Công Cuộc Can Thiệp Cho Các Hồ Sơ HO và HR
Date: Monday, June 11 @ 11:23:21 EDT
Topic: Tin Trang Nhất


Ts. Nguyễn Đình Thắng

Không mấy ai biết rằng chỉ hai năm sau khi chương trình HO ra đời, Sở Di Trú Hoa Kỳ có thái độ xét lại.  Kể từ năm 1992, ngày càng nhiều các hồ sơ HO bị đánh rớt một cách phi lý. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến các hồ sơ trong chương trình U11 (dành cho cựu nhân viên chính phủ Hoa Kỳ) và V11 (dành cho cựu nhân viên hãng tư của Hoa Kỳ).



Năm 1995, khi nghiên cứu các điều kiện để thực hiện chương trình ROVR (Cơ Hội Định Cư Cho Người Việt Hồi Hương) mà qua đó trên 18,000 cựu thuyền nhân đã đến Hoa Kỳ định cư, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) đã nghiên cứu cách thực hiện chương trình HO, U11, và V11 để học hỏi. Khi ấy chúng tôi khám phá ra những bất công trầm trọng trong các chương trình này.

Vì những bất công này mà ngày càng ít hồ sơ được nhận định cư. Chẳng hạn, với chương trình U11 và V11, trong những năm đầu số hồ sơ được nhận lên đến trên 90% nhưng sau năm 1992 thì chỉ còn 20%, đến năm 1994 thì chỉ còn dưới 5%. Một giảm sút khó hiểu. Thế rồi năm 1994 Hoa Kỳ tuyên bố không nhận đơn HO, U11 hay V11 nữa. Sự chấm dứt vội vã này làm cho nhiều người  không kịp nộp đơn dù đủ điều kiện.

Cuối năm 1996, khi vấn đề thuyền nhân đã khép lại—mọi thuyền nhân đã được định cư hay bị hồi hương, ngoại trừ số 2,000 thuyền nhân ở Phi Luật Tân, BPSOS bắt đầu can thiệp cho các hồ sơ HO, U11 và V11 bị từ chối một cách oan uổng cũng như vận động mở lại chương trình HO. Chúng tôi nhận được hàng trăm hồ sơ gởi đến nhờ can thiệp.

Tìm hiểu những hồ sơ này chúng tôi phát hiện nhiều điều phi lý. Trong một hồ sơ, nhân viên di trú bác đơn chỉ vì tờ giấy ra trại được ký bằng bút “phớt” (bút ngòi nỉ); nhân viên ấy lập luận rằng ở Việt Nam không có loại viết này. Công việc can thiệp hồ sơ rất công phu và đa đoan, nhất là khi Sở Di Trú không hợp tác. Việc liên lạc với đương đơn ở Việt Nam đầy trắc trở. Chúng tôi đã có nhiều buổi họp gay cấn với Bộ Ngoại Giao và Sở Di Trú. Có trường hợp chúng tôi phải dùng đến Luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act) để đòi mở hồ sơ của Sở Di Trú xem trong đó họ viết gì. Sau nhiều lần cù cưa, Sở Di Trú đồng ý mở dăm ba hồ sơ nhưng lại cắt xén đi hoặc bôi đen đi nhiều chỗ. May mà lúc ấy chúng tôi có được một thiện nguyện viên đầy tâm huyết và kiên trì giúp công việc thảo văn thư qua lại với Sở Di Trú và với các đương đơn ở Việt Nam.

Cuối năm 1997 tôi cùng với vị Tham Mưu Trưởng của Dân Biểu Christopher Smith, Ông Grover Joseph Rees, đi Việt Nam vừa để thúc đẩy tiến trình định cư thuyền nhân theo chương trình ROVR, vừa để nghiên cứu thêm về các hồ sơ HO, U11, và V11. Ông Rees trước đây là Cố Vấn Trưởng của Sở Di Trú và sau này trở thành vị đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở quốc gia tân lập Đông Timor.

Dựa vào những dữ kiện thu thập được, DB Smith yêu cầu Sở Di Trú xét laị một số hồ sơ đãbị từ chối. Năm 1998 một phái đoàn của Sở Di Trú lên đường đi Bangkok, Thái Lan, và đã xem xét 130 hồ sơ bị từ chối. Bản phúc trình cho Quốc Hội, dù ngôn ngữ đã được sửa sang cho nhẹ nhàng, cho thấy có nhiều sai sót và lỗ hổng trong tiến trình phỏng vấn.

Đầu năm 2000, khi công cuộc định cư cho trên 18 ngàn thuyền nhân trong chương trình ROVR xem như hoàn tất, chúng tôi cùng với DB Smith bắt đầu đẩy mạnh cuộc vận động để mở lại chương trình HO. Đó cũng là năm tranh cử. DB Smith viết thư ngỏ cho cộng đồng Việt cam kết rằng nếu Đảng Cộng Hoà đắc cử vào Toà Bạch Ốc thì ông bảo đảm các vấn đề tị nạn của người Việt sẽ được giải quyết thoả đáng, trong đó có vấn đề mở lại chương trình HO.

Năm 2001, Phó Ngoại Trưởng Richard Armitage quyết định mở lại chương trình HO mặc dù có sự chống đối từ một số nhân viên kỳ cựu của Bộ Ngoại Giao, những người chủ trương đóng cửa chương trình HO năm 1994. Năm 2002, do sự đôn đốc của DB Smith Quốc Hội Hoa Kỳ đòi hỏi văn phòng tị nạn của Bộ Ngoại Giao lập ra một chức vụ mới, ở cấp Phụ Tá Thứ Trưởng, để bảo đảm sự cộng bằng trong chương trình định cư tị nạn nhất là sau khi con số người tị nạn định cư giảm sút trầm trọng sau biến cố 9/11. Người được bổ nhiệm vào chức vụ mới này là Luật Sư Kelly Ryan. Trước đây cô đã từng là phụ tá cho Ông Grover Joseph Rees tại Sở Di Trú. Cô đã bỏ nhiều công lao để thương lượng với chính quyền Việt Nam trong việc mở lại chương trình HO.

Đến cuối năm 2005, Hà Nội chính thức đồng ý và chương trình HO được mở lại vào tháng 6/ 2006 với tên mới: HR (Humanitarian Resettlement). Đến nay nhiều chục ngàn người đã nộp đơn và nhiều ngàn người được lên danh sách phỏng vấn. Chỉ trong vòng vài tháng số cựu tù cải tạo đầu tiên đã đặt chân đến Hoa Kỳ trong chương trình HR.

Cuộc vận động mở lại chương trình HO hoàn tất, đầu năm 2007 chúng tôi tự trích quỹ dự phòng để lập ra chương trình giúp hồ sơ cho những người gặp trở ngại trong chương trình HR, can thiệp cho các hồ sơ HO bị loại trừ một cách oan ức trước đây, và can thiệp định cư cho hàng ngàn con lai còn kẹt ở Việt Nam. Công cuộc can thiệp hồ sơ này sẽ là một ưu tiên của chúng tôi cho đến hết năm 2008.

Ngày 24 tháng 5 vừa qua BPSOS tổ chức buổi tiệc vinh danh các ân nhân đã giúp mở lại chương trình HO, gồm có DB Christopher Smith, Đại Sứ Grover Joseph Rees, và Phụ Tá Thứ Trưởng Kelly Ryan. Bên cạnh đó chúng tôi cũng vinh danh TNS Jim Webb, người đã từng lên tiếng bênh vực quyền lợi cho các cựu tù cải tạo và DB Tom Davis, người đã gia hạn và nới rộng Tu Chính Án McCain (nay được gọi là Tu Chính Án Davis) để định cư con cái của người tị nạn trong chương trình HO trước kia và HR hiện nay.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1028