Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27814923
page views since June 01, 2005
MS35 - 05/05: Ngày Thuyền Nhân 27 Tháng 10, 1985

Lịch Sử Qua Lời KePhan Lạc Tiếp

Kết quả của công tác Vớt Người Biển Đông năm 1985 đã làm nức lòng cộng đồng người Việt khắp nơi.

Để quảng bá công tác này, đồng thời cũng để mở đầu vận động cho công tác Vớt Người Biển Đông năm sau, Uỷ Ban đã chính thức mời Bác Sĩ Alain Deloche, đương kim Hội Y Sĩ Thế Giới từ Paris qua Mỹ để ra mắt cộng đồng chúng ta và cùng Giáo Sư Nguyễn hữu Xương, chủ tịch Uỷ Ban, chính thức loan báo chương trình sắp đến. Công tác này được cụ thể lồng trong Ngày Thuyền Nhân được tổ chức tại Đại Học San Diego, ngày 27 tháng 10 năm 1985, nơi Giáo Sư Nguyễn hữu Xương đang giảng dạy.

Từ buổi sáng mới 10 giờ mà đồng bào đã lần lượt kéo đến. Mọi người được tận mắt nhìn thấy hình ảnh và tên tuổi của thuyền nhân mới được vớt bởi con tàu Jean Charcot, được triển lãm tại tiền đình Mandeville Center. Nhiều người đã vui sướng khi tìm thấy tên bè bạn của mình trong danh sách này. Có người tỷ mỉ hơn đã theo dõi hải trình tìm vớt thuyền nhân của con tàu Jean Charco được phóng lớn từ hải trình điện tử. Quý vị ấy đã nói: “Thì ra con tàu này luẩn quẩn ở gần Côn Sơn. Và chính nơi này tàu đã vớt được nhiều đồng bào nhất.” Người khác chú ý tới bản phân tích thành phần thuyền nhân và nói: “Đa số thuyền nhân là trẻ con và người lao động. Giới trí thức ít quá. Người già chỉ có vài người.” Khi mở cửa hý viện, đồng bào gần như bị khớp vì hý viện lộng lẫy quá. Những hàng ghế nhung màu đỏ sậm óng ánh dưới ánh đèn. Một khẩu hiệu lớn căng phía sau hàng ghế chót: Ngày Thuyền Nhân, chữ trắng trên nền vải xậm đã như một ngọn hải đăng hiện lên trong đêm tối. Màn nhung buông kín. Ban nhạc bắt đầu nhẹ nhàng trình tấu những bản nhạc vui. Ở một góc sân khấu, một màn ảnh lớn đã được để sẵn. Hai bên hội trường, ở khoảng giữa hai bên lối đi, hai máy truyền hình lớn cũng được thiết trí.

Đúng 1 giờ 30 quốc kỳ Việt, Mỹ được anh em Hướng Đạo trong đồng phục, mũ nhọn vuông múi, rước từ góc hý viện, tiến ra giữa sân khấu. Màn nhung từ từ mở ra. Huy hiệu của Uỷ Ban và huy hiệu của Hội Y Sĩ Thế Giới được phóng lớn treo ở trên cao, dưới là hàng chữ trắng Boat People S.O.S. Nữ ca sĩ người Mỹ, gốc Việt, Hoàng Yến, trong áo dài vàng tiến ra trước máy vi âm, trịnh trọng cất cao lời hát quốc ca Hoa Kỳ. Cả hội trường đứng lên nghiêm chỉnh. Lời ca cao vút, chất ngất. Sau đó là đoàn hợp ca Hương Việt, gồm 30 giọng, đứng sẵn trên sân khấu, cất cao lời, hát bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hoà. Cả hội trường cùng hát theo. Nhiều đôi mắt rưng rưng. Sau đó là phút mặc niệm để tưởng nhớ những chiến sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc, cũng như tưởng nhớ những đồng bào đã vì Tự Do mà bỏ mình trên biển khơi, giữa lúc bản nhạc “Chiêu Hồn” cất lên ai oán.

Phần thủ tục chấm dứt, Giáo Sư Nguyễn hữu Xương, Chủ Tịch Uỷ Ban tiến ra sân khấu, ngỏ lời trước cử toạ: “…Mục đích của Ngày Thuyền Nhân hôm nay là để chúng ta có cơ hội bày tỏ lời cám ơn với Hội Y Sĩ Thế Giới, qua sự hiện diện của Bác Sĩ Alain Deloche, và sau đó cũng là dịp để Uỷ Ban chúng tôi tường trình cùng đồng bào về công tác Vớt Người Biển Đông của con tàu Jean Charco trong thời gian vừa qua…” Sau đó là phần giới thiệu những vị khách từ xa đến. Đầu tiên trên hàng ghế danh dự bên cạnh hội trường là Nhạc Sĩ Phạm Duy và phu nhân đứng lên trước sự vỗ tay của toàn thể hội trường. Ngay sau đó là Nữ Tài Tử Kiều Chinh trong áo dài lam tươi cười bước ra trước ánh đèn của máy thu hình. Bên cạnh nữ tài tử Kiều Chinh là Bà Polly Platt, đạo diễn điện ảnh của hãng phim 20th Century Fox. Sau đó ánh đèn quay qua phía bên mặt hội trường, và phái đoàn Hội Ái Hữu Quảng Trị từ Santa Ana đến, đứng lên. Tiếp đến là phái đoàn của sinh viên Đại Học UCI, và vùng phụ cận. Ông Nguyễn văn Nghi, Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt San Diego… Cứ như thế, lần lượt với những tràng pháo tay. Chưa bao giờ San Diego lại có sự họp mặt đông vui và tha thiết như thế.

Từ trên sân khấu nhìn xuống, chúng ta thấy hội trường kín mít, kể cả hai bên hành lang. Đèn tối dần, và tiếng xướng ngôn viên nói: “Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại Biển Đông để biết tới những cảnh huống bi hùng của đồng bào ta trên đường đi tìm Tự Do…” Đèn trong hội trường tắt hẳn; ba màn ảnh lớn hiện lên; giữa màn ảnh xuất hiện 4 chữ: Vớt Người Biển Đông. Tiếng hát của Thuỳ Hạnh cất cao bài Chèo Thuyền Vượt Sóng như oà vỡ khắp hội trường.

Tiếng sóng vỗ rạt rào. Người ngồi trước màn ảnh như cảm thấy đâu đây hơi gió lạnh của vùng biển quê nhà. Và giữa vùng biển xanh ngắt hiện lên chiếc ghe nhỏ bé, lúc thấy lúc không trước những làn sóng cao trắng xoá. Chiếc ghe lớn dần. Người ta đã nghe thấy tiếng kêu cứu, tiếng trẻ con khóc, tiếng gọi nhau. Chiếc ghe đã áp vào bên thành con tàu nhân nghĩa. Cảnh vớt người bắt đầu. Bao nhiêu là cảm động. Những người mệt lả. Những trẻ nhỏ tròn như một củ khoai được chuyền tay đưa lên tàu. Chiếc ghe vượt biển đã rỗng không, sơ xác, chòng chành.

Trong lòng ghe chỉ còn những rác rưởi và những mảnh quần áo nhàu nát. Thuỷ thủ đoàn đẩy chiếc ghe ra xa và bắt đầu phóng hoả để tránh làm những trở ngại ở biển khơi. Cột khói bốc cao rồi thành một khối lửa đỏ bùng lên. Những thuyền nhân vừa được vớt đứng bên thành tàu nhìn ra mặt biển xanh, theo dõi chiếc ghe bé nhỏ của mình đang chìm dần, chìm dần, rồi mất hẳn vào lòng biển.

Đèn bật sáng, 40 phút nhạt nhoà những đau thương và nước mắt. Có người đã khóc và nghẹn ngào nói: “Nếu con tàu còn hoạt động thì vợ con tôi…” Những thùng lạc quyên được đem ra sử dụng. Những đồng tiền ân nghĩa được đón nhận, có cả những đồng bạc mệnh giá 100 mỹ kim và những chi phiếu. Tổng cộng thu được là 1614,18 Mỹ kim.

Sau đó là phần trình diễn văn nghệ với sự đóng góp bất vụ lợi của Nhạc Sĩ Phạm Duy, Đoàn Vũ Lâm Tỳ Ni, Ban Hợp Ca Hương Việt, Ca Sĩ Hoàng Yến, Ban Cổ Nhạc Việt Nam, Gia Đình Phật Tử Hướng Thiện, Ban Đại Hợp Xướng Gia Đình Công Giáo San Diego, Ca Sĩ Hoàng Bá Tước, Rick Murphy, Nghệ Sĩ Hoàng Nam, Mai Trâm, Thuỳ Hạnh, Thanh Huyền… Tất cả các tiết mục đều diễn ra rất linh động. Hội trường mỗi lúc như mỗi đông thêm. Thi sĩ Viên Linh xúc động đã yêu cầu ban tổ chức dành cho ít phút để lên ngâm mấy câu thơ trích trong tập Thuỷ Mộ Quan của ông, nói về cảnh huống bi hùng của người Việt Nam trên đường vượt biển. Trước khi chấm dứt phần văn nghệ, Nhà Văn Nhật Tiến, đại diện Uỷ Ban tiến ra sân khấu, trân trọng trao tặng Nhạc Sĩ Phạm Duy tấm huy hiệu của Uỷ Ban, với hàng chữ: “Kính tặng Nhạc Sĩ Phạm Duy, Một Chiến Sĩ Văn Hoá Không Bao Giờ Mệt Mỏi”.

Nhạc Sĩ Phạm Duy đã nâng cao tấm huy hiệu và tươi cười nói: “Tôi không bao giờ mệt mỏi. Xin đồng bào tiếp tục cứu vớt thuyền nhân, không bao giờ mệt mỏi.” Hội trường lại bừng lên những tràng pháo tay tưởng như không muốn dứt.

Cho đến lúc ấy ở trước hội trường, các ký giả báo chí và đài truyền hình Mỹ địa phương đang vây quanh Giáo Sư Nguyễn hữu Xương, Chủ Tịch Uỷ Ban để thâu hình và đặt những câu hỏi liên hệ đến công tác Vớt Người Biển Đông. Một đại diện Văn Phòng Phó Thống Đốc Tiểu Bang California đem một bức thư khen ngợi Uỷ Ban và Hội Y Sĩ Thế Giới, đóng trong khung kính khổ lớn, cũng vừa đến. Tất nhiên anh em báo chí Việt ngữ xa gần cũng có mặt, nhưng rất thông cảm, tạm thời nhường cho báo chí Mỹ tíu tít hành nghề. Đúng 4 giờ 30, Bác Sĩ Alain Deloche, Chủ Tịch Hội Y Si Thế Giới tới. Cả hội trường nôn nao chờ đợi, nhưng Bác Sĩ Alain Deloche và Giáo Sư Xương phải nán lại bên ngoài hội trường để trả lời những câu hỏi của báo chí truyền hình Hoa Kỳ. Khi nhị vị chủ tịch bước vào hội trường, tất cả hội trường bỗng đứng cả lên. Tiếng vỗ tay tưởng vang dội rất lâu, xen lẫn những lời kêu lớn: Cám ơn. Chúng tôi cám ơn quý vị. Thanks. Merci. Merci Medecins du Monde. Hai vị chủ tịch rất khó khăn di chuyển giữa rừng người và những cánh tay đưa ra vẫy chào và những cái bắt tay vội vã. Cuối cùng, Giáo Sư Xương cùng Bác Sĩ Alain Deloche tiến ra giữa sân khấu, trước ánh sáng chói loà và tua tủa những máy ghi âm của các đài truyền hình. Đợi cho hội trường lắng lại, Giáo Sư Xương nói: “Thưa quý vị, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị, đây là Bác Sĩ Alain Deloche, Chủ Tịch Hội Y Sĩ Thế Giới… (tiếng vỗ tay lại bùng lên vang dội). Xin phép quý vị cho tôi được dùng Pháp Ngữ để bày tỏ lời cảm tạ với Bác Sĩ và Hội Y Sĩ Thế Giới.” Tiếp sau đó là vị đại diện Hội Quảng Trị tiến ra tặng hoa cho Bác Sĩ Alain Deloche. Với bó hoa trên tay, Bác Sĩ Alain Deloche đã nói một bài diễn văn thật hay, thật cụ thể, được xướng ngôn viên dịch ngay từng đoạn. Bài diễn văn ấy đã kết thúc bằng các lời minh xác như sau:

“Chúng tôi sẽ trở lại Biển Đông cùng quý vị. Tương lai của thuyền nhân nằm trong tay chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau hoạt động.”

Mỗi lời khẳng định vừa dứt, là một tràng pháo tay nổ tung cùng những tiếng reo hò đầy phấn kích. Một số đại diện các đoàn thể lên trao tặng phẩm cho Bác Sĩ Alain Deloche. Và quan trọng nhất là phần trao chi phiếu. Nữ Tài Tử Kiều Chinh trong áo dài xanh thêu hoa vàng đã tiến ra sân khấu, và bằng giọng nói rất “đầm”, bằng Pháp ngữ, bà đã nói: “Thật là một vinh dự lớn lao cho cá nhân tôi được có mặt tại đây để bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa trước việc làm cao cả của Bác Sĩ và Hội Y Sĩ Thế Giới trong công cuộc cứu vớt đồng bào tôi. Tôi được ban tổ chức nhờ chuyển đến Bác Sĩ một chi phiếu 71,610.60 Franc, tương đương với 8000 Mỹ kim của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc Châu gửi đến.” Rất lịch sự Bác Sĩ Alain Deloche cúi đầu đón nhận rồi nâng cao chi phiếu này trước mặt mọi người. Tiếp theo là đại diện anh chị em sinh viên Việt Nam tại UCI lên trao chi phiếu 2827.53 Mỹ kim, là kết quả cuộc trình diễn văn nghệ kỳ 4 vừa qua. Sau chót là ông Huỳnh văn Hay, thủ quỹ, đại diện Uỷ Ban, lên trao chi phiếu khổng lồ 20,000 Mỹ kim. Như thế riêng trong Ngày Thuyền Nhân tại San Diego, cộng đồng chúng ta đã trao cho Bác Sĩ Alain Deloche một ngân khản là 30,000 Mỹ kim, nâng tổng số ngân khoản mà Uỷ Ban đã chuyển tới Hội Y Sĩ Thế Giới là 60.000 Mỹ kim. Giáo Sư Nguyễn hữu Xương và Bác Sĩ Alain Deloche đứng giữa, và hai bên là những vị đại diện các đoàn thể của cộng đồng người Việt hiện diện, tươi cười hướng về hội trường, giữa lúc Ban đại hợp xướng lại xuất hiện bao quanh, cất cao bản nhạc Hội Trùng Dương. Và sau chót là ca khúc “Việt Nam, Việt Nam”. Cả rừng người bỗng nhiên đứng lên vỗ tay theo lời hát. Là người tổ chức và điều khiển chương trình, tôi thấy mắt mình cay, lòng mình tràn ngập một nỗi vui của thương yêu và đùm bọc. Giáo Sư Xương, bước tới máy vi âm và nói lời cuối trong Ngày Thuyền Nhân: “Đa số chúng ta là cựu thuyền nhân, chúng ta phải cố gắng tự cứu chúng ta trước, sau đó chúng ta mới có tư cách để yêu cầu thế giới tiếp tục cứu vớt chúng ta.” Hộâi trường tan dần trong tiếng hát đầy gắn bó thương yêu đó.

Vào buổi tối, một bữa tiệt rất long trọng do Hội Y, Nha, Dược Sĩ Việt Nam tại San Diego khoản đãi, được tổ chức tại nhà hàng King Garden, San Diego. Trong dịp này Giáo Sư Tô Đồng, Nguyên Khoa Trường Dược Khoa Sài Gòn, hiện là Chủ Tịch Hôi Dược Sĩ Việt Nam tại đây, đã long trọng mở đầu phần nghi lễ, giới thiệu Bác Sĩ Alain Deloche trước toàn thể quan khách. Tiếp theo là Bác Sĩ Trần văn Khang, Chủ Tịch Hội Y Sĩ Việt Nam tại đây đã lên trước máy vi âm, bằng Pháp ngữ, ca ngợi việc làm cao đẹp của Hội Y Sĩ Thế Giới. Hiện diện trong bữa tiệc này có rất đông quý vị Y, Nha, và Dược Sĩ, đại diện các đoàn thể, các vị đại diện tôn giáo và những vị ân nhân của thuyền nhân. Trong dịp này, đại diện các báo chí Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội đã tiếp tục phỏng vấn thêm về những chi tiết trong công tác Vớt Người Biển Đông vừa qua, đặc biệt là những gì mà Uỷ Ban và Hội Y Sĩ Thế Giới đang sửa soạn cho công tác sắp tới. Một cách cụ thể, một văn kiện viết bằng 3 ngôn ngữ, có chữ ký của hai vị chủ tịch của 2 tổ chức, được ký vào ngày 27 tháng 10 năm 1985, để cùng nhau hợp tác tìm mọi cách cứu vớt thuyền nhân (đính kèm dưới đây).

Từ văn kiện này, hai bên đã hoạch định những công tác như sau:

- Gửi các bác sĩ đến săn sóc các thuyền nhân tại các trại tỵ nạn. Đặc biệât gửi những bác sĩ tâm thần đến săn sóc những cô gái nạn nhân của hải tặc đã trở nên mất quân bằng về tâm trí.

- Cố gắng để có một con tàu hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam để cứu vớt hoặc trợ giúp những thuyền nhân trên đường đi tìm Tự Do.

- Trong các công tác trên, sẽ tìm mọi cách để giải thoát những cô gái bị hải tặc bắt đi và bán cho các ổ mãi dâm.

Được biết hôm trước, ngày 26 tháng 10, 1985, Giáo Sư Nguyễn hự Xương, Chủ Tịch Uỷ Ban đã hướng dẫn Bác Sĩ Alain Deloche, Chủ Tịch Hội Y Sĩ Thế Giới lên Thành Phố San Jose, Bắc Cali để ra mắt cộng đồng chúng ta tại đây. Một cuộc tiếp đón thật long trọng và rất cảm động đã được diễn tại nơi được mệnh danh là “Thủ Phủ của Tình Thương” dành cho đồng bào vượt biển.

Mạch Sống Số 35, tháng 5, 2005

Posted on Tuesday, May 31 @ 10:40:21 EDT by admin
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by admin


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang