Thư Gửi Con Gái
Date: Tuesday, August 07 @ 18:07:41 EDT
Topic: Tuổi Hạc


Hoàng Lan Chi

Bé yêu quý,

Thế là hai mẹ con xa nhau đã hơn bẩy năm. Ngày mẹ ly dị bố, bé mới ba tuổi. Mẹ biết mọi cuộc ly dị đều đem đến sự thiệt thòi lớn cho con cái. Nhưng cuối cùng mẹ phải quyết định như vậy vì không thể kéo dài hơn. Mẹ còn hối hận là sao không quyết định sớm hơn để lúc đó chỉ mới có anh bé, chưa có bé và nếu làm lại thì cũng dễ dàng cho mẹ.



Thân cò lặn lội để nuôi con với bao nhọc nhằn, cay đắng vì thời cuộc. Mẹ vừa phải là vợ/chồng vừa phải là cha/mẹ. Cùng lúc với hai vai trò Cha/Mẹ quả là gánh nặng cho người phụ nữ ngoài ba mươi và được giáo dục theo kiểu “kín cổng cao tường”. Bao mơ ước của tuổi trẻ, của thuở sinh viên với trái tim bừng bừng lửa cháy đành vùi chôn. Và rồi mẹ đặt những ước mơ đó vào bé, đứa con gái yêu quý mà mẹ dùng “quyền lực” để nhồi nặn theo ý mình.

Mẹ chỉ để bé xa mẹ năm bé mười lăm tuổi. Thực ra, nếu để đến năm bé mười tám thì theo mẹ, sẽ tốt hơn cho bé nhưng tình thế không cho phép. Vì tương lai con gái, mẹ phải cho bé rời mẹ và định cư Úc năm bé mười lăm. Bạn bè an ủi “Coi bộ nó vững rồi, chị đừng lo. Nói chuyện với nó, thấy nó ‘thở’ ra toàn giọng chị không à”.

Cuối năm, bé gửi thành tích do nhà trường phê cho mẹ. Mẹ vui. Yên tâm bé sẽ lo học, không đi vào con đường hư hỏng.

Ngũ thập tri thiên mệnh. Khổng Tử nói thế nhưng thực ra mẹ “tri” từ thuở tứ thập. Con người có số. Nhưng bên cạnh đó, mẹ cũng tin rằng “Đức năng thắng số”. Vì thế, dù gian truân, mẹ luôn vững vàng trong việc “cố gắng sống cho ra một Con Người”. Con Người viết hoa!

Long đong trên xứ người ở tuổi ngũ thập, mẹ vẫn cố vươn lên. Có lẽ vậy mà cuối cùng mẹ cũng có một việc làm “trí óc”. Khi bước chân vào sở làm mới, một thời gian, mẹ hơi nản. Nản vì tuổi già chỉ mong làm những gì mình thích. Còn ở đây, mẹ bị căng thẳng với “deadline”, với nộâi dung phát thanh mà đôi lúc mẹ đùa “Tối ngủ nằm mơ thấy ung thư với HIV!”. Cho đến một ngày, có lẽ phải cảm ơn mùa thu với lá phong vàng đỏ làm tâm hồn mẹ dịu dàng rất nhiều, mẹ Ngộ ra một điều “ta đang làm những điều rất hữu ích cho đồng bào ta”. Từ đó, mẹ không khó chịu với ung thư, với HIV mà mẹ cố tìm trong đó những gì có thể làm cho “vui vui” hơn, để thính giả tiếp nhận dễ hơn.

Tuy vậy, tâm tình mà mẹ muốn gửi đến bé hôm nay chính là một “cuộc sống có ý nghĩa”. Với nhiệm vụ hiện tại, mẹ phải đọc bài cho tờ báo. Khi đọc bài viết “ Từ Thành Công đến Ýù Nghĩa” của Chủ Nhiệm Nguyễn Đình Thắng, mẹ suy nghĩ. Bé đọc một chút nhé:

“Năm 1988 tôi tham gia UBCNVB và đi thăm một số trại tị nạn ở Hồng Kông. Nơi đó tôi đối diện với các bất công xã hội và sự khốn cùng của con người, và hứa với lòng mình là sẽ lên tiếng cho những ai không tiếng nói. Trở về từ chuyến đi ấy tôi tình nguyện toàn thời với UBCNVB trong khi làm việc toàn thời trong công việc kỹ sư ở một trung tâm nghiên cứu của hải quân Hoa Kỳ. Kể từ đó tôi đã tranh đấu dai dẳng và mạnh mẽ để bảo vệ quyền của người tị nạn và di dân ở Hoa Kỳ cũng như ở ngoại quốc. Năm 2000, cùng với hai luật sư, một Mỹ một Việt, tôi thành lập đề án LAVAS để gởi luật sư và trợ luật viên thiện nguyện đến các trại, một nỗ lực mà kết quả là gần 20 ngàn cựu thuyền nhân đã được Hoa Kỳ nhận định cư. Sau đó tôi hoạt động trong nhiều lãnh vực, khởi xướng nhiều chương trình, và giúp cho nhiều tổ chức “rễ cỏ” phát triển nội lực. Gần đây nhất, sau trận bão Katrina, UBCNVB đã phát triển hoạt động đến Vùng Vịnh Duyên Hải [Gulf Coast].

Lùi trở lại năm 2001. Thời điểm quyết định thứ hai: tôi gặp Ông Peter F. Drucker. Tôi được chọn tham gia chương trình huấn luyện kéo dài một năm với Viện Lãnh Đạo Nói Với Lãnh Đạo (Leader to Leader Institute) mà Ông sáng lập ra. Ông là vị thầy của môn quản trị kinh doanh tân thời nhưng lại dành 20 năm cuối đời để phát triển khu vực phi lợi nhuận. Ông tâm tình về quyết định này: tiến từ thành công đến điều có ý nghĩa. Tạo tài sản trong khu vực kinh doanh là sự thành công. Tham chính để ảnh hưởng chính sách là sự thành công. Tuy nhiên điều thực sự có ý nghĩa là tạo nên những thay đổi xã hội tích cực từ “rễ cỏ”; đó là xây dựng nền dân chủ từ dưới lên và trực tiếp tác động đến cuộc đời của đồng loại. Theo gương Ông Drucker, năm 2001 tôi rời bỏ công việc kỹ sư và từ đó dầm mình vào công việc phục vụ cộng đồng”.

Có thể đạt Thành Công nhiều hơn nữa nhưng Ông Nguyễn Đình Thắng đã bị ảnh hưởng bởi cuộc sống có ý nghĩa của ông Peter F. Drucker mà ông được gặp trong một chương trình huấn luyện. Từ đó, Ông quyết định chọn con đường này. Con đường ấy đòi hỏi bao nhiêu thứ, từ hy sinh lợi ích cá nhân đến những kỹ năng phải có để lao đầu tháo gỡ các khó khăn. Cũng vô tình mẹ đọc một bài viết của một tác giả khác về sự bình thản đón nhận cái chết.
Bé yêu quý,

Khi người ta còn trẻ, còn sức khoẻ, đôi lúc người ta tưởng mình vá được cả trời, lấp cả biển và không hề sợ chết. Nhưng đến một tuổi nào thì bản năng sinh tồn khiến người ta hãi sợ lưỡi hái của tử thần. Tuy vậy, khi chọn một cuộc sống có ý nghĩa thì sự bận rộn và dù không bận rộn, ám ảnh của một thế giới bên kia không còn nữa. Với mẹ, tuổi lá vàng thì “cuộc sống ý nghĩa” có hữu ích riêng. Với bé, mầm non đang trổ, “cuộc sống ý nghĩa hữu ích” nhiều hơn vì làm Giàu cuộc sống khôn cùng.

Vậy nhé, chỉ còn vài tháng nữa là ra trường, mẹ ước mong bé sẽ chọn một cuộc sống có ý nghĩa. Từ những việc thiện nguyện cho đồng bào đến những đấu tranh cho quê hương. Ý nghĩa là như thế.

Ngày xưa, mẹ từng viết “Trẻ con là để thành tựu những ước mơ chưa thành của người lớn”. Phải, sống có ước mơ đẹp và trao ước mơ ấy lại cho tuổi trẻ tiếp tục con đường ấy thì ngọn đuốc sẽ còn lửa mãi.

Mạch Sống 61 - 08/07







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1067