Phát Triển Cộng Đồng Người Việt
Date: Thursday, May 26 @ 13:05:08 EDT
Topic: Tin Sinh Hoạt


Tại Mỹ - Nguyễn Văn Hiệp

Bên cạnh não trạng đại diện, cũng phải kể thêm những tác hại không nhỏ khác tạo nên tình trạng èo uột của các sinh hoạt cộng đồng trong gần ba mươi năm qua: a/ Một số tổ chức chính trị Việt Nam coi cộng đồng là đối tượng để lèo lái và khuynh loát theo đường lối của tổ chức họ, thay vì đến với cộng đồng để đóng góp và xây dựng; b/ Nhiều tờ báo lá cải không biết thực thi chức năng của một cơ quan truyền thông đứng đắn trong một xã hội văn minh đưa đến những nghi kỵ hỗn độn trong cộng đồng; c/ Có những cá nhân đến với cộng đồng chỉ vì hư danh, không làm gì, mà chỉ để thoả mãn cho một quá khứ không lai lịch và một tương lai chẳng có gì hứa hẹn của mình.

Cũng có nhiều người có lòng cho cộng đồng luôn mong mỏi và khuyến khích sự dấn thân của lớp trẻ, bởi đó là niềm hy vọng. Và thực sự là đã có nhiều người trẻ năng nổ đến với cộng đồng, nhưng hầu như đều sớm rời bỏ. Có hai trường hợp rất phổ quát: hoặc là bỏ hẳn không làm gì nữa, hoặc tích cực hơn là tìm cho mình một hướng sinh hoạt khác. Vấn đề lớn nhất đó là khoảng cách thế hệ. Hai bên không hiểu nhau, văn hoá phương Tây không chịu được sự áp đặt của Nho giáo phương Đông. Tuổi trẻ cách mạng quá, phát biểu không thưa bẩm trong các buổi họp, như thế là không thể chấp nhận được với thế hệ cha chú. Nói chung, hai bên đều thiếu kiên nhẫn để truyền thông và để hiểu nhau.

Đã hình thành những nền móng thuận lợi

Nhưng đôi khi trong cái rủi có cái may, đó là trường hợp những người trẻ đi tìm một hướng sinh hoạt khác cho mình. Có người bạn ra tranh cử vào dòng chính của sinh hoạt chính trị Mỹ, đã thành công làm dân biểu. Có người bạn hình thành và phát triển những cơ quan xã hội cung cấp những dịch vụ thiết thực cho bà con cộng đồng, trải qua nhiều gian truân nhưng rồi đã và đang là một cơ quan xã hội mang lại sự tín nhiệm cao trong lòng bà con cộng đồng. Bên cạnh đó còn có những hội đoàn văn hoá, tôn giáo của xã hội dân sự đã mạnh dạn gạt sang một bên cái não trạng đại diện của những ban chấp hành cộng đồng để hoạt động độc lập.

Một điểm thuận lợi nữa trên phương diện cá nhân là căn bản đề cao giáo dục của người Việt Nam — khi được lành mạnh hoá trong môi trường văn hoá phương Tây — đã là đòn bẩy cho nhiều cá nhân người Mỹ gốc Việt gặt hái những thành công vượt bực trong xã hội Hoa Kỳ. Đã có những tài năng bắt đầu quay trở lại đóng góp cho cộng đồng, qua các hội đoàn độc lập có phương pháp làm việc và mục tiêu phù hợp với sở trường của những cá nhân này.

Vài phác hoạ đề nghị ban đầu

Nhưng những thành công cá nhân cũng chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân; tập thể gần hai triệu người Việt ở Mỹ vẫn chỉ gồm những tiếng nói lạc lõng, không phải là một khối sức mạnh của kinh tế và chính trị.

Một trở ngại lớn nhất cần phải chấm dứt đó là não trạng đại diện của các ban chấp hành cộng đồng. Phải thay đổi não trạng đại diện này trước hết bằng một nỗ lực cụ thể là xoá bỏ văn hoá bầu cử công cộng các ban chấp hành cộng đồng. Các ban chấp hành cộng đồng phải trở về sinh hoạt với chức năng của một hội như đã đăng ký, có thể tạm gọi là Hội cộng đồng, do các thành viên đóng hội phí hẳn hoi bầu lên, đứng ngang hàng với các hội đoàn khác. Cộng đồng người Việt ở Mỹ không cần một chính quyền người Việt trong cộng đồng, do đó sinh hoạt của cộng đồng người Việt không phải tổ chức theo mô hình kim tự tháp, mà nên được tổ chức theo mô hình mạng lưới. Tính đại diện của Hội cộng đồng này có hay không tuỳ thuộc vào khả năng của nhân viên và nội dung công việc của nó.

Hội cộng đồng này vẫn có thể làm những việc như tổ chức Tưởng niệm 30-4, vận động chính quyền địa phương vinh danh cờ Vàng ba sọc đỏ như là biểu tượng của tự do và di sản của tập thể tị nạn người Mỹ gốc Việt, tổ chức biểu tình khi cần, vân vân, tùy thuộc vào điều kiện nhân sự và tài chánh có được. Nhưng tốt hơn hết là trao lại chức năng văn hoá như tổ chức Tết, Trung thu cho các hội đoàn chuyên môn do các bạn trẻ đảm nhiệm, và các Hội cộng đồng đứng ở vai trò hỗ trợ. Quan trọng là các tổ chức cộng đồng hiện nay cần sớm gạt bỏ những ôm đồm quá sức, nhường không gian tối đa cho mọi cá nhân và hội đoàn tham gia trong các sinh hoạt chung, để mọi người có thể xem cộng đồng như là một thực thể gần gũi với mình mà tự nguyện đóng góp, từ mọi góc cạnh, bằng mọi hình thức.

Nếu có dịp quan sát sinh hoạt cộng đồng của các sắc dân ở Mỹ, Do Thái là một cộng đồng có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Sự tồn tại và phát triển của cộng đồng người Do Thái trên thế giới và ở Mỹ nói riêng đã là một biểu hiện tiêu biểu của lòng kiên trì. Nước Israel mặc dù được coi là tiền đồn dân chủ của Hoa Kỳ ở Trung Đông, nhưng Israel dân chủ không thể đơn độc tồn tại trong vùng Trung Đông đầy rẫy bạo lực và hận thù tôn giáo nếu không có sự hậu thuẫn nồng hậu của cộng đồng người Do Thái ở Mỹ. Chaim Weizmann đã từng phát biểu “tôi điều hành một đất nước của những tổng thống” trong ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống đầu tiên của Nhà nước Israel tháng 2 năm 1949. Câu nói này thể hiện cấu trúc tâm lý của người Do Thái chống lại những mô hình tổ chức tập quyền. Cấu trúc tâm lý này được xác nhận khi tôi có dịp kiểm chứng với một nhà hoạt động xã hội người Do Thái ở Mỹ. Những hội đoàn người Do Thái hoạt động rất chủ động, năng động trong sự phối hợp của một liên hội cộng đồng Do Thái.

Trở lại với sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam, trong thời gian trung hạn, rất cần thiết để những ban chấp hành cộng đồng hiện thời có quả cảm để thực hiện một giai đoạn chuyển tiếp: thành thực khuyến khích và trao lại những chức năng văn hoá, xã hội cho những tổ chức chuyên môn, và đóng vai trò hỗ trợ. Trong thời gian dài hạn, nếu đảm nhiệm tốt vai trò hỗ trợ và phối hợp đối với các tổ chức văn hoá, xã hội, tôn giáo, sự hình thành của một hình thức tổ chức liên hội cộng đồng sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều hướng ý kiến trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế đối với tập thể người Mỹ gốc Việt. Một hình thức sinh hoạt cụ thể là cần có đại hội các liên hội cộng đồng toàn nước Mỹ thường niên để cùng bàn thảo, phân tích các vấn đề nhằm đi đến sự thống nhất một cách có cơ sở trên các đề xuất. Liên hội cộng đồng phải là những cơ quan xã hội, bất vụ lợi.

Các sinh hoạt văn hoá sẽ là chất keo gắn kết những nhân tố rời rạc trong cộng đồng. Các hoạt động xã hội có ý nghĩa sẽ gây lại niềm tin của bà con trong cộng đồng vào khả năng của những cá nhân và cơ quan hữu trách. Sự gắn kết và niềm tin là hai yếu tố tiên quyết để có thể huy động những cá nhân và hội đoàn nhiều tiềm năng, trong chiều hướng xây dựng khối sức mạnh kinh tế, chính trị của tập thể người Mỹ gốc Việt.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=125