Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27809549
page views since June 01, 2005
MS36 - 06/05: Ba Mươi Năm Kỷ Niệm

Lịch Sử Qua Lời Ke

Jessica Trinh Lê

Tôi không có cơ may được hưởng thụ những niềm vui hãnh diện là vợ của một Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hoà, chưa được tiếp xúc bạn bè với nụ cười tươi, chưa được một đời sống bình thường của các người vợ sĩ quan đang có, thì tôi đã thành ngay vợ của quân nhân bại trận không chinh chiến ngay giữa tiệc cưới.

Ngày cưới 1 tháng 4 năm 1975 đánh dấu tôi là vợ của một ngụy quân, kẻ bị khinh miệt trong chế độ mới, và, dằn vặt đau thương hơn, vợ của người tù cải tạo chỉ vài hôm sau ngày cưới.

Lấy chồng lúc gần 19 tuổi, chưa học xong năm cuối Trường Trung Học Công Lập Nữ Huyền Trân tại Thị Xã Nha Trang thì lễ cưới của chúng tôi đã đến, đúng ngày 1 tháng 4 năm 1975, một ngày mà bao tháng năm mong đợi của người con gái lại là ngày hoang mang, xa lạ, sợ hãi tột cùng của người đàn bà trong tôi. Tôi quen anh Văn năm 16 tuổi, đầy mộng mơ. Năm 1972 chiến trường cao điểm, Văn lên xe đò Nha Trang Khánh Hoà về quê và đợi chờ ngày tháng lên đường nhập ngũ; còn tôi thì cũng vừa xong lớp học hè, về quê chuẩn bị cho năm Đệ Tam Trường Nữ Công Lập.  Chúng tôi vô tình ngồi bên nhau và một an bài định mệnh từ đó.

Năm1972 anh ấy đi chiến dịch ở Thanh An, Pleiku. Từ nơi đó tôi đã nhận lá thư đầu đời của người con gái, cũng là dịp tôi biết gởi lá thư tâm tình đầu đời của tuổi 16 đến người trai. Năm 1974 tôi có dịp đến Quân Trường Lam Sơn. Văn đang là một đại đội trưởng khoá sinh. Tôi gặp anh ngoài bìa rừng nơi bãi tập lính để đưa cho anh hồ sơ bổ túc gia cảnh về bản thân tôi theo thủ tục cần thiết kết hôn với một Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa.

Tháng 3 1975 anh ấy cho biết đã có được giấy phép kết hôn với 4 tuần nghỉ phép. Thiệp cưới bọc nhung đỏ in đã xong, Văn cho biết đã gởi thiệp mời đến chỉ huy trưởng, liên đoàn trưởng, và đặc biệt có nhiều bạn cùng đơn vị nhận lời tham dự không dưới 15 người. Biết bao là nỗi vui mong ngóng từng ngày, nỗi ngại ngùng sẽ nói sao với các vị chức sắc ấy đây, chưa kể là dòng họ bên anh ấy… Với cái tuổi chưa đầy 19, hồi hộp, tưởng tượng đến nghẹt thở trong niềm hạnh phúc trong xanh.

Ngày vui đã đến, mới 4 giờ 30 sáng tôi choàng dậy, thật khó ngủ quá, vẫn chẳng thấy bóng dáng anh ấy, mọi người lo âu, kẻ hỏi, người thở dài. Tôi lo quá vì hôm qua mọi sự xáo trộn khác thường, các đơn vị địa phương nhốn nháo. Tôi thăm hỏi tin tức thì nghe hai bên đã đánh nhau tại Khánh Dương, quá gần đơn vị của anh ấy, tuy nhiên cũng phải lo tự sửa soạn trang điểm cho mình không buồn nhờ bạn đến giúp nữa. Mái tóc dài của tôi thật khó mà tự quấn cho thích hợp với vành khăn cô dâu. Cuối cùng thì mọi việc cũng đâu vào đó.

 7:30 sáng tôi mừng biết bao khi anh trở về, mặc thường phục và chở cả bao quân trang và vũ khí. Văn cười cười nhưng tôi cũng như mọi người đã hiểu được sự rối rắm của anh ấy biết bao. Văn về lại gia đình, nhà anh ấy chỉ cách nhà tôi hơn 300 mét, và chuẩn bị cho lễ rước dâu hơn 2 giờ sau đó.

Đúng 10 giờ sáng lễ rước dâu không được đông đủ như dự tính, lễ vu quy và tiệc cưới của tôi không hơn 1 giờ đồng hồ. Ông quận trưởng quen biết Ba tôi hứa có lời phát biểu hôm đó cũng chẳng thấy tăm hơi. Ba tôi phải tự lo liệu mọi mặt và mọi thủ tục rồi cũng êm trôi qua đi. Cuộc rước dâu cũng khá đông người, bên Văn khá đông dòng họ, riêng các ông tướng, ông tá ngay cả bạn bè cùng đơn vị với anh chẳng thấy đâu. Tôi nhắp tí nước ngọt chạy dài xuống cổ như trôi đi những nôn nao, hồi hộp

Lễ cưới vội vã thủ tục cần thiết lướt nhanh và bữa tiệc vừa bắt đầu thì vài phút sau đó những tiếng la ó, kêu vang ngoài cửa làm số đông khách tham dự hơ hải ra về chẳng màng đến từ giã, lời chúc tụng hay tiễn đưa, nên bây giờ tôi cũng không nhớ rõ ai là ai. Ngoài đường xe cộ chạy tán loạn, lính địa phương chạy lung tung thật hỗn loạn. Tôi quá mỏi mệt vì thiếu ngủ, nỗi lo lung tung của tuổi trẻ đang lớn lấy chồng, hồi hộp từ mấy ngày trước càng lúc càng tăng và bấn loạn. Chồng tôi, chẳng có được một giấc ngủ ngắn từ suốt đêm qua nên nét mặt trông thiểu não. Khoảng 1 giờ sau đó tình hình xôn xao buộc vợ chồng tôi lấy xe gắn máy chạy thẳng ra hướng biển, ghe lớn chẳng thấy mà chúng tôi thì té ngã nhoài xuống đất, tay chân trầy trụa; thế là vợ chồng tôi đành quay trở về nhà.

Đêm đến, nỗi lo âu càng tăng, tắm vội sau một ngày quá mỏi mệt, kinh hãi. Đêm tân hôn nằm nghỉ bên nhau mà quần áo chúng tôi mặc dày đến 2 lớp, cái xách đồ cầm tay luôn kề bên mình, tôi không cảm thấy e thẹn như suy đoán trước đó; có lẽ nỗi đau thương đã khoả lấp mất rồi. Vợ chồng tôi qua 3 ngày bên nhau không tiếng cười và 3 đêm thay đổi chỗ ngũ. Trời tháng 4 thật nóng càng nóng hơn với những lớp áo quần dày cộm cả ngày lẫn đêm.

Ngày 4 tháng 4 năm 1975, trưa ngày thứ 4 sau ngày cưới, Việt cộng phát loa ra lệnh trình diện.  Chồng tôi đi, thế là tôi đã xa chồng, bao hoang mang, thiếu vắng, kinh sợ không sao tả nổi trong tôi với cái tuổi xuân, với khoảng thời gian quá ngắn, một chuyển tiếp chợt đến chợt đi chưa phân định.  Tôi như đang vẩn vơ là vợ của Văn, vợ của một Sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà hay là vợ của một ngụy quân mang tội ác với nhân dân như lời của loa phóng thanh cách mạng kêu ra rả đêm ngày? Ba tháng xa vắng, người con gái trong tôi vẫn còn mà đành phải co rút chịu đựng nỗi cô đơn trống vắng, đám bạn gái xì xào nhất là đám cán bộ suýt xoa thương tiếc đời tôi.

Tôi nhận lá thư lần thứ nhất của Văn từ Pleiku năm 1972 nói về tình yêu. Tôi nhận lá thư thứ hai của chồng từ trại tù tàn binh tháng 7 năm 1975 nói về ngày, giờ, nơi chốn, lệnh thăm nuôi. Ngày thăm nuôi đầu tiên tôi đi bằng xe đò, xe 3 bánh, đôi vai tôi không quen cũng phải gánh gồng lội bộ hơn 1 ngày đường. Cuối cùng vợ chồng tôi gặp nhau bên bờ suối trại Đồng Trăng cùng một số thân nhân khác với sự theo dõi của bộ đội mang súng đi qua đi lại.
Chúng tôi gặp nhau dưới chòi tranh khu đất trống của quân trường Lam Sơn.

Cũng chính nơi vùng này 5 tháng trước tôi đến đây trong trạng thái vui vẻ, yêu đời, tự tin, hãnh diện thì hôm nay lại co ro, khúm núm, nhạt nhòa, sợ hãi. Văn mặc bộ bà ba đen cũ, trông mập hơn nhiều, chúng tôi chẳng dám hôn nhau, chỉ nắm tay và ôm nhẹ vai anh một tí mà mắt liếc chừng bộ đội lăm lăm súng trong tay đi quanh quẩn bên những thân nhân và tù binh mà trước đó tôi đã nghe lời nạt nộ của họ “không được làm trò đê tiện, nói thì thầm ẻo lả nhé, quán triệt chưa” khi 2 vợ chồng nọ ôm hôn, mừng mừng, tủi tủi khóc bên nhau. 

Nhìn chồng tôi chợt nhớ bộ quân phục oai hùng của Văn hợp với thân thể tráng kiện mà tôi ao ước kề bên mới mấy tháng trước giờ đây tôi lại đang bên nhau với người chồng mặt mày râu ria lộn xộn, da tái xanh vì sốt rét, mặc bộ bà ba đen 2 túi sờn rách. Trông anh mà tôi thật đau lòng, chúng tôi chẳng dám hôn nhau, chỉ nắm tay nhau thật lâu không nói được gì. Tôi nhìn anh, nhìn bàn tay sần sùi, nứt nẻ mà hằng ngày ra tay chặt cây, kéo lá cọ, lăn từng tảng đá xuống triền núi.

Nhìn kỹ, tôi thấy anh yếu hơn, da xanh, tay chân và mặt căng đầy phù thủng cả người do suy dinh dưỡng; tôi ấn tay vào da thịt anh, nhấc ngón tay lên mà vết lõm vẫn còn nguyên vẹn. Tôi xoa bóp nhẹ lên da anh mà khóc tự lúc nào, dấu mặt cố nén không thành tiếng (tôi đang khóc hôm nay khi tôi viết về tôi, về Văn; lần đầu viết lại chuyện mình, những giọt nước mắt tuôn trào, ba mươi năm rồi tôi vẫn còn nhớ rõ, nhớ mãi đến bao giờ đây?).  Thời gian bên chồng khoảng 1 giờ, tôi chỉ hỏi anh có mấy câu mà chẳng được trả lời rõ ràng cũng như tôi không trả lời thật về cuộc sống vậy. 

Chúng tôi chẳng dám nói nhiều ngoài những lời anh bảo tôi chịu đựng đợi chờ; tôi như tan đi nỗi đắng cay mòn mỏi khi gặp lại anh đang tù đày, đau bệnh trong rừng thẳm. Vài giờ thăm nuôi được ấn định đã hết; anh tặng tôi cành lan rừng và tượng đá chính anh tạc hình nổi bán thân như một bạo chúa và người nữ tu mà đến nay tôi vẫn chưa biết hết ý nghĩa này, trước khi anh về lại rừng với các bạn đồng tù; còn tôi đứng nhìn khi bóng anh mất hút sau lùm cây. Không gian trả lại tôi sự cô đơn xa rừng rú để trở về kiếp vợ tù binh. Trên đường trở về trong cô đơn, tôi nghĩ rằng ước chi tôi được mang thai với Văn trong những ngày đầu tiên ấy thì an ủi biết bao nếu rủi chồng không về.

Sống cạnh gia đình chồng, một gia đình buôn bán bị Việt Cộng gán ép thành phần tư sản mại bản nên tìm cách mua miếng đất khác cất nhà và làm vườn, trồng rau, chuối, sinh sống qua ngày tránh sự dòm ngó của công an. Sự khổ cực về thân xác còn chịu đựng được mà về tinh thần thật khó chịu, nghĩ đến tương lai cùng sự cô đơn, sống bên những lời xì xào “...con đó có chồng nguỵ đang cải tạo”; bọn du kích, cán bộ xã địa phương dở trò an ủi “...em đừng lo, thằng chồng em sẽ được về sớm thôi nếu nó khai báo rõ ràng với cách mạng và quán triệt chủ trương đường lối của đảng thì đuợc chính quyền cách mạng cho hưởng sự khoan hồng”. Sự lo âu, phiền muộn giả dối của kẻ đắc thắng có lúc làm tôi quẫn trí. Cuộc sống sao lắm đọa đày, thật vô nghĩa, nhưng rồi chợt nghĩ một mai anh ấy ra tù không có tôi thì sẽ ra sao? Tôi phải sống. Đời sống tôi là hằng ngày trồng rau, chăm sóc rau, cắt rau đem ra chợ bán. Tay tôi thật mát nuôi heo chóng lớn, không đau bệnh. Tôi có việc làm thêm vào cái tình yêu thương của gia đình chồng, phần nào nguôi ngoai cái khổ đau trong tôi.

Tôi đã là người đàn bà bước qua tuổi 19, trong hoàn cảnh đất nước chuyển đổi chế độ, bơ vơ chuyển thành vợ của một tội đồ chế độ cũ như Việt Cộng bêu rếu, đã làm tôi sớm trưởng thành phân định vị trí mình.

Lại thêm 3 tháng nữa, tôi được đi thăm nuôi nhờ những người dân bán đồ ăn chỉ cách lội rừng đến điểm hẹn gặp Văn trong lòng suối cạn. Chúng tôi rất mừng vội ôm ngay, nói chuyện nho nhỏ nhưng thoải mái. Tôi thấy anh da sậm hơn nhưng anh cho biết là đang lao động nặng, chặt tre, đốt than, dở lò than nên chất than còn bám vào da. Tôi không hiểu lời anh nói về việc làm trong trại rồi quên đi. Cả hai chúng tôi muốn diễn tả ngay cử chỉ yêu thương bên bờ suối, kết quả của bao ngày tháng xa cách mà sao thật lúng túng, lo sợ. Anh hôn vội lên mặt tôi và tôi quay về thực tế, trong 30 phút gặp nhau ngắn ngủi mà bao ngày tháng chuẩn bị và đợi chờ.

Lần thăm nuôi đặc biệt này tôi có kinh nghiệm nên đã làm 2 hũ gạo lức trộn ít muối, đường trị phù thủng, lại nấu thêm một miếng xôi chè nếp thật đặc cứng và ngọt, cái món này thích hợp cho chồng tôi vô cùng, vừa đủ độ ngọt của sự thèm thuồng thiếu thốn của cơ thể vừa để được lâu, ngay cả giấu kín khi lên mốc chỉ cần lau, rửa lớp mốc đi là ăn được. Tôi học được món này từ những chị lớn có kinh nghiệm thăm chồng. Tôi nắm tay anh thêm lần nữa trước khi anh mang đồ vào rừng theo nhóm tù còn tôi cũng lại cô đơn xa rừng rú như lần đầu ở Đồng Trăng cũ.

Giờ đây tôi đã hơn 20 tuổi, tự nhận sự trưởng thành và dày dạn chính mình khi chồng tôi, kẻ bệnh hoạn được trả về sau gần 2 năm trong các trại Đồng Trăng và Lam Sơn. Văn cho biết trong bảng khai báo anh đã bỏ đi những chi tiết công tác chiến tranh chính trị về Hiệp Định Paris 1973, chức vụ Đại Đội Trưởng, Huấn Luyện Viên mà tôi đã từng biết và thế vào là chức vụ Trung Đội Trưởng khoá sinh, bảng lý lịch viết không hơn 1 trang giấy. Thực tế cho thấy càng tự giác là tự giam mình, bọn quản giáo chẳng biết gì hơn ngoài chính tù binh khai báo.

(xem tiếp kỳ sau)

Mạch Sống Số 36, tháng 6, 2005

 

Posted on Friday, June 17 @ 10:54:19 EDT by admin
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by admin


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Lịch Sử Qua Lời Ke


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang