Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27810088
page views since June 01, 2005
MS107 - 06/11: Nó Đây Rồi

Truyện Ngắn

Hưng Yên

blogofasia.comKhông có một cái thứ thịt nào lại có thể ăn một lần được nhiều và ăn hoài cũng vẫn cứ thấy ngon như vậy. Thịt bò, thịt heo là hai loại thịt thông dụng nhất, nhưng thịt heo không phải là loại thịt để ăn chơi, mà thường là ăn với cơm hoặc ăn kèm với một món khác, tỉ như làm xíu mại ăn với bánh mì, thịt heo quay ăn với bánh hỏi, v.v. Thịt bò mắc hơn thịt heo, nhưng nhất định cũng không phải là thứ chỉ dùng để nhậu hoặc làm món ăn chơi. Ở Sài Gòn trước kia có hai quán thịt bò nổi tiếng đó là bò 7 món Duyên Mai và bò 7 món Ánh Hồng. Tối Thứ Bảy, tối Chúa Nhật quán nào cũng đông nghẹt khách, tuy vậy Duyên Mai và Ánh Hồng vẫn không phải là những quán nhậu bình dân đại chúng.



Dĩ nhiên món nhậu thì thiên hình vạn trạng. Những tay buôn to bán lớn, nhiều tiền lắm của hoặc làm lớn có nhiều cơ hội ăn hối lộ thì sơi nem công chả phượng, bàn tay gấu hầm thuốc Bắc, yến sào, vi cá, v.v. Còn bác xích lô đạp sau một ngày ngược xuôi chưa chắc đã kiếm đủ tiền nuôi vợ nuôi con thì chỉ cần tô xíu quách với xị rượu đế cũng đã là an ủi lắm rồi!

Thế nhưng có một thứ thịt mà lớn bé, già trẻ, giầu nghèo, sang hèn gì cũng có thể sơi được. Thậm chí đến các vị tu hành, đạo cao đức trọng mà nếu ăn ở chốn công khai sợ người ta đàm tiếu cũng có thể mua về, cho vào ấm đất, ninh ở hậu liêu đợi khi vắng vẻ vừa thưởng thức vừa tụng “Thiện tai! Thiện tai!”

Ðến đây hẳn các cụ đã biết đó là món thịt gì rồi. Vâng, nếu vậy chúng tôi xin khỏi nói, chỉ xin mời các cụ đi theo chúng tôi.

Trên đường từ Xóm Mới Gò Vấp đi về phía Sài Gòn cứ nhan nhản ra năm, sáu quán “cờ tây” nằm cạnh nhau. Gớm sao mà nhiều thế, biết vào quán nào, bỏ quán nào bây giờ? Thôi, hãy cứ thư thả, ta làm một vòng “thăm dân cho biết sự tình” đã, ăn ngay bây giờ e còn sớm quá, nặng bụng, đi đứng khó khăn. Có cái lạ là mấy quán “cờ tây” thì quán nào cũng hao hao giống nhau. Ngay cửa vào là cái tủ kính có treo ngược một chú “mộc tồn” đã làm sạch sẽ, thui vàng ươm. Ngăn tủ khác treo lủng lẳng bộ lòng với mấy đùi thịt luộc. Rồi củ riềng, lá mơ, húng quế, mắm tôm, chanh, ớt lỉnh kỉnh. Sau tủ kính là mấy bộ bàn ghế cũ đã xỉn mầu. Ghế ngồi thường là loại ghế đẩu không có dựa lưng. Khách ăn cũng thường là khách mày râu “quần nâu áo vải”, chứ ít khi thấy giới nữ lưu hoặc các vị tai to mặt lớn, com lê, cà vạt vảo ngồi lắm. Không phải là các vị không sơi được “nai đồng quê”, đừng có lầm, có khi các vị sơi còn bạo hơn ai, nhưng mua về nhà thôi, chứ ai lại ngồi phơi mặt ra cho quan trên trông xuống, người ta trông vào thế? Còn chủ quán thì thường là một ông Bắc Kỳ “ri” cư thứ thiệt, trông nửa quê nửa tỉnh không thể lẫn đi đâu được!
Từ Xóm Mới Gò Vấp đi về trung tâm thành phố, ta sẽ đi qua ba địa danh nổi tiếng là: Khu An Nhơn Xóm Mới, Ngã Năm Chuồng Chó và Ngã Ba Chú Ía. Ở đây cũng bán thịt nhưng là loại thịt đặc biệt không ăn được, chỉ để mà... nhìn thôi. Người làm ăn chăm chỉ không nên vào đây, nhất là những lúc say sưa bí tỉ lại càng phải tránh xa kẻo có ngày trúng gió chết tươi!

Ðến Ngã Tư Phú Nhuận quẹo phải vào đường Võ Tánh, đi qua cổng bộ TTM một đoạn, quẹo trái lại đi một quãng nữa là đến Ngã Ba Ông Tạ. Lại cái tổ “cờ tây” ở đây, cũng lền khên, có khi còn nhiều hơn cả ở Xóm Mới Gò Vấp nữa. Vào đường Lê Văn Duyệt, quẹo trái đi một đoạn ta lại gặp Ngã Tư Bảy Hiền cũng có mấy quán “mộc tồn” cũng không kém phần nỗi tiếng. Nói chung cứ nơi nào tập trung nhiều bà con Bắc Kỳ “ri” cư ta là y như ở đấy có nhiều quán “cây còn”, thí dụ như ở khu Tam Hiệp và khu Hố Nai Biên Hòa có mà thiếu giống!

Mùa hè ở Sài Gòn nóng nực, ta làm một chuyến tắm biển Vũng Tàu, tắm xong hứng tình muốn lai rai ba sợi thì xin mời các cụ đến Rạch Dừa, còn nếu không muốn đi xa thì ngay Ngã Tư Giếng Nước, trên đường Phạm Hồng Thái cũng có quán Tân Hiên sáng bán phở, chiều ngả “cờ tây” ăn được lắm!

Về tên quán, các đấng “nghệ nhân” cũng đặt rất nhiều tên lạ để hấp dẫn khách hàng; vâng, có người đã tặng các vị chuyên nấu thịt cầy danh hiệu “nghệ nhân” vì các vị đã chế biến nhiều món nhậu ngon quá sức. Này nhé: Mộc Tồn, Cờ Tây, Nai Ðồng Quê, Nó Ðây Rồi, Chính Hắn, Sống Trên Ðời, v.v. Lại có ông chơi kiểu bí hiểm, trước cửa quán chỉ có một cái bảng vẽ một bàn tay với ngón cái dơ lên và một dấu hỏi chấm “?” to tướng. Muốn biết là cái gì à? Vâng, xin cứ mời vô!

Từ sáng tới giờ, chúng tôi dẫn các cụ đi vòng vòng chắc là mỏi chân và đói lắm rồi. Còn vài quán nữa ở đường Bùi Viện, nhưng thôi. Bây giờ mời các vị sang Gia Ðịnh ghé quán “Nai Ðồng Quê” trên đường Nguyễn Thái Học làm một chầu. Cái này chúng tôi bao, xin các vị cứ tự nhiên.

Ông chủ quán “Nai Ðồng Quê” đúng là một nghệ nhân, tướng người nom quê quê thế mà nấu món thịt chó ngon vô địch. Trước hết ta làm thử món thịt luộc với món dồi xem sao nhé! Mà này cái chị “Mộc Tồn” phải đi với anh rượu thuốc mới đúng điệu các cụ ạ, nếu không có rượu thuốc thì ba xị đế cũng được, chứ với la de nó hơi làn lạt làm sao ấy.

Này, mời càc cụ thử nếm miếng thịt luộc này xem sao, nhớ là phải chấm với mắm tôm chanh, ăn với củ riềng thái mỏng, lá mơ và rau húng quế. Ðúng là “Gà lọt dậu, chó sáu bát”, thịt luộc thôi mà đã ngon thế này thì các món khác cứ là phải biết! Làm hớp rượu thuốc rồi ta gắp miếng dồi. Gớm, sao nó vừa thơm, vừa bùi lại vừa ngậy thế này, ai dám bảo câu “ Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không” là ngoa nào?

Cô con gái rượu của ông chủ lại đem để lên bàn mấy tấm bánh tráng mè mới nướng còn nóng hổi nữa chứ! Bẻ miếng bánh bỏ vào miệng nhai rau ráu, xong lại gắp miếng thịt luộc chấm với mắm tôm chanh, cắn thêm tí củ riềng với tí lá mơ. Nuốt xong miếng thịt ta lại chiêu thêm hớp rượu thuốc, sao mà nó thú vị quá thế! Cứ nhởn nha các cụ ạ, ta còn mấy món nữa cơ. Ông chủ ơi, cho tô nhựa mận với dĩa chả chìa ra đây! Nhựa mận nấu thế này mới là nấu chứ, vừa xền xệt vừa dẻo quẹo. Miếng thịt chặt không quá to, không quá nhỏ, trước khi nấu phải ướp riềng mẻ, mắm tôm, nêm nếm thế nào cho vừa ăn. Cái này thuộc thẩm quyền những tay chuyên nghiệp, còn khách nhậu như cánh mình chỉ nên ăn thôi, chẳng nên lạm bàn e mích lòng!

Dĩa chả chìa được bưng lên, ối giời ơi, vừa mới nướng xong còn nóng hổi, thơm nhức mũi. Mới ngửi mùi thôi mà nước miếng đã ứa ra. Mời các cụ gắp đi kẻo nguội. “Cờ tây” thế này mới đáng gọi là cầy tơ chứ. Hết bốn món ăn chơi cộng với mấy xị rượu thuốc là kể như gần no. Còn tới năm món nữa cơ, này nhé: Luộc, dồi, nhựa mận, chả chìa, chả nướng vỉ, chó sáo măng, sườn xào chua ngọt, chả lá lốt, cháo chó. Chín món cả thẩy ta đã làm bốn, nhưng thôi, ăn lắm mất ngon. Ta làm thêm món chó sáo măng ăn với bún nữa thôi, các món khác để kỳ tới. Người ta bảo cứ ngon như sáo chó, quả đúng không sai! Vừa mới và vào miệng là nó đã trôi tuột xuống họng tồi. Vừa no vừa ngà ngà, các cụ bàn chuyện thế sự cứ hăng củ tỏi! Một cụ lớn tiếng:

- Mời ông chủ tiệm ra đây để chúng tôi tuyên dương ông một phát! Này ông có thể cho chúng tôi biết một tí bí quyết về nấu nướng của ông được không? Thí dụ như món rựa mận, món chả chìa và dồi chó, ông nêm nếm, nấu nướng thế nào mà ngon quá thể?

- Ấy, không được đâu, xin các vị miễn cho. Cái này là bí quyết mấy đời nối nghiệp của nhà chúng cháu. Cái công thức bí truyền này không thể tiết lộ ra ngoài được. Làm cái nghề chuyên trị “cờ tây” này đạt được trình độ như nhà chúng cháu bây giờ kể cũng mất nhiều công phu.

- Thế không kể từ đời các cụ ta trở về trước, riêng ông, ông đã hóa kiếp cho khoảng bao nhiêu chú khuyển rồi?

- Dạ thưa cái này cũng hơi nhiều ạ, không biết là bao nhiêu ngàn.

- Thế ông không sợ sau này về chầu diêm vương sẽ bị bọn chó ngao nó trả thù cho đồng loại à?

- Gặp tay nhà cháu thì cho ngao cũng bỏ mẹ, cứ ướp riềng, mẻ, mắm tôm mà nướng ở đầu gió thì Diêm Vương cũng phải nhỏ rãi, chỉ vài năm là chó ngao cũng tuyệt chủng.

Lại có đám khách khác bước vào, ông chủ tiệm cười khà khà rồi xin phép cáo lui để còn đi tiếp khách mới.

Nói đến thịt chó mà quên các người đi mua chó e thiếu công bằng. Không phải tự nhiên chó nó đến nộp mình cho người làm thịt, mà phải có những tay chuyên môn đi thu mua. Với chiếc xe đạp cà tàng có cái lồng sắt cột chặt ở “poọc ba ga” các vị dong duổi khắp các nẻo đường đất nước, vào cả những hang cùng ngõ hẻm để mua chó. Chó già, chó ghẻ gì cũng mua ráo, miễn rẻ là được. Bọn chó nó ghét mấy tay này lắm, gặp mặt là chúng bu lại sủa om.
Không cần ông phải ngồi trên chiếc xe đạp với cái lồng sắt phía sau. Ông cứ đi bộ tay không như một khách nhàn du, nó cũng biết ông là kẻ chuyên đem lại chuyện chẳng lành. Chó là con vật rất thính mũi. Ðáng lẽ ngửi nơi ông thấy có mùi đồng loại nó phải mừng mới phải, đàng này nó lại báo động cho nhau xúm lại sủa vang, y như có ý bảo: “Cút mẹ anh đi, đồ quỷ sứ!” Chúng xúm lại tấn công ông, nhưng chỉ đứng xa xa la lối om xòm chứ không dám đến gần, bởi chúng cũng biết trêu vào tay ông không phải là dễ. Cái thòng lọng của ông vô cùng lợi hại, chỉ cần ông vung tay một cái là nhất định có anh hay chị khuyển bị xiết cổ. Ngày nào kiếm được một, hai con thì no nê, còn như đạp xe đi từ sáng đến tối mà chẳng mua được con nào thì mặt mày méo xẹo.

Ngày còn ở Việt Nam tôi có quen một ông chuyên làm nghề đi mua chó. Tướng ông nhỏ con, mặt mũi quê mùa nhưng nói phét thành thần. Ngày thường ông đạp cái xe đạp cà tàng lêu bêu khắp hang cùng ngõ hẻm. Chúa Nhật hay những ngày lễ trọng ông lại biến thành tay bán Chúa (bán tượng ảnh và sách kinh ở sân nhà thờ). Ông bảo chó dữ thế mấy mà gặp tay ông cũng cứ bỏ mẹ, thế mà một lần ông bị chó đớp một phát phải chích ngừa chó dại mất mấy mũi, ốm o vàng vọt may mà không chết.

Sang Mỹ này tôi cũng quen được một ông, tuy không phải là dân chuyên nghiệp nhưng cũng có thể liệt vào hàng “số dzách”. Nhờ ông mà chỉ mới mấy năm xa quê hương tôi cũng đã được thưởng thức món “cờ tây” đến mươi lần. Ông nấu tuy không ngon bằng ông chủ quán Nai Ðồng Quê ở Gia Ðịnh, nhưng cũng phần nào làm ta vơi được nỗi buồn xa quê!

Cái món “mộc tồn” vừa ngon, vừa rẻ, vừa bình dân đại chúng như thế nhưng nó chỉ hợp với những bữa tiệc nhàng nhàng như họp bạn hay giỗ chạp chứ ngày tư ngày Tết hay đám hỏi, đám cưới mà hạ “cờ tây” thì coi không được. Phải heo, bò, tệ lắm cũng là gà, vịt chứ không ai thết tiệc bằng thịt chó trong đám hỏi, đám cưới bao giờ. Ấy là nói ở miền Nam trước 1975 phồn vinh giả tạo thôi, chứ ngoài Bắc xã hội chủ nghĩa ưu việt ta lại khác. Khoai mì, khoai lang không đủ cạp, bữa tiệc cưới mà ngả được con chó ghẻ đã là quá sức, nói chi đến heo, bò, gà, vịt...

Ăn no uống say rồi xin các cụ về nghỉ, đừng lạng quạng  ghé vào mấy cái địa danh nổi tiếng mà chúng tôi vừa kể. Coi chừng kẻo bể ống khói thì chỉ có nước chết tươi với mụ vợ ở nhà.

Posted on Friday, May 27 @ 11:31:09 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang