Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam
Date: Thursday, August 16 @ 14:52:01 EDT
Topic: Tin Trang Nhất


Để Tránh Chế Tài, Việt Nam Phải Cải Thiện

Hoa Thịnh Đốn, 19 tháng 7, 2007 – Hôm nay Dân Biểu Christopher Smith đưa vào Hạ Viện Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam năm 2007, mã số HR 3096.

“Đây là một thành quả rất cụ thể của phái đoàn vận động nhân dịp Ông Nguyễn Minh Triết hội kiến Tổng Thống Bush, trước tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam”, LS Trần Thái Văn, Dân Biểu Tiểu Bang California, nhận định khi được tin này.



Nếu được thông qua, dự luật này sẽ áp dụng biện pháp chế tài—không tăng các khoản viện trợ không nhân đạo—cho đến khi Việt Nam chứng minh thực tâm qua những tiến triển cụ thể: trả tự do cho tất cả các tù chính trị và tôn giáo, tôn trọng quyền sinh hoạt tôn giáo của các giáo hội, hoàn trả tất cả các tài sản đã tịch thu của các giáo hội, tạo thuận tiện cho người đủ điều kiện tham gia các chương trình tị nạn của Hoa Kỳ, tôn trọng nhân quyền của các dân tộc thiểu số, trừng trị những giới chức dính líu đến việc buôn người.

Trong ba ngày 19-21 tháng 6, một phái đoàn 15 người đến từ nhiều nơi đã tiếp xúc với DB Smith và nhiều vị dân biểu khác để vận động cho dự luật này. Phái đoàn đã sử dụng bản tường trình của Nhóm Nghiên Cứu Việt Nam để làm căn bản cho cuộc vận động.

Theo TS Nguyễn Đình Thắng, “những điều khoản trong dự luật phản ảnh bản Tường Trình Về Việt Nam, kể cả những đề nghị về chính sách”. Ông là thành viên của Nhóm Nghiên Cứu Việt Nam đã soạn bản tường trình này và cũng là người làm việc sát cánh với DB Smith trong việc soạn thảo ngôn ngữ của dự luật.

“Mục đích của bản tường trình là bổ túc cho bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, vốn nhiều khi phiến diện”, Ông giải thích thêm về mục đích lâu dài của nhóm nghiên cứu.

Bản tường trình gồm 9 vấn đề từ quyền chính trị đến tự do tôn giáo, từ mậu dịch đến quyền lao động, và đưa ra những đề nghị cụ thể với mục tiêu rõ rệt nhằm lượng định thực tâm của nhà nước Việt Nam.

Dự luật của DB Smith, trong phần nhận định, đã sử dụng các dữ kiện từ bản tường trình, như danh sách dài về những nhà tranh đấu bị tống giam và tuyên án gần đây, hoặc những con số nói lên tình trạng kiểm soát tôn giáo vẫn còn tiếp diễn ở Việt Nam.

Qua sự lý giải của DB Văn, “Dự luật này hối thúc Bộ Ngoại Giao phải giải thích, nếu như không giải quyết được, các vấn đề và các vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”. Đối với những dữ kiện được ghi vào một dự luật, dù chưa trở thành đạo luật, thì Bộ Ngoại Giao không thể nào làm ngơ trong các bản phúc trình gởi Tổng Thống và Quốc Hội sau đó.

Để bảo đảm điều này, dự luật Nhân Quyền Cho Việt Nam đòi hỏi Bộ Ngoại Giao nộp bản phúc trình hàng năm về các diễn tiến ở Việt Nam đối chiếu với các mốc điểm cụ thể, phù hợp với lời đề nghị của phái đoàn.

Dự Luật HR 3096 còn dành ngân khoản hai triệu Mỹ kim để phát triển dân chủ ở Việt Nam, qua chương trình tài trợ cho các tổ chức dân sự và qua quỹ bảo vệ cho những người đấu tranh cho nhân quyền. Dự luật dành cấp khoản trên 10 triệu Mỹ kim để phát triển chương trình phát thanh Á Châu Tự Do để hỗ trợ cho chủ trương phát triển dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, và xã hội dân sự ở Việt Nam.

Cũng trong chiều hướng này, dự luật đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải mời những nhân vật với tinh thần dân chủ tham gia các chương trình trao đổi văn hoá và học bổng của Hoa Kỳ, cũng như phải có những sinh hoạt nhắm vào việc mở rộng nhãn quan về dân chủ và xã hội dân sự nơi các thành phần tham dự trong các chương trình trao đổi này.

Đặc biệt, dự luật HR 3096 có điều khoản về chính sách tị nạn của Hoa Kỳ: giải quyết cho các cựu thuyền nhân đủ điều kiện nhưng bị loại trừ ra khỏi chương trình ROVR (Cơ Hội Định Cư Cho Thuyền Nhân Hồi Hương), cho các con lai còn kẹt ở Việt Nam, cho những người bị từ chối bất công trong chương trình HO, U11 và V11 trước đây. Phần này phản ánh cuộc tranh đấu của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển cho người tị nạn và con lai trong 20 năm qua.

Trong khi một bộ phận của phái đoàn bàn thảo kế hoạch cho dự luật này với DB Smith, một bộ phận khác do Dân Biểu Tiểu Bang Hubert Võ hướng dẫn đã làm một cuộc vận động chớp nhoáng với nữ Dân Biểu Sheila Jackson-Lee và Al Green. Cả hai vị dân biểu này cùng có vùng cử tri ở Houston, cũng là vùng cử tri của DB Hubert. Họ đều đồng ý đồng bảo trợ cho dự luật sau khi nghe tường trình từ phái đoàn.

LS Dina Nguyễn, Nghị Viên Thành Phố Garden Grove, là người trong phái đoàn đã nói lên tiếng nói cho các người Thượng đang bị đàn áp ở Việt Nam.

“Cộng đồng người Việt rất cảm kích trước hành động này của DB Smith. Ông rất am hiểu tình hình ở Việt Nam trong khi nhiều người tưởng rằng tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đã cải thiện”.

Theo cô, điển hình là các đồng bào Thượng bị đàn áp nặng nề; thế nhưng một giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sau chuyến viếng thăm vùng Tây Nguyên ngắn ngủi đã tuyên bố là các người Thượng bị hồi hương từ Cambốt đều sống trong an toàn.

Phụ hoạ với cô Dina, DB Hubert cho biết là “Rất là vui mừng khi thấy Lập Pháp Hoa Kỳ hiểu được tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều này nói lên hiệu quả của nỗ lực vận động của cộng đồng người Việt trong thời gian qua”.

Trong ba ngày ở Hoa Thịnh Đốn, phái đoàn vận động cũng đã tiếp xúc với các thượng nghị sĩ, giới chức Bộ Ngoại Giao, giới chức Toà Bạch Ốc, và giới truyền thông.

Bà Ngô Thị Hiền, cũng trong phái đoàn vận động, kêu gọi: “Trong thời gian tới đây, vận động cho dự luật này là công việc thực tế nhất mà cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có thể làm để hỗ trợ cho đồng bào trong nước”. Bà đang phát động chiến dịch gây quỹ để mướn hai nhân viên chuyên vận động hành lang toàn thời cho các vấn đề liên quan đến Việt Nam.

Ghi chú: Toàn bộ bản tường trình của Nhóm Nghiên Cứu Việt Nam được đăng ở trang mạng Vietnam Review.

Mạch Sống Số 60 - 09/07







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1071