Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27809733
page views since June 01, 2005
MS69 - 04/08: Xuân Về Nhớ Bạn

Truyện Ngắn

Nguyễn Đức Nam

Anh Nguyễn Đình Quý tốt nghiệp khóa 17 trường BB Thủ Đức và khóa 17 Quân Cụ, ngành Quân Xa. Anh là người miền Bắc nhưng lớn lên ở Đà Lạt, học sinh Trần Hưng Đạo và trước khi nhập ngũ, anh là giáo sư trường trung học Việt Anh. Khi ra trường, anh được bổ nhiệm về Đà Lạt, phục vụ tại Đại Đội 851 Quân Cụ. Nhà anh ở rất gần đơn vị nên bạn bè cũng như gia đình đều mừng vì anh là con trai duy nhất. Gia đình luôn luôn cần anh để săn sóc song thân già yếu và các em gái nhỏ dại.



Vì là "dân" Đà Lạt, lại từng là giáo sư trung học, anh Quý quen biết cả tỉnh và đi đâu cũng được quý trọng, lo việc gì cho đơn vị, nhất là việc giao tế nhân sự, đều dễ dàng, nhanh chóng.

Tôi nhập ngũ năm 1965, sau phần huấn luyện quân sự tại trường Bộ Binh Thủ Đức, sang giai đoạn 2, được chọn về trường Quân Cụ học chuyên môn. Ra trường năm 1966, tôi xin được về phục vụ tại vùng 4 vì tôi thích sống ở vùng này và hơn nữa người yêu của tôi lúc ấy là nữ sinh Gia Long, quê ở Rạch Giá.

Nhờ đỗ khá cao và cũng làm đơn thỉnh nguyện, tôi được chấp thuận về Cần Thơ. Cầm Sự Vụ Lệnh trong tay, tôi đến khoe với gia đình người yêu. Tất cả đều vui mừng vì cho rằng Cần Thơ là nơi sống lý tưởng cho vợ chồng tôi sau này và họ có thể ghé thăm chúng tôi thường xuyên khi về hưu tại Rạch Giá.

Nhưng ngay ngày hôm sau, Lưu Trung Hiếu, người bạn cùng khóa, đưa vợ sắp cưới đến thăm tôi. Hiếu là người bạn miền Nam rất thân của tôi. Hiếu nhỏ bé, hiền lành, lúc nào cũng tươi cười, nhưng đậu khá thấp nên không được ưu tiên chọn nhiệm sở. Mặt Hiếu buồn thiu, nói với tôi không thành lời: "Bạn là dân Bắc Kỳ, không chọn chỗ gần quê quán được thì ở đâu cũng vậy, chọn Cần Thơ làm chi, đổi cho moa đi. Đại Đội Cần Thơ chỉ cách nhà bà xã moa một cây cầu, bạn làm giấy hoán chuyển với moa ngay bây giờ thì dễ lắm, chỉ vào phòng Nhân Viên ký tên là xong ngay".

Tôi thấy Hiếu có lý. Mình là dân Hà Nội, có đơn vị yểm trợ trực tiếp nào ở đây đâu mà xin "phục vụ gần nguyên quán!". Nhìn bộ mặt buồn thiu buồn chẩy, không giống khuôn mặt Lưu Trung Hiếu tươi vui hàng ngày và nhất là nhìn ánh mắt hoen ướt của người đẹp Cần Thơ, vợ tương lai của Hiếu, tôi thấy lòng rung chuyển. Tôi đồng ý nhưng không biết vì lý do gì, Thiếu Tá Trưởng Phòng Nhân Viên khi nghe thỉnh nguyện, đưa tôi vào trình diện Trung Tá Cục Phó P.T.Th. Tôi muốn "tá hỏa tam tinh", tưởng phen này bị đuổi ra khỏi Quân Cụ rồi. Nhưng Trung Tá Th. không mắng mỏ như tôi tưởng. Ông ôn tồn hỏi: "Chuẩn Úy nghĩ kỹ chưa? Chuẩn Úy đỗ đầu lớp Tiếp Liệu, có thể chọn Đại Đội tân lập ở Thủ Đức vì đơn vị đang cần Sĩ Quan Tiếp Liệu. Chuẩn Úy đòi về Cần Thơ rồi bây giờ lại muốn hoán chuyển cho bạn là làm sao?"

Sau khi nghe tôi trình bầy lý do "Bắc Kỳ đi đâu cũng thế thôi", Trung Tá Th. gật đầu: "Có ý giúp bạn, giúp người như thế rất tốt". Tôi không dám kể về những phản ứng của gia đình người yêu Gia Long, về những nức nở, những giọt nước mắt của nàng cùng những lời mắng mỏ của gia đình tôi vì tôi không muốn làm mất thời giờ của quý vị và thực sự tôi cũng không muốn nhớ lại những chuyện đau lòng ấy, chỉ làm tôi buồn khổ thêm.

Tôi bay ra Nha Trang và Thiếu Tá Liên Đoàn Trưởng hỏi bằng giọng người miền Nam thật thân mật: "Tui biết anh hoán chuyển cho bạn về Cần Thơ và xin ra đây. Anh muốn ở Nha Trang Phan Thiết, Đà Lạt hay Lâm Đồng?"

Nha Trang đẹp quá, mình vẫn thường ra Nha Trang tắm biển, nhưng Đà Lạt thơ mộng thì mình mới được thăm có một lần. Tôi trả lời ngay:

- Xin Thiếu Tá cho tôi lên Đà Lạt vì trên ấy có trường đại học, tôi có thể ghi danh học thêm.

Thế là tôi được lên Đà Lạt, được gặp anh Nguyễn Đình Quý. Trong những ngày tháng đầu tiên của tôi ở Đà Lạt tôi ở nhà anh Quý, sống trong gia đình anh như một thằng em trai, bên Ngân và Nga, hai cô em gái học Couvent des Oiseaux của anh. Anh đưa tôi đi ghi danh môn Chính Trị Kinh Doanh của Viện Đại Học Đà Lạt. Tôi không mang theo đầy đủ giấy tờ do Đại Học Sài Gòn cấp nhưng cũng được ghi danh và bổ túc hồ sơ sau nhờ sự quen biết của anh Quý.

Anh Quý thường đưa tôi đi ăn, nhiều khi cuối tháng hết tiền, nhà hàng cho ghi sổ, lúc nào lãnh lương mới phải trả. Có tối, chúng tôi đi phòng trà, nghe Khánh Ly hát. Nếu muốn khiêu vũ thì cứ vô tư, thoải mái vì anh Quý quen với bà chủ hộp đêm, ít khi phải trả tiền. Nhờ vậy mà một Chuẩn Úy nghèo mới biết khiêu vũ và cứ ăn chơi dài dài, làm cho gia đình người yêu ở Sài Gòn nghe được tin, rất lấy làm "sốt ruột", bàn tính chuyện cho nàng lên Đà Lạt trọ học.

Trong đơn vị, anh Quý dậy tôi đủ thứ vì những gì mình học được trong trường không đủ và nhiều khi chỉ có tính cách lý thuyết. Anh Quý tập cho tôi lái xe rồi đưa tôi đi thi lấy bằng. Khi tôi muốn ra ở riêng vì người yêu Gia Long của tôi đã bỏ Sài Gòn lên Đà Lạt, theo học trường Bùi Thị Xuân thì anh Quý liên lạc với Tiểu Khu Tuyên Đứ; xin cho tôi được một phòng trong nhà vãng lai trên con đường La Rose, gần viện Pasteur. Ngôi nhà rất xinh xắn, nhìn ra những vườn hồng rực rỡ, thật là thơ mộng.

Với tôi, anh Nguyễn Đình Quý không chỉ là một niên trưởng, một cấp chỉ huy mà còn là một người anh trong gia đình, một người bạn khi đi ăn chơi, một ân nhân khi mình cần giúp đỡ, một người Thầy có lương tâm. Tóm lại, anh Nguyễn Đình Quý là Thần Tượng của tôi.

Nếu tôi nhớ không lầm thì vào giữa năm 1967, công ty RMK của Mỹ hoàn tất việc xây cất doanh trại mới cho Đại Đội 851 Yểm Trợ Trực Tiếp Quân Cụ tại khu đất phía sau Dinh 3 của vua Bảo Đại. Doanh trại mới của chúng tôi, khác hẳn với doanh trại cũ mà chúng tôi thường gọi đùa là "chuồng ngựa của Ngự Lâm Quân." Tuy nhiên, doanh trại mới, theo tôi, không được an toàn cho lắm vì nằm trên một ngọn đồi đã được san phẳng, chung quanh là những đồi cao, giống như lòng chảo Điện Biên Phủ và đáng sợ hơn nữa bên kia cổng trại là một nghĩa trang hoang vắng. Tôi thường nghĩ: nếu quân địch muốn dò thám đơn vị tôi, chúng có thể từ những đỉnh đồi kia quan sát hoạt động của chúng tôi một cách dễ dàng, chính xác. Tôi không hiểu khi công ty RMK thiết lập doanh trại này, đã tham khảo và thừa lệnh của ai. Có lẽ họ nghĩ rằng xây cất doanh trại cho một đơn vị yểm trợ kỹ thuật trong thời bình (vì hồi ấy Đà Lạt là một thành phố vô cùng an bình), nên không quan tâm đến vị trí chiến thuật.

Vào một buổi chiều mù sương, người anh họ của tôi là Hải Quân Đại Tá Nguyễn Đức Vân ghé thăm đã nghiêm trang bảo tôi:

- Đơn vị của chú nhiều ám khí quá, rất nguy hiểm. Chú nên khuyên ông Đơn Vị Trưởng xin Tiểu Khu tăng cường và cần nhất phải có Không Quân sẵn sàng yểm trợ. Riêng chú, nên xin đi phép hay xin thuyên chuyển càng sớm càng tốt. "Thiên cơ bất khả lậu", tôi không nói được, mong chú hiểu.

Tôi trình Đại Úy Đại Đội Trưởng Vũ, những lời khuyên của anh tôi nhưng tôi nghĩ là không ai tin lời anh tôi cả.

Tôi còn nhớ, gần Tết năm 1968, tôi xin nghỉ phép nhưng lại không đi vì lúc đó, Trung Úy Hi đang đi phép. Trong thời gian ấy, đơn vị chỉ còn Đại Úy Vũ, Quý và tôi. Tất cả sĩ quan đều có hầm riêng. Hầm của tôi gần cổng trại. Hầm của Đại Đội Trưởng gần văn phòng BCH. Hầm của anh Quý là hầm truyền tin, ở sâu trong trại một khoảng cách không xa lắm.

Tôi có thói quen đi uống cà phê tối, thường là cà phê Tùng hoặc ở nhà Thủy Tạ.

Một buổi tối cuối năm, tôi đang ngồi ở Thủy Tạ nói chuyện âm nhạc với Thanh Trang (tác giả bài "Duyên Thề", đang là giáo sư của trường Võ Bị) thì được tin Trung Úy Thanh, thuộc Trung Tâm Truyền Tin, ngay bên cạnh trại tôi vừa bị địch bắn chết trên đường vào Trung Tâm. Trung Úy Thanh có thói quen về nhà ăn cơm với vợ con rồi vào trại, đúng 9 giờ tối, ngày nào cũng vậy. Anh Quý thường bảo tôi: cậu coi chừng đấy, địch biết thói quen ấy, thì rất nguy hiểm. Tôi thấy anh Quý nói rất đúng. Do đó, thay vì vào trại ngay sau đó, tôi đưa Thanh Trang về khách sạn Thủy Tiên (là nơi trường Võ Bị thuê cho các Giáo Sư ở) và đàn hát cho đến nửa đêm.

Khi tôi về đến trại thì đã gần một giờ sáng. Cà phê làm tôi trằn trọc, không ngủ ngay được. Tôi tìm một tờ báo đọc lướt qua và rồi chợt thiếp đi.

Đang lúc mơ màng, tôi nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn, những tiếng nổ inh tai, rung chuyển cả hầm trú ẩn. Tôi mở cửa hầm nhìn ra: một khối lửa khổng lồ đang phừng phừng đốt cháy kho xăng. Kho Tiếp Liệu Quân Xa cũng cháy. Kho vũ khí đang nổ tung. Lửa ngập trời, tiếng súng nổ khắp nơi. Chân vẫn còn mang giầy lúc đi ngủ, tôi chụp vội nón sắt và cây Colt 45, chạy băng sang hầm anh Quý. Hầm Quý đổ sụp từ hồi nào. Cách cửa hầm khoảng hai thước, trong ánh lửa chiếu sáng từ kho xăng, tôi nhận ra thân hình cao gầy của Quý. Tôi đến bên anh, quỳ xuống và lay gọi nhưng anh không trả lời. Tôi sờ lên đầu anh. Đầu anh đầy máu. Tôi nghe tim anh. Tim anh không còn đập. Tôi vuốt mắt cho anh, kéo anh vào cửa hầm của anh, nghĩ rằng làm thế cho anh bớt lạnh và tôi nói với anh:

"Nằm đây đợi em. Em sang hầm Đại Úy Vũ xem sao rồi gọi xe cứu thương đến cho anh."

Tôi chạy sang hầm của Đại Úy Vũ. Hầm Chỉ Huy sụp đổ hoàn toàn, lấp cả cửa ra vào. Tôi chạy vòng quanh hầm Chỉ Huy. Thấy có một lỗ thông hơi chưa bị lấp kín, tôi ghé sát vào đó, hét lớn:

- Vũ, Vũ có ở dưới đó không?

Có tiếng rên và tiếng thều thào:

- Em đây, Thắng đây, Thiếu Úy. Em không nhìn thấy gì cả, chắc mù rồi.

Tôi hét:

- Đại Úy đâu?

Thắng rên la:

- Tay em què rồi, không cựa quậy nổi. Chắc Đại Úy chết rồi. Ngay từ đầu, tụi nó đã thẩy mấy trái lựu đạn xuống đây, Đại Úy và em chịu không nổi.

Tôi an ủi Thắng:

- Ráng chịu đau chút xíu nữa, tao đi tìm Thượng Sĩ Phùng, lấy chiến xa chở mày đi bệnh xá.

Tôi chạy về phía sau của doanh trại là nơi có phòng thủ bằng mấy chiến xa M41 và chiếc xe Jeep biến cải thành xe bọc sắt. Theo cơ quan tình báo thì địch có thể dùng lối mòn sau doanh trại để xâm nhập vào thị xã, do đó chúng tôi đã thiết lập một hầm phòng thủ rất kiên cố cho Thượng Sĩ Phùng, một Hạ Sĩ Quan người Nùng, gốc Thiết Giáp và bố trí cho ông hai xe tăng. Tôi mới chạy được nửa đường thì thấy chiến xa và xe Jeep bọc sắt từ phía sau hiên ngang chạy lên. Tôi nhẩy lên chiến xa và bảo Thượng Sĩ Phùng: "Hầm Chỉ Huy và hầm Truyền Tin sập rồi, không liên lạc được với Tiểu Khu và đơn vị bạn, mình phải tự lo thôi".

Sau đó, tôi leo lên xe Jeep bọc sắt do Trung Sĩ Thới lái, quanh về hầm Chỉ Huy. Thới và tôi xúc, bới một lúc thì vào được bên trong hầm của Đại Úy Vũ. Vũ nằm bất động, mình bê bết máu. Hạ Sĩ Thắng, tài xế và cận vệ của Vũ thì một tay ôm cánh tay bị thương, lủng lẳng như sắp rời khỏi vai và mặt đầy máu, mắt nhắm nghiền lại, thở không ra hơi.

Thới và tôi ráng hết sức mới lôi được Vũ và Thắng ra khỏi hầm.

Hầm truyền tin của Quý đã bị phá hủy từ đầu, đường giây điện thoại đã bị cắt nên không liên lạc trực tiếp được với BCH Tiểu Khu. Thượng Sĩ Phùng đã dùng máy truyền tin trên chiến xa và đã liên lạc được với Không Quân, xin thả hỏa châu. Trong đêm tối dầy đặc sương mù, cách mười thước là không nhìn thấy gì. Nhờ Không Quân thả hỏa châu soi sáng cả một vùng núi đồi, chúng tôi đã phát giác được rằng quân thù cũng mặc quân phục như chúng tôi, chỉ khác là không đi giầy. Tôi ra lệnh: cứ thấy ai không đi giầy là bắn, nhờ vậy mà chúng tôi đã diệt được gần hết toán đặc công và đến gần sáng thì một số sống sót đã dìu đồng bọn bị thương thoát chạy bằng cổng chính, qua khu nghĩa trang.

Theo lời kể của Hạ Sĩ Thức, lính gác cổng thì toán đặc công đã tấn công vào cổng chính (là điều không ai ngờ). Chúng dùng toàn lựu đạn và B40. Hạ Sĩ Thức trúng đạn, bị thương nặng nhưng giả vờ chết nên chúng không để ý. Thức cho biết: từ cổng chính, địch tấn công hầm Truyền Tin của Quý, hầm Chỉ Huy của Vũ, đốt kho xăng, phá kho súng cùng một lúc và dường như chúng đã biết rõ hệ thống tổ chức của đơn vị. Sau này, khi khám xác địch quân, tôi thấy chúng đã có họa đồ phòng thủ của

chúng tôi, biết rõ ràng giờ giấc đi về của các sĩ quan. Đặc biệt trong sơ đồ tấn công, chúng đã bỏ qua hầm trú ẩn của tôi và ghi chú là tôi "đi phép".

Điều đó chứng tỏ chúng có nội tuyến và tên nằm vùng kia phải là người trong phòng Nhân Viên thì mới biết tôi làm đơn xin đi phép. Tuy nhiên, khi tôi hoãn, chỉ nói cho Đại Úy Vũ biết nên chúng vẫn tưởng tôi đi phép nên đã không thẩy lựu đạn xuống hầm tôi.

Sau khi địch rút lui, tôi cho lệnh chuyên chở Vũ, Thắng và vài quân nhân bị thương vào bệnh xá Tiểu –Khu. Một cánh tay Thắng phải cưa. Vũ bị mảnh lựu đạn cắt lủng ruột nhưng cũng may còn vá lại được vì đã được chở đến bệnh viện kịp thời.

Vì phải lo chữa cháy, thu nhặt xác địch, dọn dẹp các kho tiếp liệu, kiểm điểm quân số để báo cáo lên Thượng Cấp, nên khi trời hửng sáng tôi mới có thời giờ mang xác Quý vào một căn phòng chưa bị phá.

Thân thể Quý lạnh ngắt. Tôi lấy khăn ướt lau hết những vết máu trên mặt mũi Quý. Khuôn mặt Quý bình thản như người đang ngủ, không thấy một nét đau đớn nào.

o 0 o

Từ 1968 đến nay, thấm thoát đã 40 năm. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, tôi lại nhớ Quý vô cùng. Nếu kiếp sau, tôi còn phải đi lính, phải chọn đơn vị thì tôi vẫn chọn Liên Đoàn 85 và Đại Đội 851 Yểm Trợ Trực Tiếp Quân Cụ, dù người yêu Gia Long có giận hờn, gia đình nàng có chê tôi là "thằng khờ" và gia đình tôi có mắng tôi là "ngu như con bò". Bởi vì tôi muốn gặp lại anh Nguyễn Đình Quý, tôi muốn sống thêm một kiếp nữa với anh. Tôi rất hãnh diện được quen biết anh và tôi chắc các bạn của anh, gia đình anh, vợ con anh cũng mang niềm hãnh diện đó.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Thursday, March 27 @ 15:40:15 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang