5 công nhân Việt ở Jordan về nước
Date: Sunday, March 16 @ 21:47:29 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Diễn Tiến Ở Jordan: 5 Nữ Công Nhân Lên Đường Về Nước

Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển

 

Amman, Jordan, Chủ Nhật 16 tháng 3, 2008 -- Gần bốn tuần sau cuộc đàn áp, năm nữ công nhân Việt đã rời Jordan để lên đường về Việt Nam lúc 10 giờ sáng hôm nay. Họ sẽ đến phi trường Nội Bài chiều ngày Thứ Hai.

 

Đây là thành quả đáng kể trong nguyện vọng hồi hương của 176 công nhân của hãng may mặc W&D Apparel, nằm tại ngoại ô thủ đô Amman. Cuộc tranh đấu của họ khởi đầu ngày 10 tháng 2, khi họ đình công để phản đối tình trạng bóc lột sức lao động. Đến ngày thứ mười, chủ nhân đã đưa nhân viên bảo vệ và cảnh sát đến áp đảo và bắt ép các công nhân quay trở lại làm việc. Khi các công nhân cự tuyệt thì họ bị đánh đập thật dã man. Nhiều công nhân bị thương tích. Số còn lại bị khủng hoảng. 

 

 

Ông Trần Việt Tú họp với các công nhân, 01/03/08



Ngày 27 tháng 2, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển phối hợp cuộc giải cứu chớp nhoáng. Phái đoàn cao cấp của Bộ Lao Động Jordan đã cùng nhân viên IOM nhanh chóng đến nơi quan sát tình hình, hỏi han công nhân, và đưa số người bị thương tích đi chữa trị. Đồng thời chính phủ Jordan yêu cầu Việt Nam cử giới chức sang giải quyết cho các công nhân hồi hương.

 

Tuy nhiên, Phó Tổng Lãnh Sự Trần Việt Tú đến từ Cairo, Ai Cập, cùng với phái đoàn của hai công ty môi giới đến từ Việt Nam đã liên tục thúc ép công nhân trở lại làm việc, hăm doạ những ai hồi hương sẽ bị truy cứu vì đã đình công trái phép và đã nhận trợ giúp từ đồng bào hải ngoại. Một số nhân viên trong phái đoàn thậm chí gọi về Việt Nam cho thân nhân của các công nhân để đe doạ.

 

Người ta đe doạ người nhà em. Bố mẹ em suốt ngày lo lắng. Bọn em ở bên này sợ lắm, một công nhân tâm sự.

 

Ngày 11 tháng 3, phái đoàn yêu cầu toàn thể 176 nữ công nhân tụ họp tại nhà kho của công ty W&D Apparel. Khi các công nhân tề tựu, ông trưởng phái đoàn Việt Nam ra lệnh nhân viên bảo vệ chặn lối ra vào, và gọi từng công nhân ra ngoài để ký tên vào đơn xin hồi hương. Các công nhân nghi ngờ và yêu cầu phân phối đơn ngay tại chỗ họp để họ ký.

 

Hỗn loạn xảy ra khi phái đoàn truy lùng từng người để đưa họ sang phòng bên cạnh để ký tên.

 

Có những người ốm quá chịu không được. Họ cho những người ấy ra. Mọi người cũng chen ra. Họ chắn cửa không cho em chạy ra. Họ bẻ tay và lôi tóc em và bạn Giang, chị Trần Thị Ánh tường thuật.

 

Do bị xô xát, chị Ánh ngất đi. Chị cũng đã từng bị đánh đến bất tỉnh trong cuộc bố ráp ngày 20 tháng 2, và sau đó phải đi cấp cứu.

 

Lợi dụng tình hình hỗn loạn, hàng trăm công nhân xô cửa tháo chạy về lại khu ký túc xá. Chủ nhân khoá chặt cổng, không cho họ ra khỏi công ty.

 

Thứ Sáu vừa qua chúng tôi báo động với hai công ty Hoa Kỳ là thân chủ của W&D Apparel và yêu cầu họ áp lực hãng này trao trả passport lại cho các công nhân, ít ra là các người đang ốm bệnh, để chúng tôi giúp đưa họ hồi hương, TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành UBCNVB, cho biết.

 

Trong văn thư gửi Ông Chủ Tịch của công ty Aramark, thân chủ chính của W&D Apparel với trụ sở đặt tại Philadelphia, TS Thắng cho biết sẵn sàng tài trợ việc hồi hương này. Công ty Aramark hồi đáp ngay bằng điện thoại và khẳng định rằng họ đã tiến hành điều tra và sẽ có câu trả lời vào ngày Thứ Hai tới đây.

 

Sự việc hãng W&D Apparel và phái đoàn Việt Nam nhượng bộ và chấp nhận để 5 công nhân hồi hương là một tiến triển khả quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục can thiệp cho đến khi toàn bộ 171 công nhân còn lại được hồi hương theo đúng ý nguyện của họ, TS Thắng phát biểu.

 

Ông cho biết đã gởi văn thư trực tiếp cho Ông James Shen, chủ nhân người Đài Loan của hãng W&D Apparel, để yêu cầu trả toàn bộ passport cho công nhân.

 

Chúng tôi cũng như một số Dân Biểu Hoa Kỳ đã thông báo với chính phủ Đài Loan về việc làm sai trái của Ông Shen, TS Thắng nói.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1258