Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27810409
page views since June 01, 2005
MS91 - 02/10: Chúc Tết Canh Dần

Truyện Ngắn

Hưng Yên

Kính thưa quý độc giả và đồng hương, thời gian qua mau như bóng câu qua cửa sổ, mới Tết đó mà nay lại Tết nữa rồi, Kỷ Sửu đi, Canh Dần tới. Đón mừng xuân mới thì ngoài việc chúc hết thẩy mọi người phúc lộc vẹn toàn, an khang trường thọ chúng tôi nghĩ rằng không gì hơn cùng nhau nhắc lại một vài phong tục tốt đẹp về ngày Tết của dân tộc ta để gọi là: Ôn cố tri tân.

Nếu chỉ nói về “Tết” thì một năm Việt Nam ta thấy có những 5 cái Tết chứ không phải chỉ một Tết Nguyên Đán, đó là:

Tết Thanh Minh:
Thanh Minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
(Kiều)

Khoảng mồng 5 mồng 6 tháng Ba âm lịch mỗi năm, người ta ra viếng mộ ông bà, tổ tiên, làm sạch cỏ, đắp thêm đất, thắp nhang, khấn vái…



Tết Đoan Ngọ: Mồng 5 tháng Năm âm lịch là Tết Đoan Ngọ, cũng còn gọi là tết Đoan Dương. Tết này người ta có thói quen sáng sớm đã ăn rượu nếp, ăn mận, ăn đào cho là để giết sâu bọ.

Tết Trung Nguyên: Rằm tháng Bẩy là Tết Trung Nguyên. “Tháng Bẩy ngày Rằm xoá tội vong nhân”, người ta đốt vàng mã gửi xuống cho người dưới âm, nấu cháo thí để cúng cô hồn các đảng.

Tết Trung Thu: Rằm tháng Tám là tết Trung Thu. Suốt cả năm chỉ ngày Rằm tháng Tám là trăng sáng và tròn hơn cả, người ta bầy ra cách chơi trông trăng. Tối đến trẻ con lũ lượt kéo nhau ra khắp phố phường chơi rước đèn, cộ đèn (thi đèn to, đèn đẹp) nên người ta cũng bảo Tết Trung thu là tết của trẻ con, còn người lớn thì chơi đèn kéo quân.

Tháng Tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng Chín chung chân buôn hồng
(Dân ca VN)

Tết Nguyên Đán: Tuy một năm có những 5 cái Tết nhưng chỉ có Tết Nguyên Đán là kéo dài, quan trọng và tưng bừng hơn cả.

Theo như cuốn “Đất Lề Quê Thói” của tác giả Nhất Thanh thì tiếng Tết do chữ Tiết (chữ Hán) mà ra, còn nguyên là đầu tiên, đán là buổi sớm. Vậy Tết Nguyên Đán là tiết buổi sớm đầu tiên. Lâu ngày ta gọi thành Tết Nguyên Đán hoặc chỉ gọi tắt một tiếng là Tết.

Mỗi nước, mỗi dân tộc đều có một cách tính năm tháng khác nhau gọi là Âm lịch hay Dương lịch, Tết của ta là theo Âm lịch. Có nhiều thứ âm lịch, như lịch Chaldeé, lịch Hébreux, lịch Ai Cập, lịch Hi Lạp, lịch Tầu. Việt Nam ta theo âm lịch giống như của Tầu. Tuy vậy đã từ lâu các triều đại vua nước ta đã thiết lập toà Khâm Thiên Giám xem thiên văn làm lịch chứ không phải chỉ chép theo lịch của Tầu đâu.

Chuẩn bị Tết: Thực ra Tết chính thức chỉ có 3 ngày, thế mà có khi người ta đã chuẩn bị cho Tết trước cả năm trời. Những nhà có vườn cau, quanh năm lượm nhặt những tầu lá rụng, cắt lấy mo cau tước mỏng cất trên gác bếp để Tết gói giò. Người ta còn lo cả những cái lạt giang để Tết buộc giò, buộc bánh chưng. Những điều này những vị quanh năm suốt tháng ở thành phố và những bạn trẻ ở hải ngoại bây giờ chưa chắc đã nghe nói hoặc đã thấy.

Rồi những người buôn bán, thường phải lo liệu sớm để có hàng bán Tết như: bánh, mứt, kẹo, chà là… có thứ phải đặt mua từ 5, 7 tháng trước.

Những người trồng cây cảnh, chơi hoa như: hải đường, mai, đào, cúc, quất… phải lo vun trồng cắt xén để kịp bán vào ngày đầu xuân, cho hoa nở đúng vào ngày mồng một Tết…

Hàng gì, món gì cũng nhiều gấp mấy ngày thường đã dành, chợ Tết còn có tranh, có pháo, có thầy đồ viết câu đối đỏ, và còn nhiều thứ lắm!

Đến mấy ngày trước Tết thì nhà nào cũng lau rửa bàn thờ, đồ thờ, đồ đồng thì chùi, đánh bóng loáng. Có nhà còn quét vôi lại tường, sơn lại cửa, trước nhà trồng cây nêu.

Cây nêu là một cây tre chặt sát gốc để dài còn đủ cả ngọn và lá trồng trước sân nhà. Ngang thân cây nêu có buộc một cỗ mũ nhỏ và một tảng vàng mã. Còn trên ngọn cây nêu thì treo mấy cái khánh bằng đất nung, gió thổi chạm vào nhau kêu leng keng. Trồng nêu là dấu hiệu đất đã có chủ, ma quỷ đi chơi chỗ khác, không được nhòm ngó, quấy nhiễu.

Những ngày 28, 29, 30 cuối năm là bận rộn nhất: gói bánh chưng, bánh tét, rồi thức suốt đêm nấu bánh, rồi mổ heo làm giò, làm nem…

Từ lúc cây nêu được trồng lên trưa ngày 30 cuối năm, mọi việc phải được coi như đã xong hết, nhà nào nhà nấy sẵn sàng làm lễ tống cựu nghinh tân. Người ta cũng bắt đầu sửa lễ cúng tất niên, đồng thời đón rước tổ tiên và đèn hương thắp suốt 3 ngày Tết.

Đêm giao thừa và lễ Trừ Tịch: Đúng 12 giờ đêm là lúc giao thừa, người ta làm lễ Trừ Tịch. Trừ là giao lại chức quan, Tịch là ban đêm, tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới vào ban đêm.

Hái lộc: Lúc giao thừa, người ta đua nhau đi lễ chùa, miếu. Lễ xong ra sân chùa, sân miếu bẻ lấy một cành lá gọi là hái lộc. Lộc đem về giắt dưới mái nhà, gian chính giữa trước bàn thờ gia tiên, ý là năm mới lúc trở về có tài lộc mang theo, cành lá càng xanh tươi càng tốt.

Đầu năm xông đất, xông nhà: Xưa các cụ ta tin rằng đầu năm mới được người vui vẻ, dễ tính, tốt nết vào nhà trước tiên thì cả năm trong nhà mọi việc được hanh thông dễ dàng. Sáng mồng một Tết mà gặp một ông ba trợn bước vào nhà thì giận lắm. Vì vậy mà các cụ thường kén chọn người xông nhà xông đất, chọn được rồi còn khẩn khoản mời đến xông đất nhà mình trước tiên. Người đến xông nhà đốt một bánh pháo mừng và cất to giọng chúc: nếu là nhà có cha mẹ già thì “tăng phúc tăng thọ”, nhà làm nông thì “phong đăng hoà cốc”, nhà làm công nghệ thì “tốt tài sai lộc”, nhà buôn bán thì “buôn may bán đắt, nhất bản vạn lợi”, sau cùng nếu là người làm việc nhà nước thì “thăng quan tiến chức”.

Chủ nhà hoan hỉ đón chào, cảm ơn rồi chúc lại, có khi còn lì xì…

Sáng mồng một con cháu quy tụ đông đủ chúc thọ ông bà cha mẹ. Người con trưởng đại diện cho tất cả đứng khoanh tay chúc, thí dụ như là: Năm cũ đã qua bước sang năm mới chúng con kính chúc ông bà sang năm mới được nhiều sức khoẻ để trông nom, dậy dỗ các con các cháu…

Ông bà cha mẹ răn bảo con cháu vài lời, khuyên trẻ nhỏ chăm học, ngoan ngoãn rồi lì xì cho các con các cháu, sau đó ngả cỗ ra ăn. Cỗ ngày Tết thì thường có giò thủ, giò lụa, thịt nấu đông, dưa hành, bánh chưng, chè bà cốt… Việt Nam ta ít người lại không nghe đôi câu đối:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Tết mà không có đôi câu đối đỏ dán trước cửa nhà, tràng pháo và cặp bánh chưng hay bánh tét thì còn gì là Tết nữa. Nói đến câu đối Tết chúng tôi lại sực nhớ đôi câu đối cụ Nguyễn Khuyến viết cho chị vợ goá của anh hàng thịt:

Tứ thời bát tiết, canh chung thuỷ
Ngạn liễu, đôi bờ, dục điểm trang

Dịch nghĩa là:

Bốn mùa, tám tiết bền chung thuỷ
Rặng liễu, đôi bờ, muốn điểm trang

Hai câu thơ nói lên sự thông cảm với nỗi lòng người goá phụ, nhưng cũng có những hình ảnh phù hợp với nghề nghiệp của cặp vợ chồng: “bát tiết canh, đôi bồ dục”. Thật là hóm hỉnh, sâu xa.

Đôi câu đối Tết của cụ Nguyễn Công Trứ thuở còn hàn vi cũng không kém phần thú vị:

Chiều ba mươi, nợ tít mù co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý luý giơ tay bồng ông phúc vào nhà.

Biếu Tết: Sáng mồng một, con cháu tụ tập lễ Tết ông bà, cha mẹ xong rồi ai về nhà nấy, bấy giờ anh chị em mới cho con cháu đi Tết lẫn nhau. Thường thì người nhỏ cho con cháu đi Tết người lớn trước, sau đó người lớn lại cho con cháu mình đến Tết người nhỏ. Ngoài đường lúc này người đi kẻ lại tấp nập, hầu hết trẻ con đều mặc quần áo mới: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”, nghèo mấy mặc lòng, ngày Tết cũng cố sắm cho con cái bộ quần áo mới để chúng khỏi tủi thân. Câu nói: “Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết” quả đúng thật, ngày thường mà được miếng bánh chưng, bánh tét hay miếng mứt dừa, mứt bí, mứt dậu phọng ăn thấy ngon lắm, chứ ngày Tết những thứ này sao nó ớn tới mang tai. Đến nhà nào cũng bánh chưng, bánh tét, mứt dừa, mứt bí hoặc mứt chà là. Không ăn lại sợ gia chủ buồn, chỉ có tiền lì xì là chẳng bao giờ chê thôi.

Lễ Tết: Thường là một cái bánh chưng hay một cân đường cát vàng, trên để một nhúm trà Tầu gói trong tờ giấy bóng kiếng đỏ, và một chai rượu.
Trẻ con ngày Tết đến chúc tuổi chú, bác, cô, dì, cậu, mợ không nhiều thì ít thế nào cũng được tiền lì xì, gọi là tiền mừng tuổi. Nhưng là mấy đứa nhỏ thôi chứ tuổi đã nhỡ nhỡ rồi (teen age) thì thường bị “khất”. “Khất” có nghĩa là hẹn sẽ lì xì cho khi nào có vợ có chồng, thí dụ như: “Thằng Y, con X lớn rồi, mai mốt lập gia đình, Tết đến nhận họ (chú hay bác) sẽ lì xì cho!” Chú rể hay cô dâu mới, Tết đầu tiên sẽ được bên vợ hay bên chồng (thường là vợ đưa chồng hoặc chồng đưa vợ) đi Tết nhận họ. Lần này thì người được Tết không còn khất được nữa, nhiều ít cũng phải lì xì. Vì thế những người không được dư giả gì cho lắm thường hơi lo mỗi lần Tết đến mà có con cháu đến nhận họ. Lì xì nhiều thì không có mà lì xì ít thì lại… nghĩ ngợi!

Sang ngày mồng hai là ngày đi lễ tổ bên ngoại:
Mồng một thì ở nhà cha,
Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy.

Và đi chúc Tết những chỗ thân tình, những nhà bạn thân. Con rể (chưa cưới) phải đến lễ và chúc Tết nhạc gia. Tuy vậy cũng nhiều nơi người ta đi lễ họ ngoại ngày mồng một. Sau khi chúc tuổi ông bà, cha mẹ mình rồi, chàng rể đưa vợ về nhà nhạc gia ngay, ý là yêu quý kính trọng nhà vợ không kém gì nhà mình.

Ngày mồng ba, học trò dù đã lớn tuổi, dù đã chức trọng quyền cao cũng vẫn đến bái niên thầy học và lễ gia tiên.

Việt Nam ta, nền luân lý mang nặng ảnh hưởng của Khổng giáo: quân, sư, phụ, mà “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Một chữ là thầy mà nửa chữ cũng là thầy. Từ đó chúng ta thấy “tôn sư trọng đạo” kính thầy và mộ đạo vốn là một nét đẹp của truyền thống dân tộc ta.

Tuy Tết chính thức chỉ có 3 ngày, nhưng người ta lại còn nói: còn “mồng” là còn Tết! Chẳng những thế, mà có người còn kéo dài Tết ra đến cả tháng sau. Mấy câu dân ca sau đây chứng minh điều đó:

Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm

“Tháng Giêng ăn Tết ở nhà”, người lớn cũng như con nít ai nấy tiền bạc rủng rỉnh nên trong nhà thì: đánh bất, đánh tam cúc, đánh tứ sắc, xóc đĩa. Ngoài đường thì bầu, cua, cá, cọp, đây đó la lối om xòm vui thật là vui…

Kính thưa quý vị gọi là “ôn cố tri tân” để nhớ lại những ngày xưa thân ái, chứ còn nay quý vị và chúng tôi đang ở bên Mỹ này thì “Nhập gia tuỳ tục” ngày Tết nhiều khi cũng vẫn phải đi làm. May mà chúng ta còn có cộng đồng, còn có chùa, còn có nhà thờ, còn có những hội này, đoàn thể kia tổ chức những cuộc vui giúp chúng ta vui với những cái chúng ta đang có. Sau hết, chúng tôi chẳng biết nói gì hơn là một lần nữa thành thật kính chúc toàn thể quý độc gỉả và bà con đồng hương một năm mới Canh Dần an khang, thịnh vượng.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Monday, January 25 @ 11:20:33 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Truyện Ngắn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang