Chuyện Của Một Nhà Văn
Date: Tuesday, August 07 @ 18:32:37 EDT
Topic: Lịch Sử Qua Lời Ke


Nguyên Nhung

Nguyễn là một nhà văn. Cứ tạm gọi như thế, khi ngoài giờ đi làm việc kiếm sống như mọi người, chàng còn có thú viết. Nguyễn có một số bài đăng rải rác trên các báo địa phương, có một số độc giả ái mộ, bởi vậy nghiễm nhiên được thiên hạ gọi là nhà văn, chứ chàng hiểu muốn được làm nhà văn đúng nghĩa, chàng còn phải viết tướt khói ra mới xứng đáng được mon men vào vườn hoa văn học hải ngoại. Thôi thì gọi như thế cho vui, đính chính hoài mỏi miệng mà người ta lại còn bảo giả vờ khiêm nhượng để được khen thêm một lần nữa.

Mặc nhiên chàng phải xem mình đứng hàng văn nghệ sĩ, dù chưa in được cuốn sách nào. Bạn bè khuyến khích chàng nên in một cuốn sách, như có một cái gì để nhớ để quên. Lắm lúc chàng cũng nôn nao hình dung một ngày nào đó, khi đứa con tinh thần của mình chào đời, với niềm vui của lòng chàng và sự chia sẻ nồng nhiệt của bạn bè cũng như độc giả bốn phương.



Ngày xưa, lúc còn là sinh viên, Nguyễn cũng sáng tác khá nhiều truyện ngắn. Ông thầy học cũng từng khuyến khích chàng bằng câu: “Dù chỉ một người đọc và hiểu mình, thế cũng đủ khi ta có một người tri âm, tri kỷ”. Điều ấy đúng, nhưng không đúng với hoàn cảnh của chàng hiện tại; đồng lương thì eo hẹp, chỉ đủ lo cho gia đình mà nghĩ đến chuyện in sách, với vợ chàng đúng là chuyện “ruồi bu”. Chàng cũng có nghĩ ngợi, bỏ mấy ngàn đồng bạc in một tuyển tập truyện ngắn, bạn bè khua chiêng đánh trống lên, may ra trong buổi ra mắt sách chàng tiêu thụ được một mớ, còn bao nhiêu vác về nhà chất từng thùng trong “garage” để nhìn nét mặt cau có của vợ, chàng lại chịu không nổi. Thế là Nguyễn co vòi trước cái mộng làm nhà văn, nghĩa là có chút tên tuổi với thiên hạ. Đối với chàng, viết lách là thú tiêu khiển tao nhã, như người ta đi xem “ciné”, đi câu cá, đi “shopping” vậy thôi. Sau cũng để giải toả những uẩn ức của lòng, chẳng có gì thú hơn là mượn văn chương để chia sẻ cảm nhận về cuộc sống với những người xung quanh, thế cũng đủ cho cái tuổi không còn trẻ trung và sức lực để tranh đua với đời nữa.

Sang Mỹ, trôi giạt vào khu chung cư đa số là người Việt Nam, Nguyễn cảm thấy dễ chịu như chàng đang sống trên mảnh đất quê hương. Khu chung cư nằm trên ngọn đồi thấp, một con dốc thoai thoải xuống dòng suối um tùm cây lá, ven bờ là con đường mòn có dấu chân người. Nguyễn biết đám trẻ con vẫn hay la cà đi hái những trái dâu dại. Thỉnh thoảng, trong những buổi sáng rảnh rỗi, Nguyễn thơ thẩn một mình dọc theo bờ suối. Mặt nước phẳng lặng nổi lềnh bềnh những chiếc lá khô, Nguyễn tưởng đấy là những chiếc thuyền con, đã chở hồn chàng ngược về dĩ vãng, nơi có một dòng sông êm đềm chốn quê nhà. Đúng là văn sĩ có khác, vợ chàng lắm lúc rất bực mình vì cái tật đãng trí và vớ vẩn của chồng. Chỉ cần đi dọc theo con suối ấy, Nguyễn cũng có vô khối cái nhìn về sự sống đang hiện diện quanh chàng. Lũ chim chóc chuyền cành hót véo von trên cành dâu chín màu tím thẫm, vài con bướm lượn lờ trên những bông hoa dại, một con cá nhảy lên đớp mồi trên mặt nước lao xao, tất cả như cùng chàng tận hưởng cái đẹp của thiên nhiên, chàng thấy dễ chịu quá. Cần gì phải đi đâu xa, người ta cứ phải ao ước đi đến nơi này chốn nọ mới hưởng hết sinh thú của cuộc đời. Ở đây, ngay tại chốn này, khi lòng chàng thanh thản thì chàng đã được hưởng hết cái mỹ miều của trời đất, ông trời đâu hẹp hòi gì với con người và thiên nhiên nào của riêng ai, cứ để hồn thênh thang với tám phương, bốn hướng.

Khu chung cư chàng ở thuộc loại cũ kỹ lâu đời, người chủ Mỹ đã mừng rỡ khi đẩy được vào tay những người di dân Việt Nam, lại được một số tiền rất khá. Khi lọt vào tay những người chủ Việt Nam, bộ mặt của khu chung cư đổi sắc, từ vẻ hoang tàn của khu nhà dột nát, nó bỗng dậy lên sức sống dưới bàn tay khéo léo của những người Việt cần cù, chịu thương chịu khó. Đằng trước và đằng sau mỗi nhà là một khoảng đất trống sát đường đi rộng chỉ độ một mét, vậy mà những bà cụ già, những người phụ nữ lớn tuổi không đi làm, đã chịu khó vun vén để trồng những khóm hành ngò, rau thơm, những giàn bầu bí, khổ qua, đậu ván cho phong cảnh thêm màu xanh tươi mát của cỏ cây.

guyễn hay lang thang đi dạo quanh xóm, nhìn mảnh vườn rau quê hương xa vời vợi trong tâm tư chàng, đang được những bàn tay của bà con lối xóm gây dựng lại trên mảnh đất xứ người. Nó thể hiện nụ cười của một dân tộc hiền hoà. Khi vợ chàng thiếu một nắm húng quế cho tô phở, thiếu quả ớt cho bát nước chấm, lúc chàng khoan khoái thưởng thức món thịt bò quấn lá lốt, phết mỡ hành và đậu phộng giã nhỏ, bà hàng xóm đã cho vợ chàng những thứ rau cần thiết.

Sự thật, thỉnh thoảng họ cũng có cãi nhau, chén bát còn có lúc xô huống gì con người có tiếng nói. Họ hay phàn nàn nhau về chỗ đậu xe, khi lũ trẻ có bạn bè từ nơi khác tới cứ đậu bừa bãi lên “parking” của người khác. Họ rầy rà nhau một lúc, cũng lời qua tiếng lại một hồi, nhưng lắng xuống lại lý luận “ba xu” một chút rằng, cái chỗ ấy có phải của ông của cha gì mà giữ, lại mất đi tình hàng xóm bấy lâu nay. Đa số đàn ông trong xóm đi làm, đám trẻ con đi học chỉ còn rặt bà già, phụ nữ ở nhà giữ trẻ, nấu cơm. Nguyễn thích nghe bà già người hàng xóm miền Trung nói lối, nó ngộ nghĩnh và đậm đà màu sắc thi ca dân tộc, một bà cụ miền Nam chỉ thích tuồng cải lương, xem những phim có hậu như Bao Công xử án Quách Hoè, Phạm Công Cúc Hoa... đại loại các bộ phim phải có chung, có thuỷ, có tình người. Họ cũng đọc sách báo, nhưng có nhiều nhà văn viết theo lối mới, khó hiểu, từ ngữ cầu kỳ kiểu cách, ngay cả Nguyễn cũng chưa hiểu nổi họ nói gì, thì đám dân mộc mạc ở đây cần gì biết cho mất công. Ngay như là vợ Nguyễn, nàng cũng chỉ thích đọc những bài đơn giản, trắng ra trắng, đen ra đen, không nhuôm nhuôm mờ mờ ảo ảo, bởi vậy mà lối viết của chàng cũng ào ào, chằn chặt như tiếng dao băm trên thớt, tiếng bát đũa khua lanh canh, xủng xoảng của trẻ con háu đói trước mâm cơm.

 Đám trẻ ở đây có mòi nhiễm lối sống Âu Mỹ, thích sự yên tĩnh của những căn nhà riêng biệt đóng kín cửa, họ cố làm ăn và lôi cả nhà ra khỏi cái khu chung cư nghèo nàn, nhếch nhác ấy. Chỉ tội nghiệp những người lớn tuổi, cũng phải chạy theo đám con cháu để hoà nhập vào xã hội phương Tây, họ trở thành những cái bóng mờ bên lề cuộc sống. Suốt ngày, lũ nhỏ đi học, đi làm, các cụ luẩn quẩn, loanh quanh trong căn nhà đóng kín cửa, tội nghiệp biết bao.

Từ ngày có mấy Đài Phát Thanh Việt ngữ, các cụ cao niên và người Việt trung niên như bắt được bạn vàng lâu ngày không gặp, nghe như trong quãng đời hiu quạnh trên xứ người, thoang thoảng chút tình quê trong tiếng nói của người đồng hương. Thỉnh thoảng, Nguyễn gặp lại những người hàng xóm đã phải khăn gói đi theo đám con cháu ra nhà ngoài, mỗi lần họ được về thăm khu chung cư cũ kỹ, nụ cười móm mém nở trên khuôn mặt hân hoan vì cảm động. Họ thú thật với chàng rằng, chỉ có nơi này họ mới thấy tình quê hương, mới cảm thấy ấm lòng để sống nốt những ngày còn lại.

Ngay như Nguyễn cũng thế, một lần chàng đi thăm bạn bè ở các tiểu bang xa, dù chỉ có hai tuần lễ mà lúc về nhà, gặp lại những khuôn mặt hàng xóm quen thuộc, nhìn giàn mướp xanh trĩu quả, ngắm cây cải lên ngồng với con bướm lượn, nghe tiếng người xướng ngôn viên đọc bản tin chiều, tự nhiên chàng xúc động quá. Chàng có cảm tưởng như xa quê hương đã lâu, nay trở về mái nhà xưa; chàng vô tình có được cái cảm xúc dạt dào của đứa con xa nhà, nay trở về với mẹ. Cũng như mọi người Việt ở lứa tuổi trung niên, Nguyễn vẫn phải chạy theo cơm áo gạo tiền để mong ổn định đời sống, không gian dối ăn bám vào tiền trợ cấp xã hội để làm thân tầm gửi cho xã hội. Tiền bạc không nhiều để đi đó đi đây, nhưng quả thật ngòi bút đã giúp chàng đi mây về gió đến những phương trời xa hằng vạn dặm. Chẳng những thế, cái xúc cảm dạt dào khi được nhập vai vào với nhân vật của truyện, đến nỗi đôi khi Nguyễn được khóc, được cười, được đối thoại thoả thuê trong cái góc riêng của đời chàng. Chàng không có mặc cảm khi nghĩ mình chỉ là mầm cây non nớt giữa một rừng văn học ngát hương, bởi vì chàng chỉ dùng văn chương để trang trải nỗi lòng, kể lể chuyện đời buồn vui, không một mục đích nào khác.

Thằng con lớn thấy bố ngồi cong lưng ra viết theo kiểu bút giấy xưa như trái đất, bèn dành dụm tiền lương mua tặng bố một cái “computer” để sáng tác cho tiện, bởi vì nhìn bố nó chẳng khác nào con nhện nhả tơ quanh quẩn trong góc phòng khiêm nhượng, sao thấy mà tội nghiệp. Chiếc máy để trong căn phòng nhỏ đóng kín cửa, cố tạo sự yên tĩnh để chàng sáng tác, vậy mà Nguyễn không viết được. Chàng công nhận mình quê mùa quá, không quen sử dụng máy móc hiện đại. Trong căn phòng đóng kín, tiếng máy lạnh chạy rì rì, chiếc màn hình trắng xoá, óc chàng cũng trắng xoá, chàng cố gắng viết nhưng chữ nghĩa hình như vô hồn, thế là chàng chịu thua.

Bây giờ thì Nguyễn hiểu rồi, người ta phải tạo cho tâm hồn một tư thế thảnh thơi thoải mái thì mới viết cho ra hồn được. Chàng chỉ cần một xấp giấy, một cây bút, một khung cửa bên ngoài là khoảng trời xanh, có những con chim đậu trên sợi dây điện như những nốt nhạc trong buổi hoàng hôn, có tiếng lá khô lạo xạo đuổi nhau trên mặt đường. Tất cả những thứ ấy mới là linh hồn của bài viết, chàng chỉ có công tô điểm lên thôi.

Mạch Sống Số 61 - 08/07







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1069