Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27815017
page views since June 01, 2005
MS87 - 10/09: Nghề ''Ăn'' Cũng Lắm Công Phu

Lịch Sử Qua Lời Ke

Hưng Yên

Ngày còn nhỏ, tôi không nhớ rõ năm ấy tôi còn đang học lớp nhất hay đã lên trung học rồi, thày giáo ra đề luận văn: Em hãy bình giải câu “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn” và hãy nêu lên những nhận định của em đối với câu trên. Bọn học trò tụi tôi ra sức mà tán, đứa nào cũng cho câu nói trên là hết sức đúng, bởi lẽ người ta có ăn mới có sống, không ăn chừng 2-3 ngày là ngỏm củ tỏi rồi, chứ có ai sống để mà ăn đựuc đâu. Tụi tôi dễ dàng đồng ý với câu cách ngôn trên bởi đầu óc còn non nớt, chưa biết lý luận lòng vòng. Hơn nữa khi ra đề luận, thày đã giảng kỹ rồi. Thày bảo đúng là nhất định đúng, học trò chỉ có việc tán cho nó đúng thêm chứ không có cái kiểu nói ngược lại.

Ngày đó, trong các môn học, tôi ghét nhất môn luận văn. Nghĩ nát óc cũng không viết nổi mộït câu văn cho ra hồn, bài làm dài nhất cũng chỉ độ một trang giấy vở học trò. Ba dòng mở bài, mươi dòng thân bài, rồi kết luận. Bài làm đã dở, ý tứ nghèo nàn, chữ viết lại ngoằn ngoèo như gà bới, bởi thế lần nào giỏi lắm thày cũng chỉ cho được điểm 3 trên 10 là hết sức. Thế mà khi bình giải câu “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn” tôi đã được thày cho những 5 trên 10, tức là điểm trung bình. Thày bảo:

- Bài của trò Hưng làm không ra gì, nhưng được câu kết luận khá!

Rồi thày đọc lên cho cả lớp nghe:

-“Từ xưa tới nay, từ quan chí dân, ai cũng phải ăn mới sống được. Người giầu thì ăn ngon, người nghèo ăn dở, khỏe ăn nhiều, ốm ăn ít, thậm chí gần chết cũng cố nuốt chút cháo để cầm hơi, nhưng một khi đã tắt thở rồi thì dù có nem công chả phượng cũng không thể ngóc cổ dậy mà ăn được”.

Ðọc xong thày gật gù lẩm bẩm “Chí lý, chí lý”. Ðược thày khen tôi nở gan nở ruột và cũng từ ngày đó văn tôi viết có khá hơn đôi chút.



Ăn, một hành động thật giản dị, cứ bỏ vào mồm nhai rồi nuốt đi, thế là ăn chứ gì?  Nhưng mà ăn cái gì mới được chứ? Hót đoóc với hâm bơ gơ thì làm sao mà ngon hơn phở tái được phải không các cụ? Thế cho nên “Ăn”tuy là một hành động thật giản dị, nhưng ăn cho ra ăn, cho xứng đáng là một người có văn hóa thì lại là một nghệ thuật, một công phu, đôi khi cũng phải học hỏi, phải nghiên cứu chứ không thể hễ gặp là cứ ăn đại đi được. Ăn ẩu ăn tả có khi nhẹ thì trúng thực, mắc cổ họng, nặng thì thân bại danh liệt, thậm chí đến mất mạng không chừng . 
                                                                                       ***    
Bàn về chữ “ăn”thiết tưởng nên chia làm hai loại. Ăn theo nghĩa thông thường là có nhai và có nuốt. Một loại “ăn” không nhai cũng chẳng nuốt mà vẫn cứ gọi là ăn. Bây giờ chúng tôi xin nói về chữ “ăn” theo nghĩa thông thường trước:

Ăn nhồm nhoàm, phồng mang trợn mắt mà nuốt là ”ăn tục”. Những vị có thói quen ăn tục thì thường hay nói phét, một tấc lên đến trời, vì thế nên người ta mới có câu “Ăn tục nói phét”.

Không được mời mà cứ tìm cách vác mặt tới ăn là “ăn trực”. Những vị có tính này thì thường da mặt hơi dầy.

Ăn xong vỗ đít đứng dậy không trả tiền là “ăn quỵt”. Những vị có tật này thường có đôi chân tương đối khỏe và chạy tất nhanh.

Ăn hết cả phần người khác, nuốt lấy nuốt để đến trợn trắng mắt ra là “ăn tham”. Trong một mâm cỗ mà có một hay hai vị này ngồi chung thì những người khác thường lâý làm phiền lòng lắm. Ðể nhắc nhở các vị có tật ăn tham, các cụ ta nhẹ nhàng bảo: “ăn trông nồi , ngồi trông hướng”.

Cơm nhà không ăn, cứ thích ăn quán , ăn chợ  là “ăn quà”. Ca dao ta co câu “Ði chợ thì hay ăn quà , chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm”.

Ăn lén, ăn lút, lâu lâu bốc bỏ vào mồm một miếng không cho người khác thấy là “ăn vụng”. Người ta cũng kêu là ăn vụng cả những đấng liền ông lâu lâu trốn vợ để đi “léng phéng” với một người đẹp khác.

Ở miền Bắc nước ta, các vị hút thuóc lá, thuốc lào, nhất là thuốc phiện có địa phương cũng gọi là “ăn thuốc” (vì nuốt và ếm khói cho nó phê)

Riêng các bậc quyền quý khi ăn phải nói là “dùng” hoặc “sơi”. (Không ai nói là Tổng Thống đang ăn cơm, mà phải nói Tổng Thống đang dùng bữa, hoặc Tổng Thống đang sơi cơm mới đủ lịch sự).

Cũng là nhai với nuốt , nhưng các vị thày chùa sơi cơm thì bảo là “Thọ trai”.Còn đấng quân vương dùng bữa lại gọi là “ngự thiện”.

Loại thứ hai cũng gọi là “ăn” nhưng không dùng tới miệng, không nhai mà cũng chẳng nuốt như:

Ðáng lẽ thua mà lại được là “ăn hên”.
Trong cuộc chơi mà chơi lận là “ăn gian”.

Làm lớn đã không giúp đỡ cấp dưới thì chớ lại còn ăn chận, ăn bớt của cấp dưới là “ăn bẩn”.

Làm việc cho dân mà cứ đợi phải có quà cáp, đút lót mới làm, bằng không thì khó dễ hoặc ngâm tôm là “ăn hối lộ”.

Ăn bẩn và ăn hối lộ không kín đáo để bị phanh phui đến thân bại danh liệt, có khi phải tù phải tội là “ăn bị mắc xương ngang cuống họng”.

Ðàn ông có vợ, đàn bà có chồng mà còn léng phéng vụng trộm, cũng còn gọi là “ma ăn cõ”.

Rình mò khi người ta đi vắng, nậy cửa vào nhà thuổng hết kim cương hột xoàn, có khi khuân luôn cả TV tủ lạnh  là “ăn trộm”

Ðến nhà người ta chơi, đợi khi gia chủ sơ ý thì chôm cái này, thuổng cái kia gọi là “ăn cắp”.

Kề dao vào cổ hoặc dí súng vô đầu, lột hết tiền bạc, quý kim của người ta là “ăn cướp”.

Vai bị, tay gậy lang thang đến từng nhà, hoặc đứng ở đầu đường, góc chợ, ngửa tay lậy ông đi qua, lậy bà đi lại xin tí tiền lẻ hay nắm gạo, bát cơm là “ăn mày”.

Ðại khái các cách ăn là như thế, nhưng nói chung “ăn” cách nào đi nữa, nhiều ít cũng có cái “công phu” ở trong đó. Ngay đến ăn ở trong nhà cũng phải cho đàng hoàng kẻo vợ con nó khinh cho chứ đừng nói đến ăn ở những nơi đình đám hay quán xá. Phải luyện cho da mặt thật dầy, dầy như da trâu thì mới có thể vác mặt đi ăn trực mà không sợ xấu hổ. Còn như ăn quỵt cũng phải coi chừng, luyện đôi chân chạy cho thật nhanh kẻo có ngày đòn gánh nó phang cho bỏ mẹ.

Sang đến lãnh vực “ăn” thứ hai, muốn ăn cho ngon, cho xuôi chèo mát mái lại càng mất nhiều công phu hơn. Thí dụ như “ăn gian” chẳng hạn. Muốn trở thành tay cờ gian bạc lận, ăn gian mà thắng được người khác không phải chuyện đùa. Trời cao còn có trời cao hơn, mình biết chơi gian thì người khác cũng biết chơi gian vậy. Tôi có một chú em bà con, ngày còn nhỏ gia đình cho đi học đến năm 15-16 tuổi mà nó vẫn không lấy nổi cái bằng tiểu học. Tháng nào nhà cũng cho tiền để đóng học phí (Bởi học giỏi quá nên không vào trường công được) mà học hoài vẫn dốt. Mãi sau gia đình mới khám phá ra là cu cậu có đi học, có đóng học phí đàng hoàng thật, nhưng là đóng tiền cho mấy cái lò dậy võ ở trong Chọ Lớn! Lớn lên nó đi lính Nhẩy Dù. Ai cũng biết binh chủng Nhẩy Dù là một binh chủng oai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng trong đó cũng có không thiếu những tay “ba búa” như chú em tôi chẳng hạn. Ngoài cái là một người lính , nó còn là một tay bạc bịp – Một tay bạc bịp có võ nghệ – Thành ra những tay cờ bạc có tiếng ở Sài Gòn đều chạy mặt, không ai muốn chơi với nó. Muốn trổ nghề, nó phải xuống tận Cần Thơ, Mỹ Tho thông đồng với những tay bạc bịp ở dưới đó để tổ chức lột những “con mòng “ chưa biết nó là ai. Dù có võ nghệ, mỗi lần đi nó vẫn phải đem theo vài ba tên đàn em dao búa để lỡ có gì đàn em còn tiếp tay giải vây cho đại ca. Bình thường chắc chú em tôi khó lấy vợ, bởi tướng tá bậm trợn, lại mang tiếng xấu nhiều hơn tiếng tốt. Thế nhưng chính nhờ nghề cờ bạc bịp mà nó lại lấy được vợ, bởi ông già vợ nó cũng là một tay cờ bạc: “Qua phục cái tài cờ bạc của chú em mày mà qua gả con gái cho chú em mày đấy”! Trước khi chính thức trở thành bố vợ, ông nhạc tương lai của nó đã nói với nó như thế. Có lần tôi tới thăm, thấy vợ nó đeo vàng đỏ tay, khoảng tuần lễ sau tới lại đã thấy trụi lủi chả còn gì. Hỏi:

- Tuần trước thấy thím đeo vàng đỏ tay, sao hôm nay đâu hết rồi?

Thím em dâu tôi cười:

- Khi thắng thì anh ấy sắm cho, đến lúc thua lại lột sạch đem bán hết rồi bác ơi...

Mới chỉ đánh bạc “ăn gian” thôi mà đã tốn nhiều công phu như thế, thử hỏi các thứ “ăn” khác còn cao cấp hơn sẽ tốn công phu biết chừng nào? Như các cụ với chúng tôi bây giờ muốn “ăn” một tí hối lộ liệu có được không? Lớn không ra lớn , nhỏ không ra nhỏ, cứ nhàng nhàng thế này thì có mà ăn khối ra đấy, chẳng thà là một anh pờ lăng tông chạy giấy may ra còn có chút sơ múi. Muốn ăn hối lộ phải làm lớn, càng lớn càng tốt. Vậy muốn làm lớn thì phải làm sao? Phải học hành, phải có bằng cấp cao. Có băng cấp cao rồi nếu lại thêm một tí vây cánh, phe đảng nữa thì cứ lên như diều gặp gió. Ðủ điều kiện rồi lại phải quẳng mẹ nó cái lương tâm đi, lúc ấy có tha hồ mà ăn hối lộ!!!

Muốn ăn trộm, ăn cướp phải có cái “gan”. “Có chí làm quan, có gan làm giầu “ hoặc “Có gan ăn cướp, có gan ngồi tù”. Bộ tưởng ai cũng xách súng đi làm ăn cướp được chắc?

Dễ nhất có lẽ chỉ có cái anh “ăn có”. Lúc người ta làm thì mình lỉnh đi chỗ khác, hoặc không thèm tham gia, hoặc đứng ngoài chỉ trích, nhưng khi người ta thành công lại nhẩy vào đòi chia phần hoặc ngửa tay xin “chia cho em một tí”. Ðược thì tốt, không được thì thôi, “chai mặt”có một tí ấy mà!

Chúng tôi trình bầy như trên các cụ thấy câu “Nghề ăn cũng lắm công phu” quả là đúng quá phải không ạ?

Trở lại với câu cách ngôn “ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”, ngày còn là một chú học trò nhỏ, tôi đồng ý với thày giáo tôi hết sức và tôi cũng đã viết một câu kết luận được thày tôi khen. Nhưng càng có tuổi, càng lăn lóc nhiều tôi lại càng thấy như có cái gì không ổn. Dĩ nhiên có ăn mới có sống, nhưng nếu không sống thì làm sao mà ăn được? Người chết có ăn được không? Chúng tôi xin trình bầy một cách cụ thể và chỉ xin lấy ví dụ từ  những vị tai to mặt lớn, ăn sung mặc sướng, chứ không phải hạng bình dân  khố rách, ăn bữa sáng lo bữa tối.

“Ngài làm lớn, tiền của nhiều, ăn toàn cao lương mỹ vị, thức ăn bổ béo, uống toàn loại rượu hảo hạng. Người lúc nào cũng béo tốt khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. Ở ngài cái gì cũng được cả, trừ mỗi cái tật hơi xấu là thích ăn hối lộ và hảo ngọt. Còn mấy hôm nũa là sinh nhật của ngài, quà cáp cứ là đầy nhà. Tối hôm ấy, sau một bữa ăn ngon lành, ngài lên giường với một em thơm phức. Nửa đêm không hiểu sao ngài trúng gió cứng hàm, xùi bọt mép, không cứu được và ngài qua đời. Ðám táng của ngài, những kẻ vây quanh ngài để bợ đỡ, nịnh nọt trước kia có kẻ đi, có kẻ không. Còn quà cáp trù tính biếu ngài trong ngày sinh nhật của ngài thì nay chúng dấu biệt, để dành biếu cho người khác. Thế có phải chỉ vì không sống mà ngài đã hụt “ăn”không”?

Vậy nên chúng tôi chỉ xin phát biểu một cách ngắn gọn như thế này:”Ăn để mà sống, nhưng có sống thì mới ăn được”. Vị nào không đồng ý xin cứ giơ tay lên!

Posted on Thursday, August 06 @ 13:36:40 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by ngochuynh


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang