ra chính quyền đang buôn bán chính công dân của mình.

Ngược lại, cộng đồng người Việt ở hải ngoại, qua vụ xẩy ra ở Jordan, chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm, tình nghĩa đồng bào, và tài đảm lược. Chúng ta đã phối hợp thành công cuộc giải cứu hiểm hóc, nhanh chóng quyên góp để tiếp tế cho nạn nhân, dùng thế chính trị để lên tiếng với Vua và nội các Jordan, báo động các công ty Hoa Kỳ đặt hàng với W&D Apparel.

Kinh nghiệm này cho thấy cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nếu làm đúng cách và đúng lúc, có thể đóng vai trò tích cực và quan trọng trong việc bảo vệ cho đồng bào lao động ở xứ người.

Muốn thế, chúng ta cần sẵn sàng can thiệp cho những công nhân bị bóc lột hay bách hại, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó chúng ta cần làm việc chặt chẽ với các chính quyền và tổ chức quốc tế để giải cứu, bảo vệ và đáp ứng nhu cầu của nạn nhân. Cuối cùng chúng ta cần tác động đến chính sách của các quốc gia, kể cả Việt Nam là nước xuất phát và những nước đón nhận công nhân, nhằm phòng và chống nạn buôn người.

Trong chiều hướng này, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển phối hợp với một số tổ chức bạn để vừa phối hợp hành động vừa bổ trợ lẫn nhau. Kết quả là sự ra đời của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia). Liên Minh này hợp tác và hỗ trợ cho các tổ chức phòng chống buôn người ở các quốc gia sở tại.

Liên Minh này tạo thuận lợi cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức ở nhiều châu để huy động tài nguyên, sức mạnh và tầm ảnh hưởng nhằm hỗ trợ cho công việc của các tổ chức địa phương. Mức hữu hiệu của công thức này có thể thẩm định qua hai thành quả nổi bật mới đây: cuộc giải cứu cho 176 nữ công nhân ở Jordan và cuộc can thiệp thành công cho 1,300 công nhân Việt ở Mã Lai.

Chúng tôi hy vọng Liên Minh này sẽ được sự yểm trợ rộng rãi của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1270