Rào Cây
Date: Tuesday, January 15 @ 12:42:16 EST
Topic: Quan Điểm


TS Nguyễn Đình Thắng
Chủ nhiệm báo Mạch Sống

Người Việt ở Hoa Kỳ rất nặng lòng với quê hương. Nhiều người không dám ăn không dám mặc để gởi tiền tiếp viện cho cha mẹ anh em ở quê nhà. Hầu như quanh năm có những buổi gây quỹ để xây trường, đào giếng, trùng tu các nơi thờ phượng, cứu lụt, giúp trẻ mồ côi… Chúng ta tranh đấu cho nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ cho trên 80 triệu đồng bào bất hạnh. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng đáng lo. Đáng mừng là ý thức cao về gia đinh và xã hội, là đức tính vị tha. Đáng lo là sự bất quân bình về trọng tâm: chưa mấy ai để ý xây dựng và phát triển ngay chính cộng đồng của chúng ta ở Hoa Kỳ.



Vì còn non trẻ, lại xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử éo le, cộng đồng chúng ta phải đối phó với rất nhiều thử thách trong rất nhiều lãnh vực.

Về sức khoẻ, phụ nữ Việt có tỉ lệ tử vong rất cao vì ung thư cổ tử cung, ung thư vú; hàng trăm ngàn nhân viên tiệm "nail" tiếp xúc thường xuyên với độc tố có thể gây nguy hại lâu dài. Các bệnh viêm gan, ung thư phổi, tiểu đường, rỗng xương… ảnh hưởng đến rất nhiều người Việt. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy tỉ lệ cao về các loại bệnh nội tâm.

Về xã hội, tình trạng trẻ em bỏ học, băng đảng, xì ke, cờ bạc là vấn nạn không riêng cho gia đình mà cho cả cộng đồng. Bạo hành gia đình khá phổ biến. Nạn buôn người qua đường hôn thú ngày càng gia tăng. Lạm dụng tình dục đối với trẻ em có xảy ra nhưng không ai nhắc đến. Đó là chưa kể hoàn cảnh neo đơn của nhiều vị cao niên không thân bằng quyến thuộc.

Về kinh tế, rất nhiều người Việt vì không hiểu rõ các dịch vụ tài chánh nên bị thiệt thòi hay trở thành nạn nhân của lừa đảo. Không thiếu những người Việt đang đứng trước nguy cơ mất gia sản vì không đủ sức trả nợ mua nhà. Giới tiểu thương Việt chịu nhiều thiệt thòi khi giao dịch với chủ đất. Hàng trăm ngàn công nhân Việt trong lãnh vực tiểu thương không bảo hiểm sức khoẻ.

Về tình trạng di trú, gần nửa trong chúng ta vẫn chưa nhập tịch Hoa Kỳ. Biết bao vị cao niên gặp trở ngại về học thi. Hàng chục ngàn người lai Mỹ-Việt và nhiều phụ nữ cao tuổi không biết viết hay đọc để mà học thi. Ít ai trong chúng ta biết rằng có nhiều người Việt nhập cảnh bất hợp lệ. Hàng ngàn người Việt nằm trong danh sách chờ dẫn độ.

Về chính trị, chúng ta chưa có tiếng nói, thế đứng, và ảnh hưởng trong xã hội dòng chính, dù ở cấp địa phương, tiểu bang hay liên bang. Chúng ta thiếu hẳn sự đại diện trong các ban cố vấn, các uỷ hội ở các cấp chính quyền. Chúng ta chưa "ngồi tại bàn" khi các thành phần có ảnh hưởng hội họp quyết định chính sách hay ngân sách.

Trên đây chỉ là một ít ví dụ làm minh chứng.

Nói chung cộng đồng chúng ta thiều tổ chức, kém nội lực, chưa có tiếng nói, chưa có ảnh hưởng nên không đáp ứng được nhu cầu của đa số thành viên trong cộng đồng. Mạnh ai nấy bươn chải, kiếm sống, tự lọ. Trong cộng đồng chúng ta không có các tổ chức tài chánh giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho giới tiểu thương như cộng đồng người Hoa, không có các viện nghiên cứu và phát triển nhằm thăm do nhu cầu và đề nghị chính sách như cộng đồng người Mỹ La-Tinh, không có cơ quan giúp người tị nạn và di dân hội nhập như cộng đồng người Ethiopian, không có chương trình hướng dẫn đầu tư và phát triển kinh tế như cộng đồng Đại Hàn…

Giúp đỡ gia đình và đồng bào trong nước là điều cần làm nhưng không vì thế mà sao nhãng chính cộng đồng của mình ở ngay tại Hoa Kỳ. Nó là hậu cần cho mọi nỗ lực từ thiện, là nguồn tài nguyên tiếp viện cho người thân ở Việt Nam.

Người Việt chúng ta có câu "ăn cây nào, rào cây nấy". Chúng ta phải rào cây cho chính cộng đồng của mình thì mới mong có trái để ăn, để cho về lâu về dài.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1207