Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27813564
page views since June 01, 2005
MS117 - 04/12: Thỉnh Nguyện Thư

Tin Cập Nhật

Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Thắng về vụ “Thỉnh Nguyện Thư”

LGT: Một đề tài thời sự đang được sự quan tâm của đồng hương khắp nơi: vụ gửi Thỉnh Nguyện Thư do Nhạc Sĩ Trúc Hồ (SBTN) kết hợp với Tiến Sĩ (TS) Nguyễn Đình Thắng của BPSOS. Sự việc này khởi đầu từ đầu tháng 2/2012 và đang tiếp tục diễn tiến. Xin mời theo dõi buổi phỏng vấn của Nguyễn Lê Vũ (Bút Tre Magazine-Arizona) với TS Nguyễn Đình Thắng để sáng tỏ một số điều quanh sự việc này. Bút Tre hoan nghênh mọi sự lên tiếng khác, đặc biệt là phía Nhạc Sĩ Trúc Hồ để đồng hương có thể nghe được cả hai phía.

Tóm tắt của Bút Tre:

1.  Vì bài phỏng vấn khá dài, sau khi xem xong, chúng tôi xin copy lại những nét chính trong phần trả lời của TS Nguyễn Đình Thắng mà nhiều người quan tâm như:

-  “Tổ chức cho ngày 5 tháng 3 là SBTN còn ngày 6 tháng 3 là BPSOS. Tôi đã giới thiệu một số nhân sự của SBTN để làm việc trực tiếp với Ls Tuyết Dương trong việc sắp xếp cho ngày 5 tháng 3. Họ đã chỉ định Ls Đỗ Phủ làm người liên lạc để phối hợp với bên Toà Bạch Ốc.”



-  “Khi làm việc với Toà Bạch Ốc để chuẩn bị cho ngày 5 tháng 3, tôi đề nghị mời các giới chức liên quan đến nội dung của thỉnh nguyện thư: vận dụng cơ hội thương thảo mậu dịch với Việt Nam để đòi hỏi nhân quyền. Ông Mike Posner là giới chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại Giao về nhân quyền. Tôi đề nghị mời  Phụ Tá Ngoại Trưởng Kurt Campbell, Giám Đốc Vụ Đông Á và Thái Bình Dương -- Việt Nam nằm dưới bộ phận này của Bộ Ngoại Giao.Người thứ ba, mà đích thân tôi mời, là Bà Barbara Weisel, người đặc trách khu vực Đông Nam Á của Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ; bà là người chịu trách nhiệm thương thảo mậu dịch với chính quyền Việt Nam. Văn thư trả lời thỉnh nguyện thư của chúng ta có lẽ sẽ do Ông Posner đảm nhận trách nhiệm soạn thảo với sự hội ý với hai người kia.”

-  “Như đã nói trên, một bộ phận rất cao cấp của Toà Bạch Ốc nhập cuộc và muốn giới hạn những rủi ro có thể xẩy ra. Thay vì thuyết trình, họ đổi sang kiểu hỏi đáp. Và những câu hỏi đã được soạn trước, hỏi gì thì trả lời theo đấy. Tuy nhiên tôi thấy đây không phải là vấn đề phải quan tâm gì cả. Trong sự sắp xếp, tôi đã làm việc trước với Quốc Khanh để Quốc Khanh là người nói về thỉnh nguyện thư, về nhạc sĩ Việt Khang.”

-  “Nhưng rồi đến cận ngày thì bên Toà Bạch Ốc cho biết là tối đa chỉ có 165 ghế và có một số người đã được gởi gắm bởi các vị dân biểu và do đó cả bên SBTN và chúng tôi đã phải cắt người xuống. Bên SBTN chỉ còn 15 chỗ để rút thăm người đi với tư cách cá nhân, trong đó lại có vị là nghị viên thành phố và vị kia là cựu tướng lãnh VNCH. Thành ra danh sách cuối cùng nộp cho Toà Bạch Ốc tuyệt đại đa số là những vị đại diện các hội đoàn, tổ chức, tôn giáo, hay là dân cử, chức sắc, nhân sĩ. Có lẽ vì vậy mà bên Toà Bạch Ốc, khi thấy tổ chức và chức vị được liệt kê trong danh sách đã ghi lên màn ảnh cụm từ Vietnamese American Leaders nhằm chứng tỏ sự tôn trọng đối với phái đoàn.”

-  “Điều này tôi có thể nói, đảng chính trị mà tôi nhắc đến đã không can dự vào tiến trình tổ chức hay nội dung của buổi tiếp xúc Toà Bạch Ốc ngày 5 tháng 3. Họ chỉ hiện diện dưới danh nghĩa đảng và đưa tin về buổi tiếp xúc với những hình ảnh dễ tạo ngộ nhận. Cuộc vận động ở Quốc Hội ngày 6 tháng 3 thì khác.”

2.  Hai người tham dự ngày 5/3 là Andy Nguyễn, (Ủy Viên Hạt Tarrant) và Chủ Tịch NVQG Michigan, (ô Dương Đức Vĩnh) cho chúng tôi (Nguyễn Lê Vũ) biết: trong thư mời lần 2 gửi ngày 1/3 của Tòa Bạch Ốc gửi cho những người được mời, đã có tiêu đề “The briefing will include a welcome from Administration officials, updates from young Vietnamese leaders on diaspora communities, a panel of human rights and global partnership experts, and a presentation from the White House Initiative on Asian Americans and Pacific Islanders.” Nghĩa là mọi người tham dự đều đã biết trước chứ không phải đến đó mới biết có sự thay đổi sang “young leaders”!

Hỏi: Nhạc sĩ Trúc Hồ là người gửi TNT lên trang "We the People" và nhanh chóng có con số vài ngàn ngay những giờ đầu tiên. Xin cho hỏi TS gặp nhạc sĩ Trúc Hồ và cùng cộng tác trong chuyện này từ cơ duyên nào và bao giờ?

Đáp: Trước đây tôi không hề quen biết với Trúc Hồ, chỉ một hai lần gặp chào xã giao.Trung tuần tháng Giêng vừa rồi, một người bạn đã giới thiệu Trúc Hồ với tôi.Qua điện thoại, Trúc Hồ cho biết là rất lo lắng cho sinh mạng của Việt Khang.Tôi hứa là sẽ vận động để dân biểu Ed Royce (Cộng Hoà, CA) lên tiếng về Việt Khang tại buổi điều trần ngày 24 tháng 1 vừa qua. Đây là buổi điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, chuẩn bị cho việc đưa Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam vào Hạ Viện. Sau đó tôi có thảo văn thư để SBTN khởi động nỗ lực lấy chữ ký gởi cho Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện để xin họ can thiệp.

Rồi một hôm Trúc Hồ hỏi tôi là có thể làm gì thêm. Tôi hỏi lại, “liệu trong 30 ngày có lấy được 25 ngàn chữ ký không?”, Trúc Hồ cam đoan rằng được.Tôi hướng dẫn Trúc Hồ vào trang “We the People” của Toà Bạch Ốc. Trúc Hồ rất phấn khởi và xông trận. Thấy vậy, tôi cũng xắn tay áo lên để hỗ trợ.
 
Hỏi: Thỉnh nguyện thư gửi ra và được hưởng ứng nồng nhiệt qua hệ thống truyền thông SBTN và sự cộng tác đắc lực của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển. Xin hỏi với những vị cao niên không biết sử dụng computer thì BPSOS đã giúp họ "ký" như thế nào?

Đáp: Trúc Hồ với tôi biết trước rằng nhiều bác cao niên sẽ lúng túng trong việc ký thỉnh nguyện thư trực tuyến. Do đó bên SBTN sắp xếp dàn máy điện toán ở ngay cơ sở của họ ở Quận Cam và kêu gọi thiện nguyện viên giúp đỡ các bác cao niên ký tên. Còn chúng tôi thì huy động hệ thống 10 văn phòng của BPSOS ở các nơi khác, vốn đã có sẵn các “trung tâm điện toán cộng đồng” để nhập cuộc. Đồng thời, chúng tôi vận động mạng lưới của trên 700 chuyên gia trẻ và sinh viên tham gia. Trong những ngày đầu của chiến dịch, họ là đội ngũ tiên phong đưa số người ký thỉnh nguyện nhanh chóng vượt qua mốc điểm 25 ngàn. Trong những tuần sau đó một số người trong đội ngũ này đã tự động đặt bàn với máy điện toán ở các nơi công cộng để vận động và giúp đỡ đồng hương ký trực tuyến.
 
Hỏi: Trong bức thư đầu tiên gửi ra vào đầu tháng 2/2012, TS có viết rằng: quý vị có thể vào trang web của "Tuổi Trẻ Yêu Nước" để biết thêm tin tức. Cho hỏi TS đã biết tổ chức này từ bao giờ, sự giao thiệp giữa TS và ông Vũ Trực?

Đáp: Tôi chỉ biết về nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước qua vụ Việt Khang.Tôi có gặp Vũ Trực một lần cách đây vài năm tại Đại Hội Liên Mạng tổ chức ở Houston. Sau đó không liên lạc gì và cũng không nhớ mặt. Tôi làm quen với Vũ Trực là qua vụ Việt Khang.
 
Hỏi: Đa số mọi người đoán rằng dù Nhạc Sĩ Trúc Hồ là người đưa ý kiến và tác giả TNT nhưng TS là người thông thạo Hoa Thịnh Đốn nên đã “lobby” khá nhiều. Như vậy tại sao trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch TNT, chúng tôi không thấy đôi bên hợp tác để có một Ban Tổ Chức, một phát ngôn nhân chính thức?

Đáp: Chiến dịch thỉnh nguyện thư là do Trúc Hồ và SBTN chủ trương và khởi xướng. Tôi có hướng dẫn cho Trúc Hồ về trang “We the People” để làm thỉnh nguyện thư trực tuyến. Thực ra chiến dịch thỉnh nguyện thư thuần túy thì đâu cần ban tổ chức. Bên SBTN thì vận động khán thính giả của mình còn chúng tôi thì huy động tầng lớp sinh viên và chuyên gia trẻ cũng như các văn phòng BPSOS ở nhiều nơi trên nước Mỹ để cùng góp tay cho chiến dịch. Chỉ sau này, khi thấy chiến dịch diễn tiến khả quan, chúng tôi đề nghị thêm với bên Toà Bạch Ốc để có buổi tiếp xúc. Và để chuẩn bị thì tôi có mời SBTN cử người cùng tham gia các buổi làm việc với bộ phận tổ chức của Toà Bạch Ốc. Ngoài ra tôi cũng mời thêm một số người nữa thuộc các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền của người Việt cùng tham gia các buổi làm việc như vậy.

Còn vấn đề tổ chức thì cũng đơn giản thôi. Tổ chức cho ngày 5 tháng 3 là SBTN còn ngày 6 tháng 3 là BPSOS.Tôi đã giới thiệu một số nhân sự của SBTN để làm việc trực tiếp với Ls Tuyết Dương trong việc sắp xếp cho ngày 5 tháng 3. Họ đã chỉ định Ls Đỗ Phủ làm người liên lạc để phối hợp với bên Toà Bạch Ốc.

Và chúng tôi đã đồng ý là chỉ có hai phát ngôn nhân chính thức: Trúc Hồ và tôi. SBTN nhận trách nhiệm sẽ đưa ra bản thông cáo báo chí trước khi phái đoàn vào Toà Bạch Ốc và bản tin ngay sau đó, xem như đấy là quan điểm chính thức củanhóm tổ chức. Nhưng khi thực hiện thì bị trục trặc nên không có thông cáo báo chí mà cũng chẳng có bản tin, trong khi đó lại có vài người tự dưng cũng phát ngôn và trả lời báo chí. Riêng tôi thì cùng với phái đoàn cộng đồng Arizona phải họp với Thượng Nghị Sĩ John McCain nên không về kịp để tham dự buổi họp báo. Có lẽ một phần vì vậy nên có sự trục trặc về người phát ngôn và trả lời báo chí.
 
Hỏi: Trong một bài viết mới đây, TS nhấn mạnh chiến dịch này đã được giới trẻ hưởng ứng ngay những ngày đầu khi các vị cao niên còn đang lúng túng và sắp tới đây, cũng sẽ có nhiều "người trẻ" vào Tòa Bạch Ốc. Nếu được, xin TS có thể cho chúng tôi biết về 2 người trẻ đã vào Tòa BO? Và cơ duyên nào TS "biết" những tài năng trẻ này?Phải chăng từ "Đại Hội Leader" của TS được tổ chức hàng năm?

Đáp: Ban đầu tôi đề nghị với Toà Bạch Ốc một số người như: cựu DB Cao Quang Ánh, Ủy Viên Quận Tarrant Nguyễn Xuân Hùng, Chủ Tịch Hội Nhân Quyền Cho Người Montagnard; Ông Rong Nay, Chủ Tịch Nghị Hội Người Việt Toàn Quốc Tại Hoa Kỳ; Ông Nguyễn Ngọc Bích, trưởng nhóm các gia đình Cồn Dầu; anh Trần Thanh Tùng, Chủ Tịch Hội Khmer Krom; Ông Giáp Trần, Hoà Thượng Thích Viên Lý đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân… Nhạc Sĩ Trúc Hồ thì sẽ trao thỉnh nguyện thư và tôi thì sẽ trao danh sách các tù chính trị, tôn giáo và lương tâm. Cả hai sẽ không phát biểu.

Ban tổ chức bên Toà Bạch Ốc cắt xuống còn 3 người và yêu cầu có những người trẻ tuổi tham dự. Tôi đề nghị 3 người: cựu DB Cao Quang Ánh, nữ BS Hồ Trâm thuộc Hội Văn Hoá Khoa Học, và Ông Rong Nay. DB Ánh sẽ phát biểu về tình trạng đàn áp tôn giáo, BS Trâm trình bày về sự đàn áp những người bất đồng chính kiến, và Ông Rong Nay lên tiếng về sự đàn áp nhắm vào các đồng bào thiểu số Montagnard, Hmong và Khmer Krom. Cả DB Ánh và BS Trâm có thể xem là thành phần trung niên, tương đối trẻ.

Bên Toà Bạch Ốc cho biết là DB Cao Quang Ánh, vì là cựu dân biểu nên phải gởi qua bộ phận đặc trách mời các giới chức dân cử chuẩn duyệt và tiến trình chuẩn duyệt này rất lâu, e không kịp. Tôi lại đề nghị Ông Nguyễn Xuân Hùng, nhưng cũng được trả lời như trên. Trong khi ấy thì BS Trâm cho biết vì bận việc riêng nên không thể tham dự và đề cử cô Cindy Đinh thay thế.

Tôi biết Cindy từ lâu.Cô ấy là thành viên của Hội Văn Hoá Khoa Học, rất có lòng và không thuộc đảng phái nào cả. Tôi nhấn mạnh điểm này vì ngay từ đầu tôi quan niệm rằng đây là nỗ lực chung của quần chúng với mong ước tự do, dân chủ, nhân quyền cho quê hương và dân tộc. Còn các đảng phái có mục tiêu tối hậu là giành quyền lực và nắm chính quyền, không phù hợp và có thể làm hỏng ý nghĩa của chiến dịch thỉnh nguyện thư.

Bên Ông Rong Nay đề cử một luật sư trẻ là cô Anna Buonya.

Vẫn còn thiếu một người. Tôi bèn hỏi han những sinh viên mà tôi biết. Các em đề nghị một người bạn là Billy Lê, một người mà tôi chỉ gặp thoáng qua một lần ở Hội Nghị của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Bắc Mỹ ở Denver năm ngoái. Khi liên lạc, tôi hỏi ngay Billy là có thuộc đảng phái nào không. Em khẳng định là không, “em hoàn toàn độc lập.” Tôi tin vào sự trong sáng và chân thật của người trẻ ấy.

Phút cuối, ban tổ chức của Toà Bạch Ốc cắt đi phần trình diễn của ASIA, và đổi lại là cho thêm một người nữa phát biểu.Tôi hỏi thăm thì Trúc Hồ đề nghị ca sĩ Quốc Khanh.

Ở đây tôi muốn mở ngoặc là cô Anna đã không kịp vào bên trong để phát biểu vì phái đoàn Montagnard đã bị sót tên vào phút chót, mặc dù trước đó đã có trong danh sách để vào Toà Bạch Ốc. Chờ quá lâu, họ bỏ về. Tôi cảm thấy hết sức áy náy vì họ đã lặn lội từ North Carolina, bỏ công việc để tham dự. Họ đã thức thâu đêm để soạn thảo bản thuyết trình để rồi cuối cùng về không.

Trong cả 4 người trẻ được chọn phát biểu thì chỉ có Cindy là tham gia Hội Nghị Những Người Lãnh Đạo Mỹ Gốc Việt lần đầu tổ chức ngày 2 tháng 7 năm ngoái ở Hoa Thịnh Đốn.
 
Hỏi: LS Tuyết Dương giữ nhiệm vụ gì trong Tòa Bạch Ốc và với mối giao tình cũ khi LS Tuyết còn là nhân viên BPSOS, LS Tuyết đã đóng góp gì cho chiến dịch TNT này?

Đáp: LS Tuyết Dương đã thôi việc với BPSOS từ lâu. Sau đó cô làm việc cho tổ chức Asian American Justice Center, rồi làm cho Bộ Nội An, và được đề cử sang làm việc trong bộ phận đặc trách cộng đồng Á Châu của Toà Bạch Ốc. Dĩ nhiên là người Việt nên LS Tuyết có cảm tình đặc biệt với cộng đồng chúng ta và cô đã hết sức vận động cho cộng đồng Việt có được tiếng nói. Nhưng chính cô lại bị áp lực từ bộ phận khác của Toà Bạch Ốc để cắt lẹm dần đi chương trình đã được đồng ý từ trước.

Có lẽ có người sẽ thắc mắc tại sao lại có hai bộ phận trong Toà Bạch Ốc trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Đó là việc rất bình thường trong hệ thống chính quyền ở các quốc gia dân chủ, mà chúng ta quen gọi là nguyên tắc cân bằng và kiểm soát (check and balance).

Điều hơi trớ trêu là bộ phận kia của Toà Bạch Ốc đã nhập cuộc sau khi một vị dân biểu ở Bắc Cali, vì muốn yểm trợ chúng ta, đã gọi thẳng vào Toà Bạch Ốc để cằn nhằn rằng tại sao Hành Pháp Obama đã không lắng nghe tiếng nói của tập thể người Mỹ gốc Việt từ đầu để đến giờ cả tập thể ấy phải lên tiếng rầm rộ qua thỉnh nguyện thư. Chính cú điện thoại trực tiếp này đến giới chức cao cấp của Toà Bạch Ốc đã đánh động bộ phận kia nhập cuộc. Họ cảm thấy phải hết sức cẩn thận để tránh những việc xảy ra ngoài ý muốn và có thể trở thành xì-căng-đan ngay trong Toà Bạch Ốc vào giữa mùa tranh cử.

Điều này tôi hiểu được và thông cảm. Nhưng những người ở ngoài cuộc vì thiếu thông tin nên đã có nhiều suy diễn không chính xác chút nào.

Hỏi: Nhóm phóng viên của báo Calitoday cho rằng 2 thuyết trình viên trẻ đã không phát biểu vào ý chính của petition, xin TS giải thích?

Đáp: Như đã nói trên, một bộ phận rất cao cấp của Toà Bạch Ốc nhập cuộc và muốn giới hạn những rủi ro có thể xẩy ra. Thay vì thuyết trình, họ đổi sang kiểu hỏi đáp. Và những câu hỏi đã được soạn trước, hỏi gì thì trả lời theo đấy. Tuy nhiên tôi thấy đây không phải là vấn đề phải quan tâm gì cả. Trong sự sắp xếp, tôi đã làm việc trước với Quốc Khanh để Quốc Khanh là người nói về thỉnh nguyện thư, về nhạc sĩ Việt Khang. Không ai khác hơn Quốc Khanh có thể nói về điều này và Quốc Khanh đã nói bằng con tim, làm xúc động cả hội trường. Hai người kia thì nói về sự dấn thân của những người sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ cho nhân quyền Việt Nam. Gom lại thì các lời phát biểu bổ trợ cho nhau thay vì trùng lập.
 
Hỏi: Sau khi vào Tòa BO, trong buổi tường trình, Ban Tổ Chức gồm Nhạc Sĩ Trúc Hồ và Việt Dzũng đã có những phát biểu như: nơi tiếp không xứng đáng với con số 130,000 chữ ký, nhân viên cấp thấp, thuyết trình viên trẻ không nói vào chủ đề…, xin TS giải thích?

Đáp: Tuần ngay trước ngày 5 tháng 3, tôi có tham dự buổi briefing của Tổng Thống Obama, cũng tổ chức ngay tại hội trường tiếp đón phái đoàn người Việt. (Xem thêm tin tức tại đây: http://www.whitehouse.gov/blog/2012/02/21/president-obama-got-done-because-you.) Do đó, nếu nói rằng nơi tiếp không xứng đáng thì không đúng. Có lẽ những ai nghĩ vậy là do không quen với sinh hoạt ở Toà Bạch Ốc.
Có một yếu tố nữa mà chúng ta phải biết để thông cảm. Số người tham dự từ phía chúng ta khá đông và ban tổ chức của Toà Bạch Ốc chỉ có hai tuần để sắp xếp. Họ phải chạy đôn chạy đáo để tìm phòng. Cuối cùng họ tìm được hội  trường lớn nhất mà còn lấy được. Đó là South Court Auditorium nằm trong Eisenhower Executive Office Building là phần nối dài của Toà Bạch Ốc, nơi Phó Tổng Thống và nhân viên của Ông làm việc.

Còn thế nào là thấp, thế nào là cao thì đó là ý kiến chủ quan của mỗi người.Tham dự có ba vị giám đốc văn phòng của Toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao. Không những vậy, còn có vị Phụ Tá Ngoại Trưởng, Giám Đốc Vụ Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động Mike Posner tham gia. Ông ta là người đã mở đường cho Hoa Kỳ vào Miến Điện trong thời gian qua. Nếu có ai đó cho rằng đó là thấp, không tương xứng thì tôi cho rằng quá khắt khe.

Khi làm việc với Toà Bạch Ốc để chuẩn bị cho ngày 5 tháng 3, tôi đề nghị mời các giới chức liên quan đến nội dung của thỉnh nguyện thư: vận dụng cơ hội thương thảo mậu dịch với Việt Nam để đòi hỏi nhân quyền. Ông Mike Posner là giới chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại Giao về nhân quyền. Tôi đề nghị mời  Phụ Tá Ngoại Trưởng Kurt Campbell, Giám Đốc Vụ Đông Á và Thái Bình Dương -- Việt Nam nằm dưới bộ phận này của Bộ Ngoại Giao. Người thứ ba, mà đích thân tôi mời, là Bà Barbara Weisel, người đặc trách khu vực Đông Nam Á của Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ; bà là người chịu trách nhiệm thương thảo mậu dịch với chính quyền Việt Nam. Văn thư trả lời thỉnh nguyện thư của chúng ta có lẽ sẽ do Ông Posner đảm nhận trách nhiệm soạn thảo với sự hội ý với hai người kia.

Ông Posner đã hiện diện. Ông Campbell cử vị phụ tá là Eric Barboriak, Quyền Giám Đốc Văn Phòng đặc trách khu vực Đông Nam Á có Việt Nam, tham dự. Bà Weisel trả lời là phải đi công tác xa nhưng có theo dõi chiến dịch thỉnh nguyện thư và sẽ hội ý với các giới chức hiện diện.

Còn các bạn trẻ không nói vào chủ đề thì như đã giải thích ở trên, họ được đặt cho câu hỏi để trả lời. Và họ đã thay phiên nhau nói về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do, và chiến dịch thỉnh nguyện thư cũng như vai trò của người trẻ và giới nghệ sĩ trong cuộc vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, tất cả trong phạm vi thời gian rất hạn chế.

Hỏi: Chúng tôi có nghe và được biết TS chủ trương đưa người trẻ vào phát biểu tại Tòa BO. TS nhắc đi nhắc lại rằng đây là những người trẻ, sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại, không dính líu đến quá khứ.Ý của TS là gì khi muốn giới thiệu như vậy?

Đáp: Như đã giải thích, trước hết là Toà Bạch Ốc yêu cầu những người trẻ vì quan tâm của Hành Pháp Obama là nhắm vào thế hệ tương lai. Nương vào đấy tôi thấy rằng có thể gởi đến Toà Bạch Ốc một thông điệp mà họ cảm nhận được: nhân quyền là vấn đề chung, thể hiện những giá trị của dân tộc Hoa Kỳ. Những người trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ là người Mỹ và cũng theo đuổi các giá trị này, nhưng vì họ mang dòng máu Việt nên quan tâm của họ áp dụng vào tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Đó là một thông điệp mạnh mẽ: Mọi thành phần người Mỹ gốc Việt đều quan tâm như nhau, chứ không phải chỉ có những ai lớn lên ở Việt Nam, kinh qua cuộc chiến Việt Nam mới quan tâm.

Hỏi: Vấn đề nhân quyền đã được nói tới nhiều lần. Lần này cũng sẽ như những lần trước hay có gì khác, thưa TS?

Đáp: Đúng vậy.Trong suốt 37 năm qua cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳđã nhiều lần lên tiếng về nhân quyền. Nhưng lần này có hai điểm khác. Thứ nhất là lần này có sự phối hợp hài hoà giữa vận động hậu trường và vận động quần chúng.Vận động hậu trường là hình thức vận động có tính cách chuyên môn, xảy ra trong hậu trường để trao đổi thông tin và thương lượng về chính sách.Theo bản chất, vận động hậu trường cần kín đáo, không trưng hình chụp, không công bố báo chí.

Vận động quần chúng thì ngược lại, mang tính cách biểu dương thanh thế nhằm tạo áp lực, cần phô trương càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên vận động quần chúng tự nó không dẫn đến việc thay đổi chính sách vì môi trường công cộng hay diễn đàn công chúng không phải là nơi để trao đổi về vấn đề chính sách. Biết phối hợp nhịp nhàng hai hình thức hành động sẽ giúp tăng hiệu quả của nỗ lực vận động.

Đặc điểm thứ hai là sự tham gia của lớp trẻ, rất trẻ, mà trước đây nhiều người trong chúng ta bi quan về mức độ quan tâm của họ đối với cộng đồng và dân tộc. Trong cả chiến dịch thỉnh nguyện thư vừa qua thì các em ấy đã đóng vai trò tiên phong, có khi còn là chủ lực. Nhiều nhóm trẻ đã tự phát đặt bàn ở những nơi công cộng để vận động và giúp bà con ký thỉnh nguyện thư.

Chuyển qua cuộc vận động ở Quốc Hội, nhiều em đã sẵn sàng hướng dẫn và thông dịch cho các cô, chú, bác. Các em rất phấn khởi và nhiều em đã liên lạc với tôi trong mấy ngày qua, ngỏ ý muốn học hỏi thêm về kinh nghiệm vận động hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ. Thấy các em hoà mình với cộng đồng trong 30 ngày của chiến dịch, tôi có thêm niềm tin cho tương lai của cộng đồng và tiền đồ của dân tộc.
 
Hỏi: Theo kinh nghiệm của TS, để những nguyện vọng của chúng ta có kết quả, chúng ta phải đi những bước gì sau khi đệ nạp cho cơ quan cứu xét? Cụ thể, sau khi trình thỉnh nguyện thư về “nhân quyền cho Việt Nam”, giai đoạn tiếp theo là gì?

Đáp: Các bước kế tiếp gồm có:

-  Cung cấp ngay cho Bộ Ngoại Giao các thông tin cập nhật và danh sách 600 tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm vì tuần tới đây một nhân viên cao cấp của Vụ Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động sẽ đi Việt Nam để nêu vấn đề nhân quyền.

-  Liên lạc tất cả các văn phòng Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ đã tiếp xúc để cảm ơn và nhắc nhở họ về những đề nghị của mình. Một ngày họ gặp vài chục nhóm và phải lắng nghe vài chục vấn đề khác nhau. Nếu không nhắc nhở thì họ sẽ quên vấn đề của chúng ta rất sớm.

-  Tiếp tục hướng dẫn cho đồng hương liên lạc trực tiếp với các vị dân cử qua văn phòng địa phương. Đây là bước để giúp họ chuyển từ vận động quần chúng sang vận động hậu trường. Như đã giải thích, phải vận động hậu trường thì mới mong đạt được sự thay đổi về chính sách.

Nhân đây, xin cảm ơn Báo Bút Tre hỏi câu này. “Những bước tiếp theo” rất quan trọng. Nó thể hiện thái độ của những ai có cách nhìn chiến lược.Và công cuộc mở vận hội để giải thoát dân tộc là công cuộc dài lâu, đòi hỏi cách nhìn chiến lược.Trong cách nhìn chiến lược, mỗi nỗ lực chỉ là một bước trong một hành trình dài. Chiến dịch thỉnh nguyện thư vừa rồi cũng vậy. Nhìn vậy thì không có chuyện thắng hay thua, thành hay bại ở từng bước. Câu hỏi đúng đắn phải là, “ở bước này có những thành quả nào chúng ta gặt hái được để làm nền móng cho những bước tiếp theo?” Do đó chỉ có thành quả nhiều hay ít, chứ không có thắng hay thua. Luận bàn thắng, thua thể hiện cách nhìn không phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay.
 
Hỏi: Còn về sự vận động tại địa phương thì sẽ làm như thế nào?

Đáp: Tôi đã trả lời phần nào câu hỏi này rồi. Các phái đoàn đến từ từng địa phương sẽ phải gởi thư để cảm ơn và nhắc nhở các văn phòng dân cử đã tiếp xúc về các đề nghị của chúng ta. Và sau đó sẽ cần tổ chức thành lập phái đoàn ở từng địa phương để tiếp xúc với chính vị dân cử hay nhân viên của họ tại địa phương nơi mình cư ngụ. Cứ mỗi lần diễn tập như vậy, cộng đồng chúng ta càng thêm kinh nghiệm để rồi khi đồng bào trong nước cần sự yểm trợ quốc tế vận thì tất cả chúng ta đã sẵn sàng để phối hợp nhịp nhàng cả hai hình thức vận động quần chúng và vận động hậu trường.
 
Hỏi: Dư luận quần chúng có vẻ chờ đợi một lời hứa hẹn là “can thiệp với nhà cầm quyền VC để trả tự do cho Việt Khang”, nay không được như vậy nên họ cho rằng “thất bại”, xin TS giải thích?

Đáp: Mục tiêu của chiến dịch rất rõ ràng ngay từ đầu: vận động 25 ngàn người ký thỉnh nguyện thư trong 30 ngày để Toà Bạch Ốc có câu trả lời chính thức. Và ngay tại buổi tiếp xúc ở Toà Bạch Ốc, chính Ông Posner đã cho biết là sẽ cử vị phụ tá sang Việt Nam để nêu vấn đề nhân quyền, trong đó có Việt Khang. Có thể những ai thất vọng là người ở ngoài Toà Bạch Ốc hay vào bên trong mà nghe sót điểm này.

Ở đây cần nhắc lại là ngôn ngữ của thỉnh nguyện thư đâu có chỉ đòi hỏi tự do cho riêng Việt Khang, mà là tự do cho mọi tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm. Có người cũng đã quên điều này.
 
Hỏi: Có người nói rằng lẽ ra TS nên để những người thế hệ gạch nối làm thuyết trình viên thì hay hơn là 2 người quá trẻ của TS? Vì những người trẻ này hoàn toàn không dính líu gì đến cuộc chiến vừa qua, thì sự hiểu biết cũng như mức quan tâm của họ chắc chắn không “sâu sắc”. Chỉ những ai từng trải qua mới có kinh nghiệm bản thân, xin TS giải thích?

Đáp: Như đã trình bày, tôi đã đề nghị nhiều người phát biểu. Còn chấp nhận là do bên Toà Bạch Ốc. Hơn nữa, những ai hiểu biết về kỹ thuật nghị trường thì ý thức được rằng phải khởi đầu bằng “công tâm” rồi mới “công thành”. Khi Toà Bạch Ốc chọn những người trẻ này, tôi đã nhắc nhở họ là hãy nói bằng con tim chứ đừng lý luận nhiều, hãy đánh động lương tâm của người nghe, nhất là đối với người Mỹ khó cảm nhận được mối quan tâm của chúng ta về Việt Nam vì không cùng chia sẻ kinh nghiệm sống. Tôi nhắc các bạn trẻ hãy nêu lên những gì mà những người Mỹ ấy liên hệ đến được qua chính kinh nghiệm bản thân của họ. Truyền thông chỉ bắt đầu khi có người nghe chứ không phải khi có người nói. Nói cho nhiều mà đối tượng không lắng nghe và tiếp thu thì đâu đã có sự truyền thông? Do đó, truyền thông hiệu quả phải nhắm vào kinh nghiệm của người nghe chứ không thể chỉ nói theo kinh nghiệm của người nói.

Các nhân viên và giới chức Toà Bạch Ốc không chuyên về các lãnh vực nhân quyền, vốn không phải là phần vụ trách nhiệm của họ, nhưng họ có thể đôn đốc các bộ phận hữu trách. Chúng ta cần họ cảm thông bằng con tim và yểm trợ cho chúng ta. Khi nói chuyện với các bộ phận hữu trách, như bên Bộ Ngoại Giao chẳng hạn,thì chúng ta dùng lý, trình bày dữ kiện, và đưa ra giải pháp. Những việc này thuộc vào những “bước kế tiếp” mà chúng ta đã trao đổi ở trên. Muốn có hiệu quả, trong bất kỳ lãnh vực nào cũng vậy, không những phải làm đúng việc mà còn phải làm việc đúng cách, dùng đúng phương tiện.
 
Hỏi: Về những vận động hôm sau ở Quốc Hội, xin chia sẻ?

Đáp: Hôm sau, có khoảng trên 500 đồng hương (theo danh sách mà chúng tôi có trong tay), đã chia nhau thành gần 50 toán. Họ chia nhau tiếp xúc với trên một trăm văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ. Có nơi thì chính các vị dân cử đã tiếp xúc với phái đoàn, có chỗ thì là nhân viên lập pháp của họ. Điểm mà tôi muốn nhắc nhở là cuộc vận động Quốc Hội quan trọng không kém, có khi còn hơn, cuộc tiếp xúc với Toà Bạch Ốc vì Quốc Hội làm luật và có chức năng theo dõi việc thi hành luật. Vì sự đánh động dư luận của chiến dịch thỉnh nguyện thư, đồng hương chú tâm nhiều đến việc phái đoàn dưới 200 người vào Toà Bạch Ốc mà ít để ý đến việc vận động Quốc Hội với trên 500 người tham dự.

Mục đích của cuộc vận động Quốc Hội là yểm trợ cho hai đạo luật về nhân quyền cho Việt Nam, kêu gọi các vị dân cử yểm trợ tiếng nói của chúng ta với Toà Bạch Ốc, ngăn cản việc cắt giảm trầm trọng chương trình Việt ngữ của đài Voice of America và tài trợ cho các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Cuộc vận động Quốc Hội rơi vào đúng thời điểm quan trọng: ngay ngày hôm sau Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện đã thảo luận và thông qua Đạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam.
 
Hỏi: Sau ngày 5/3, với bài của ký giả Phạm Trần, dư luận quần chúng "hồ nghi" về một “thế lực đen tối" đã làm xáo trộn mọi thời khóa biểu của buổi gặp gỡ. TS có thể cho biết sự thật? Có đảng phái nào tham dự vào việc này không?

Đáp: Làm gì có đảng phái người Việt nào có khả năng ấy. Có chăng thì chỉ chạy vòng ngoài thôi. Và cũng chẳng có thế lực đen tối nào cả. Như giải thích ở trên, sau khi một vị dân biểu Liên Bang, vì muốn ủng hộ mình, gọi điện thoại thẳng vào Toà Bạch Ốc làm toáng lên nên đã “bứt mây động rừng” và một bộ phận cao cấp hơn của Toà Bạch Ốc (đó là bộ phận An Ninh Quốc Gia với tư cách cố vấn cho Tổng Thống), đã nhập cuộc. Họ thu hẹp dần chương trình lúc ban đầu, kể cả cắt luôn phần phát biểu của người Việt, cắt phần trình diễn văn nghệ và cấm báo chí, cho ăn chắc. Văn Phòng Tiếp Cận Quần Chúng (Office of Public Engagement) phải tranh đấu mãi mới giữ lại được phần phát biểu, nhưng bị thu ngắn lại và dưới hình thức hỏi đáp.

Người viết lẽ ra đã phải truy cứu và phối kiểm nguồn tin trước khi viết bài theo tính cách “conspiracy theorist”, tức là giả thuyết có âm mưu nào đó ở đằng sau. Chỉ cần dăm cú điện thoại đến vài ba người trong cuộc thì chỉ trong nửa giờ đồng hồ chuyện trò, vấn đề sáng tỏ ngay thôi. Đó là cung cách chuyên môn của một ký giả.

Vì Bút Tre dùng chữ “hồ nghi”, tôi muốn nhắc nhở đến nguyên tắc “lợi ích của sự hồ nghi” (benefit of the doubt), nghĩa là khi mình còn hồ nghi về một con người, một hành động thì phải nghĩ rằng người ấy tốt, hành động ấy có ý tốt cho đến khi có chứng cớ ngược lại không thể chối cãi, chứ không phải chỉ dựa vào suy diễn hay cáo buộc.  Áp dụng vào luật pháp thì là “vô tội cho đến khi chứng minh là có tội”. Các xã hội thiếu nhân bản thì ngược lại: “có tội cho đến khi chứng minh là vô tội”. Chúng ta ở Hoa Kỳ đã lâu thì cũng nên thấm nhuần đạo đức nhân bản này của Hoa Kỳ, vốn rất cần thiết để hoà mình vào nền dân chủ ở xứ này và rồi truyền đạt tinh thần ấy cho đồng bào ở trong nước.
Một số nguyên tắc về đạo đức và hành xử, và ngay cả một số nhận định về sự thiếu đạo đức của một đảng chính trị, tôi đã trình bày nhiều lần trước đây rồi. Có một số bài viết đã được gom lại trong quyển sách Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm mà giờ đây đã có ấn bản điện tử: http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2337
 
(Vì bài phỏng vấn khá dài, nên chúng tôi đã ngắt thành 2 phần, mời quý vị bấm vào đây để xem tiếp phần hai)

Posted on Monday, March 19 @ 15:43:46 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Tin Cập Nhật
· News by ngochuynh


Most read story about Tin Cập Nhật:
Học Bổng Cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 3


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang