Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27816516
page views since June 01, 2005
MS76 - 11/08: Kẻ Hào Phóng

Truyện Ngắn 

Trần Ngân Tiêu

Không hiểu sao Yến lại khoái tôi đi chợ với nàng dù là đi thương xá hay đi siêu thị mua đồ ăn. Ngày xưa còn trẻ khoái đi du dương thì không nói làm gì, còn bây giờ có trăm chuyện phải làm mà cứ phải "chở em đi chợ một chút" thì tôi cảm thấy khó chịu vô cùng.

Nếu đi thương xá thì Yến cứ la cà vào khu quần áo đàn bà coi hết quần áo trong đến quần áo ngoài rồi ôm một vài món vào phòng thử, thử từng cái một bắt mình đứng ở ngoài chờ để Yến thỉnh thoảng bước ra hỏi: "Bộ này được không anh?" Mấy con đầm Mỹ ra vào chỗ đó nhìn tôi mỉm cười nháy nhó cặp mắt làm cho tôi nhột nhạt chẳng ra làm sao. Yến hỏi thì bộ nào tôi cũng nói "được" cả nhưng cuối cùng Yến chả mua bộ nào.



Nếu mà đi siêu thị mua đồ ăn thì tôi cứ phải lẽo đẽo đẩy cái "cart" theo Yến chất những thứ mà nàng muốn mua. Đôi khi thấy mặt mũi tôi nặng chình chịch, Yến khôn khéo:

- Bắt anh đi với em như thế này là để cho anh biết vật giá bây giờ leo thang dữ lắm chứ không rẻ như trước đâu. Đây này, trứng gà trước có 99 "cent" một tá bây giờ hai đồng mấy rồi đó. Thôi anh bỏ thuốc lá đi, hút làm gì cho hại sức khỏe.

Nghe Yến "lý luận" như vậy tôi lộn ruột nhưng không muốn nghe đi nghe lại bài "giáo khoa thư" về thuốc lá nữa nên lặng câm lẩm nhẩm trong đầu: "Chơi vậy thì chơi với ai? Thiếu gì cái bỏ không bỏ lại bảo bỏ thuốc lá? Bỏ thuốc lá thì còn cái gì để… làm?" Để cho mình cảm thấy thoải mái tôi tự an ủi rằng "Thôi cũng được, cũng như là tập thể dục cho máu huyết thông thương chứ cứ bực bội máu nó ứ lên tới cổ thì chỉ thiệt mình thôi".

Thế thì cũng được đi nhưng khi ra xếp hàng trả tiền thì có khi là một cực hình vì phải đứng đợi một dẫy dài mà người nào người nấy chất đầy "cart" khiến đứng chờ cứ ế cả người ra. Chờ lâu đã bực nhưng gặp mấy con mẹ trả bằng thẻ tín dụng lại càng bực hơn vì cái "thủ tục" trả tiền này khiến người chờ phải chờ thêm vài phút nữa.

Như tuần rồi thấy đông người quá, Yến bảo tôi: "Anh đứng chờ đây, em đi coi có món nào rẻ em lấy thêm" rồi le te đi bỏ mặc mình tôi đứng sau con mẹ Mỹ đen có cặp mông nó to bằng hai cái sọt ủn à ủn ỉn xoay tới xoay lui khiến tôi cứ phải đẩy cái "cart" né mông con mụ đó hoài. Đã vậy tới phiên một cô gái trẻ khoảng trên dưới hai mươi, đứng trước tôi ba người, trả tiền bằng cái "cạc" tín dụng hay gì đó mà "vuốt" vào máy đọc thẻ nó cứ đẩy ra. Năm lần bẩy lượt như vậy mà cô ta cứ vẫn tiếp tục dí tấm "cạc" vô vuốt khiến cho thằng cha Mỹ râu quai nón đứng sau tôi bực mình:

- Trông ăn mặc thanh lịch như vậy mà ăn "Food Stamp", chắc xài hết rồi nên nó không "accept" nữa chứ gì? Bắt người ta đợi hoài… bực quá đi. Đông thế này tại sao không mở một "check out" nữa mà lại…

Thằng cha râu quai nói hạ giọng như chỉ để nói với tôi thôi nhưng thật ra cả dẫy đó đều nghe thấy:

- Tại sao trẻ trung mạnh khỏe như vậy lại không kiếm việc làm như người ta mà lại…

Cô gái trẻ ngoảng lại sau nhìn coi ai là người vừa nói ra câu miệt thị vừa rồi thì thằng cha râu quai nón sau tôi chỉ tay vào ngực kên:

- Tôi nói đó cô ạ. Có sao không?

Cô gái không trả lời, mặt đỏ rần, mắt rưng rưng lệ, cô ta mím môi giận dữ quăng tấm cạc mua "Thực Phẩm" tức là "Food Stamp Debit Card" xuống mặt quầy tính tiền, bỏ lại sau xe thực phẩm đi thẳng ra khỏi tiệm. Những người đứng đó lặng yên nhìn qua cửa kính thấy cô ta lên xe đậu gần đó lái đi không hề liếc ngang liếc dọc.

Hồi năm 1975, khi mới đến Mỹ, tôi đã từng dùng "Food Stamp" nên tôi không hề có ý coi rẻ những người dùng thứ này vì phần đông chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc nên tôi hơi bất mãn với cái thằng cha râu quái nón này.

Năm bẩy phút sau đó có một cậu trai vào tiệm không hiểu sao lại chạy lại quầy trả tiền mà tôi đang đứng chờ, hỏi chị thâu ngân rằng có thấy cô gái trẻ cỡ đó, ăn mặc như thế này, có đến mua thực phẩm ở đây không… Chị thâu ngân gật đầu lia lịa bảo cậu trai đó rằng cô ta bỏ đồ ở đây chạy ra khỏi tiệm và lái xe đi mất rồi. Nói xong cô ta cầm tấm "cạc" của cô gái vứt lại hồi nãy đưa cho cậu ta. Chàng trai trẻ đó tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi trống không:

- Tại sao chị ấy lại bỏ đi như vậy?

Tất cả những người đứng trong hàng chờ đợi trả tiền không ai nói gì chỉ ngoái lại nhìn thằng cha râu quai nón đứng sau tôi. Thằng cha ấy không ngần ngại nói:

- Tôi là người đã buông lời miệt thị những người dùng "Food Stamp" khiến cô ta bẽ mặt nên cô ta bỏ đi. Tôi rất tiếc tôi đã giận cá chém thớt vì cái "cạc" của cô đã bắt chúng tôi chờ đợi lâu quá.

Mặt cậu trẻ đó lộ vẻ đầy bất nhẫn nói:

- Ông có biết là ông quá tệ không? Không những tệ mà còn quá tàn nhẫn nữa ông biết không?

- Tôi biết. Tôi biết. Tôi thành thật xin lỗi.

Cậu trẻ đó run run môi:

- Ông có biết là chồng cô ta đã tử trận ở A-Phú-Hãn hai năm trước đây không? Anh ta bỏ lại ba đứa con nhỏ cho người vợ trẻ ông biết không? Họ là "sweet heart" hồi còn ở trường trung học mà bây giờ cô mới có hai mươi ba tuổi mà phải một mình trông nom ba đứa con nhỏ… ông biết cơ cực đến thế nào không?

Thằng cha râu quai nón dơ hai bàn tay ra trước mặt thành khẩn:

- Trời đất! Tôi không biết như vậy. Xin cậu hãy chuyển lời xin lỗi của tôi đến cho cô ta giùm tôi.

Nói rồi anh ta bước tới cái "cart" thực phẩm của cô gái hồi nẫy hỏi cô thâu ngân:

- Những món này đã được trả tiền chưa?

Cô thâu ngân trả lời:

- Chưa, vì máy không chịu nhận cạc của cô ta.

Anh chàng râu quai nón lại quay qua cậu trẻ hỏi:

- Cậu biết nhà cô ta ở đâu không?

- Biết. Vì chị là hội viên nhà thờ chúng tôi.

Anh chàng râu quai nón nói với mấy người trong hàng chờ đợi:

- Xin lỗi quý vị. Cho phép tôi thanh toán mớ này trước nhá.

Nói rồi anh ta mở ví lấy thẻ tín dụng ra đưa cho cô thâu ngân bảo: "Tôi trả cho cô ấy". Khi cô thâu ngân toan ấn nút tổng cộng số tiền thì anh chàng râu quai nón bảo: "Khoan đã" rồi bước lại cái "cart" của anh ta khuân hết thực phẩm để lên quầy bảo tính luôn cho cô gái hồi nẫy. Tưởng thế đã đủ, bỗng anh quay lại nói với số khách hàng vừa mới tính tiền xong đang dừng lại ngó coi chuyện gì:

- Quý vị có ý kiến gì không? Một cô gái trẻ, chồng tử trận ở Trung Đông, phải nuôi ba đứa con thơ dại… quý vị?

Nghe vậy mọi người vội lấy bớt thực phẩm trong "cart" của mình bỏ chung vào một cái "cart" khác cho cô gái và chỉ vài phút là đầy ắp. Anh chàng râu quai nón nhìn mớ thực phẩm một vài giây rồi nói to với cô thâu ngân:

- Chưa có "beef". Cô cho người lấy thêm cho tôi hai tảng mười ký thịt bò đi… à không bốn tảng đi.

Xong xuôi cô thâu ngân ấn nút tổng cộng rồi cầm thẻ tín dụng của chàng râu quai nón vuốt một cái vào máy trả tiền nhẹ như bông… hồng. Anh chàng râu quai nón đẩy hai "cart" thực phẩm lại cho cậu trẻ rồi lấy cuốn chi phiếu ra viết một tờ đưa cho cậu trẻ đó bảo mang đến nhà cô gái giùm. Anh ta dơ tấm chi phiếu lên nói với cậu ta:

- Cái này để cô ta mua một cái tủ đông lạnh tích trữ thực phẩm tươi này nếu không thì sẽ bị ôi thối nhá.

Cậu trẻ nhìn tấm chi phiếu trợn mắt nói:

- Ồ! Ông quả là một người hào phóng.

Chàng râu quái nón nói:

- Không. Tôi không phải. Chồng cô ta mới là người hào phóng…

Yến đã ra từ lúc nào và cũng chứng kiến chuyện này nên sau khi tính tiền xong thấy cậu trẻ đó và anh chàng râu quai nón còn đang loay hoay với hai "cart" thực phẩm nàng cũng nổi hứng mang hai bịch "hot dog" để thêm vào cái "cart" trước mặt anh chàng râu quai nón. Mấy người đứng đó vỗ tay lốp đốp tán thưởng khiến Yến mắc cở nhe răng nói: "Just the thought counts".

Tôi phải công nhận là dân chúng Mỹ rất hào phóng. Dù họ hào phóng vì dư giả hay bẩm tánh thì cũng là tốt vậy. Chuyện này khiến tôi nhớ lại hơn ba mươi năm trước khi đến Mỹ được nhà thờ mướn giùm cho một căn nhà rẻ tiền cũ kỹ nhưng cũng không đến nỗi tệ lắm. Cạnh nhà có anh hàng xóm tên Bob cỡ chạc tuổi với tôi và có lẽ vì lần đầu thấy "Vietnamese" nên tò mò muốn tìm hiểu cứ qua nhà tôi thăm hỏi chuyện trò.

Hồi mới qua đâu có thực phẩm Việt Nam hay nước mắm rau muống gì đâu nên bữa nào vợ chồng con cái cũng nấu một nồi cơm đầy, cá "tuna" dim tiêu hành thơm nức, không thì thịt gà kho kèm theo trứng tráng đánh tì tì thật khoái tỉ. Ở Việt Nam đâu phải ngày nào cũng ăn thịt gà đâu nên quanh đi quẩn lại cũng chỉ có thịt gà hết kho lại luộc không thì chiên. Thằng con nhà Bob thấy vậy một bữa hỏi:

- "Every day you eat this? Rice and chicken?"

Tôi chửi thầm trong đầu: "Mẹ! Không "eat" những thứ này thì mày bảo ông phải "eat" cái gì bây giờ. Lúc đó vì giới hạn tiếng Anh nên tôi và Yến chỉ nhe răng cười. Một chiều vài tuần sau đó bỗng dưng có hai ba xe đến đậu trước sân nhà tôi ở. Một anh Mỹ sồn sồn gõ cửa. Tôi ra mở thì anh ta một tay giữ cánh cửa, một tay ngoắc mấy người nữa ngoài xe. Thế là họ nhào ra mở thùng sau xe khuân vào trong nhà tôi một đống thực phẩm nào là thịt gà, thịt bò, đồ hộp, bánh mì, bột làm bánh, rau tươi, rau hộp, vài ba tảng thịt "ham", "hotdog", v.v., lại còn có cả đồ chơi cho con nít. Ngạc nhiên hơn là họ còn mang vào vài chai xì dầu, nước mắm nữa.

Yến nhìn tôi lo ngại nói:

- Anh à. Mình có mua đâu mà họ đem đến, nhỡ họ đòi tiền thì mình làm gì có tiền.

Xong đâu đó anh Mỹ gõ cửa hồi nẫy chỉ đống thực phẩm rồi chỉ vào tôi nói: "Yours". Tôi thầm nghĩ: Lẽ dĩ nhiên mang để trong nhà ông là của ông rồi, nhưng để cho chắc ăn tôi cũng ráng múa cho nó hiểu, nghĩa là tôi chỉ vào ngực tôi rồi lắc đầu: "No money". Lão ta cười khì bảo: "Free. Right. Free, no pay". Sau đó lão ta cũng chỉ vào ngực lão và chỉ chỏ mấy người đồng hành rồi rặn từng chữ cho tôi hiểu:

- "We, Bob friend".

Lúc đó tôi và Yến đã hiểu phần nào quên cả cám ơn cùng ồ lên một lượt:

- Ồ! Bob? - Tôi chỉ qua hướng nhà bên cạnh nói: "Bob here?"

Tất cả họ đồng cười thoải mái ngân dài: "R... ight".

Cũng tại cái chữ "Free" này mà tôi và Yến dở khóc dở cười với thằng cha bán đất ở nghĩa địa ít tuần sau đó. Thằng cha này có lẽ không còn kiếm đâu ra khách nữa hay sao mà hắn lại chọn nhà tôi gõ cửa. Nghe hắn nói thì có câu tôi hiểu có câu không nhưng chỉ có một câu là tôi và Yến đều hiểu là "Buy one get one free" và nghe có chữ "free" này nên tôi mời hắn vào trong nhà nói chuyện.

Hắn vừa nói vừa vẽ một hồi lâu tụi tôi mới hiểu là nó bán đất chôn ở nghĩa địa. Khi hiểu một chút rồi tôi hỏi nó "where is one free?" thì hắn vẽ một cái hòm ở dưới và một cái nữa đè lên trên. Tôi lắc đầu vẽ hai cái huyệt nằm ngang nhau thì hắn nguây nguẩy nói: "No! No!" rồi chỉ vào hình vẽ của hắn nói: "This OK, not that".

Tôi nói cho Yến hiểu nàng dẫy nẩy lên:

- Ối giời ơi! Thằng này nó điên à? Ai lại làm như vậy, ghê quá anh ơi, thôi tìm cách đuổi nó đi. Free không free thì đừng chứ mình còn trẻ mà nó lại đến nhà gạ bán cái của nợ này.

Sau đó thằng nỡm thấy tốn thì giờ với tụi tôi chỉ vô ích nên tiu nghỉu bỏ đi. Bây giờ nghĩ lại tôi cười thầm "Thằng này không hào phóng chút nào".

Posted on Friday, October 31 @ 10:59:54 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang