Thuỷ Chung
Date: Monday, September 10 @ 17:41:52 EDT
Topic: Quan Điểm


TS. Nguyễn Đình Thắng
Chủ Nhiệm Báo Mạch Sống

Năm 1987 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật Hồi Hương Con Mỹ-Việt. Từ đó đến nay trên 27,000 anh chị lai Mỹ-Việt được hồi hương về quê cha đất tổ. Nếu tính cả thân nhân thì con số lên đến 80 ngàn. Hai mươi năm trôi qua. Tuyệt đại đa số các người con mang hai dòng máu này vẫn bị xem là ngoại nhân vì chưa có quốc tịch Hoa Kỳ.



Sanh ra trong xã hội chiến tranh, mang mầu da khác, lại thiếu sự bảo bọc của gia đình, các “con lai” sống rất cơ cực ở Việt Nam. Sau biến cố năm 1975, họ bị chế độ xem là chứng tích của kẻ thù và bị đối xử tệ hại. Cuộc thăm dò với trên 6,500 anh chị lai do Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển thực hiện năm 2004-2005 cho thấy 23% chưa đến nhà trường một ngày nào; 39% chưa học xong tiểu học. Và chỉ có 4 người học xong trung học ở Việt Nam.

Biết bao thương tâm phải cam chịu, biết bao thiệt thòi phải chấp nhận, họ lớn lên trong sự hất hủi ở quê mẹ.

Một số vị dân cử Hoa Kỳ, khi biết chuyện, động lòng trắc ẩn và vận động thành công cho Luật Hồi Hương Con Mỹ-Việt. Tuy nhiên, giải pháp nhân đạo này không trọn vẹn. Nó chỉ đem những người con này về Hoa Kỳ nhưng không đả động gì đến tư cách công dân của họ. Vì viết và đọc tiếng mẹ đẻ chưa rành nên thật khó cho họ khi học Anh ngữ để thi quốc tịch. Họ tiếp tục sống trong sự lạc lõng ở quê cha.

Trong mọi cuộc tiếp xúc, khi tôi hỏi vì sao muốn nhập tịch Hoa Kỳ, các bạn lai Mỹ-Việt đều trả lời đơn thuần là muốn có một nơi chốn mình thuộc về và nơi đó thừa nhận mình. Đó là yếu tố tình cảm, tâm lý; đó là ao ước về một miền đất hứa tâm linh. Không một lần nào, không một ai nhắc đến các quyền lợi vật chất, các phúc lợi xã hội là lý do nhập tịch.

Theo luật hiện hành con của công dân Hoa Kỳ được xét là công dân nếu có cha đứng ra bảo chứng trước 18 tuổi. Hiềm một nỗi các anh chị lai Mỹ-Việt không có cha. Một số ít tìm lại được cha nhưng tuổi đã quá 18. Chỉ có Quốc Hội Hoa Kỳ mới có thể điều chỉnh yếu tố pháp lý này, bằng một đạo luật thứ hai bổ túc cho đạo luật năm 1987.

Vận động đưa ra một đạo luật không dễ. Vận động cho nó thành công càng khó hơn. Nói chung, một dự luật sẽ phải đi qua bẩy chặng đường và có thể chết yểu ở bất cứ chặng nào.

Trong thời gian gần đây nhiều nhóm lai Mỹ-Việt được thành hình và có nhiều hứa hẹn sẽ năng động trong việc tranh đấu cho tư cách công dân của chính mình và đồng bạn. Đây là diễn tiến hết sức đáng khích lệ. Qua các tập hợp này, họ có thể nhập cuộc và đóng góp tích cực cho cuộc vận động sắp tới đây. Con đường có thể chông gai đó, nhưng không thể nào chông gai hơn cuộc sống lam lũ và bị hất hủi ở Việt Nam, hay sự bươn chải để hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ.

Trong cuộc vận động suốt 5 năm qua chúng tôi đã nhận được sự tiếp tay của nhiều người Mỹ, nhất là các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam. Họ đã viết thư cho dân biểu và thượng nghị sĩ của họ, họ tham gia phái đoàn vận động, họ giới thiệu những đồng đội cũ của họ ở rải rác khắp nơi cho chúng tôi. Đó là tình nghĩa của quê cha. Các bạn lai Mỹ-Việt nay cần các tấm lòng từ đất mẹ: sự hưởng ứng của tập thể người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ.

Được vậy thì con đường dù dài, dù gian nan trước mắt, kết quả dù chưa đến ngay, trên hai mươi ngàn tâm hồn cũng sẽ được sưởi ấm sau bao nhiêu năm đơn lẻ. Một vấn đề lương tâm phát sinh từ cuộc chiến cách đây gần nửa thế kỷ sẽ có cơ hội để đóng lại một cách có nhân, có hậu.

Đó là nghĩa thuỷ chung trong truyền thống của dân tộc chúng ta.

Mạch Sống 63 - 10/07







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1093