Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27813117
page views since June 01, 2005
MS94 - 05/10: Từng Bước…

Mái Ấm Gia Đình

Hải Tiêu
Viết để ghi nhớ công ơn Cha trong ngày lễ Hiền Phụ.

Được sinh trưởng từ một gia đình nông dân thuộc thôn Diêu Trì, tỉnh Bình Định, ba tôi lớn lên trong cảnh nghèo của hầu hết người dân quê miền Trung. Vì nhà nghèo ba tôi đã chọn hy sinh tuổi thơ của mình. Ông nghỉ học để giúp bà nội tôi gánh vải ra chợ bán. Tuy vậy với bản tính rất hiếu học trong gánh vải của ông lúc nào cũng chứa vài cuốn sách tiếng Tây. Ở ngoài chợ, ông bác của ba tôi cũng có một sạp vải.  Những khi ông bác ế ẩm vắng khách, ba tôi lại nhờ ông bác chỉ thêm cho mấy chữ tiếng Tây hoặc dạy thêm môn toán.

Khi ba tôi được 11 tuổi thì ông nội tôi qua đời. Bà nội lúc đó chỉ còn biết trông cậy vào sức trai mới lớn của ba tôi để giúp nuôi đàn em thơ dại. Nhờ phụ giúp bà gánh vải buôn bán ở chợ phiên ba tôi đã mau chóng quen thuộc với các công việc kinh doanh. Ông đã dần dần cáng đáng những công việc giao dịch của bà nội. Tuy lúc đó còn nhỏ tuổi nhưng ba tôi đã đem lại nguồn lợi tức chính cho gia đình. Trong việc kinh doanh, ông là người dám lấy quyết định, và mạo hiểm để có thêm lợi nhuận. Những kiến thức này tuy không do ai dạy nhưng nhờ bộ óc sáng tạo, với lối quyết định nhanh chóng, ông đã biết bành trướng kinh doanh như một công ty hiện đại. Chỉ vài năm sau ngày ông nội qua đời, ba tôi đã mở một tiệm bán vải đầu tiên ở thôn Diêu Trì.



Năm 1954, được sự mai mối của ông bác, ba tôi lập gia đình với một cô gái thùy mị đảm đang ở làng bên cạnh. Với sự tiếp tay của mẹ tôi công việc buôn bán của ông mỗi ngày một phát triển nhanh chóng. Năm 1960, nhờ tính cần kiệm và khéo léo trong việc buôn bán, ba mẹ tôi đã tậu được một căn nhà đầu tiên tại thành phố Qui Nhơn. Ba tôi dời bà nội và gia đình về thành phố, xa dần lối sống quá cơ cực và thiếu thốn của miền quê. Ba tôi kể rằng trong những ngày đầu sống ở thành phố bà nội tôi ngớ người ra khi thấy chiều tối, nhà không thắp đèn dầu mà vẫn sáng. Với sự nhạy cảm ông đã nhìn xa hơn câu hỏi ngớ ngẩn của bà nội. Khi công việc làm ăn được khấm khá hơn một chút, ba tôi vội vàng đưa các cô chú và những người thân trong giòng họ về thành phố để được thêm những tiện nghi và xa dần cảnh chân lấm tay bùn của đời sống nông nghiệp lam lũ.

Tình thương và sự chăm sóc tận tình của ông đối với những người thân và hàng xóm, láng giềng là một trong những bí quyết thành công của ông. Ba tôi đã tìm cho mỗi người thân một công việc làm trong cơ sở thương mại của ông. Với tâm hồn quảng đại và tinh thần tương thân tương ái, ông đã giúp cho nhiều gia đình thoát khỏi cuộc sống quá khổ ở miền quê.

Một năm sau đó ba tôi đã tìm mua cho bà nội và các cô chú một căn nhà riêng trong thành phố Qui Nhơn. Lúc này dịch vụ kinh doanh của ông mỗi ngày một phát triển. Với óc sáng tạo, sự cần kiệm và tài kinh doanh, ba tôi đã mở mang ngành thương mại về radio, TiVi trắng đen và xe Honda. Tôi đã được ra đời trong nếp sống sung túc của gia đình tại tỉnh lỵ nhỏ bé này.

Khi lên bảy tuổi, tôi còn nhớ những ngày mấy anh em tôi được ông chở trên chiếc xe Lambretta chất đầy những thức ăn, đường bột, gạo và các thùng đồ hộp Mỹ, những cuộn vải mới tinh để đem về miền quê phân phát cho các gia đình nghèo trong thôn, và để dâng cúng một ít cho chùa Nguyên Thiều. Với bộ óc non nớt của tôi lúc đó, tôi chỉ nhớ mỗi khi ba tôi lái chiếc xe Lambretta vừa về đến thôn thì những đứa con nít chạy ra mừng rỡ và la hét. Mỗi lần ông về thôn là mỗi lần được dân làng đón mừng. Họ yêu mến và kính nể ba tôi lắm. Lòng tương thân tương ái, biết người biết ta, và đức tính khiêm nhu đã như là những gương sáng cho những người dân quê. Đây cũng là những bài học đầu đời của tôi khi được dịp cùng ông về thăm thôn cũ.

Bẵng một thời gian thì miền Trung lâm vào cảnh khói lửa chiến chinh. Quê nội tôi thường bị mất an ninh mỗi khi trời chạng vạng tối. Ba tôi từ dạo đó cũng ít về lại thôn xưa. Để bảo vệ cho anh em chúng tôi khỏi lằn bom mũi đạn, năm 1965 ba tôi bắt đầu khuếch trương việc kinh doanh trong Sàigòn.  Ông mua bán máy cày và các loại máy cơ khí cho ngành nông ngư. Như thế là cả gia đình, bà nội, cùng các cô chú được dời vào Sàigòn.

Tôi được nhập học vào trường tư thục Lasan Taberd Sàigòn. Tuy rất bận rộn với việc thương mại nhưng mỗi ngày ba tôi vẫn đèo hai anh em tôi trên chiếc xe Vespa để đi học. Đến cổng trường, ông gởi xe và dẫn chúng tôi đi ăn sáng.  Sau đó ông đưa chúng tôi đến tận văn phòng frère hiệu trưởng. Mỗi chiều tan trường ông lại đến đón anh em chúng tôi. Lần nào ông cũng mang theo mấy cái mũ cho hai anh em tôi che nắng. Và cứ như thế chúng tôi đã dần lớn lên tại Sàigòn.
 
Ba tôi biết chúng tôi vẫn còn nhớ quê Diêu Trì. Thuở đó, những ngày mùa hè chúng tôi thường theo lũ bạn ở thôn quê đá dế. Sau khi vào Sàigòn, tuy bận rộn nhưng những ngày cuối tuần ba tôi cũng dành giờ dẫn anh em tôi ra hồ sen tìm bắt cho được những con dế để tranh đua với bạn bè. Nhìn bọn trẻ trong xóm thả diều, ông cũng đi tìm tre, mua giấy để phết cho anh em tôi một con diều to và bay cao. Tôi mê nuôi chim, ông đã sắm cho chúng tôi một cái lồng thật đẹp.

Có một kỷ niệm khó quên khi tôi được 13 tuổi. Không hiểu sao tôi lại tò mò muốn học sửa xe. Nhìn chiếc vespa của ba tôi được dựng ở góc nhà, tay chân tôi như ngứa ngáy. Thế là tôi tháo tung hết các bộ phận máy móc ra để xem và tìm cách ráp trở lại. Oan nghiệt thay, ba tôi cứ đạp mãi chiếc xe mà nó không chịu nổ máy. Biết là chiếc xe đã bị tôi làm hư, và rồi ông không có phương tiện di chuyển, nhưng ông chỉ nhìn mẹ tôi rồi cười chứ không la rầy, mắng nhiếc hoặc đánh đòn gì cả. Nhìn dáng ông thất thểu trong buổi trưa nắng gắt, dắt bộ chiếc xe đến một tiệm sửa xe gần nhà mà lòng tôi thấy thương ông nhiều. Ba tôi có dáng người hơi thấp, sắc da ngâm đen, bây giờ vẻ mặt lại thêm nét khắc khổ, dầu ông vẫn luôn có một nụ cười dịu hiền trên môi.

Năm 1974, sau khi tự tìm học và hiểu biết nhiều hơn về cách sửa xe, nhân dịp chiếc Vespa của ông bị hư tại nhà, tôi đã mầy mò, tháo máy ra và tìm cách sửa xe cho ông. Lần này tôi đã thành công! Máy nổ tốt hơn và êm hơn. Có thể nói bấy giờ chiếc xe sẽ được tôi tiếp tục bảo trì và máy sẽ nên hoàn chỉnh hơn. Trong lòng cảm thấy thật vui, nhưng niềm vui của ba tôi còn lớn hơn khi thấy tôi đã tự tháo vát và học hỏi được cách sửa xe gắn máy. Ông đã xoa đầu tôi và đã thưởng cho tôi một chầu xi-nê vào cuối tuần đó. Khuôn mặt rạng rỡ, dáng điệu hiền hoà, từ tốn của ba tôi như đã khuyến khích tôi tiếp tục học hỏi để có thể giúp mình và giúp người. Lòng bao dung của ông thật sự đã dạy cho tôi bài học “thất bại là mẹ thành công”. Ánh mắt hiền từ của ông thật sự là những nâng đỡ lớn cho lòng tự tin cuả tôi.

Tháng ba 1975, ông về lại miền Trung để thu xếp việc đóng cửa tiệm ở Qui Nhơn, và đưa những người thân còn lại ở miền quê vào Sàigòn, giúp họ tránh sự hà hiếp của cộng sản, đặc biệt là mỗi khi chiều xuống. Những ngày cuối tháng ba năm đó, một số thôn làng miền Trung đã thuộc vòng kiểm soát của cộng sản. Các đường bay từ Sàigòn đi miền Trung đều bị cắt giảm. Vì vậy ba tôi đã bị kẹt lại thành phố Qui Nhơn. Mỗi ngày bấy giờ chỉ còn một hay hai chuyến bay quân sự để di chuyển gia đình các binh sĩ vào Sàigòn.

Nhờ những việc kinh doanh giao dịch với một số sĩ quan trong quân đội nên ba tôi đã được phép di chuyển bằng máy bay. Những ngày này miền Trung như đã bắt đầu cơn sốt. Người dân chạy loạn khắp nơi. Súng đạn bay tứ phía. Nhưng ba tôi đã may mắn được hộ tống lên máy bay. Những người lính này đã một thời mang ơn ông giúp đỡ, nay gặp cảnh ngộ này họ muốn đền ơn, nên đã hết lòng chiếu cố đến ông. Theo lời ba tôi thuật lại, vào thời điểm ấy tai phi trường Qui Nhơn, người dân đã phải ngồi trên bãi cỏ nắm tay nhau để chờ được lên máy bay. Những phụ nữ đầu đội khăn tang tay bồng tay bế trông rất thương tâm. Tuy dầu không quen biết với họ, ba tôi đã phải đặt điều với hai anh lính hộ tống, như đây là gia đình em tôi, chị tôi, v.v. để các cô nhi quả phụ này được cơ hội lên máy bay vào Sàigòn. Thế là ông đã dắt thêm được bốn góa phụ và sáu đứa bé lên máy bay. Những gia đình này sau khi lên được tàu bay đã quỳ lạy ba tôi và khóc sướt mướt, với những giọt nước mắt hạnh phúc. Nhìn sự thành thật và cảnh đơn chiếc của họ ông cũng đã động lòng rơi nước mắt.

Về phần mẹ tôi và mấy anh em, chúng tôi đã bồn chồn lo lắng cho ông suốt tháng ba đó vì những tin tức sôi động ở miền trung. Ngày nào mẹ tôi cũng gọi điện thoại liên lạc với ba tôi. Và chưa bao giờ tôi cảm nhận được một niềm vui quá lớn khi vừa nhận ra bóng dáng cuả ba tôi trước cổng nhà trong những giờ phút căng thẳng nhất của đất nước. Mẹ tôi, bà nội và anh em chúng tôi đều ôm ba mà khóc nức nở. Chúng tôi được ông kể lại những mẫu chuyện thương tâm trên đoạn đường từ phi trường Qui Nhơn vào Tân Sơn Nhất. Lần đầu tiên tôi đã thấy ông khóc vì cảm thương những cô nhi quả phụ của các tử sĩ. Cả nhà chúng tôi cũng ngậm ngùi theo những lời tâm tình của ba tôi.

Rồi miền Nam thất thủ. Ba mẹ tôi đã âm thầm thu xếp chuyện vượt biên. Đầu tháng năm, ba tôi đã đem cả gia đình ra Vũng Tàu.  Đêm đó chúng tôi đã di chuyển đến một chiếc xuồng nhỏ để chở mười người ra chiếc tàu lớn hơn đang đậu xa xa trong bóng đêm. Chúng tôi bước đi nhẹ nhàng dưới nước để không gây tiếng động. Ba tôi cõng trên vai đứa em gái tám tuổi của tôi, còn tay kia thì đẩy một cái thúng với hai đứa em gái hai và bốn tuổi đang say sưa ngủ. Mẹ tôi đội trên đầu một thúng nhỏ với một ít sữa bột, gạo sấy và một ít nước cho cả gia đình. Đứa em trai kế mười một tuổi và tôi thì tự bơi lấy một mình từ chiếc ghe nhỏ đến chiếc tàu đánh cá. Do một phép mầu nhiệm nào đó cả gia đình bảy người chúng tôi đã lên được chiếc tàu đánh cá an toàn. Có những gia đình khác đã có mặt trên tàu từ lúc nào tôi không rõ.

Tàu bắt đầu chuyển động. Mọi người đều có vẻ lo âu. Kẻ khấn vái, người đọc kinh. Bấy giờ đã thật khuya. Trời tối mịt mù. Một vài giọt mưa hắt vào mặt tôi.
Thuyền ra đến hải phận quốc tế thì gặp bão. Mưa gió suốt mấy ngày, không còn trăng sao để mà định hướng. Tất cả đàn bà con nít được ở dưới khoang thuyền. Một số các ông và ba tôi ở lại phía trên chống chọi với phong ba.

Trong những giờ phút nguy khốn đó, ông đã thì thầm với mỗi anh em chúng tôi, “Không biết ngày mai mình sẽ ra sao, nhưng sống làm người thì mình phải luôn có hy vọng các con nhé”. Đó là câu nói mà đến giờ này tôi vẫn còn nhớ. Những khi nào mệt mỏi buồn chán, nhớ lại lời dặn dò này, tôi như tìm lại được niềm tin và có thêm sự can đảm để sống.

Giờ đây sau bao nhiêu năm định cư an bình trên xứ người, nhờ sự nuôi nấng dạy dỗ của ba mẹ tôi, mấy anh em chúng tôi đã thành đạt trong cuộc sống. Nhìn lại đoạn đường đã qua, tôi cảm nhận được một điều: Càng trưởng thành tôi lại càng khâm phục ba tôi hơn và càng nhận ra sự cần thiết được gần gũi với ông hơn. Với từng bước trong đời, ba tôi thật là một thầy giáo đáng kính suốt đời. Ở mỗi bước, ông đã dạy cho tôi sự cố gắng và kiên trì để vượt qua mọi thử thách và gian khổ. Ông đã dạy cho tôi những nỗ lực để sống bằng tình người chân thật. Với từng bước một, ba tôi đã gieo vào trong tâm trí của anh em chúng tôi niềm tin và hy vọng trong cuộc sống. Tất cả những bước đi đó đã làm cho đời sống của chúng tôi được an bình, đầy ắp tình thương và hạnh phúc. Tất cả những bước đi đó là những nấc thang dẫn chúng tôi đến những sự thành công trong đời. Nếu thiếu những “từng bước” đó, có lẽ cuộc đời của chúng tôi hẳn là hụt hẫng và bất hạnh.

Nhân ngày Hiền Phụ năm nay, tôi muốn ghi xuống đây tấm lòng biết ơn đối với ba tôi, người đã từng bước dọn đường cho mấy anh em chúng tôi mạnh dạn đi về sự thiện hảo, và cho cuộc sống của chúng tôi chứa đầy tình thương và hạnh phúc.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Thursday, May 13 @ 14:01:33 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Mái Ấm Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Mái Ấm Gia Đình:
Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang