Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27811690
page views since June 01, 2005
Chuyện Kể Từ Thái Lan (6)

Tị Nạn

CHUYỆN KỂ TỪ THÁI LAN (6)

 

Tuyết Mai

LTS: Là một cựu nữ sinh Trưng Vương, tác giả đã về hưu ở Houston. Cuối năm ngoái, qua email Bà nghe đến tình cảnh của đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan nên quyết định lên đường tình nguyện và nhập toán BPSOS đang làm việc tại Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý đặt ở Bangkok. Hàng ngày Bà thăm viếng và uỷ lạo các gia đình gặp khó khăn, dạy học cho người lớn và trẻ em, thăm nuôi những người bị bắt giam, và khi cần thì giúp cả phần thông dịch. Dưới đây là ký sự của Bà về những ngày tháng ở Thái Lan.

 

Lỗi tại tôi!

 

Hơn 5 tháng ở Thái Lan, mỗi ngày tôi đi bộ cũng khá nhiều và vẫn mừng là chân đau của tôi đã bình thường trở lại. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà tôi thành ỷ y, không thận trọng như trước. Một hôm khi xuống cầu qua đường để đón xe về, hai tay mang khá nặng, lúc bước xuống bậc cầu tôi lại bước hơi mạnh nên bị mất thăng bằng, khụy 1 bên chân! Mặc dù đầu gối không chạm đất nhưng cái đau ở đâu nó đến nhanh như điện, đau đến độ tôi không thể đụng vào cái chân được nữa. Lúc đó có hai bà đi gần, thấy tôi bị như vậy họ cố dìu tôi xuống cầu nhưng tôi cũng không thể nào đặt chân xuống. Phải 3 người mới giúp tôi lên được Taxi, về đến nơi tôi đau quá nên đã phải vào ngay ER của Bệnh Viện Bangkok. Bác Sĩ chiếu điện cho biết xương không bị thương tổn gì, chỉ bị trật gân, phải chích thuốc giảm đau, phải uống thuốc, phải băng đầu gối chặt lại, không được mang nặng và không được di chuyển nhiều cho đến khi lành hẳn. Chỉ một lát thế thôi cũng mất 6000 Baht cho cái đầu gối!

 

Thế là những sinh hoạt hàng ngày của tôi bị ngưng lại. Các lớp học phải nghỉ, những chương trình giao tế đã được sắp xếp với nhóm thiện nguyện người Âu Mỹ để nhờ họ dạy học cho người tị nạn và đi thăm tù khi tôi về cũng phải bỏ trong khi càng gần ngày về tôi càng muốn cố gắng thu xếp để mọi việc được đâu vào đấy. Nằm nhà thật là tiếc thời gian, nghĩ đến những dự tính định làm mà không làm được tôi lại áy náy và ân hận vì sự bất cẩn của mình, đúng là Lỗi Tại Tôi”!

 

Lớp cho các trẻ em Hmong



Tình người:

 

Nằm một chỗ nhưng tôi không buồn vì chính thời gian này tôi đã nhận được sự quan tâm của bao người. Điều cảm động là từ Sơ giám đốc chỗ tôi dạy học đến các nhóm học trò đối với tôi đều rất có tình. Họ lo lắng vì tôi ở một mình, sợ tôi ốm không có ai săn sóc! Dùng điên thoại ở đây không phải là rẻ đối với nhiều người, vậy mà ngày nào cũng có người gọi tới hỏi thăm, có khi nói chuyện đến lúc máy của họ hết cả tiền! Như chưa yên tâm, họ lại rủ nhau đến thăm tôi, người đi theo Sơ, người đi với gia đình, người đi với bạn, rồi nhóm thiểu số, nhóm Cồn Dầu... đủ cả. Họ đều là những người tị nạn, có người có qui chế tị nạn, có người không, họ đi đường có thể bị cảnh sát Thái bắt lại vì Thái Lan không ký công ước bảo vệ người tị nạn. Hậu quả khi bị bắt thường là “phạm nhân”  phải tức thời đưa tiền cho người cảnh sát để họ “thông cảm” cho đi, ít ra là mỗi “phạm nhân” cũng mất cỡ 1000 Baht hoặc ít hơn nếu cảnh sát thấy ví không còn tiền. Đây có thể là tiền công người tị nạn đã làm “chui” trong cả một tuần! Cũng có người may mắn gặp được cảnh sát hiền lành, người tị nạn năn nỉ thì cũng được cho qua. Sơ Sutisa và Sơ Lita đã từng phải đến xin cảnh sát tha cho những người bị bắt.

 

Trường hợp người bị bắt không có ai can thiệp kịp thời thì đều bị chuyển vế IDC (Immigration Detention Center) ở Bangkok, đây là nhà tù của những người nhập cư Thái Lan bất hợp pháp. Ở đây họ giam nam nữ riêng, con bị giam cùng với người mẹ và vợ chồng con cái chỉ được phép gặp nhau khi bà Bác Sĩ của  Immigration Detention Center có lòng giúp đỡ, lâu lâu tổ chức cho họ xuống sân tập trung ăn uống một vài giờ, hoặc là khi có người đến thăm xin được gặp cả hai vợ chồng thì họ mới có dịp gặp nhau. Số phận những người này ra sao? Họ chỉ có thể ra khỏi nơi này trong 3 trường hợp:

 

1.    Được Cao Ủy Tị Nạn cho qui chế tị nạn và được nước thứ ba chấp nhận cho định cư.

2.    Được Cao Ủy Tị Nạn cho qui chế tị nạn, nếu chưa được đi định cư mà muốn ra khỏi IDC thì họ phải có người địa phương hoặc một tổ chức hợp thức bảo trợ, phải đóng 50 ngàn Baht tiền thế chân, phải ở một nơi được chỉ định và phải trình diện IDC hàng tháng cho đến ngày được nước thứ ba chấp nhận.

3.    Bị trả về nguyên quán.

 

Có thể nói, IDC là nỗi lo sợ của người tị nạn! Họ biết chứ. Nhưng mà họ vẫn đến thăm tôi, thật là liều lĩnh quá, cứ nghĩ đến là tôi đã lo rồi!

Mỗi lần đến thăm họ lại mang bao nhiêu quà, nào là những món ăn mà họ biết là tôi thích, nào là các thứ trái cây, cái gì cũng đặc biệt. Họ cho hậu hĩnh đến độ tôi ăn cả tuần chưa hết. Tôi thật cảm động nhưng trong lòng không khỏi áy náy khi nghĩ đến số tiền mà họ đã phải tốn kém cho tôi!

 

Họa vô đơn chí!

 

Cả tuần nghỉ ngơi nên chân tôi cũng đỡ hẳn, tôi đã đi lại được nhưng chưa dám đi nhiều và cũng chưa dám đi ra ngoài. Tôi đã mừng vì nghĩ là có thể tiếp tục công việc trong vài ngày tới. Thế rồi không biết ăn phải thứ gì không hợp mà tôi bị khó chịu quá, cứ cảm thấy đầy ắp trong dạ dày, nó làm tôi buồn nôn và chóng mặt, phía sau ót nặng chĩu, người thì cảm thấy như không còn sức. Tôi tìm thuốc uống quanh hy vọng sẽ khỏi, nhưng càng ngày càng thấy khó chịu hơn. Sau 2 ngày chịu đựng, cuối cùng tôi lại phải vào ER của bệnh viện Paolo ở gần nhà.

 

Phải công nhận là hai bệnh viện tôi đã đến đều rất sang, tôi được biết các bệnh viện này hầu như để dành cho người ngoại quốc! Có nhân viên mặc đồng phục túc trực để chờ mở cửa xe, các nhân viên tiếp đón ăn mặc đẹp như tiếp viên hàng không và săn sóc bệnh nhân hết sức nhã nhặn. Họ đưa ngay tôi vào phòng để làm thủ tục chờ Bác Sĩ khám.

 

Bà Bác Sĩ săn sóc tôi là người Thái, vừa trẻ vừa đẹp, nói tiếng Mỹ rất lưu loát, tôi có cảm tưởng là bà này học ở Mỹ về. Nhưng cách khám bệnh của bà thì lại quá sơ sài, khác hẳn với các Bác Sĩ bên Mỹ của tôi. Bà cho biết nếu muốn mau khỏi thì phải nằm bệnh viện để truyền thuốc và phải thử máu để biết rõ nguyên nhân của bệnh. Nhân viên nhà thương cho biết là nằm lại một tối trong nhà thương là 6000 Baht (200USD) tiền phòng và Y tá, còn tiền Bác Sĩ và thuốc men chưa kể. Tôi chỉ mong họ chữa cho khỏi nên cũng chấp nhận, thật ra tôi hy vọng là bệnh viện này sẽ rẻ hơn Bệnh Viên Bangkok nhưng đã nghĩ chắc phải tốn đến mươi ngàn Baht.

 

Kết quả thử nghiệm cho biết tôi bị ngộ độc (Food poisoning), trong máu có vi khuẩn và có chất độc. Vi khuẩn thì có thể là từ rau sống, nhưng chất độc thì từ đâu, tôi có ăn gì khác ngoài thức ăn và trái cây họ cho đâu! A, hay là có trái cây của Tàu? Có lẽ thế rồi vì các loại trái cây này đều tươi đẹp và to hơn hẳn trái cây của Thái mà tôi thường mua. Nhưng có tới 5 loại khác nhau, tôi đã ăn cả 5 thứ, vậy thì thứ nào có chất độc đây?

 

Tin tôi phải nằm bệnh viện lại được chuyền nhanh trong nhóm người tị nạn. Họ  gọi đến thăm hỏi. Người mang món ăn tới thì cảm thấy áy náy không biết có phải vì tôi ăn món của họ không, người mang trái cây đến thì phân trần “ Tụi con đã chọn những thứ tốt nhất để mua biếu cô, không biết tại sao”. Tôi phải nói để họ yên tâm là thật sự tôi cũng không biết là thức ăn hay trái cây nào đã làm tôi ốm.    

 

Trong một thời gian ngắn mà tôi bị đau mấy lần nên ai cũng nói “tội cô quá, cô lớn tuổi lại ở có một mình thì ai lo cho!”, rồi người thì muốn nấu cháo đem đến, người thì muốn nấu thuốc Nam để tôi uống cho lành, có bà đề nghị cho con đến lo cho tôi, cô học trò dễ thương tình nguyện đến săn sóc cho đến khi tôi khỏi bệnh mới về đi làm. Tội quá, ai cũng nghĩ cho tôi! Tôi cảm tạ ơn trên về sự may mắn tôi có được và cảm ơn thịnh tình của họ nhưng không muốn làm phiền vì cho đến giờ tôi vẫn còn có thể lo cho mình được. Sơ Lita báo cho Anna (thiện nguyện viên của BPSOS đến từ Oregan) biết về việc tôi nằm nhà thương và tối hôm đó Anna và người bạn trai đã đến nhà thương thăm tôi.

 

Ngày hôm sau Bác Sĩ khám lại và đồng ý cho tôi về. Lúc nhận giấy tính tiền, tôi

giật mình khi nhìn giá tiền tổng cộng: 20625 Baht! Thật là ngoài sự tưởng tượng của tôi! Tôi không hiểu họ tính thế nào mà có thể nhiều đến thế nên yêu cầu họ phân tích từng khoản. Nhờ thế mà tôi đã nhận ra những khoản không áp dụng cho tôi và những khoản họ tính đi tính lại dưới một hình thức khác! Tôi chỉ cho họ thấy và yêu cầu họ bỏ những khoản sai này. Tôi nói chuyện này với Sơ Lita, Sơ cũng ngạc nhiên và khi đến thăm tôi, Sơ đã đích thân nói với họ. Sau đó, họ cho biết họ không lấy ra được khoản nào trong danh sách tính tiền vì đó là mẫu chung của nhà thương, nhưng sẽ trừ và sẽ đề là ‘Special Discount’. Không sao, đề thế nào cũng được, miễn là đừng bắt tôi phải trả những gì vô lý. Nhờ thế mà tôi được trừ gần 3 ngàn Bath. Mấy người bạn Thái cũng không thể ngờ là chỉ nằm nhà thương 1 ngày mà mất đến ngần đó tiền! Nhà thương ở đây đắt thật!  

 

Ai cũng an ủi tôi là việc xấu đã qua thì việc tốt sẽ đến, Sơ Lita thì nói là việc gì xảy ra cũng có lý do được định trước cho nên khuyên tôi đừng buồn. Tôi không buồn nhưng tiếc, trong vòng có 10 ngày tôi đã mất 8oo Đô cho nhà thương! Ở Mỹ thì đây chỉ là một số tiền nhỏ nhưng ở đây thì lại là một số tiền lớn. Tiền này không phải là tôi không định tiêu, nhưng tôi không trù tính tiêu cho việc này! Biết thế tôi đã mua bảo hiểm. Hai mươi bốn ngàn Baht! Bằng tiền sinh sống trong 4 tháng của một gia đình tị nạn rồi. Tiếc thật!

    

Theo ý Sơ Lita thì Chúa muốn cho tôi được nghỉ ngơi dưỡng sức trước khi tôi trở về nhưng nghỉ ngơi thế này thì quả thật là phí quá! Ngày ngày quanh quẩn ở nhà nhưng đầu óc tôi vẫn bận rộn nghĩ đến những việc cần làm trước khi về mà chưa làm được. Phải làm sao đây? Điều tôi quan tâm nhiều nhất trong lúc này là tìm người đi thăm tù và tìm người dạy học để công việc được tiếp tục dù tôi không còn ở đây nữa.

 

Xếp đặt việc thăm tù:

 

Tôi đã có danh sách những người tị nạn Cộng Sản Việt Nam còn bị giữ trong IDC (Immigration Detention Center) và tôi muốn sẽ lần lượt đi thăm họ thêm một lần. Bây giờ tôi không thể gặp từng người được nữa nhưng trước khi về tôi cũng phải đến lần chót để trao số tiền của anh chị tôi vừa gửi tặng cho họ. Vì thế, dù còn yếu tôi cũng đã thuê xe đến IDC. Hôm đó tôi rất mừng vì đã rủ được thân mẫu của LS An Phong cùng đến, bà sang đây chơi lâu, tôi muốn rủ bà đi thăm tù và thăm người tị nạn với tôi và bà đã nhận lời. Tiếc là xe Taxi của tôi bị kẹt rất lâu trên xa lộ, khi tôi đến nơi thì vừa hết giờ nộp giấy vào thăm thành thử chúng tôi phải về, chả gặp được ai! Trưa hôm đó tôi đưa bà đến dự bữa cơm của học trò tổ chức để tiễn đưa và bà đã có dịp gặp nhiều nhóm tị nạn có mặt hôm ấy. Bà tỏ ra rất gần gụi với nhóm Cồn Dầu.

 

Ngày hôm sau tôi lại đến IDC, lần này tôi phải đem cây baton trợ sức vì hôm trước đi về chân tôi lại bị đau. Hôm đó má của LS An Phong không đi, chỉ có một mình nên tôi chỉ được thăm có một người. Số tiền còn lại tôi đã liên lạc với anh Hiền Sĩ để nhờ anh chuyển cho những người mà tôi đã viết rõ trong thư kèm theo tiền. (Anh Hiền Sĩ là người đặt bom ở tòa đại sứ Việt Cộng ở Bangkok hơn 10 năm về trước. Anh đã mãn tù và còn bị giữ trong IDC chờ con anh bảo lãnh. Anh Sĩ hay giúp đỡ bạn tù nên rất được nhân viên trong IDC và bạn đồng tù nể). Hôm trước tôi xin LS An Phong được 100 Đô cho tù, định để má LS Phong trao cho họ khi gặp mặt, nhưng bà không đến nên tôi cũng gửi lại và nói anh Hiền Sĩ gọi cám ơn LS Phong. Trao tiền xong tôi mới yên tâm. Những người nhận được tiền cũng đã báo tin cho tôi biết.

 

Tối hôm sau tôi nhận được tin ông Nguyễn Hồng Thiên (có biệt danh là Sinh Tử Do Thiên, một trong mấy người tôi vừa gửi tiền tặng) mới treo cổ tự tử nhưng đã được người ta cứu thoát và đưa vào bệnh viện. Anh Sĩ cũng báo cho LS An Phong biết việc này và má của LS An Phong cũng đã vào nhà thương thăm ông Thiên. Anh Hiền Sĩ nhờ tôi báo tin cho em ruột của ông ta ở Chicago biết và nhắn ông ta hãy liên lạc với anh của ông để an ủi vì ông Thiên không được thân nhân thăm viếng bao giờ. Em của ông Thiên đã có tên Mỹ, tôi gọi về số điện thoại họ đưa nhiều lần nhưng chỉ nhắn vào Answering Machine vì không có ai trả lời điện thoại.

 

Anh Hiền Sĩ sợ ông Thiên ở phòng cũ sẽ lại tự tử nữa nên đã xin cho sang ở cùng phòng để trông coi. Anh Sĩ vừa để tôi nói chuyện với ông Thiên qua điện thoại, ông đã khỏe lại nhưng lúc tôi hỏi thăm lý do gì ông sang Thái Lan thì ông luôn trả lời là sang để tìm nguồn gốc và tìm chú ruột của ông là ông Thaksin (Cựu Thủ Tướng?). Anh Hiền Sĩ cho biết ông Thiên hơi khùng khùng, có lẽ vì ngày trước đã bị đánh đập nhiều! Hỏi lý do gì ông tự tử thì ông nói là vì bị giam lâu quá mà không được thả ra. Câu này thì tôi nghĩ là ông nói đúng. Ông đọc lại cho tôi số điện thoại của người em và tôi hứa là sẽ liên lạc giùm ông khi tôi về Mỹ.

 

Sau đó, tôi đã gửi danh sách những nạn nhân Cộng Sản trong IDC mà tôi có cho 3 nhóm phụ nữ thiện nguyện người nước ngoài mà tôi quen để nhờ họ vào thăm sau này. Họ là những người đến từ Holland, France, Swiss, Canada, England … Họ đến Thái theo chồng và là những người có khả năng về tài chánh và giao tế. Mỗi tuần họ chia thời khóa biểu để vào IDC thăm. Ba nhóm có 3 danh sách người được thăm riêng. Mỗi lần vào thăm tù là họ mua những thứ cần thiết mà người tù xin hoặc tự họ mua cho, mấy lần vào IDC tôi đã được chứng kiến. Phải nói là họ thật sự có lòng bác ái và hết lòng giúp đỡ tù nhân, không phân biệt chủng tộc nào. Tôi yên tâm là những người tôi gửi cũng sẽ được họ lo cho như vậy.

 

 

 

Xếp đặt việc dạy học:

 

Vấn đề đi thăm tù kể như đã ổn, tôi lo đến việc tìm người dạy học. Hiện tôi có 2 lớp Anh Văn cho người lớn và 2 lớp dạy tiếng Thái, một cho người lớn và 1 cho trẻ em do một bà giáo người Thái dạy. Ngày tôi mới sang chưa có lớp học nào. Bây giờ đã có 4 lớp và học trò học rất vui. Đây là một công trình mà tôi đã để tâm xây dựng, tôi không muốn khi tôi về mọi việc cũng bị ngưng theo.

 

Hai lớp Anh Văn tổng cộng có trên dưới 30 người tùy theo ngày họ đi làm hay không. Có khoảng 7-8 em tuổi học trò trung học còn đều là người lớn. Tôi đã có lần đề cập với nhóm thiện nguyện nước ngoài để nhờ họ đến dạy và họ nói có thể nhận, nhưng tôi chưa kịp gặp lại để họ xác định thì lại bị ốm! Tôi nhờ Sơ Lita lo giúp và Sơ cho biết là đầu tháng 10 sẽ có một bà giáo người Phi Luật Tân đến lớp dạy. Ngoài ra, tôi cũng tìm người dạy qua Skype cho nhóm học trò ở xa và cho những người không đến lớp ban ngày được. Rất may mắn là đã được chị H, một mạnh thường quân ở Garden Grove tình nguyện giúp cho một phần. Chẳng những chị dạy Anh ngữ cho họ mà còn cho nhóm học trò 200 Đô mua microphone mới để nghe cho rõ. Chị đã bắt tay vào việc và học trò rất thích học với cô giáo H.

 

Số học trò Cồn Dầu thì sẽ học với William, một thanh niên lai Mỹ-Việt mới tốt nghiệp trung học vừa tham gia BPSOS và TS Nguyễn Đình Thắng cho biết anh ta muốn phụ trách việc dạy học này. Còn lại một số người muốn học nhưng không có computer, TS Thắng đã hứa sẽ gửi dần sang khi có ai qua Thái và LS An Phong sẽ chuyển lại. Họ rất mừng, khi nào họ có máy mà chưa có người dạy tôi sẽ lại tìm thày giúp họ.

 

Lớp Anh Văn kể như đã sắp xếp xong, tôi không còn lo học trò của tôi không được học tiếp. Bây giờ tôi phải lo đến 2 lớp tiếng Thái. Các lớp này tôi quan tâm nhiều hơn vì tôi biết họ rất cần.

 

Lúc đầu tôi cũng có lớp Anh Văn riêng cho nhóm Hmong. Nhưng rồi trẻ em Hmong cũng đến học, không có chỗ cho các em ngồi thì các em đã ngồi cả xuống sàn trông thật là tội nghiệp. Tôi không muốn thấy các em phải khổ như vậy nên cho về, nhưng nhìn các em buồn bã líu ríu ra về tôi lại thương quá! Các em rất muốn được học, tôi phải tìm một giải pháp thích hợp cho các em.

 

Tôi đã đến thăm gia đình họ. Tôi thấy trẻ em Hmong ở đây rất đông mà không được đi học, cả ngày chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ hẹp thiếu đủ mọi thứ. Tôi nhờ các Sơ đến trường xin giúp nhưng nhà trường cho biết muốn được vào học thì các em cần phải biết tiếng Thái.

 

Rồi tôi được biết cơ hội được đi định cư của người Hmong cũng rất mong manh, không biết họ sẽ còn phải ở đây đến bao giờ. Với tình trạng này, họ cần phải nói được tiếng Thái mới có thể sinh tồn được. Vì thế, tôi nghĩ là họ cần học tiếng Thái trước tiếng Anh, cả trẻ em lẫn người lớn.

 

Sau khi suy nghĩ, tôi trình bày việc này với Sơ Lita và xin Sơ tìm người dậy tiếng Thái cho họ. Sơ Lita rất đồng ý và sốt sắng tìm ngay, mấy tuần sau Sơ đã tìm được một bà giáo người Thái. Kể từ đó có 2 lớp tiếng Thái, 1 lớp cho người lớn và 1 lớp cho trẻ em. Tôi ngưng dạy tiếng Anh cho lớp Hmong để họ dồn mọi nỗ lực vào việc học tiếng Thái. Bình thường lớp người lớn có khoảng mười mấy người, một số đi làm không học được, không thấy đàn bà. Hôm nào có nhiều cảnh sát qua lại thì nhiều người lại không dám đi học.  Lớp trẻ em có khoảng 29 em, độ này hay có quà nên nhiều hơn vì cả những em bé xíu cũng được mẹ đưa đến.

 

Tội nghiệp, trẻ Hmong được tự do vào lớp thì mừng như được phần thưởng. Tôi chưa bao giờ thấy 1 lớp học nào mà học trò lại chăm đi học đến như vậy. Mới hơn 11 giờ sáng đã thấy các em đứng lấp ló ngoài cửa, chỉ chờ lớp trước vừa ra là các em vào ngồi rồi. Ngày nào cũng thế, chưa đến 12 giờ các em đã đến đầy lớp dù 1:00pm giờ mới bắt đầu học. Hỏi ra thì được biết là các em được ăn một ngày có 2 bữa, bữa sáng lúc 10 giờ và bữa chiều lúc 5 giờ, thế thôi. Vì thế, sau khi ăn cơm là các em chỉ chờ để đi học. Các em rất chăm và học rất nhanh, lại ngoan nữa, ai thấy cũng thương. Nhìn các em vui, lòng tôi thật là mãn nguyện.

 

Mặc dù cô giáo tình nguyện dạy giúp nhưng hàng tháng Sơ phải chi khoảng 90 Dollars cho cô giáo mua học cụ, in bài vở và thỉnh thoảng mua bánh kẹo để thưởng cho các em. Sơ cho biết tháng 9 là quỹ hết tiền và Sơ rất mong tìm được sự trợ giúp để cho lớp được trường tồn. Tôi đã cố gắng thành lập các lớp học này và cũng đã biết là tiếng Thái cần cho người tị nạn như thế nào cho nên tôi mong lớp được tồn tại cho đến khi người tị nạn không còn cần đến nữa.

 

Vì thế tôi phải tìm người bảo trợ và người đầu tiên chấp thuận lời thỉnh cầu của tôi cũng lại là chị H. Ôi, trái tim nhân ái! Chị đã mau mắn gửi cho cả một năm, không phải chỉ 90 Đô một tháng mà chị đã rộng rãi cho tròn 1200 Đô cho 12 tháng.

Xin cám ơn chị H. rất nhiều! Rất nhiều! Chị đã thật sự giúp các em được đi học đấy. Bao giờ chị sang Thái, đừng quên đến thăm lớp và chụp hình với các em nhé.

 

Sau khi thu xếp xong mấy việc này tôi cảm thấy nhẹ nhõm như vừa hoàn tất một kỳ thi mãn khóa. Bây giờ tôi có thể nghỉ ngơi được rồi. (Không nghỉ cũng không được vì mấy lần đi về chân lại xưng lên. Đau lắm!).

 

Nhìn lại 6 tháng qua:

 

Thời gian đi mau quá, thấm thoát tôi đã xa nhà 6 tháng rồi! Sáu tháng ở đây tôi đã làm những gì? Chiều hôm nay tôi được thảnh thơi ôn lại những ngày qua trên đất Thái.

 

Tôi nhớ thời gian đầu bỡ ngỡ nơi xứ lạ, một chữ tiếng Thái cũng không biết mà người nói được tiếng Anh ở đây lại không nhiều. Tôi nhớ những buổi tối ngồi một mình nhìn trời khuya, lòng phân vân không biết phải làm gì, phải bắt đầu từ đâu, phải tìm ai để hỏi… Tôi đã cầu xin Chúa soi sáng cho tôi biết việc phải làm và tôi đã cảm nghiệm được sự đồng hành của Chúa. Tôi kiên nhẫn chắp nhặt từng mảnh tin để biết được đường đi nước bước mà khởi sự công việc của mình.

 

Khởi đầu là thế và từng bước từng bước tôi đã làm được hơn cả những gì tôi muốn làm khi tình nguyện sang đây. Đúng như TS Nguyễn Đình Thắng nói, “gặp người tị nạn rồi thì không bỏ họ được”, ban đầu tôi chỉ định làm những việc trong tầm tay, nhưng khi đã tiếp xúc với người tị nạn thì cứ thấy họ cần là tôi lại giúp, không giới hạn, dù việc ngoài khả năng tôi cũng cố gắng tìm sự trợ giúp cho họ cho đến khi không còn tìm được mới thôi.

 

Nhờ sự cố gắng để giúp họ mà tôi đã có dịp quen được nhiều người mới và toàn là những người có khả năng và có lòng giúp đồng bào tị nạn, như các vị chủ chăn tôn giáo, như bà Director của People’s Empowerment Foundation, như Sub Committee của Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia Thái, như các nhóm thiện nguyện người nước ngoài, như một số bạn bè tôi mới gặp…  

 

Bây giờ tôi có thể kể cho gia đình và bạn tôi biết rằng tôi đã gặp đồng bào  tị nạn Cộng Sản, đã chia sẻ vui buồn với họ và đã hiểu hoàn cảnh của họ; tôi đã  thành lập được các lớp học và đã giúp cho trẻ em Hmong được đi học lần đầu, tôi đã đến thăm những nạn nhân Cộng Sản còn bị giữ trong IDC không người thăm viếng, đã giúp những gia đình cần giúp và đã tìm thêm các nguồn cứu trợ cho họ, đã tìm việc làm và giúp phương tiện cho mấy gia đình có khả năng tự lập, đã tìm sự bảo vệ và nơi ở an toàn cho những gia đình không được quyền tị nạn, và đã vận động để các Luật Sư của BPSOS được mời tới trình bày thảm trạng của nạn nhân Cộng Sản Việt Nam với Sub Committee của Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia Thái, một thành phần có uy tín với Cao Ủy Tị Nạn. Đại khái là thế!

 

Đối với nỗi khổ của đồng bào tị nạn thì đây chỉ là sự đóng góp khiêm nhường, nhưng là một sự cố gắng hết lòng của tôi và tôi rất mừng vì nếu 6 tháng qua  tôi ở nhà thì đã không có dịp làm được những việc này.

 

Tôi rất cám ơn những người đã giúp tôi hoàn thành được công việc tôi muốn làm, và tôi xin một lần nữa cám ơn các bạn quí trong Gia Đình Trưng Vương, Gia Đình Gia Long, thân hữu, anh chị tôi và các con các cháu.

 

Nhờ quà của họ mà nhiều gia đình thiếu thốn đã được giúp đỡ, nhiều gia đình không có ăn đã qua được cơn túng quẫn, và nhiều tù nhân đã có chút tiền mua mì gói ăn thêm trong khi đau yếu. 

 

Bây giờ tôi đã có thể cho phép tôi … “ĂN CHƠI” được rồi.

 

                                                                                        Tuyết Mai

                                                                                         (Houston)

 

Hiện có khoảng hơn 800 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan trước cuộc đàn áp ngày càng leo thang ở Việt Nam. Để đối phó, năm 2010 BPSOS phối hợp với một tổ chức địa phương để thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý ở Bangkok. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão.

Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về:

BPSOS/RCS
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - U.S.A.

 

Posted on Wednesday, September 26 @ 22:44:41 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Tị Nạn
· News by ngochuynh


Most read story about Tị Nạn:
Tị Nạn ở Thái Lan: Bảo Vệ Pháp Lý

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Tị Nạn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang