Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27891139
page views since June 01, 2005
MS69 - 04/08: Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Mái Ấm Gia Đình

Định Nguyên và Hoàng Lan Chi

(tiếp theo kỳ trước)

HLC: Kỳ trước ông Định Nguyên đề cập đến một số thành quả của nhiều chuyên gia tâm lý và xã hội bên Mỹ. Họ cho thấy là phụ huynh nên tìm hiểu tâm lý phái nữ để đạt được kết quả tốt trong việc dạy con gái trong gia đình. Hôm nay ông Định Nguyên sẽ nói tiếp về đề tài này. Chào ông Định Nguyên.



ĐN: Chào chị Lan Chi. Tháng trước tôi tóm tắt sơ lược tài liệu khảo cứu của hai tâm lý gia Jeanne và Don Elium. Ông bà Elium cho thấy là xã hội và gia đình đối xử với mấy cô khác với mấy cậu. Ngay cả bên những nước Âu Mỹ, chưa chắc là phái nữ và phái nam được đối xử như nhau trong trường học. Bên Mỹ họ cho nam nữ học chung từ hơn nửa thế kỷ rồi chứ không có chia riêng như lúc chúng mình còn đi học bên nước nhà. Chuyên gia tâm lý và xã hội học khám phá ra là các thầy giáo thường hay gọi nam sinh hơn nữ sinh để hỏi. Ngoài ra, có khi thầy đặt câu hỏi, một số cậu mau mắn trả lời trước khi giơ tay nhưng thầy không nói gì. Trái lại, khi mấy cô trả lời mau mắn, thày lại nói các cô nên giơ tay và đợi đến phiên mình để trả lời. Không phải lúc nào cũng như thế, nhưng hiện tượng này xảy ra khá nhiều, đủ để chuyên gia kết luận là nhà trường bên Mỹ có khuynh hướng như trên. Các thầy không cố ý làm thế; chẳng qua là tiềm thức của họ chịu ảnh hưởng của xã hội và nền văn hoá nói chung. Vì vậy họ không ý thức được là có vấn đề này. Hơn nữa, chuyên gia cho ta biết là thầy còn ít để ý đến nữ sinh da đen hơn là nữ sinh da trắng.

HLC: Chà, nếu biết thì quý thầy đã không dám làm vì sẽ mang tội kỳ thị chủng tộc và giới tính. Tuy vậy cũng phải cảm ơn môn Tâm Lý học và Xã Hội học đã giúp con người hiểu thêm về nội tâm và những động lực ngầm làm cho cá nhân và đoàn thể có thái độ và cách đối xử mà ta quan sát hàng ngày. Nhiều khi người trong cuộc không nhận thấy là có hiện tượng A, B, C… Nhờ có chuyên gia khách quan, chúng ta mới thấy được một số vấn đề tiềm ẩn để tìm cách giải quyết.

ĐN: Theo tôi hiểu, đa số thầy giáo nghĩ là nữ sinh cần mẫn hơn nam sinh. Do đó họ hay chú ý đến nam sinh bằng cách phê bình bài vở và khen ngợi để khuyến khích các cậu. Nhiều thầy lo là mấy cậu sẽ không theo kịp nếu thầy lơ là. Một cô bé Mỹ chín tuổi nói: "Thầy của em để ý đến nam sinh nhiều hơn vì họ hay làm lỗi. Lý do: nam sinh thường hay nói chuyện trong khi thầy giảng bài; có khi họ lại trả lời thật lớn giọng khi thầy đặt câu hỏi cho cả lớp. Họ luôn luôn chen lấn, xô đẩy, và tranh chỗ đứng chứ không sắp hàng tề chỉnh." Mấy cậu hay nghịch ngợm chứ không ngoan như mấy cô. Đến khi mấy cô cần thầy giúp, một số thầy lại làm giùm cho xong bài hoặc đề nghị mấy cô nhờ một bạn cùng lớp giúp. Tâm lý gia cho biết là phái nữ cần có liên hệ, giao tế với thầy trong lớp thì họ mới mãn nguyện. Nếu thầy chỉ mau mau làm giùm cho xong bài hoặc để học trò khác giúp thì sự liên hệ và giao tế không dồi dào lắm.

HLC: Điều ông vừa trình bầy thật đúng. Nữ sinh cần sự giao tiếp với các thầy cô. Ngoài ra, trong một lớp có cả nam lẫn nữ, đa số các cô đóng vai trò thầm lặng, phụ diễn phải không?

ĐN: Vâng. Trong trường, tổng số những cô làm chủ tịch uỷ ban xã hội, đọc diễn văn hoặc đóng vai trò lãnh đạo tương đối hơi ít. Mấy cậu hay đảm nhiệm những vai chủ động và trở thành tự tin hơn. Khi mấy cô than phiền là mấy cậu nhiễu sách, nhân viên trường thường nhún vai, cho rằng "tụi con trai nó vậy đó, biết làm sao bây giờ." Mình hiểu là thầy và ban điều hành có lương tâm chứ không tắc trách. Nhưng xã hội và chính quá khứ của họ đã tạo ra những ấn tượng trong tâm khảm của họ.

HLC: Ồ, thưa ông, mình hiểu là thầy hoặc ban Điều Hành không tắc trách đâu nhưng nếu họ cứ làm ngơ thì mấy cô cậu sẽ quen với cảnh nam sinh được quyền nhiễu sách trong khi nữ sinh phải thụ động và chịu đựng. Đến khi họ trưởng thành, có con cái, họ lại tiếp tục dung túng tình cảnh này cho thế hệ sau, điều đó thật không ổn tí nào.

ĐN: Vâng. Trước khi đọc những tài liệu nói về tâm lý phái nữ và phái nam, tôi không biết gì mấy. Do đó tôi nghĩ rằng phụ huynh nên biết thêm về tâm lý học và xã hội học để có thể hướng dẫn cho con gái trong nhà có được một đời sống tâm lý thoải mái hơn khi họ trưởng thành. Bên Mỹ giáo sư thể dục thường khuyến khích nam và nữ sinh chơi thể thao một cách bình đẳng. Những giáo sư tốt bụng đó quên là nhiều nữ sinh không quen chơi những trò mà nam sinh đã từng chơi từ nhỏ, do đó nữ sinh không đủ nhanh nhẹn và dễ chán nản khi phải tham gia. Một số thầy quên chia số người nhiều/ít kinh nghiệm một cách đồng đều cho hai đội. Nếu phụ huynh khuyến khích nữ nhi chơi thể thao từ nhỏ thì sau này nữ sinh đỡ bị lạc lõng.

HLC: Rất đúng, có lẽ các bậc phụ huynh nên khuyến khích con gái chơi thể thao từ nhỏ. Ngoài ra, theo ông thì trong lớp học, sách giáo khoa dùng trong trường cho những môn sử địa thích hợp cho cả hai phái hay có vẻ hợp cho phái nam hơn?

ĐN: Tâm lý gia Jeanne và Don Elium viết về đề tài này trong quyển sách nói về cách dạy dỗ con gái. Hội Phụ Nữ Tốt Nghiệp Đại Học, chi khu California nhận thấy là sách có nhiều mục hợp với nam sinh hơn là nữ. Thí dụ, sách sử có nhiều chi tiết về chiến cụ và những trận đánh lớn, do đó được nam sinh ham chuộng nhiều hơn là nữ sinh. Nữ sinh không thích nghiên cứu về oanh tạc cơ, chiến xa, súng ống, v.v. Trái lại, họ thích đọc về mối tương quan giữa những nhân vật chính và những người chung quanh. Nếu sách sử ghi thêm chi tiết về những người thuộc phái nữ thì chắc nữ sinh sẽ học bài một cách thích thú hơn. Ngoài ra, đa số sách truyện có tính cách giáo dục diễn tả nhân vật phái nam là mạo hiểm, dũng cảm và có tài lãnh đạo trong khi đa số nhân vật phái nữ là nội trợ hoặc đóng vai trò phụ thuộc.

HLC: Chà, tâm lý phụ nữ mà ông. Nếu sách sử ghi gương về phụ nữ thì đương nhiên nữ sinh sẽ học một cách thích thú hơn. Theo tài liệu sách vở thì cách đây 18 năm, một nhóm chuyên gia giáo dục cho thấy là trong số sách đọc thêm ở bậc trung học bên Mỹ, chỉ có 10 phần trăm tác giả là nữ giới. 100 phần trăm tác giả là dân Mỹ trắng, không có quyển nào của tác giả gốc dân thiểu số ngoại quốc như Á, Phi, Nam Mỹ, Trung Đông, v.v. Tuy nhà trường không có chủ ý đề cao phái nam và người Mỹ gốc Âu Châu, nhưng xã hội và văn hoá có ảnh hưởng sâu đậm trong học đường. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều nữ sinh theo học những ngành khoa học và kỹ thuật, phải không ông?

ĐN: Vâng. Trình độ toán của nữ sinh bên Mỹ mỗi ngày một cao hơn. Tuy nhiên, nam sinh học những lớp toán cao cấp ở bậc trung học vẫn đông hơn, và đa số những học sinh có điểm cao nhất vẫn là nam. Trình độ khoa học của hai phái vẫn cách biệt giống như 30 năm trước. Có lẽ con trai được phụ huynh khuyến khích tò mò, sục sạo và mạo hiểm từ nhỏ cho nên dễ quen với việc nghiên cứu khoa học khi vào trung học vì nghiên cứu khoa học đòi hỏi học sinh phải chịu khó thử hết giả thuyết mới mẻ này đến giả thuyết mới mẻ khác.

HLC: Khi một số nữ sinh nổi bật trong lớp toán thì học sinh và thầy nghĩ sao?

ĐN: Có hiện tượng lạ lùng là chính những cô đó cho rằng điểm cao của họ là do học chăm trong khi những cậu lại nghĩ là nhờ tài năng của mình. Đa số cha mẹ Mỹ cũng nghĩ thế. Nhiều thầy Mỹ cũng nghĩ là nam sinh có năng khiếu về toán và khoa học. Ngược lại, đa số gia đình gốc Á Châu nghĩ rằng phái nữ có khả năng tương đương với phái nam. Đó là điều tốt. Tuy vậy, một ít gia đình Á Châu có quan niệm giống như đa số gia đình Mỹ, tức là con gái không thể, và không cần giỏi toán và khoa học bằng con trai. Chúng tôi đề nghị là mình nên khuyến khích nữ sinh học toán và khoa học cho giỏi, không khác gì mình khuyên nam sinh.

HLC: Lạ thật đấy, vì sao một số cô lại nghĩ họ giỏi toán là vì chăm. Thế phụ huynh nên khuyến khích nữ sinh bằng cách nào?

ĐN: Khá nhiều thầy Mỹ nghĩ rằng nữ sinh không học kỹ toán, lý, hoá cũng không sao vì "con trai mới cần khá về những môn này." Nếu thầy của nữ sinh theo quan niệm cổ đó, phụ huynh nên theo dõi việc học để nữ sinh có căn bản vững chắc. Phụ huynh nào có khả năng thì nên dành thời giờ kèm thêm nữ sinh. Bà Sharon Luck, đại học Pennylvania, nghĩ rằng nữ sinh sẽ học khoa học mau chóng nếu có dịp thí nghiệm trực tiếp với chim chóc, trồng thảo mộc trong vườn, nuôi kiến, dùng kính phóng đại để nghiên cứu côn trùng và hoa lá, dùng viễn vọng kính để xem trăng sao, và thí nghiệm với nam châm và pin điện, v.v.

HLC: Chà, nếu có thì giờ và điều kiện để cho con mình thực hành thì quá tốt thưa ông. Nhưng trên thực tế thì phụ huynh thường bận bịu với việc đi làm và đủ thứ linh tinh khác. Lẽ ra nhà trường nên cho học sinh thực hành những điều mà ông vừa nói như nuôi chim hay trồng cây... Tôi thiết tưởng có thể chia lớp học thành nhiều đội và luân phiên. Khi thì đội A cho chim ăn, khi thì đội B trông coi cây cỏ và ngược lại. Vậy khi mua đồ chơi, phụ huynh nên tìm những món gì để giúp con em phát triển khả năng toán?

ĐN: Có khá nhiều nữ sinh giỏi toán từ nhỏ, nhưng đến tuổi 12, 13 thì không còn được điểm cao nữa vì họ không được thầy và gia đình khuyến khích. Phụ huynh nên tìm những đồ chơi cần dùng đến đầu óc như cờ tướng của Tây Âu (tiếng anh gọi là "chess") hoặc cờ tướng của Trung Hoa và Việt Nam; những món cần phải ráp hoặc chồng lên nhau thành hình dạng nào đó như bộ Legos, giấy xếp origami kiểu Nhật Bản, dụng cụ để ráp và sửa đồ trong nhà như búa, kìm, thước thợ, v.v. Tuy nhiên, sau một thời gian khuyến khích, nếu nữ sinh thực sự không thích học toán thì phụ huynh không nên ép buộc quá độ. Phụ huynh nên giúp nữ sinh phát triển tài năng thiên phú khác của cô.

HLC: Vâng, sau này học sinh được hướng dẫn và có nhiều điều kiện hơn thời xưa. Các trò chơi và ngay cả các game cũng có thể luyện cho học sinh về nhiều phương diện tuỳ mục đích của phụ huynh như luyện toán, luyện óc quan sát… Mỗi cô bé có cá tính, tài năng, và quan niệm riêng về thành công và hạnh phúc. Ông Định Nguyên này, tôi nhận thấy tuổi trẻ thường hay theo đòi bạn bè và phong trào đương thời. Ví dụ cùng thích một mẫu thời trang hay một bài hát. Điều này cũng gây khó khăn cho quan hệ giữa phụ huynh với con cái vì có nhiều nhà không chịu được kiểu tóc "dị hợm" hay cái mốt áo không giống ai. Tuy vậy, có lẽ ở thời buổi này, cha mẹ phải nghĩ kỹ xem hạnh phúc thực sự là gì, cái gì có giá trị thực sự trong cuộc đời này, và những phong trào đương thời có gì xung khắc với những giá trị thực sự đó hay không phải không ông? Nếu cha mẹ tìm được câu trả lời chính đáng thì sẽ khuyên bảo con cái được một cách dễ dàng hơn.

ĐN: Mỗi gia đình, mỗi cô bé là một trường hợp độc nhất. Không có công thức chung để áp dụng cho tất cả mọi trường hợp được. Cha mẹ nên cố tìm ra câu trả lời sau khi tự vấn rồi mới hướng dẫn cho con cái được. Có khi cha mẹ cũng cần liên lạc với những cha mẹ khác để trao đổi kinh nghiệm khi trong nhà đang căng thẳng vì mình đang cố lèo lái cô bé trong khi bạn cô lại rủ cô theo hướng đi khác. Chia xẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến rất hữu ích, có thể giúp nhau thành công trong việc giáo dục con cái. Còn có một khía cạnh tâm lý rất quan trọng, đó là phái nữ nghĩ theo một kiểu, còn phái nam nghĩ theo kiểu khác. Không phải là bên này đúng và bên kia sai đâu. Trời sinh ra hai phái có sự khác biệt như vậy đó. Trong quyển sách của ông bà Elium có một thí dụ như sau.

Vợ nói: Anh chả bao giờ giúp em làm việc nhà!

Chồng nói: Em nói gì lạ vậy? Anh rửa chén; anh đón các con; anh cắt cỏ!

Vợ nói: Đấy! Anh lại muốn được huy chương và khen thưởng vì giúp việc nhà.

Chồng nói: Không phải. Anh chỉ muốn chứng minh là anh có làm việc nhà.

Vợ nói: Thực ra, em không than về có làm hay không làm việc này việc nọ.

Chồng nói: Nếu em không than về việc này việc nọ trong nhà, tại sao hồi nãy em nói là anh chả bao giờ giúp em làm việc nhà?

Vợ nói: Anh ít khi nghe em. Anh ít khi có mặt ở nhà lúc cần.

Chồng nói: Em nói sao? Anh mới nghỉ thêm ngày thứ sáu để ở nhà 3 ngày liền trong weekend vừa rồi mà. Anh bận rộn sửa chữa máy móc trong nhà, trồng cây ngoài vườn, sơn hàng rào, v.v trong mấy tháng nay mà chưa xong hết vì quá nhiều thứ phải làm.

Người chồng chưa nói dứt câu thì vợ đã đi chỗ khác vì cô ấy bực dọc và thấy không giải quyết được. Người chồng cũng cảm thấy bực dọc và nhức óc vì không hiểu vợ mình muốn gì.

HLC: Thí dụ ông vừa đưa ra cho thấy là có yếu tố tâm lý nào đó làm cho hai người không thấy được quan điểm của nhau dù là họ có thiện chí và cố gắng. Từ điều này, thì nếu hiểu được tâm lý của phái nữ, có lẽ sẽ giúp cho phụ huynh dạy con gái mình hữu hiệu hơn phải không ông?

ĐN: Bộ óc, tâm lý và tâm hồn của phái nam có điểm khác biệt với phái nữ. Phái nam quen nghĩ theo chiều hướng "đặt mục đích", "giải quyết vấn đề", "làm một công việc hay dự án". Khi một người thuộc phái nữ bước vào phòng, người ấy tự động nghĩ đến "cộng đồng" trong phòng và liên hệ giữa những người trong nhóm đó. Trong gia đình cũng thế; những liên hệ và nhu cầu của "cộng đồng gia đình" sẽ giúp họ biết những việc nào phải làm, và việc nào phải làm trước, việc nào làm sau. Người chồng thì làm việc nhà cũng nhiều, nhưng theo một thứ tự khác. Bởi vậy hai bên có khi bất đồng ý kiến. Để hiểu được thí dụ kể trên một cách rõ ràng hơn, ông bà Elium kể lại tình cảnh của gia đình họ như sau.

Ông chồng Don: Lúc còn độc thân, tôi rảnh rang vì lâu lâu mới phải làm việc nhà. Sau khi lập gia đình, Jeanne than là tôi không giúp làm việc nhà. Tôi bèn tập làm lụng trong 10 năm liền. Kết quả là tôi biết chùi bếp, đánh bóng sàn nhà, sửa cho cửa không bị kẹt, gấp quần áo mới giặt, và cọ phòng tắm. Thỉnh thoảng nhà tôi vẫn than là tôi chẳng giúp gì cả. Tôi hoang mang vô cùng. Tôi muốn làm những gì có thể làm cho vợ tôi vui và dịu dàng với tôi hơn

Bà vợ Jeanne: Lúc mới lấy nhau, đôi khi tôi quá mệt mỏi vì tôi phải thiết kế cho cả nhà. Có khi tôi chỉ muốn trở lại thời còn độc thân. Nhà tôi cố gắng giúp việc nhà. Nhưng nhiều khi anh ấy không biết là có việc cần phải làm trước chứ không thể để lâu được. Có khi Don làm một việc sửa chữa hoặc sơn phết đòi hỏi nhiều thời gian và nghị lực trong khi có một lô việc vặt cần phải làm ngay trước mắt.Tóm lại, lúc đầu tôi cho rằng Don không bao giờ hiểu được vấn đề và tôi vẫn là người phải gánh những việc vặt, rất nhiều việc vặt phải làm hàng ngày.

Don: Tôi chịu thua. Tôi nghĩ rằng sự cách biệt giữa nam và nữ lớn đến độ tôi không thể hiểu và giải quyết được.

Jeanne: Lúc đó tôi cũng chịu thua. Tôi hỏi bạn cùng lứa tuổi. Mấy cô cười khúc khích và cho biết là chồng họ cũng thế, "nhiều lúc không có vẻ trưởng thành chút nào." Một cô bạn của tôi cho một bí quyết: cô ta và chồng đồng ý dùng dấu hiệu chung khi người chồng đi lạc hướng. Dấu hiệu đó là: "Anh ơi, nhớ dùng tâm lý của cộng đồng gia đình."

Don: Khi nhà tôi nói là đàn ông nhiều khi thiếu trưởng thành, tôi cảm thấy hơi buồn. Nhưng lỡ mấy cô nghĩ đúng thì sao? Tôi quyết định dùng tâm lý của cộng đồng gia đình trong một ngày liền xem sao. Kết quả rất khả quan. Tôi xin kể một thí dụ về việc nhà là cho mèo ăn: lúc trước, tôi mở hộp kim loại ("can") đựng đồ ăn mèo và mang hộp đã mở nắp ra garage (chỗ chúng tôi để đĩa của mèo). Tôi cho đồ ăn vào đĩa của mèo, để hộp không gần thùng rác, xong rồi vô nhà. Bây giờ (dùng tâm lý của cộng đồng gia đình): khi cầm hộp đồ ăn mèo đi ngang qua chỗ để máy giặt, tôi thấy quần áo mới giặt cần phải bỏ vào máy sấy. Tôi bèn bỏ quần áo ướt vào máy xấy. Tôi thấy máy sấy có nhiều tơ vải từ quần áo đóng trong bộ phận lọc.Tôi gỡ hết những rác rến đó và vặn nút cho máy sấy chạy. Trước khi đổ đồ ăn vô đĩa của mèo, tôi rửa sạch đĩa. Đồng thời tôi thấy bát nước uống của mèo cạn nước. Tôi bèn đổ thêm nước vô. Hộp bằng kim loại thì tôi tráng bằng nước rồi bỏ vào thùng đựng những đồ bằng kim loại và plastic để xe rác mang đi khu tái dụng (recycle). Khi bắt đầu rời khỏi garage, tôi thấy một vài thứ lặt vặt không biết rớt xuống đất từ bao giờ. Tôi nhặt lên và bỏ lên kệ. Tóm lại, sau khi tôi bắt đầu dùng tâm lý cộng đồng để xem gia đình cần tôi giúp những việc vặt gì, tôi mới thực sự chung lo việc nhà với Jeanne.

ĐN: Vâng, sau khi tìm hiểu và áp dụng "Tâm lý cộng đồng" thì mọi việc có vẻ khả quan hơn, bà vợ hài lòng hơn. À, bây giờ tôi nói sang cái này cho chị Lan Chi nghe nhé. Chị Lan Chi có biết là giây thần kinh của phái nữ nhạy hơn phái nam ngay từ lúc sơ sinh không. Đàn ông vỗ đôm đốp vào lưng nhau lúc vui và không thấy gì lạ, nhưng nếu họ vỗ mạnh như vậy vào lưng một phụ nữ thì cô ấy sẽ thấy đau vì thần kinh phụ nữ nhạy cảm hơn nhiều. Đó là một thí dụ cụ thể là thần kinh hai phái có sự khác biệt bẩm sinh. Ngay sau khi chào đời được 3, 4 ngày, những em bé gái thích nhìn mặt của người lớn lâu hơn, dù người đó có nói năng hay không. Mấy em bé trai không chú ý đến mặt của người lớn lâu như vậy. Mấy tháng sau, mấy bé trai và bé gái nằm trong nôi đều thích "nói" bi ba bi bô với người chăm cho mình. Khi người lớn ra khỏi phòng, mấy bé trai tiếp tục chơi trò nói chuyện với những món đồ chơi treo gần nôi hoặc những đồ vật khác trong khi mấy bé gái ngưng trò chơi nói chuyện sau khi người lớn đi khỏi. Tóm lại, phái nữ đặt nặng liên hệ giữa người với người. Họ không coi trọng vấn đề "đạt được kết quả" bằng phái nam, mà coi trọng tương quan, liên hệ với những cá nhân trong một gia đình, một nhóm hay một cộng đồng. Trong nhà, khi con gái nhỏ hỏi mẹ, cô bé thường hỏi mẹ làm gì đó và tại sao bà phải làm việc đó. Cậu bé trai nhỏ thì thường hỏi là tại sao làm như thế lại đạt được kết quả này nọ, thí dụ tại sao khi máy xay đồ ăn làm việc thì đồ ăn lại bị nghiền nhỏ. Cô bé gái chú trọng đến liên hệ với mẹ khi cô hỏi và mẹ trả lời. Cậu bé trai thì muốn biết lý do của một sự kiện chứ không chú trọng nhiều đến sự gần gụi giữa hai cá nhân khi có liên hệ và đối thoại với nhau.

HLC: Chà, nghe được điều quan sát này thú vị thật đấy, thưa ông Định Nguyên. Thú thật, dù có hai con, một trai một gái nhưng tôi ít chú ý khi chúng còn nhỏ, lúc mình không nói chuyện nữa thì phản ứng chúng ra sao. Đây cũng là một trong những khác biệt bẩm sinh giữa hai phái. Đúng là nhờ nhiều chuyên gia nghiên cứu, quan sát và thí nghiệm trong nhiều năm, tâm lý học mới có tiến bộ này. Dựa vào điều đó, mình hiểu tâm lý phái nữ hơn. Trên thực tế thì ai cũng biết, con gái gần gũi và chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Nhưng không có nghĩa là con trai không có tình. Chẳng qua, họ không muôn thể hiện đó thôi. Khi cần xảy ra việc, con trai mới chứng tỏ sự quan tâm của họ. Tôi cứ nhớ mãi thuở con trai tôi mười bẩy tuổi. Tôi không thấy nó biểu lộ tình cảm gì nhưng khi thấy hàng xóm ức hiếp mẹ thì lúc đó cậu ta xuất hiện và ra tay bảo vệ mẹ ngay. Cũng thú vị ông DN ạ.

ĐN: Vâng. Như chị nhận xét, trời sinh ra con trai và con gái có sự khác biệt. Ngày xưa tôi nghĩ là nếu hai bên thực lòng thì thế nào cũng hiểu được nhau, giống như tôi và mấy anh bạn học cùng lứa tuổi dễ hiểu ý nhau. Sau này tôi mới biết là bộ óc, tâm lý và tâm hồn của phái nam có điểm khác biệt với phái nữ. Thực sự chỉ từ 20 năm nay các tâm lý gia và khoa học gia mới công nhận chuyện này. Trước đó họ cũng không rõ lắm. Khi mình biết là có sự khác biệt và sự khác biệt đó như thế nào thì có hy vọng giảm thiểu được những hiểu lầm. Tôi xin lập lại một dữ kiện quan trọng mới nói hồi nãy. Phái nam quen nghĩ theo chiều hướng "đặt mục đích", "giải quyết vấn đề", "làm một công việc hay dự án". Khi một người đàn ông bước chân vào một phòng mà trong đó đã có một số người, bất kể đó là một cuộc tiếp tân hay một buổi họp ở sở, người đàn ông đó nghĩ ngay đến ai là người sẽ làm cho không khí dễ chịu hơn cho mình trong phòng này, hoặc ai sẽ giúp mình đạt được mục đích của mình. Trái lại, khi một người thuộc phái nữ bước vào phòng, người ấy tự động nghĩ đến "cộng đồng" trong phòng và liên hệ giữa những người trong nhóm đó. Trong gia đình cũng thế; những liên hệ và nhu cầu của "cộng đồng gia đình" sẽ giúp họ biết những việc nào phải làm, và việc nào phải làm trước, việc nào làm sau. Có nhiều ông chồng làm việc nhà cũng nhiều, nhưng theo một thứ tự khác, không ăn khớp với nhu cầu hàng ngày của gia đình. Bởi vậy hai bên có khi bất đồng ý kiến. Chị Lan Chi ơi, bây giờ đã hết giờ, tôi xin hẹn đến kỳ sau để nói tiếp về đề tài này.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Thursday, March 27 @ 16:25:43 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Mái Ấm Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Mái Ấm Gia Đình:
Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang