Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27812682
page views since June 01, 2005
MS85 - 08/09: Loạn Nhịp Tim

Sức Khoẻ

BS Nguyễn Ý Đức

Trong một phút, trái tim của người trưởng thành, khoẻ mạnh, đập khoảng 70 lần, mỗi lần đẩy ra 150ml máu. Một ngày tim đập 105,000 lần và bơm hơn 6000 lít máu vào 96,000 cây số mạch máu. Trong suốt đời người, tim lần lượt đâp cả gần ba tỷ nhịp, bơm ra cả triệu thùng máu.

Tim làm việc liên tục ngày đêm, không mệt mỏi, mặc dù tim chỉ to bằng nắm tay em bé và nặng trên 300 gram. Khả năng và cấu tạo của tim vẫn tương đối toàn vẹn cho tới khi con người đi vào tử biệt, nếu không xảy ra những biến cố, khó khăn. Một trong những khó khăn đó là sự rối loạn trong nhịp đập của tim.



Trái tim

Tim được ví như hai cái bơm nằm song song giữa lồng ngực. Mỗi bơm có nhiệm vụ khác nhau nhưng hoạt động nhịp nhàng, phối hợp vì được cùng một trung tâm điều khiển.

Hai ngăn trên để tiếp nhận máu có tên là tâm nhĩ, hai ngăn dưới, tâm thất đẩy máu ra ngoài tim. Tâm nhĩ nhỏ, không cần mạnh lắm vì chỉ cần bơm máu xuống tâm thất, rất gần. Tâm thất lớn hơn, mạnh hơn, đặc biệt là thất trái, bơm máu xa tới cả chục ngàn cây số động mạch lớn nhỏ khắp cơ thể.
Bốn van một chiều nằm ở cửa vào (van nhĩ thất) và cửa ra (van bán nguyệt) của mỗi tâm thất.

Van nhĩ-thất phải, còn gọi là van-ba-lá, mở ra để máu chẩy từ nhĩ phải xuống thất phải. Van khép lại khi thất phải co bóp, đẩy máu lên động mạch phổi, ngăn không cho máu dội ngược lên trên.

Van nhĩ-thất trái hoặc van-hai-lá mở ra khi máu từ nhĩ trái xuống thất trái; khép kín khi máu từ thất phải được đưa vào động mạch chủ. Các van này có thể bị hở hoặc chai cứng, gây trở ngại cho sự lưu thông của máu. Hai van động mạch phổi và động mạch chủ nằm ở gốc các động mạch này, ngăn không cho máu trở lại tim, sau khi đã được bơm ra.

Nhịp Tim

Tim co bóp do một nhóm tế bào đặc biệt nằm ở vách sau của tâm nhĩ phải khởi xướng và quyết định số nhịp đập của tim. Ðó là nút- xoang- nhĩ (sino-atrial node), một máy điều hoà nhịp tim (pacemaker) tự nhiên.

Nút phát ra những xung lực điện, được những sợi cơ tim đặc biệt dẫn truyền tới kích thích các ngăn của tim co bóp. Âm thanh co bóp được diễn tả bằng hai âm tiết “lubb” và “dupp” , nghe được khi ta đặt tai vào ngực để nghe. Âm “lubb” trầm, dài hơn, khi tâm thất bắt đầu bóp và các van nhĩ thất khép lại. Âm “dupp” thanh nhưng ngắn hơn khi tâm thất bắt đầu thư giãn và các van bán nguyệt khép lại.

Mạch (pulse) là do sóng áp suất chuyển tới động mạch mỗi khi trái tim co bóp, đẩy máu ra ngoài. Mạch được nhận ra dễ dàng trên các động mạch nổi gần mặt da như động mạch quay (radial artery) ở cổ tay động mạch cảnh (carotid artery) ở cổ, động mạch ở cổ chân, ở bẹn, ở thái dương...

Mạch được tính theo số lần tim đập trong một phút và có thể đếm dễ dàng bằng cách đặt đầu ngón tay giữa và chỏ lên một động mạch nổi trên da. Ngón tay sẽ cảm thấy tiếng chuyển động nhè nhẹ của sóng áp lực trên mạch máu đó. Mỗi sóng tương ứng với một lần tim bóp.

Khi bắt mạch, nên thoải mái, thư giãn, vì nếu hồi hộp, lo lắng, nhịp tim thường nhanh hơn một chút. Ðếm mạch trong 1 phút hoặc trong 30 giây rồi nhân đôi để có số nhịp tim.

Nhịp tim bình thường tuỳ thuộc tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, thời gian trong ngày... Buổi sáng trước khi thức giấc, nhịp thấp nhất. Khi hít thở vào, nhịp hơi nhanh hơn và khi thở ra, nhịp hơi chậm. Nhịp phải đều đặn, có nghĩa là thời gian giữa hai nhịp phải bằng nhau.

Sau đây là số nhịp trung bình trong 1 phút:
- Trẻ em dưới 1 tuổi: 100 tới 160 nhịp/ 1phút
- Trẻ từ 1 tới 10 tuổi: 70 tới 120 nhịp/1phút
- Người từ 10 trở lên: 60 tới 120 nhịp/1 phút
- Vận động viên thể thao: 40 tới 60 nhịp/1 phút.

Phụ nữ có nhịp tim nhanh hơn nam giới khoảng 5 lần tim đập và được giải thích là tim quý bà hơi nhẹ hơn tim quý ông, mà nhẹ thì co bóp hơi nhanh hơn, nhiều hơn.

Dù tim đập là do chính trái tim điều khiển, nhưng nhịp tim có thể bị chi phối bởi hệ thần kinh và nhiều yếu tố khác. Ðó là:

a - Hệ thần kinh tự chủ có thể thay đổi nhịp tim tuỳ theo nhu cầu tuần hoàn của cơ thể. Các kích thích từ hệ thần kinh này làm nhịp tim nhanh hơn và tăng lượng máu do tim đẩy ra ngoài.

b - Kích thích từ hệ thần kinh phó giao cảm làm chậm nhịp tim.

c - Các hoá chất lưu hành trong máu như hormon, sắt, dược phẩm... cũng có thể thay đổi nhịp tim.

d - Tập luyện cơ thể đều đặn làm cơ tim mạnh hơn và tăng lượng máu đẩy ra mỗi lần tim đập. Khi nghỉ ngơi, nhu cầu máu được thoả mãn với nhịp tim chậm. Do đó nhịp tim ở các vận động viên thể dục, thể thao đều chậm.

Nhịp tim có thể cho biết nhiều chi tiết về tình trạng khoẻ mạnh hoặc đau yếu của cơ thể. Các vị thầy thuốc y học cổ truyền chỉ cần bắt mạch mà chẩn đoán được nhiều bệnh của lục phủ ngũ tạng.

Trong y khoa hiện đại, mạch là một trong bốn dấu hiệu chính cần được kiểm soát mỗi khi đi khám bác sĩ. Ðó là mạch, nhịp thở, thân nhiệt và huyết áp.
Ngoài ra, sinh hoạt điện của tim có thể được ghi bằng tâm-điện-đồ (EKG).

Loạn Nhịp Tim

Nhịp tim không bình thường là dấu hiệu có rối loạn nào đó trong việc khởi xướng các xung lực điện năng từ trung tâm tự động tim hoặc trong việc dẫn truyền các xung lực này tới tế bào tim. Trung tâm tự động tự nhiên của tim (pacemaker) nằm ở vách sau tâm nhĩ phải. Trung tâm này điều hoà nhịp tim đập.

Loạn nhịp tim có thể là tim co bóp quá nhanh, quá chậm hoặc không đều nhau.

Thực ra, ở người bình thường đôi khi cũng có vài thay đổi thoảng qua, vô hại của nhịp tim. Ðang lim dim suy nghĩ, mà có tiếng động mạnh là giật mình hoảng hốt. Gặp người tình lần đầu hò hẹn, chắc là nhiều người cũng đỏ mặt hồi hộp. Và trong cả hai trường hợp, tim đều rộn rã đập nhanh trong vài giây.
Nhưng nếu loạn nhịp kéo dài, khó thở, đau ngực, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh... thì nên cẩn thận, thông báo cho bác sĩ gia đình. Ðây có thể là dấu hiệu một bệnh nào đó ở bệnh tim hoặc của cơ thể.

a - Mạch chậm khi tim đập dưới 60 nhịp một phút.

Mạch chậm có thể là bình thường đối với các lực sĩ, các vận động viên thể dục, thể thao hoặc trong khi đang ngủ. Qua tập luyện cơ thể, trái tim của họ đã trở nên mạnh mẽ, khả năng bơm rất tốt sau mỗi lần co bóp, nên tim không cần đập nhiều mà vẫn đủ máu nuôi dưỡng mọi cơ quan, bộ phận. Ban đêm, cơ thể không cần nhiều máu, tim cũng nghỉ ngơi đôi chút, để ngày hôm sau làm việc.

Với nhiều người khác, nhịp tim chậm có thể là do rối loạn ở nút xoang nhĩ, nơi phát xuất tín hiệu điện để tim co bóp hoặc do gián đoạn sự dẫn truyền tín hiệu tới tế bào tim.

Bệnh tim, thương tích tim, tác dụng phụ của một vài dược phẩm (atenolol, ditiazem chữa cao huyết áp), bẩm sinh, suy nhược tuyến giáp... có thể là những nguyên nhân đưa tới chậm nhịp tim, và tim sẽ không bơm đủ máu nuôi cơ thể.

b - Nhịp tim nhanh khi tim đập trên 100 lần trong một phút.

Tim đập tạm thời nhanh hơn bình thường có thể xẩy ra khi vận động cơ thể mạnh mẽ, nóng sốt, sợ hãi, tác dụng phụ vài loại dược phẩm, kích thích tố... và không có ảnh hưởng nhiều lắm tới khả năng bơm máu của tim.

Nhưng khi nhịp tim liên tục thật nhanh và kéo dài thì có thể là do rối loạn ở nút xoang nhĩ và hệ thống dẫn truyền xung lực điện ở tim. Ngoài ra, các tế bào tim cũng có thể tự mình phát ra xung lực điện, tạo ra những nhịp tim riêng và gây rối loạn cho nhịp bình thường.

Sau đây là mấy trường hợp đáng lưu ý:

- Rung tâm nhĩ và tâm thất là những trường hợp tim đập nhanh và hỗn loạn, khiến cho tim không duy trì được sự co bóp đồng đều và giảm khả năng bơm máu.

- Rung tâm nhĩ có thể là hậu quả của cao huyết áp, vữa xơ động mạch, thấp khớp tim, cường tuyến giáp... Vì tâm nhĩ rung giật, máu không bơm hết xuống tâm thất, nên máu sót lại, đưa tới một hậu quả nghiêm trọng là tạo ra khối huyết. Huyết cục có thể di chuyển lên não gây ra tai biến não, tới động mạch tim gây ra nhồi máu cơ tim...

- Rung tâm thất thường gây ra do nhồi máu cơ tim và tim có thể ngưng đập. Tâm thất có nhiệm vụ bơm máu ra ngoài tim qua mỗi lần tim đập. Khi cơ của tâm thất rung liên hồi thay vì co bóp, máu sẽ không được đẩy ra để nuôi dưỡng các cơ quan bộ phận và hậu quả trầm trọng sẽ xẩy ra.

- Tế bào ở một điểm nào đó của tâm thất cũng có thể khởi xướng một nhịp tim đập rất nhanh, có khi tới gần 300 nhịp một phút. Người bệnh thấy chóng mặt, đau ngực, hồi hộp, khó thở và có thể đưa tới bất tỉnh, nguy hiểm cho tính mạng. Rối loạn này thường thấy trong trường hợp động mạch tim bị nghẹt, bệnh của các van tim, cơ tim hư hao...

c - Nhịp đập lạc vị (extrasystole) do một xung lực điện phát ra từ một nơi nào đó của tim, bên ngoài nút xoang-nhĩ. Nhịp tim không thay đổi, nhưng giữa những lần tim đập bình thường thì xuất hiện những tim đập thêm. Loạn nhịp này không nguy hiểm lắm và có thể gây ra do bất cứ một bệnh nào của tim, do sử dụng cafeine quá độ, do nicotine trong thuốc lá, do vài hoạt chất trong thuốc chữa cảm lạnh, thuốc trị bệnh hen suyễn... đôi khi cũng thấy ở người bình thường.

Ðiều Chỉnh Loạn Nhịp Tim

Loạn nhịp tim cần được bác sĩ chuyên khoa tim mạch xem xét kỹ càng về các dấu hiệu biểu lộ hoặc tìm thấy cũng như những hậu quả mà loạn nhịp có thể gây ra. Khi đã biết rõ nguyên nhân gây ra loạn nhịp, việc điều trị đều có thể thực hiện được với dược phẩm, các dụng cụ y khoa, giải phẫu tim...

Có nhiều loại dược phẩm rất công hiệu nhưng tác dụng phụ cũng không phải là ít, cho nên việc sử dụng cần được sự chỉ định và theo dõi của các thầy thuốc chuyên khoa. Mỗi loại loạn nhịp có dược phẩm riêng để làm tăng hoặc làm dịu nhịp.

Bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn về cách dùng, về liều lượng, về khó khăn có thể xẩy ra khi dùng thuốc. Ðôi khi, chỉ “sai một li là đi một dặm”, loạn nhịp trở nên ngưng nhịp, tim đứng yên...

Hiện nay, có nhiều phương thức, máy móc “chiêu hồi” loạn nhịp trở lại đều đặn, bình thường: phá rung bằng dòng điện, gài máy chuyển nhịp phá rung tự động (AICD), shock điện, tác động vào nhánh phó giao cảm dây thần kinh phế vị...

Máy điều hoà nhịp tim nhân tạo (artificial pacemaker), là thiết bị mà nhiều người có loạn nhịp tim đang dùng. Máy rất giản dị và nguyên tắc điều hành cũng dễ hiểu.

Bộ phận chính là một cái hộp lớn bằng nửa chiếc bánh bèo, gắn kín, chứa bình phát điện và bộ máy điện tử. Hai dây điện nối máy với tim. Bình điện dùng được mươi năm và thay thế dễ dàng.

Máy được gắn dưới lớp tế bào mỡ ở phần trên ngực, thường là phía bên phải. Dây dẫn điện được luồn vào tĩnh mạch dưới xương đòn gánh, vào tim.

Máy có nhiệm vụ canh chừng, nghe nhịp đập tự nhiên của tim. Khi không thấy nhịp xuất hiện sau một thời gian nào đó thì máy nhẹ nhàng nhắc nhở kích thích tim, “đập đi chứ!”.

Thời gian giải phẫu đặt máy rất mau, khoảng vài giờ và bệnh nhân có thể về nhà sau giải phẫu, nhưng đừng lái xe hơi.

Người mang máy có thể được sắp đặt theo dõi tự động qua hệ thống viễn liên. Rồi sau đó, cần được bác sĩ kiểm soát lại tuỳ theo tình trạng bệnh và tuỳ theo loại pacemaker. Nên giữ đúng hẹn để được tái khám.

An Toàn Pacemaker

Các máy điều hoà nhịp tim hiện nay đều được cải thiện về khả năng và an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý tới mấy điều như sau:

- Tránh những hoạt động quá mạnh trong thời gian 8 tuần lễ sau khi gắn máy.

- Sử dụng hết sức nương nhẹ cánh tay ở phía ngực mang máy.

- Tránh tiếp xúc với các máy móc quá cũ, không được bao che kín; tránh tắt, mở công tắc điện thường xuyên.

- Tránh đi qua cửa kiểm soát an ninh tại phi trường, máy dò kim khí có thể thay đổi khả năng của pacemaker và cục pin. Cho nhân viên kiểm soát coi thẻ chứng nhận mang máy điều hoà nhịp tim và yêu cầu kiểm soát cơ thể bằng tay.

- Không nên đứng gần các máy dò kim khí, các động cơ đang vận hành, cục nam châm.

- Không làm thử nghiệm MRI, vì từ trường của MRI rất mạnh, có thể di chuyển kim khí trong pacemaker, gây ra thương tích...

- Nên thông báo cho nhân viên y tế, nha sĩ là mình mang pacemaker, để tránh rủi ro có thể xảy cho máy khi tiếp xúc với các dụng cụ y khoa khác.
Khi máy bị hư hao, người bệnh sẽ thấy những dấu hiệu như bắp thịt gần máy co soắn, nhịp tim bất bình thường, khó thở, nặng ngực, chóng mặt, vết mổ sưng... Trong trường hợp này, cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay.

Phòng Ngừa Loạn Nhịp Tim

Ða số các nguyên nhân đưa tới loạn nhịp tim là do một bệnh nào đó của trái tim. Do đó, các phương thức phòng ngừa bệnh tim cũng áp dụng cho phòng ngừa loạn nhịp. Dinh dưỡng hợp lý, giảm chất béo; giữ cân nặng cơ thể trung bình; vận động cơ thể đều đặn, giới hạn rượu, không hút thuốc lá, giảm căng thẳng tinh thần...

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Tuesday, July 07 @ 10:28:52 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Sức Khoẻ
· News by ngochuynh


Most read story about Sức Khoẻ:
Huyết Trắng và Viêm Âm Đạo

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang