Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27814581
page views since June 01, 2005
MS82 - 05/09: Mất Việc Đừng Mất Vợ

Mái Ấm Gia Đình

Dạ Lữ Hành

“Ai nói rằng tiền bạc không mua được hạnh phúc, người ấy chưa biết mua sắm,” Anon.

Tiến sĩ Andrew Oswald, Giáo sư kinh tế, Đại học Warwick, người hướng dẫn cuộc thăm dò 6.000 người bên Anh quốc ròng rã trong 8 năm trời, nói rằng “Chúng tôi thấy rằng thất nghiệp mang tầm mức rất quan trọng đối với con người, đối với kinh tế và đối với những nguyên nhân xã hội; kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy người ta rơi vào tâm trạng căng thẳng vì mất việc hơn là mất vợ (hay mất chồng).”

Thực ra vấn đề chính không phải là vì mất việc, nhưng từ mất việc đi tới tiền bạc, và khi bàn đến tiền bạc thì những thứ khác ào ào kéo tới như: nỗi lo lắng về tiền nhà mỗi tháng, tiền xe phải trả, tiền học phải đóng, tiền điện, tiền gas… Những thúc bách này có thể gây ra những căng thẳng về tinh thần, về tương quan, về hôn nhân.



Bà Bích Ngọc có vẻ mệt mỏi. Bà không biết vì sao hai vợ chồng bỗng dưng khó nói chuyện với nhau đến thế. Bà và chồng đã vượt qua rất nhiều thử thách lớn từ chuyện vượt biên, đến những năm tháng sống khổ cực trong trại tỵ nạn, đến những ngày tháng đầu tiên lạ lẫm trên đất Mỹ. Thế mà khi chồng mới thất nghiệp, cả hai cảm thấy trời đất như muốn sụp đổ. Vì hàng hóa ế ẩm, tồn đọng, hãng quyết định sa thải vài trăm nhân viên, trong số đó có chồng của bà. Vì nhiều người trong vùng mất việc cùng lúc, nên kiếm ra việc ngay là cả một vấn đề. Chồng bà hoàn toàn thất vọng, và như chẳng thèm săn tìm việc mới nữa. Về nhà, bà thấy chồng vẫn còn mặc quần áo ngủ, chơi computer games. Đã thế, chồng bà mất hẳn sự thân mật vợ chồng, mỗi ngày mỗi thêm lầm lỳ, cáu kỉnh. Ông có vẻ chạy trốn, hay rất dễ to tiếng khi đề cập tới việc làm, tới những phí tổn cần trang trải mỗi tháng.

* * *

Minh và Nguyệt quen nhau từ Văn Khoa Saigon, rồi cùng vượt biên và tỵ nạn trên đảo Pulau Bidong. Khi được định cư tại Mỹ, cả hai cùng đi học lại và cưới nhau khi họ tốt nghiệp kỹ sư điện toán. Sau năm năm, có một đứa con và một căn nhà trị giá hơn nửa triệu. Cuộc sống lên hương, gia đình hạnh phúc. Thế rồi kinh tế chậm lại, Nguyệt “on the bench”. Hai vợ chồng cảm thấy bồn chồn lo lắng. Sau ba tháng, Nguyệt được gọi lại làm việc nhưng ở một tiểu bang khác, thứ Hai đi, thứ Sáu về. Mấy tháng sau, Minh mất việc vì cả department của công ty rời đi tiểu bang khác. Tuy rằng được công ty trả mấy tháng lương trong thời gian thất nghiệp, nhưng tìm việc trong gian đoạn này không dễ, lại phải coi con khi Nguyệt đi làm xa. Câu chuyện của hai vợ chồng bắt đầu xoay quanh tiền bạc, cách tiêu xài. Minh ít mua sắm, nhưng lại tiêu món tiền lớn mỗi khi mua. Nguyệt thì tiêu nhỏ, nhưng tiêu hoài hoài, nàng mang về quần áo mới, đôi giầy mới hầu như mỗi tuần. Hai người cũng “eat out” rất thường xuyên và Nguyệt thì luôn luôn chọn nhà hàng sang, món ăn mỹ vị. Khi bàn đến tiền bạc, “cách” tiêu tiền của mỗi người xuất hiện trong câu chuyện. Cách tiêu tiền chưa hẳn là về tiền, nhưng là về con người, về tư cách, về giá trị. Đụng tới vấn đề này, Minh Nguyệt đụng tới lãnh vực rất nhạy cảm “cái tôi”, và có thể đi đến tình trạng chỉ trích, chê bai, chống chế và chuồn vào câm nín.

* * *

Mới chiều Chúa Nhật vừa qua, Danh và Liễu nói chuyện về công ăn việc làm của Danh. Trong thời gian gần đây, những thay đổi đáng kể về cấp lãnh đạo của công ty đã gây căng thẳng và nhiều bực mình khiến Danh không chu toàn công việc cách tốt đẹp. Nhiều lần, sau một ngày làm việc, Danh về nhà mà đầu óc quay cuồng nhức nhối với cảm giác chán chường mệt mỏi. Anh nói với vợ chắc đã đến lúc phải tìm việc mới.

Chiều nay, khi điện thoại cầm tay reo với nốt nhạc vẫn dành riêng cho chồng, Liễu thấy tim mình đập mạnh hơn, linh tính có chuyện chẳng lành. Tiếng Danh trầm buồn ở đầu giây “Liễu, em có thể về nhà được không? Họ cho anh nghỉ việc rồi”. Liễu vội vàng ra về, tay run run khi lái xe, đầu óc hơi bần thần… và một vài giọt nước mắt lăn trên má. Về tới nhà Liễu thấy chồng mình ngồi bất động, chóng mắt nhìn vào khoảng trống trước mặt. Chưa bao giờ Liễu cảm thấy lòng mình chùng xuống vô vọng đến thế.

* * *

Dĩ nhiên là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, đàng khác mỗi người một hoàn cảnh chẳng ai giống ai; gia cảnh của vợ chồng Danh-Liễu khác với vợ chồng Minh-Nguyệt, cũng chẳng giống với câu chuyên của bà Bích Ngọc. Tuy nhiên, một mẫu số chung vẫn có thể rút ra từ những trường hợp đặc thù, và từ mẫu số chung ấy có thể đề nghị một vài giải pháp chung có thể áp dụng một cách hữu hiệu.

Kinh tế khủng hoảng, tiền lạm phát, vật giá lên cao, mất việc, nhà bán chẳng ai mua. Bỗng dưng cuộc sống không còn là màu hồng nữa. Từ tinh thần tới tình cảm trong cơn sốt và tương quan vợ chồng bên bờ thử thách, căng thẳng. Một tương quan bất ổn, kể cả tương quan êm ấm, có thể trải qua nhiều sóng gió cam go. Vợ chồng có thể kiếm chuyện, gây gỗ, xích mích về tiền bạc, tiêu xài, của chung của riêng. Những vấn đề này, luôn luôn có đó, tuy nhiên khi thuận buồm xuôi gió, khi trên bàn ăn dư thừa thịt cá bánh trái, vấn đề như ngủ yên.

Theo nhiều cuộc thăm dò xem vợ chồng thường tranh chấp về chuyên gì, thì tiền bạc được xếp thứ hai sau ngoại tình. Thực ra, vợ chồng không tranh chấp nhau về tiền bạc, nhưng tiền bạc là đầu mối gây ra nhiều chuyện bất hòa trong hôn nhân hơn mọi người nghĩ.

Mới đây bán nguyệt san Forbes liệt kê 8 mối đe dọa mà vợ chồng bất kể giầu nghèo, cần cảnh giác đề phòng.

1. Giàu sang: “Theo một cuộc thăm dò mới đây thì 83% trong giới nhà giàu nói rằng rất có thể xin ly dị vì sự thua lỗ quá lớn về tài chánh.”

2. Tài chánh không tương xứng: “82% dân nhà giàu tuyên bố rằng sự không tương xứng về tài chánh là nguyên nhân số một khiến họ ly dị.”

3. Trầm cảm: “Hầu như một nửa dân chúng Hoa Kỳ cho biết đã rơi vào tình trạng trầm cảm từ năm ngoái. Đây là một điềm xấu cho hôn nhân, bởi vì khi mức trầm cảm cao có thể gây ra nhiều chuyện từ cáu kỉnh nóng giận tới khó khăn trong việc chăn gối vợ chồng.

4. Nhà cửa mất giá: “Tại quận Cam, California, ở nơi mà nhà cửa có giá cao rồi bỗng bị trụt xuống thì số ly dị từ tháng bảy tới tháng chín năm 2008 tăng 5% so với cùng thời gian năm 2007.”

5. Không có kế hoạch tài chánh: “Nancy Cooley, một thành viên thâm niên cao cấp của Smith Barney nói ‘Trong thời điểm như lúc này, chuyện không có kế hoạch tài chánh hay không có cố vấn tài chánh, có thể là đặt tương quan của mình vào cơn thử thách”.

6. Chuyện đối thoại: “Người đóng chặt những ưu tư sợ hãi của mình sẽ là người tự đặt mình trong nguy cơ nếu có chuyện bất ổn xảy ra.”

7. Nơi chốn: “Nơi mình sinh sống có liên hệ tới mức độ trầm cảm của mình. Kết quả của thăm dò cho thấy rằng dân cư trong thành phố New York và Detroit có mức độ trầm cảm cao về cả hai lãnh vực gia đình và tài chánh.”

8. Chán chường thất vọng: “Tiến sĩ tâm lý Jonathan Rich cho rằng kinh tế có thể làm tăng thêm sự chá chường, thất vọng; ông nói “Tôi nghĩ rằng người ta có thể trở nên thất vọng vì cảm thấy cố gắng của mình sẽ chẳng bao giờ được đền bù”.

Qua tám điểm vừa nêu trên, cũng như qua cuộc sống thường ngày trong mỗi gia đình, tiền bạc là một vấn đề tế nhị và phức tạp đối với nhiều cuộc sống lứa đôi. Ngoài xã hội cũng như trong gia đình, tiền bạc có một quyền lực. Người xưa thì nói “Có tiền mua tiên cũng được”, thời nay thì ví von hoa lá cành hơn:

Tiền là tiên là Phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân,
Là cán cân của công lý.

Tranh chấp, vật lộn với nhau để dành quyền lực qua tiền bạc, hay khi sa cơ lỡ vận bị bó tay bó chân vì thiếu tiền, có thể dễ dàng làm cho hai người không thấy được rằng họ đang bị những xung khắc về tiền bạc xé nát tương quan tình yêu của mình.

Bình thường, bảo vệ và làm phong phú thêm tương quan tình yêu đã khó, thì lại càng khó hơn khi có những khó khăn của hoàn cảnh, của môi trường, của thời mà bàn tay con ma kinh tế thọc vào túi tiền moi dần dần đi. Nhưng người Việt Nam thường hãy diện nói “Đường đi khó, không khó vì ngăn song cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”, hay có vẻ kiêu hãnh hơn, khi nói “Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ”. Victor Frank thì nói một cách triết lý rằng “Khi chúng ta không có cách chi để thay đổi hoàn cảnh, cái thách đố chúng ta là thay đổi chính mình”.

Trong khi chính quyền đang cố gắng làm sống lại nền kinh tế, thì vợ chồng có thể giúp nhau sống tương quan tình yêu của mình cách sung mãn hơn. Xin đề nghị những bước nhỏ dưới đây:

1. Nhất quyết giữ ưu tiên cho tình yêu vợ chồng:

Trong thời kinh tế khủng hoảng (hay trong bất cứ thời điểm xuống tinh thần nào) vợ chồng thường dễ quên mất tầm quan trọng của tương quan tình yêu. Để bảo vệ công ăn việc làm, người vợ/chồng dồn hết tâm lực thời giờ để “làm tốt hơn, gây thành quả ngoạn mục hơn” ở công sở; cũng có thể cả hai vợ chồng cùng làm nhiều giờ hơn để có thêm tiền. Sự lời lãi về tiền bạc là sự thua lỗ cho tình yêu. Tiền đã đi vào tâm điểm thay thế cho tương quan; sự thân mật đã bị đánh đổi cho nỗi lo sợ.

Ý thức về sự đổi chác tai hại trên là điều thiết yếu để duy trì tình yêu và tương quan hôn nhân. Với một chút bàn định tính toán, vợ chồng có thể duy trì “một vùng phi lo sợ”, bảo vệ những “giây phút bất khả xâm phạm” cho hai người nghĩ về nhau, và về những khía cạnh tốt đẹp của tương quan giữa hai người.

2. Tìm những thú lãng mạn mới:

Cũng đừng để những giây phút lãng mạn vụt cánh bay đi. Rất dễ tạo những giây phút thần tiên khi có tiền trả cho những bữa ăn thịnh soạn, những món quà đắt tiền, những chuyến du lịch vào động thiên thai. Khi không có khả năng làm thế thì không có nghĩa là đành để cảm xúc lãng mạn tan biến mất. Dùng sáng kiến tạo bữa ăn thanh đạm dưới ánh đèn bạch lạp, một buổi đi dạo dưới ánh trăng, một bản tình ca, một lá thơ tình vắn gọn. Mục đích là để tưới gội, nuôi dưỡng cho mối tương quan vẫn sống động vẫn tươi mát.

Có một nếp sống phong phú, có một tương quan nồng thắm, thiết tha, thân mật, không lệ thuộc vào sự phong phú tiền bạc. Phải chăng “hai trái tim vàng trong mái nhà tranh” là thế đó.

3. Nói với nhau:

Dùng ngay cơ hội khủng hoảng kinh tế của mình để chân thành cởi mở bày tỏ cho nhau về nỗi lo sợ, mơ ước, những vấn đề thầm kín sâu xa. Bàn với nhau về kế hoạch tài chánh như mở một ngân khoản cho những trường hợp khẩn cấp, giảm bớt chi tiêu, dành thêm cho việc đầu tư, cho quỹ tiết kiệm, cho công việc từ thiện bác ái.

Khi chân thành chia sẻ, vợ chồng có thể hiểu thêm về  cách mỗi người ứng phó với những khó khăn trong đời. Xin lấy trường hợp của Vân và Khánh làm ví dụ. Khánh làm cho một hãng bảo hiểm khá lớn. Anh bị cho nghỉ việc vì cả khối vi tính của anh chuyển qua Ấn Độ. Khánh vội vàng nhận làm việc mới ít lương hơn nhiều. Lần đầu tiên từ khi lập gia đình, Khánh phải đối diện với một lới tức quá nhỏ cho nhu cầu của gia đình. Thay vì tìm tâm sự với Vân, vợ mình, Khánh giữ kín nỗi lo sợ, chỉ một mình mình biết một mình mình hay; anh cảm thấy mình không làm trọn bổn phận người chồng. Càng chật hẹp về tài chánh anh càng cảm thấy sự tự trọng bị tổn thương.

Cảm thấy bị cô lập, cũng như vừa buồn vừa lung túng trước thái độ câm nín khó hiểu của chồng,  Vân bình tĩnh đối thoại tìm hiểu cảm nghĩ của Khánh, với tình yêu Vân muốn cảm thông những gì sâu xa nằm dưới thái đồ kỳ cục của chàng. Thật quý hóa, sau ba lần tâm sự, những bất đồng được thay thế bằng sự bình an thoải mái. Vân Khánh đã không để cho tương quan giữa hai người bị tổn thương vì câm nín, không vì mất việc mà mất luôn cả tình yêu hôn nhân.

Rất cần cho con cái biết về tình cảnh mới của gia đình. Nói cho con nghe những diễn tiến mới, chẳng hạn vì chồng không đi làm nên sẽ đảm trách những công việc mà vợ vẫn làm; chia sẻ với con cái về những thích nghi mới về tài chánh, kể cho con cái về những thành quả của cố gắng tìm việc làm. Có thể con cái giúp mở rộng cơ hội tìm việc qua cha mẹ của bạn bè của chúng.

4. Nhìn nhận và chấp nhận thay đổi vai trò:

Chúng ta đều giữ vai trò khác nhau trong tương quan (và trong cuộc đời). Thường thì khi thay đổi người mang cơm bánh về cho gia đình mang đến sự thay đổi vai trò trong tương quan. Sự thay đổi này có thể đụng chạm tới cái bản chất của người bị tước mất đi cái vai trò mình đã đóng. Có lẽ những ông tú như Tú Xương nói để tự diễu mình “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm.”  hay “Hỏi ra quan ấy ăn lương…vợ”.

Chỉ có sự đối thoại chân thành cởi mở mới giúp giải tỏa được mặc cảm này, và giúp tương quan không bị tổn thương.

5. Bình tĩnh:

Khi một trong hai người bị mất việc, một gánh nặng chĩu đặt trên vai người kia. với trách nhiệm mang cơm bánh trên bàn và trả hang chục thứ bills. Thực ra gánh nặng không chỉ đặt trên người với trách nhiệm mang cơm bánh trên bàn và trang trải cả chục thứ bills khác nhau, nó còn làm nặng chĩu tâm tư người thất nghiệm, gây cho người đó sự buồn nản, gắt gỏng, mất tự tin.

Tuấn và Ngọc lấy nhau được 5 năm, khi hai người có đứa con đầu lòng, Ngọc nghỉ việc ở nhà nuôi con. Họ tin tưởng Tuấn, với kinh nghiệm vững chãi về computer, kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình, và an vui với mái ấm gia đình. Thế rồi công ty bị thua lỗi và phải cắt giảm nhân viên. Tuấn bị nghỉ việc với hai tháng lương bù đắp.

Ngỡ ngày, run sợ trước một tương lai thật u ám. Không có một lợi tức nào khác, cũng không có một saving nhỏ, họ khó mà sống còn. Ngọc hốt hoảng làm Tuấn tiêu cực hơn. Rồi cả hai bắt đầu lục đục to tiếng. Tuấn cảm thấy mình làm gia đình mất mặt với hàng xóm.

Rút vào thinh lặng ít giờ, Ngọc lấy lại bình tĩnh và xin lỗi Tuấn về phản ứng hốt hoảng của mình. Tuấn cũng thấy cần bìn tĩnh lại. Hai vợ chồng bàn định kế hoạch đối phó với hoàn cảnh mới.

Nhân định rằng họ có thể vẫn cứ đà tiêu pha như cũ vì nghĩ rằng Tuấn có thể có việc mới nội trong hai tháng; nên Tuấn-Ngọc quyết định chỉ tiêu những gì cần thiết nhất như tã cho con, cơm bánh hằng ngày. Hai người cũng quyết định không dùng thẻ tín dụng để tránh tình trạng xài mà chờ sau mới trả.

Tiếp đến, Tuấn-Ngọc quyết định những bills nào phải trả trước bills nào có thể trả sau như: tiền nhà, điện nước, thực phẩm là ưu tiên số một, sau đó tiền xe, tiền bảo hiểm, sau cung là tiền thuốc, tiền quần áo van van.

Một điểm mà vợ chồng Tuấn Ngọc cảm thấy kỳ diệu nhất là hai người cảm thấy mình trưởng thành hơn, biết tự chủ hơn. Thái độ biết ơn nhau và biết ơn đời có một sức mạnh thần thánh giúp họ thấy mọi sự đều tốt và đều có thể.

Sau 9 tháng với lương thất nghiệp Tuấn đã kiếm được việc. Suốt thời gian thất nghiệp tương quan vợ chồng vẫn hòa hợp êm ấm nhờ bình tĩnh đối thoại, đặt kế hoạch và cùng nhau thực hiện kế hoạch.

Thay đổi chính mình thường không xảy ra đột xuất một sớm một chiều nhưng chậm chậm từ nhận thức đến thái độ đến cách cư xử.

Những buổi hội thảo của chương trình Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển giúp ích rất nhiều cặp vợ chồng cũng như cha mẹ với con cái làm quen và sử dụng tiến trình đối thoại cho hiệu quả. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế nếu mọi phần tử trong gia đình cùng nhận định những thay đổi của thể chế phong tục từ “của chồng công vợ” đến tình trạng “của vợ của chồng” và có thể “của vợ công chồng” thì sẽ dễ dàng chấp nhận học cách để giải hòa những bất đồng, biến xung khắc thành yêu thương. Yêu thương là chìa khóa của hạnh phúc và thành đạt. Chương Trình Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình có các khóa hội thảo:

1) Những giai đoạn của hôn nhân;
2) Đối thoại: xin hiểu lòng nhau;
3) Biến xung khắc thành yêu thương;
4) Vì tình yêu, đôi mình cam kết.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Wednesday, April 29 @ 11:04:52 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Mái Ấm Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Mái Ấm Gia Đình:
Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang