Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27814147
page views since June 01, 2005
Muôn Người Hạnh Phúc Chan Hoà

Mái Ấm Gia Đình

BS Nguyễn Ý Đức

Trong dịp đầu năm, cùng với đón Tết, mừng Xuân, những lời chúc tụng, những cánh thiệp nhiều màu xinh xinh được gửi đi để chúc nhau khang an thịnh vượng, “muôn người hạnh phúc chan hòa”. (Ly Rượu Mừng của Phạm Ðình Chương)

Hạnh phúc là: “Cuộc sống trong trạng thái sung sướng do đáp ứng được mọi ý nguyện”. (Theo Tự Ðiển Tiếng Việt của Nguyễn Như Y), hoặc Hạnh phúc là: “Phước lành, điều may mắn cho đời mình”. (Theo Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức)

Hạnh phúc đã được con người chiêm nghiệm, tìm kiếm từ thuở lọt lòng. Khi bé thơ lim dim hưởng hơi ấm hạnh phúc nơi ngực mẹ hiền, nuốt những giọt sữa non tinh khiết. Rồi lớn lên, “Hạnh phúc là cái hướng đeo đuổi của con người”. (J.B.H. Lacordaire)



Epicurus cũng nói: “Hạnh phúc là mục đích tối hậu trong đời sống của loài người. Sự yên bình và hợp lẽ phải là nền tảng của hạnh phúc”. Aristote thêm: “Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc đời, là mục tiêu cũng như sự tận cùng của hiện hữu con người”.

Có ý kiến cho rằng hạnh phúc do tiền tài, danh vọng, địa vị và học vấn tạo ra. Emile De Girardin lại cho là: “Có hai thứ hạnh phúc: hạnh phúc địa vị và hạnh phúc tình cảm. Một thứ có thể nói là thuộc xã hội, thứ kia thì có tính chất nội tâm”. De Sivry khuyên nhủ: “Nhầm lẫn giầu sang với hạnh phúc là lấy phương tiện làm chuẩn đích. Chẳng khác chi tưởng con dao và cái nĩa làm cho mình biết ngon miệng”.

Vì Chân hạnh phúc nằm ở trong ta, chẳng nên phí thời gian, công sức đi tìm bình an, mãn nguyện, vui thú ở ngoài đời. Cũng nên nhớ rằng không thể có hạnh phúc chỉ bằng nhận và thu, mà ta có hạnh phúc nhiều hơn khi ban phát. Hãy vươn ra và chia sẻ.

“Hoa hạnh phúc mọc ngay bên cạnh chúng ta, chứ đâu cần phải đi hái ở vườn người”. (Douglas Jerrold).

John Stuart Mill đi xa hơn: “Tôi học được cách tìm thấy hạnh phúc của mình bằng sự giới hạn những dục vọng hơn là thoả mãn chúng”.

Và nhớ rằng: “Tạo hoá đã an bài hạnh phúc vừa đúng mức cho mọi người. Chỉ cần biết lựa chọn nó mà thôi”. (Lucrece)

Ngay cả với người bạn đường thân ái thì: “Hạnh phúc không ở Thiên Ðường. Ở ngay bên cạnh tình nương dịu hiền”. (Jean Pierre Florian)

Kinh nghiệm của Socrates là: “Hãy lấy vợ. Nếu bạn được người vợ hiền thì bạn có hạnh phúc. Chẳng may gặp người xấu thì bạn sẽ thành một triết gia”. Và Socrates là một triết gia.

“Nếu cái chân phúc nằm trong cái khoái cơ thể, chúng ta sẽ nói rằng những con bò có được cái chân phúc khi chúng tìm thấy cỏ khô để gặm”. (Heraclite)

Nên nhớ “Hạnh phúc rất hay lây lan. Khi ta hưởng ánh sáng hạnh phúc thì người chung quanh cũng tiếp nhận và họ trở nên vui hơn”. (Jennifer Leese)

Vì “Hạnh phúc là nước hoa. Ta không thể xức cho người khác mà lại không hưởng được vài giọt cho chính mình”. (Ralph Waldo Emerson)

Ðức Phật Thích Ca cũng giảng: “Cả trăm ngọn nến có thể đốt lên từ một ngọn nhỏ nhoi, mà ngọn này không sớm tắt. Hạnh phúc chẳng bao giờ giảm bớt khi ta chia sẻ”.

Nhưng “Hạnh phúc giống như thủy tinh. Càng rực rỡ bao nhiêu càng mỏng manh bấy nhiêu”. (P. Surys)

Và Jeremy Taylor thì cho rằng “Chẳng có sung sướng trên trần gian này mà không mang theo những tai hoạ thừa trừ của nó; chẳng có hạnh phúc nào lên đến tột đỉnh mà không bổ nhào bởi tai ương”. Cổ thi Sử Ký Trung Hoa có ghi: “Hoạ thì nương theo đó, phúc thì hoạ nằm trong đó. Buồn và vui cùng nhóm một cửa, may với rủi cùng ở một nơi”. Thì ra “Phúc không bao giờ đến đôi, họa thì đến từng cặp”. (Khuất Nghi Cửu)

Nói rằng tiền tài không mua được hạnh phúc, nhưng Spike Miligan lại cho là nó mang cho ta một chút thoải mái khi chẳng may lâm vào cảnh khốn cùng. Nhưng có điều chắc rằng “Hạnh phúc nào mà chẳng phải mua với ít nhiều đau khổ”. (Margaret Oliphant).

Cho nên Alexis De Tocqueville lại quan niệm rằng: “Chấp nhận sự bất hạnh có lẽ còn ít đau khổ hơn là sự mưu cầu hạnh phúc”.

Nghiên cứu khoa học cho hay những căng thẳng, sầu não làm giảm khả năng miễn dịch, làm con người dễ suy nhược. Cho nên nhà y học kiêm triết gia Albert Schweitzer viết: “Hạnh phúc không là gì ngoài sức khoẻ tốt và trí nhớ xấu”.

Phải chăng là để quên mọi khổ đau trần thế?
George William Curtis quả quyết hơn khi nói: “Trước tất cả mọi sự, hạnh phúc nằm ở trong sức khoẻ vậy”.

Bác sĩ chuyên trị đau nhức Paul Kelly tâm sự: “Tôi may mắn là có vấn đề đau nhức nên hiểu rõ những cơn đau của bệnh nhân mà tôi chăm sóc”.

Ai cũng muốn hạnh phúc nhưng ít người biết hạnh phúc là gì. Bình thường khi thấy thoả mãn trong đời sống thì ta cho là đang có hạnh phúc.

Mahatma Gandhi có ý kiến rằng: “Hạnh phúc là khi ta nghĩ, ta nói, ta làm ăn nhịp với nhau”.

Harriet Meyerson nói: “Hạnh phúc đến từ lúc ta hưởng cái mà ta hiện có. Ta cũng cảm thấy hạnh phúc khi nhận thức được sự khó khăn vì khó khăn giúp ta bồi bổ nghị lực”.

Deni Diderot cho là: “Người sung sướng nhất là kẻ đã tạo được hạnh phúc cho nhiều người khác”. Vì có một số người “chỉ đạt đến mức sung sướng bằng cách trang trọng góp nhặt từng mảnh vụn của hạnh phúc vương vãi đó đây”, như Gustave Droz
nhận xét.

Ðôi khi một cánh cửa hạnh phúc khép, cánh kia mở. Nhưng ta chỉ chăm chú vào cánh cửa khép mà thôi, cho nên ta thấy bất hạnh. Ta không thể đuổi theo và bắt hạnh phúc. Hạnh phúc đến không ngờ khi ta giúp đỡ tha nhân.

Cách ngôn cổ Ấn độ có câu: “Hãy giúp thuyền người qua sông thì thuyền của ta cũng cập bến”.

Một anh nọ bực mình vì con gà nhà bên cạnh gáy suốt ngày đêm khiến anh ta không ngủ, không làm việc được. Bực mình, anh sai gia nhân sang mua về làm thịt. Anh mời bạn hiền tới cùng ăn. Trong khi chờ đợi món gà hấp dẫn, anh ta khoe là cảm thấy bình
an hơn vì con gà không còn nữa.

Một lúc sau người nhà mang món ăn lên và cho biết hàng xóm không chịu bán gà nên phải mua ở chợ. Thì ra con gà vẫn còn sống, vẫn còn gáy mà anh ta cho là gà đã được mua và đã bị làm im tiếng gáy. Thành ra sự bực bội là do từ nội tâm chứ đâu vì ngoại cảnh.

Như Abraham Lincoln đã nói: “Chúng ta hạnh phúc vì tâm can ta cảm thấy vậy”.

Hạnh phúc đến từ những sự việc rất nhỏ: một nụ cười của bé thơ, một cánh thư từ người bạn thiết, tiếng chim hót líu lo trên cành cây, một tia sáng lọt qua khe cửa sổ, một chén cơm, manh áo cho sóng thần nạn nhân...

Tín đồ Thiên Chúa Giáo chắc là đều nằm lòng nội dung “Bài Thuyết Giảng trên Ðỉnh Ðồi”. Từ chương V tới chương VII, lời giảng đã nêu ra những phương thức thực tế để ta tìm ra sự hạnh phúc, bình an cho cả trí óc lẫn tâm hồn.

Rằng: “Với mọi điều mà ta muốn người làm cho ta, thì ta hãy làm cho người”.

Rằng: “Hãy đừng xét đoán khi không muốn bị phán xét. Vì khi xét đoán người thì người cũng xét đoán ta. Dùng thước nào để đo người thì người cũng dùng thước đó đo ta”. Với quy tắc này mà Abhraham Lincoln đã có sức mạnh và niềm tin để kiến tạo Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cũng như giải toả được những cảm nghĩ đắng cay.

Không những ta nên tránh lên án mà còn phải tha thứ. Với nhiều người, đây là một lời khuyên khó thực hiện. Nhưng nhiều thầy thuốc, nhiều tâm lý gia đã xác nhận tha thứ là điều cần làm để có một sức khoẻ tốt.

“Các ngươi thường nghe nói: hãy yêu láng giềng và ghét kẻ thù. Nhưng ta khuyên các ngươi: Hãy thương yêu kẻ thù, tha thứ kẻ thoá mạ ngươi, làm điều tốt cho kẻ ghét ngươi và hãy cầu nguyện sự lành đến với người đã lợi dụng ngươi”. Một trong nhiều điều của Lời Giảng.

Ta có thể nghĩ rằng Lời Giảng không áp dụng được và đòi hỏi quá nhiều nơi con người. Nhưng thực ra mỗi người mẹ, người cha đã từng dơ một bên má để nhận đắng cay, rồi tha thứ cho con cái để sửa đổi chúng, tha thứ để yêu thương và giúp đỡ chúng. Cũng trong tinh thần thương yêu và hỗ trợ, lời giảng khích lệ ta hãy cố gắng tìm hiểu, cố gắng tha thứ, cố gắng thương yêu mọi người. Ðể giúp ta tự chiến thắng, lời giảng cho ta một khuyên răn rằng Thượng Ðế chỉ tha thứ điều sai trái của ta nếu ta tha thứ điều sai trái người khác làm cho ta.

Bà Minh mới dọn đến ở khu gia cư dành cho người tuổi cao. Chỉ vài ngày bà đã thấy người hàng xóm tên Lan có những nhận xét không đúng về mình. Bà Minh cố dằn lòng để khỏi gõ cửa bà Lan đôi điều phải trái. Mấy ngày sau, bà gặp một người bạn của bà Lan và tự giới thiệu. Ðôi bên chuyện trò và bà Minh nhẹ nhàng: “Bà Lan cạnh nhà tôi thực là người tốt bụng. Tôi thực may mắn có người hàng xóm như bà Lan”.

Rồi một sáng đẹp trời, bà Lan tới gặp bà Minh. Mà nói: “Tôi thực tâm muốn là người hàng xóm tốt. Có thể tôi đã không tốt như bà nghĩ”.

Từ đó không còn rỉ tai nói xấu và hai bà trở thành đôi bạn thân thiết. Họ đã tìm được hạnh phúc trong nhau. Sự tha thứ, giải toả khỏi bực tức, hận thù như lời giảng cũng quan trọng cho sức khoẻ. Trong những thập niên vừa qua, y giới đã khám phá ra rằng sư lo âu, sợ hãi, giận giữ, oán ghét là những chất độc có thể tiêu hủy thân xác và tâm hồn.

Thực ra những lo lắng của người bình thường đều tập trung vào vấn đề của việc làm, với người cùng sở, với con cái; rồi nhu cầu được thương yêu, được coi như quan trọng, được là một phần của mọi công việc.

Vậy mà tại sao nhiều người trong chúng ta lại kéo dài cuộc đời trong sự tuyệt vọng thầm lặng! Phải chăng là ta đã rời bỏ một số ý niệm căn bản mà lời giảng đã nêu ra trong hành xử giữa người với người.

Và có hay không: “Hạnh phúc ở đời phải là thứ phần thưởng chế tạo ra để riêng tặng cho những người đơn giản; hầu đền bù cho người ta những chỗ thiệt thòi khác”. (Nguyễn Tuân).
Vì:
“Trời không lường trưa sớm nắng mưa,
Người đâu có biết hôm mai họa phúc”. ( Nguyễn Ðình Chiểu).

Thôi thì, hãy cầu mong rằng:

“Xuân Ất Dậu trăm nhà Hạnh Phúc
Cả nhơn sanh đồng nhìn nhận chung Cha
Cả trần sinh là một ngôi nhà
Vòng tay rộng, vạn dân tô điểm tốt
Ất Dậu này, tình thương lên cao tột
Tận Cung Diêu, Bạch Ngọc
Niết Bàn Tình Thương len vào cõi
Thiên Ðàng Ðấng Christ hân hoan giáng thế”. ( Thơ Cao Quỳnh Tuệ Lâm)

Posted on Friday, January 28 @ 17:01:50 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Mái Ấm Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Mái Ấm Gia Đình:
Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang